21 tháng 5, 2010

Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?

Cũng như ở nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh, tham nhũng tồn tại ở tất cả các cấp quản lý nhà nước là một vấn đề tồn tại ở Việt Nam. Trên thực tế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ Việt Nam kể từ giữa thập niên 90 vì nó đe dọa uy tín và sự sống còn của chế độ. Do vậy, việc bóc trần những hành vi tham nhũng được nhà nước chính thức khuyến khích, hoan nghênh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện, bóc trần tham nhũng dường như mới đang là một nỗ lực có tính dè chừng. "Bộ công cụ" được sử dụng trong cuộc đấu tranh này khá đa dạng, từ việc tự phê bình của những cán bộ bị phát hiện là có tham gia vào những hành vi tham nhũng, đến việc lập ra các cơ quan trung ương (như Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng) với nhiệm vụ phát hiện tình trạng ăn hối lộ và kỷ luật những người bị phát giác là có tội. Thông tin đại chúng cũng là một trong những công cụ này. Báo chí của Việt Nam do nhà nước quản lý toàn bộ hay một phần, song lại được giao nhiệm vụ phát hiện tham nhũng trong chính phủ - một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự độc lập đáng kể và ở các nước khác thường do báo chí ngoài quốc doanh đảm nhiệm. Hệ quả là, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng quyền tự do biên tập đang diễn ra theo một cách khá đặc biệt.

Trong suốt những năm 2000 tự do báo chí được nới rộng, song năm 2008 lại chứng kiến điều mà nhiều nhà quan sát gọi là “sự đảo ngược” trong tự do báo chí. Năm 2008, hai nhà báo đã đưa tin về một vụ tham nhũng cấp cao đã bị bắt, và ít nhất bảy nhà báo khác (phóng viên kỳ cựu và tổng biên tập) bị rút quyền hành nghề. Ngày 31.12, hai tổng biên tập báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, hai tờ báo đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng phải rời khỏi chức vụ của mình. Các cuộc trao đổi với các nhà báo cho thấy phần lớn vẫn cảm thấy yên tâm trong khuôn khổ của nhà nước, và tiếp tục chỉ đưa tin về những câu chuyện mà họ hoặc tổng biên tập của họ đã được phép trước. Tuy nhiên, một số ít những người làm nghề báo hiện nay tin rằng nhiệm vụ của họ là phải vạch trần tham nhũng, và càng ngày họ càng muốn phớt lờ những “hướng dẫn” trong việc đưa tin mà nhà nước đề ra khi họ viết bài. Song do đưa tin điều tra là một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, nên những người hành nghề thường thiếu những kỹ năng cần thiết và nguồn lực để làm tốt việc phơi bày các vụ việc tham nhũng. Có thể nói mặc dù viết báo chống tham nhũng có tăng – và có lẽ tăng đáng kể - cả về phạm vi và số lượng, song chất lượng của bài viết thường còn rất kém. Quyền năng – báo chí có thể nêu tên và chỉ đích danh người bị liên quan mà ít khi có đính chính cho những người bị ảnh hưởng, và sự yếu kém của báo chí (trong đó nghiệp vụ báo chí yếu kém đồng nghĩa với khả năng báo chí có thể sử dụng quyền năng đó một cách không đúng đắn) làm dấy lên mối quan ngại của nhà nước – chủ thể quản lý báo chí hiện nay, và của cả những người mà giới báo chí tiếp xúc khi tìm hiểu về một vụ việc nào đó.

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu năm cơ quan báo chí khác nhau, từ tổ chức có tính điều tra rất cao (theo chuẩn mực của Việt Nam) đến tổ chức hoàn toàn nằm trong sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hoạt động như thế nào trong việc đưa tin chống tham nhũng trong hai năm 2006 và 2007. Nghiên cứu có sử dụng ba nguồn dữ liệu đó là tài liệu nghiên cứu, phỏng vấn và phân tích nội dung báo chí để phân tích việc đưa tin và tìm hiểu xem các nhà báo làm việc như thế nào trong lĩnh vực còn mới mẻ và rất nhạy cảm này. Nghiên cứu rút ra những phát hiện như sau: Hoạt động đưa tin bài về tham nhũng của báo chí trong giai đoạn nói trên khá mạnh và có tầm bao quát rộng. Báo chí Việt Nam hoạt động khá mạnh trong việc đưa tin chống tham nhũng, bao gồm phơi bày những vụ việc mới, theo dõi hành động của Chính phủ và dành chỗ cho công luận đưa ra ý kiến tranh luận về tham nhũng. Tuy nhiên, bất chấp kỳ vọng được tập trung vào khía cạnh đầu tiên nhắc tới ở trên là phơi bày tham nhũng, và mặc dù nhiều người tin rằng báo chí đang tích cực bóc trần tham nhũng, quá trình phân tích nội dung các tin bài được đưa cho thấy việc đưa tin phần lớn tập trung vào khía cạnh thứ hai là theo dõi.


