21 tháng 1, 2011

OBAMA , HỔ CẨM ĐÀO DỐC BẦU TÂM SỰ.


Một bữa ăn tối”riêng” tối thứ ba 18/1 , môt cuộc gặp sáng thứ tư 19/1, môt đại yến chia tay… có đủ để cho hai ông Hồ Cẩm Đào và Barack Obama điều chỉnh lại quan hệ hai nước sao cho bớt dị biệt ? Đã không có thông cáo chung mà chỉ có một cuộc họp báo chung và một bàn tròn doanh nghiệp trưa, để nghe ngóng đánh giá chuyến đi của ông Đào.

Bất đồng sinh ấm ức lớn nhất, về phía Mỹ, là cán cân thương mại. Ông Obama dốc bầu tâm sự: “Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ. Chúng tôi đang xuất khẩu trên 100 tỷ USD/năm hàng hoá và dịch vụ, và điều đó hỗ trợ nửa triệu chỗ làm cho người Mỹ. (Song) Rất cần ghi nhận rằng Mỹ vẫn buôn bán với châu Âu nhiều hơn là với Trung Quốc, cho dù dân số Trung Quốc có bao la đi nữa!... Hôm nay tôi hy vọng rằng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, chúng tôi có thể được nghe vài ý kiến cụ thể chỉ ra xem làm thế nào bảo đảm cho việc buôn bán đó sòng phẳng hơn, làm thế nào bảo vệ được quyền sở hữu trí tuệ, làm thế nào gỡ bỏ được những rào cản thương mại và cũng là rào cản cho việc tạo ra công ăn việc làm (cho người Mỹ)”. Cũng may là cũng đã đạt được vài kết quả đột phá: “Chúng tôi đã kết thúc được hàng chục thỏa thuận sẽ giúp Mỹ tăng xuất khẩu mỗi năm thêm được 45 tỷ USD…Các thỏa thuận này sẽ hỗ trợ khoảng 235.000 chỗ làm cho người Mỹ”.

Có thể xem 45 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ Mỹ vào Trung Quốc sẽ thêm vào tổng số 100 tỷ USD/năm cho đến nay như đó là “món quà biếu” của ông Đào cho ông Obama. Làm thế nào để có được chút nhượng bộ ấy? Ông Obama giải thích:” Tôi nhấn mạnh với Chủ tịch Hồ rằng cần phải xem lại mặt bằng sân chơi cho các hãng Mỹ, để họ có thể cạnh tranh được ở Trung Quốc, để cho buôn bán được sòng phẳng. Thành ra, tôi hoan nghênh việc ông Hồ Cẩm Đào cam đoan rằng các công ty Mỹ sẽ không bị phân biệt đối xử khi dự thầu cung cấp cho chính phủ Trung Quốc….Tôi cũng đã nói rằng đồng nhân dân tệ được định giá thấp quá, cần phải điều chỉnh tỉ giá…Không một nước nào được trục lợi từ tỉ giá”.

Không giấu giếm, ông Hồ Cẩm Đào thừa nhận “Chúng tôi đã bàn bạc về một số bất đồng trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Chúng tôi sẽ tiếp tục giải quyết một cách thích hợp trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tham khảo nhau một cách bình đẳng”… Rằng “những thỏa thuận …(ấy) sẽ tiêm một mũi xung lực vào hợp tác song phương đồng thời tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho cả hai nước”…Ông trấn an các nhà doanh nghiệp Mỹ: “Tôi có một thông điệp cho tất cả quý vị. Đó là Trung Quốc đang tăng tốc biến đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và cơ cấu lại kinh tế. Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh Cầu nội địa, đặc biệt là chi tiêu cho mục đích tiêu dùng”. Nghĩa là Trung Quốc sẽ mua sắm nhiều hơn. Chứ không, chỉ với 100 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ như hiện nay, chia cho hơn 1,3 tỷ người quả là quá “hẻo”.

Hết chuyện kinh tế, thương mại, hai ông nói với nhau về đủ chuyện trần đời, trong đó có an ninh khu vực châu Á- Thái bình dương. Ông Obama thuật lại: “Về sự ổn định khu vực và an ninh ở Đông Á, tôi đã nhấn manh rằng Mỹ có lợi ích căn bản trong việc duy trì tự do hàng hải, thương mại không bị ngáng chân, tôn trọng luật pháp quốc tế, và giải quyết các dị biệt môt cách hòa bình”. Về vấn đề này, ông Hồ Cẩm Đào cho biết: “Chúng tôi nhất trí tăng cường tham khảo và phối hợp trong các vấn đề chủ chốt liên quan đến hòa bình và phát triển ở châu Á-Thái Bình dương cũng như trên thế giới”.