Các bài báo tập trung vào vấn đề tham nhũng ở cấp tỉnh hoặc địa phương tỏ ra khá „an toàn‟, song những bài báo về vấn đề tham nhũng ở cấp cao thường bị kiểm duyệt kỹ hơn và/hoặc bị trả đũa. Viết bài chống tham nhũng, đặc biệt là các vụ tham nhũng cỡ trung hay cỡ lớn được thực hiện bởi một số ít các tờ báo ở các thành phố lớn, và trong những tờ báo đó, thường tập trung vào một nhóm nhỏ các nhà báo có uy tín. Công việc của họ rất phức tạp do có nhiều yếu tố khó khăn, ví dụ như thiếu khả năng tiếp cận với nguồn tin đáng tin cậy, nghiệp vụ báo chí kém (tuy ngày càng được cải thiện), và hiểu biết yếu kém về những vấn đề đạo đức nghề nghiệp xung quanh công việc viết báo chống tham nhũng.1 Những vấn đề liên quan đến tiếp cận thông tin làm cho các lợi ích chính trị và kinh doanh dễ dàng thao túng báo chí, vì việc tiết lộ thông tin của những giới này có thế là một sự dàn xếp kịch bản mà các nhà báo không biết tới. Bằng việc công bố những thông tin đó, các nhà báo vô tình trở thành „bia đỡ đạn‟, hoặc rơi vào cuộc chiến giành quyền lực, và tin bài của họ nhất định sẽ bị thiên vị. Mặc dù rõ ràng là nguy hiểm, song việc thao túng báo chí của những người có quyền thế ít nhất cũng sẽ đảm bảo rằng có ai đó luôn muốn hỗ trợ cho công việc của giới báo chí bằng cách cung cấp thông tin về tham nhũng. Những vấn đề khác cản trở việc thông tin trên báo chí bao gồm những hạn chế về chính trị, pháp luật và biên tập, những điều này hạn chế nội dung mà các nhà báo có thể viết và đe dọa trừng phạt nếu có nhà báo nào bước quá ranh giới biên tập vốn không rõ ràng. Những ranh giới này, và nguy cơ bị trừng phạt treo lơ lửng trên đó khá là mơ hồ, đủ để tạo ra nỗi e ngại trong giới báo chí, song cho đến gần đây những ranh giới đó cũng đủ mơ hồ để tạo điều kiện cho một số nhà báo quá năng nổ có hành vi thao túng. Những người được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng sự thao túng đó, đôi khi vượt ra ngoài giới hạn được phép đưa tin, sẽ trở lại một khi ảnh hưởng của sự trấn áp đối với báo chí trong năm 2008 đã lắng xuống. Nếu xem xét những thay đổi kể từ thập niên 1990, thì nghiệp vụ của các nhà báo đang ngày càng được nâng cao, nguồn lực dồi dào hơn, và tự do báo chí cũng được nới rộng hơn. Tuy nhiên, sự tiến bộ khiêm tốn đó bị cản trở bởi cách tiếp cận đối với tự do hóa báo chí lúc thế này, lúc thế khác. Dựa trên những phát hiện được nêu trên, báo cáo này đưa ra một số khuyến nghị như sau:

1/ Khung pháp lý phức tạp của Việt Nam cần phải được làm rõ để cho các nhà báo nhận thức được đầy đủ những giới hạn cho việc tác nghiệp của họ, và chế tài sẽ được áp dụng nếu những giới hạn đó bị vi phạm.

2/ Việc tiếp cận và sử dụng thông tin cần phải được cải thiện để các nhà báo bớt phụ thuộc vào những nguồn tin có thể làm cho họ bị lạc hướng hoặc có thông tin sai lệch một cách cố tình (hoặc theo một cách nào đó), để họ có thể nhận định một cách dễ dàng hơn về tính chính xác, tin cậy của thông tin do các nguồn đó cung cấp. Tiếp cận thông tin tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho những trách nhiệm thông tin báo chí cơ bản như kiểm chứng sự kiện, một việc mà hiện nay đã được chứng minh là hết sức khó khăn.

3/ Nghiệp vụ và tiêu chuẩn đạo đức nghề báo cần phải nâng cao để tạo điều kiện đưa tin chống tham nhũng nhiều hơn và có chất lượng cao hơn. Nếu chất lượng được cải thiện thì sẽ bớt đi những mối lo ngại về việc báo chí có thể ám chỉ sai hoặc làm tổn hại đến uy tín của những cán bộ, công chức chí công vô tư, đồng thời sự phản đối việc đưa tin về tham nhũng trên báo chí cũng sẽ giảm đi.

4/ Cần cải cách tiền lương và quản lý tài chính cũng như đào tạo để cho phép các cơ quan thông tấn báo chí có thể nâng lương và giảm xác suất tham nhũng ngay trong cơ quan báo chí. Tiền lương eo hẹp là một yếu tố có thể làm làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của báo chí chừng nào nó còn tồn tại.

5/ Tự do hóa công tác biên tập báo chí sẽ rất khó thực hiện được, song đây là điều kiện tiên quyết để báo chí có thể đưa tin về tham nhũng một cách hiệu quả. Việc này không nhất thiết phải đi đôi với sở hữu tư nhân. Trên thực tế, nhiều người trong giới báo chí Việt Nam và các nhà quan sát bên ngoài đã lập luận rằng sở hữu tư nhân không hẳn sẽ tạo điều kiện cải thiện việc đưa tin về tham nhũng trong bối cảnh Việt Nam.

(Trích "Tóm tắt tổng quan" nghiên cứu "Báo chí và tham nhũng: Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?" của Catherine Mc Kinley tháng 1/2009 thuộc Loạt bài nghiên cứu chính sách Cải cách hành chính chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam. Xem toàn văn và chi tiết của nghiên cứu trên tại đây.)

17 tháng 5, 2010

“Ô-LI-VOI” VÀ PLATON, SOCRATE


Trong những ngày này, khi mà đất nước Hi Lạp nay đang chiếm băn khoăn của giới hữu trách thế giới cùng vô vàn giấy mực của báo chí, không thể không nhớ lại 12 ngày đêm đã trải qua tại đất nước xinh đẹp này cách đây không lâu.

12 ngày ấy mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa trong thủ đô Athens và lên một tàu du lịch rong ruổi ba hòn đảo trên biển Egée của màu "xanh- turquoise". Song cũng kịp nhận ra rằng những trang lịch sử oai hùng, những cảnh quan vĩ đại, những triết gia thâm thúy nay đã trở thành những huyền thọai "chết". Thay vào đó là những thực tế trớ trêu !

Thủ đô Athens đẹp nhờ đó là cả khối kiến trúc màu trắng trên nền một bầu trời xanh vắt, điểm tô bởi những cây ôliu cùng những đường sá không kẹt xe cho lắm. Không có những ngôi nhà hộp quẹt so le chiều cao, cho dù nhà này chỉ hơn nhà bên cạnh một vài tấc, những mặt tiền hay mái tôn lố bịch với những mầu sắc "chửi bố nhau". Hầu như tất cả mọi ngôi nhà tư nhân đều một mầu trắng.
Athens chỉ là Athens với những đền đài cổ đại như Acropolis, với tam giác phố "xưa" Plaka thật diễm tình ; chứ Athens không thể so bì các công trình hiện đại hay các kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật nào khác. Cho dù đã tốn không biết bao nhiêu tiền của cho thế vận hội Athens trưóc đó bốn năm, thì Athens vẫn không thoát khỏi hình hài một của "tỉnh lẻ" châu Âu, nếu như phải so dáng với Paris, London, Genève...hay so tiện nghi và giải trí thậm chí với những thành phố cấp tỉnh như Lyon, Marseille, Liverpool... Vài tuyến metro vào giờ thứ 23 trước ngày khai mạc thế vận hội vẫn chưa là gì khi mà ở nhiều nước khác, xe điện ngầm đã là những "định chế" có tuổi đời hơn trăm tuổi. Dẫu sao, Athens vẫn tồn tại nhờ vẫn còn là một trong những "bến mơ" của thế giới, nhờ những di sản kiến trúc. Như khu tam giác phố "xưa" (đừng tùy tiện gọi là "phố cổ") Plaka diễm tình dưới chân đồi Acropolis.