Tất nhiên, không thể thiếu vấn đề nhân quyền. Song, lần này ông Obama tỏ ra thực tế hơn. Ông định nghĩa giùm ông Hồ Cẩm Đào thế nào là nhân quyền: “Chúng tôi tin rằng trong công lý và nhân quyền còn có việc người dân được tạo dựng cuộc sống cho mình, đủ ăn, có chốn ở và có điện. Nước Mỹ được lợi khi nhìn hàng trăm triệu người được thoát ra khỏi khó nghèo. Sự phát triển của Trung Quốc đã đem lại tăng trưởng kinh tế chưa từng thấy cho nhiều người hơn là bất cứ lúc nào trong lịch sử. Đó là một điều tích cực cho thế giới”. Ông Hồ Cẩm Đào tỏ ra cảm kích khi kết luận bằng một nhận xét thành thật: “Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất. Mỹ là nước đã phát triển lớn nhất. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và Mỹ tăng sức hợp tác đáp ứng các thách thức (toàn cầu) là tối cần thiết”.

Dường như hai ông cũng đã trút ra được một số tâm sự, biết người, biết ta hơn năm ngoái một chút.

Thiên Triều

19 tháng 1, 2011

NGÀY NÀY THÁNG 1/ 1974: KISSINGER VÀ VỤ HOÀNG SA !

CỐ VẤN KISSINGER - TỔNG THỒNG NIXON
NGOẠI TRƯỞNG ROGERS - THỦ TƯỚNG CHU ÂN LAI.


Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, Richard Nixon từ 21 đến 28/2/1972, đã là một bước ngoặt lịch sử không chỉ cho quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Gần hai năm sau, Hoàng Sa của Việt Nam rơi vào tay Trung Quốc, cho dù trước kia đây là nơi quân Trung Quốc chỉ có thể lò dò đến như những tên trộm đêm (xem “HOÀNG SA 1956, KHI “ĐƯỜNG LUỠI BÒ” CHƯA RA ĐỜI!”).


Bằng chứng của sự thay đổi chính sách ấy là việc bốn ngày sau khi Hoàng Sa của Việt Nam thất thủ, 6giờ 15 chiều thứ tư 23/1/1974, ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã có thể thanh thản tiếp Han Hsu, quyền trưởng phái đoàn liên lạc của CHDCND Trung Hoa tại Mỹ:

KHÚM NÚM VÀ CHỐI BỎ.


Kissinger (cười cầu tài bắt chuyện): Liệu chúng ta có sắp gặp lại Đại sứ của quý vị không?
Han
: Ông ấy đang du xuân ở Trung Quốc.

Kissinger
: Tôi nghĩ qua cuộc gặp ngắn này chúng ta sẽ vượt qua hai vấn đề. Một là các đảo Hoàng Sa, và hai là chuyến đi Trung Đông của tôi. Hãy nói về vấn đề không vui trước. Chỉ có hai điểm tôi muốn nêu liên quan đến vấn đề đảo Hoàng Sa. Lực lượng Trung Quốc đã bắt giữ Gerald Emil Kosh, một nhân viên Bộ quốc phòng Mỹ. Chính phủ Sài Gòn đang lập nhiều phái đoàn đến các các tổ chức quốc tế như SEATO và cả LHQ. Chúng tôi muốn quý vị rõ rằng chúng tôi không liên kết gì với các phái đoàn đó. Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến các tù nhân. Chúng tôi ghi nhận rằng chính phủ quý vị đã cho biết rằng sẽ thả ra vào thời điểm thích hợp. Chúng tôi mong rằng thời điểm thích hợp đó sẽ đến thật sớm, đặc biệt do có một người Mỹ trong nhóm này. Được vậy, sẽ giải tỏa tình hình có liên quan đến Hoa Kỳ. Đó thực sự là tất cả những gì mà tôi muốn nói về vấn đề này” .


Kissinger
(quay sang hỏi Hummel): Có bổ sung gì không,Art ?


Hummel
: Vì những lý do chính trị đối nội, chúng tôi muốn nói rằng chúng tôi đã bị hỏi han về người Mỹ ấy.


Kissinger
: Chúng tôi chỉ đề cập đến việc này do phải trả lời những điều thiên hạ hỏi mà thôi.


Đến đây, Winston Lord, lúc đó là Giám đốc Nha Kế hoạch và Điều hợp nhân viên, nhắc Kissinger rằng sở dĩ thiên hạ hỏi han là vì muốn biết chính xác tình hình của người Mỹ ấy).

Han Hsu: Tôi chỉ có vài lời về vấn đề này. Chúng tôi gọi các đảo đó là Tây Sa vì đó là lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi từng tỏ rõ trong các phát biểu của chúng tôi rằng chúng tôi là một nước XHCN; nên chúng tôi không bao giờ xâm chiếm lãnh thổ của ai, song chúng tôi không để mặc cho ai chiếm lãnh thổ chúng tôi.