Một tuần thăm quan các cơ sở công nghiệp có thể tóm gọn bằng ba chữ: các hãng dầu ôliu, hãng đóng tàu và hãng tàu du lịch. Chấm hết ! "Tiềm năng xuất khẩu chỉ chừng đó thôi sao ?", không lý hỏi ngược lại người công chức ngọai giao nhiêt tình hướng dẫn ! Chỉ là "ô-li-voi" (dầu ôliu , olive oil, theo cách đọc nối âm của người Hi Lạp) xuất hiện ở mỗi bữa ăn để thay bơ chấm bánh mì như ở các nước "bơ sữa" khác, trong cái chai dầu bên cạnh chai dấm luôn trên bàn ăn, muốn thêm dầu, thêm dấm bao nhiêu tùy ý... thôi sao? Đóng tàu, thì từ anh hùng cổ đại Ulysse cho đến tỷ phú Onassis, phu quân kế của Jacqueline Kennedy, Hi Lạp vẫn là một dân tộc của biển cả.

Quảng trường Syntagma trước trư sở quốc hội ngày ngày hai buổi đi họp, ngay từ tháng 8 / 2008 đã từng là chốn đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hi Lạp rồi. Quảng trường Omonia tối tối trên đường về khach sạn, vẫn thường là đấu trường giữa dùi cui và gạch đá hơn là nơi tụ tập nam thanh nữ tú. Bất ổn đã " sờ thấy", nhìn thấy, ngửi thấy từ dạo đó .

Tại Hội nghị chống tham nhũng IACC lần thứ 13 tháng 11 năm ấy tổ chức tại Athens, ông Georgios Papandreou, nhà lãnh đạo đảng Xã hội Hi Lạp (Pasok) và cũng là chủ tịch phong trào XHCN quốc tế, đã thừa biết trước rằng đảng của ông sẽ phải thay thế chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Kostas Karamanlis trong cuộc bầu cử năm sau để "đổ vỏ" nợ nần cho những kẻ " xơi ốc". Đem điều này ra hỏi lão trượng Efstathiadis Stathis chủ tâp đòan báo chí To Vima (Diễn đàn), kèm thắc mắc "Hi Lạp là đất nước của những triết gia chủ xướng dân chủ đầu tiên trong lịch sử", chủ nhân của hơn 20 đầu báo phát hành tại Hi Lạp trả lời : "Triềt học, dân chủ gì thì cũng phải xuống đường mà thử thách". Ý nói, Platon, Socrate nay có sống lại cũng phải phẫn uất nhìn thiên hạ "đốt sách" của các vị. Khi những người cầm quyền không xem việc nước là việc chung, như định nghĩa của nền cộng hòa (res publica=> république, republic), thì sách vở thánh hiền đã bị đốt từ lâu rồi. Lão trượng của tập đoàn "To Vimar" không là một chính khách "sa-lông" để cả tin vào sách vở. Còn thanh niên đang xuốn đường ở quảng trường Omonia ? Họ mất phương hướng khi các nhà lãnh đạo đã "đốt sách thanh hiền". Bi kịch của nhân loại là đã có nhiều thánh (siêu ?) nhân với những pho kinh sách nhưng bị đốt bởi các hậu duệ của họ.

Hi Lạp ngày nay lại là một trang sử đã lật qua như đã từng bị đế quốc La Mã, rồi thì Thổ… "xé bỏ". Trang sử rách, cho dù có lúc đã là rất hào hùng, ấy làm sao có thể bảo chứng cho tưong lai? Rốt cuộc, chỉ còn lại mỗi « Ô-li-voi » là trường tồn trên bàn ăn?

5 tháng 5, 2010

Ta là “da thịt” của ai?

Ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Ta là ”da thịt” giặc Tàu?
Trăm năm đô hộ giặc Tây.Ta là ”da thịt” giặc Tây?
Bốn muơi năm ”giặc Mỹ xâm lược”, là ”da thịt” giặc Mỹ?

Hi Lạp mấy trăm năm Thổ Nhĩ kỳ đô hộ, là ”da thịt” đằng Thổ?
Pháp mấy lần bị Phổ- Đức chiếm đóng, là da thịt Đức-Phổ?
Alsace-Lorraine là ”da thịt” Đức hay Pháp?
Hãy đi hỏi chú bé đánh trống của Anatole France !

Cứ thế, tới đây, ta là “da thịt” của ai?

4 tháng 5, 2010

Lại…BBC !

Thư của Bộ phận châu Á – Thái Bình Dương-BBC gửi ông Đinh Kim Phúc
(trích BA SÀM).
www.bbc.co.uk/worldservice

Ngày 29 tháng 04 năm 2010
Thưa ông,
Cảm ơn ông đã email về diễn đàn trực tuyến Ban Việt Ngữ BBC, đặc biệt bài về ý kiến của bà Đỗ Ngọc Bích, lần đầu tiên được đăng trên trang web ngày 17 tháng 4, và sau đó là bài trả lời của ngày 20 tháng 4 năm nay của bà Bích, cả hai đều đúng với bản chính.
Trước hết, tôi thành thật xin lỗi về việc của chúng tôi đưa tin sai về chức danh và xác định tư cách của tác giả, tuy nhiên tôi xin chỉ ra rằng, điều này đã được sửa ngay sau khi nhóm đã được thông báo. Chúng tôi vô cùng hối tiếc vì sự thiếu chính xác này và nhóm phụ trách chương trình tiếng Việt đã nghiêm túc thảo luận bài học này trong hai cuộc họp ban biên tập đặc biệt để nâng cao quá trình ủy nhiệm của họ trong phạm vi Diễn đàn chịu ảnh hưởng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng quan điểm của tác giả không phải là quan điểm của BBC. Tương tự áp dụng cho ba bài “phản biện” mà sau đó được đăng trong mục. Đây là một nguyên tắc cơ bản của các Diễn đàn bình thường.
Tất cả những điều chúng tôi làm đã được hướng dẫn bởi tính công bằng và độc lập trong biên tập. Chúng tôi không thể, và không làm, đó là đứng về phía bên nào trong bất kỳ cuộc tranh luận, cho dù chủ đề tranh cãi có như thế nào đi nữa. Trên trang web của chúng tôi, Diễn đàn là một nền tảng cho các quan điểm trong phạm rộng nhất có thể được, cho dù là chính trị, văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của nó là để khuyến khích tranh luận trong một môi trường tự do và cởi mở. Vì lý do này, chắc chắn “User Generated Content”(nội dung phát sinh từ phía người sử dụng) trên trang web của BBC có thể gây ra sự bất mãn nhưng chúng tôi luôn luôn đón nhận những lời chỉ trích, phản hồi và quan điểm khác.
Chúng tôi cân nhắc các vấn đề về sự cân bằng trong biên tập rất nghiêm túc. Đây là lý do tại sao, sau khi tham vấn với các biên tập viên cao cấp ở BBC World Service, ông Giang Nguyễn, Trưởng ban Việt ngữ BBC, đã đưa vào blog trên bbcvietnamese.com, giải thích quá trình biên tập của chúng tôi liên quan đến trường hợp này. Đối với đài BBC, Blog của Biên tập là một nơi thích hợp để chia sẻ những suy nghĩ đằng sau quyết định biên tập một cách nghiêm túc nhưng thân thiện, và phương thức cho phép độc giả gửi các ý kiến trực tuyến, cho dù họ đồng ý hay không đồng ý với chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ có ý định làm tổn thương tình cảm của bất kỳ ai. Đồng thời, người sử dụng phải hiểu rằng chúng tôi đề cao tính đa dạng của các ý kiến, cũng như cách diễn tả nhằm tranh cãi hoặc phản đối nội dung hay sự kiện trong bài.
Tất cả các Ban BBC, kể cả Ban Việt ngữ BBC phải tuân theo Nguyên tắc Biên tập của BBC – một cuốn sổ tay toàn diện về đạo đức phát thanh mà chúng tôi nhằm mục đích phát huy mọi lúc. Tài liệu này được đưa ra cho công chúng giám sát để các độc giả của chúng tôi biết một cách chính xác những tiêu chuẩn cao mà chúng tôi mong muốn. Tôi đính kèm đường link cho ông, nếu quan tâm:
(http://www.bbc.co.uk/guidelines/editorialguidelines)
Nếu ông không hài lòng với phản hồi của tôi, ông có thể yêu cầu một phản hồi thứ hai, gửi vào Bộ phận Khiếu nại Biên tập của BBC tại:
http://www.bbc.co.uk/complaints/homepage/
Chân thành
(đã ký)
Neil Curry
Executive Editor
Head of Business Development,
Asia and Pacific, BBC World Service
------------
Hết trích dẫn.

Vài câu hỏi BBC “mẹ”:
1/ Liệu khi BBC Việt ngữ đăng những ý kiến như “Việt Nam là da thịt của Trung quốc”, thì điều đó có là lịch sự tối thiểu đối với một quốc gia-dân tộc đang tồn tại độc lập hay không?
Khi đăng ý kiến như thế, có khác gì bảo rằng “Hong Kong cũng là da thịt của UK”? Tôi không tin rằng BBC Hoa ngữ lại có thể tự cho phép mình đăng một ý kiến như thế. Phản ứng của Trung quốc sẽ như thế nào khi nghe BBC phát biểu như thế?
2/ Thiết nghĩ khi đăng những ý kiến kiểu “nước này là da thịt của nước kia”, thì người chủ trương cho đăng đã mạ lỵ quốc gia bi gán cho là “da thịt của một quốc gia khác”.
3/ Tôi không tin rằng BBC của thế kỷ 21 lại có thể cho rằng những ý kiến như thế là trong khuôn khổ của một tranh luận học thuật, như BBC “mẹ” đã trả lời.
4/ Nếu có ai đó bảo rằng “đảo Falklands là da thịt của Argentina” do còn có tên là Malvinas, liệu BBC sẽ đăng hoặc sẽ có tái diễn một trận đánh chiếm Malvinas nữa không để nhất định giữ cho “Falklands là da thịt của UK”?
5/ Nếu có ai đó bảo rằng “nguời Britons (Great Britain, người Anh) ngày nay là da thịt của người Bretons (người xứ Bretagne bên nước Pháp) xưa kia”, thì BBC cũng sẽ trân trọng gọi đó là ”tranh luận” !
***********
Khi đăng những tranh luận “da thịt” đó, BBC muốn gì?
Ít nhất, trong bang giao quốc tế, BBC “mẹ” và BBC “da thịt” cũng phải hiểu và biết thế nào là sự lễ độ cần phải có đối với một quốc gia-dân tộc khác. Đã qua rồi những thế kỷ của một đế quốc Ăng- lê !
Những tranh luận kiểu “nước này là da thịt của nước kia” có thực sự là “tranh luận khoa học” như biện bạch của BBC “mẹ”?
------------

[1] Năm 1982, hải quân Anh đã kéo xuống giành quần đảo ở ngòai khoi Argentina, tận cực nam Nam Mỹ, và chiếm được sau 74 ngày giao tranh đẫm máu.

[2] “da thịt của…” có thể dịch là “the bastarsds of…” (con hoang).

1 tháng 5, 2010

BBC VIỆT NGỮ: VÀI ẢO TUỞNG

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 35 năm. Vai trò đưa tin về cuộc chiến tranh này của các hãng tin và ký giả ngọai quốc lẽ ra cũng đã chấm dứt. Thế nhưng, vì những lý do khách quan và chủ quan, những hãng tin này lại tiếp tục là những nguồn tin tham khảo tưởng chừng như là “trung lập”, khách quan. Tiếc thay, thực tế lại không như thế, và một số người lại ảo tưởng về “thân phận” của mình.

Ảo tưởng đầu tiên là là độc lập trong đưa tin bài. Khuôn khổ chung cho các đài quốc tế có ban Việt ngữ là chỉ đưa tin bài thời sự thế giới “ngoài luồng” tức những tin bài của “đài mẹ” (BBC World Service hay RFI Service Mondial). Chỉ có dịch và dịch. Từ chiến tranh Việt Nam ngày xưa, đến chiến tranh Iraq, Afghanistan, Pakistan sau này… đố một ban Việt ngữ nào được tự mình bình luận mà không dựa 100% lên nguyên văn “đài mẹ”. Nghĩa là đường lối chính phủ nước ‘chủ” như thế nào, thì phản ánh như thế ấy, theo “đài mẹ”.

“Lề phải” là “lề phải” , ở đâu cũng vậy.

Trước khi chiến tranh Iraq 2003 nổ ra, đài BBC “mẹ” (BBC World Service) và các “đài con” luôn bám sát ý của thủ tướng Anh Tony Blair lúc đó là sát cánh cùng tổng thống Mỹ George W. Bush , mà “đài mẹ” có nhiệm vụ truyền tải thông tin chiến sự Iraq theo “lề phải” .

Khi đó cả làng báo Mỹ được bộ quốc phòng Mỹ cho lên “lề phải” với cái cách gọi mỹ miều là “embedded journalists”, cùng ăn, cùng ngủ với các đơn vị quân đội Mỹ- Anh “Giải phóng Iraq”…Khi chiến tranh Iraq nổ ra, có đến từ 570 đến 750 ký giả Mỹ được BQP Mỹ mời “cùng ăn, cùng ngủ” và đương nhiên cùng “thấy” những gì được “cùng nhìn”.

Ngược lại, vào thời điểm đó, RFI (Việt ngữ) làm sao dám cùng ‘tham gia” lật đổ Saddam Hussein với BBC hay VOA, RFA (Việt ngữ) khi mà tổng thống Pháp Jacques Chirac lúc đó đang là lá cờ đầu chống chiến tranh đơn phưong của Mỹ-Anh. Còn sau này, khi ông Bush “về vuờn”, các đài kia có thi nhau tính sổ thành tích của ông Bush và phê phán cuộc chiến tranh sa lầy đó, lại là chuyện “thế gian thường tình”.

Nói đến “lề phải” của BBC Việt ngữ, có thể nêu vô số tin bài, như bài tường thuật ý kiến của đại sứ Anh tại Việt Nam, Mark Kent Anh quốc cảnh báo thực trạng tội phạm người Việt”.[1]

Tại buổi gặp mặt ở London ngày 05/03/2010 tại phía đông London, Đại sứ Mark Kent nói: “Thật không may là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh vào lúc này đang bị ảnh hưởng tiêu cực”. Trong cuộc trao đổi và bàn bạc với một số người Việt đã ở Anh lâu năm, Đại sứ Mark Kent nói: "Tôi không muốn thấy việc nhắc đến chữ Việt Nam là người ta liên tưởng tới trồng cần sa và nhập cư bất hợp pháp".

Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi báo chí tại Anh đăng tải tin cảnh sát đột nhập vào một tòa biệt thự sang trọng ở miền trung nước Anh có vườn và phòng trong nhà bị dùng để trồng cần sa và một số người bị bắt là người Việt.

"Thực ra không chỉ là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh bị ảnh hưởng mà chúng ta cũng phải thấy rằng nhập cư bất hợp pháp và tội phạm là hai vấn đề có liên kết với nhau”.Chúng ta nói tới không chỉ hoạt động trồng cần sa mà cả các vụ bắt cóc hoặc thậm chí giết người”, Đại sứ Mark Kent nói…”.

BBC Việt ngữ đã có thể tự mình đào sâu vấn đề nguời Việt nhập cư lậu vào Anh này với đại sứ Mark Kent, nhân dịp ông này có mặt ở London để làm rõ vấn đề này một cách khách quan thực sự. Tiếc rằng BBC Việt ngữ đã không làm như thế. Do lẽ vấn đề bao trùm nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan của Anh, như đường dây đưa người nhập cảnh vào Anh, qua nước Pháp, khu trú số người nhập cự lậu vào Anh, các nỗ lực ngăn chận của các cơ quan ấy, nỗ lực nào của sứ quán Anh ở Việt Nam trong việc thông tin bạch hóa ảo mộng sang Anh kiếm sống…?...Ít nhất, một mail với nội dung trên đã được gửi đến ông đại sứ Anh ở Hà nội từ tháng 1 năm nay song chưa được hồi âm.

Chẳng qua BBC Việt ngữ cũng chỉ là một ‘cái loa” cho chính phủ Anh, như có thể thấy qua đa số các tin bài “dịch và dịch”. Một ‘cái loa” có trả lương bên cạnh các “loa” không ăn luơng có thể đếm được trên blog của ông đại sứ Mark Kent.

LÀM CHÍNH TRỊ TỪ XA CHỤC NGÀN KM.

Thật ra, thế hệ BBC Việt ngữ ngày nay khác hẳn với thế hệ thứ nhất, trước 1975. Thời thế cũng khác. Trong nửa sau của cuộc chiến tranh VN, phong trào phản đối chiến tranh VN thời đó là xu hướng chính (major trend) trong giới truyền thông các xã hội Tây phương, nên báo chí phuơng Tây lúc đó (và thế giới) mới không chịu ở trong “lề phải” của các cuộc họp báo hàng ngày của JUSPAO vốn là những danh sách “đếm xác” (body counts) vô nghĩa và vô tận. Càng không “ái mộ” các cuộc họp báo của Bộ Thông Tin Sài Gòn ở Tổng Cục Thông tin quốc ngoại.

Nhờ dịch lại tin của báo chí “luồng chính”(major trend) tức độc lập đó, mà BBC Việt ngữ trong chiến tranh VN được hưởng hai chữ “thông tin khách quan”. Nhất là những tin nội bộ chính trường Sài Gòn. Khi mấy muơi tờ nhật báo ở Sài Gòn trưa trưa bị Chánh sở báo chí Việt ngữ đục bỏ nhiều quá, các trang báo trắng hếu vì các ô “tự ý đục bỏ”, thì sáng tối thiên hạ, có dò đài BBC mà nghe, cũng là chuyên dễ hiểu: lưỡi kéo kiểm duyệt của Bộ ‘Hốt Cắt Đục” đâu có làm rụng sợi lông nào các báo đài ngoại quốc. Chuyện dài này xưa nay đều thế.Và chính vì thế mà các báo đài ở bên ngoài bỗng dưng trở thành “báo chí chân chính” !


Sau 1975, khoảng cách thông tin cũng như trước 1975, vì cũng chừng đó lý do. Từ tin chính trị đến chiến tranh CPC, biên giới…, nên vô hình trung BBC Việt ngữ, khi dịch các bài viết của các ‘đài mẹ’, được hưởng “sái” khách quan, thông tin sớm.


Thế hệ ấy sau 1975 tất nhiên cùng chiều với làn sóng thuyền nhân. Lớp BBC đầu tiên ấy,vốn dân Tây học, thuộc lòng thế giới sử, nhớ việc tướng De Gaulle di tản qua Anh tháng 6 năm 1940, lên đài BBC đọc lời hiệu triệu dân Pháp kháng chiến chống Đức, rồi tưởng tượng ra mình cũng là De Gaulle, khi loan tin về thuyền nhân, về chiến tranh CPC, về khó khăn kinh tế của VN trong thập niên 1980, để có thể từ công việc dịch giả và phát thanh viên, khoác lấy vai trò ‘làm chính trị”…


Môt lần, năm 1996, trưởng ban VN BBC Chris Greene (cháu của nhà văn Graham Greene), được chia sẻ về số nhân viên của ông trong một bữa trưa ăn cơm Ấn Độ rằng:
Làm sao có thể làm chính trị từ cách xa 13.000km?! Có giỏi, họ hãy về nước mà làm chính trị”.

Sau khi Chris Greene lên làm giám đốc châu Á Thái bình duơng, tuyển một số nhân viên mới từ Úc qua, lấy một người làm trưởng ban. Đây là những người di dân sang Úc sau này. Một vài người gõ cửa BBC để kiếm một “cần câu cơm”, chứ không để làm chính trị. Có người, trưa trưa ra cửa sau nhai bánh mì sandwich cho tiết kiệm, vì thân ở London, vợ con ở Úc, một đồng luơng hai “bếp ăn”, sau đó nhanh chóng giã từ “Bush House” (tên gọi của BBC) về lại Úc.


Sau này, ê kíp mới gồm một số cựu “cán” hoặc “con cán” từ trong nước hoặc Đông Âu qua. Từ nguồn gốc “thành phần thứ tư” này , ảo tưởng càng nặng nề. Cuối chiến tranh VN, đã có ‘thành phần thứ ba”, tự cho mình là phi cộng hòa/ phi cộng sản, rốt cục chẳng bên nào tin. Cuối chiến tranh Lạnh, nổi lên “thành phần thứ tư” tưong tự. Chẳng qua nhờ đứng từ xa cả chục ngàn km, chẳng hề hấn gì, nên tự gán cho mình những tự hào vốn chẳng phải tự mình mà có, khi “từ trên trời nhảy qua” thừa hưởng những định chế có sẵn mà một đất nước như vuơng quốc Anh đã bắt đầu tập tành dân chủ từ thời Tể tướng Cromwell, cách đây ba thế kỷ rưỡi hơn.


Bài học từ mấy mươi năm trước: chính những “cái kéo kiểm duyệt” đã dựng nên những chính khách sa lông biết mình vô tội vạ nhờ từ xa chục ngàn km. Những con tắc kè thuờng hay đổi màu theo thân cây nó bám. Nay không lẽ phủ nhận dòng máu Lạc Rồng, ôm lấy hình hài da thịt “dị nhân” để đón gió? Hay để thả bóng cho ai?


[1] BBC Việt ngữ, thứ hai, 8 tháng 3, 2010.