Kissinger
: Không phải nước XHCN nào cũng như vậy cả.

Han: Chừng nào các tù binh sẽ được thả, chúng tôi tuyên bố rằng họ sẽ được thả vào thời điểm thích hợp. Đó là tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Còn cá nhân tôi thì có nhận xét riêng sau. Tôi chỉ ngạc nhiên khi có một công dân Mỹ ở khu vực đặc biệt ấy vào thời điểm đặc biệt ấy. Chúng tôi không rõ cụ thể tình huống ra sao, liệu người ấy có ở đó hay không, hoặc có bị bắt giữ hay không.

Kissinger
: Anh ta không ở thường trực tại đó; mà chỉ tạm thời ở đó theo yêu cầu của Nam Việt Nam cho môt công tác kỹ thuật, và do chúng tôi ngỡ rằng thời điểm đó thì yên ổn. Anh ta dự trù ở đó chỉ một hai ngày mà thôi. Thật ngắn ngủi mà thôi. Thế rồi, anh ta bị bắt giữ. Không có một người Mỹ nào đóng thường trực hay ngắn hạn trên các đảo đó cả. Vụ đó chỉ là một sự cố khong may mà thôi.


Han
: Liệu anh ta có bị bắt làm tù binh hay không, chúng tôi chẳng rõ.


Kissinger
: Đại sứ có thể dò lại vụ này cho chúng tôi được không?


Han
: Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem tình huống như thế nào.


Kissinger
: Chúng tôi biết ơn Đại sứ rất nhiều. Lập trường của Hoa Kỳ là không hậu thuẫn Nam Việt Nam yêu sách các hòn đảo đó. Tôi muốn tỏ rõ điều này. Còn bây giờ, hãy nói qua về chuyến đi Trung Đông của tôi. Hay là Đại sứ muốn tiếp tục đề tài kia?

Han: Về việc ông Hummel gợi ý sớm công bố về vụ này cho báo chí…

Kissinger
: Chung tôi có thể đợi được mà. Quý vị muốn gì? Quý vị báo cáo lại Bắc Kinh đi. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa tuyên bố gì, nên chúng tôi có thể đợi thêm 24 giờ nữa. Chịu rát mặt chút. Chúng tôi sẽ đợi đến sáng thứ sáu 25/1. Song, nếu quý vị càng sớm thông báo cho chúng tôi, thì càng tốt. Tất nhiên, chúng tôi sẽ loan báo rằng chúng tôi đã có nói chuyện với quý vị về vụ này.


Han
: Để chúng tôi báo cáo cho chính phủ chúng tôi đã, rồi chúng tôi sẽ tính xem trả lời ra sao.


Hummel
chen vào: Chúng tôi sẽ chỉ loan báo rằng chúng ta đã có nói chuyện với nhau, chứ không nhắc đến các điểm mà Ngoại trưởng đã nêu lúc nãy.


Kissinger
: Chúng tôi sẽ đợi đến thứ sáu vậy. Chúng tôi đợi quý vị đến sáng thứ sáu để xem quý vị có nhận được trả lời gì không. Chúng tôi bị tố đủ thứ chuyện. Chúng tôi dám bị tố là đã nào là bỏ bê quyền lợi một người Mỹ trong suốt một ngày.


Thật khúm núm, ngoại trưởng Mỹ lừng lẫy của thời đại Nixon đã mặc cho lịch sử sang trang! Tất cả vụ Hoàng Sa, đối với Kissinger, chỉ còn là chuyện một công dân Mỹ nào đó (đối với ông ta) tên Kosh xui xẻo bị bắt ...


Phần tiếp theo của cuộc gặp, thật ra chẳng cần thiết gì, chẳng qua “câu giờ” them chút ít cho ra vẻ họp hành- dẫu sao cũng là “triệu tập đại diện lâm thời sứ quán TQ vô Bộ Ngoại giao”-, song lại rất ý nghĩa: đó là bằng chứng một sự câu kết trong một giai đoạn mà thế giới lúc đó không đơn giản chỉ gồm hai phe, mà là ở thế “Tam quốc”. Trong đó, “hai” đang “chọi một”!


ÂM MƯU VÀ BÁN ĐỨNG!

Kissinger: Ta nói qua về chuyến đi Trung Đông của tôi nhé.

Han
:Xin mời.


Kissinger: Thực ra cũng chẳng có gì để nói lắm đâu, do lẽ tôi nghĩ rằng chúng tôi đang đeo đuổi chính sách mà Thủ tướng quý vị đã yêu cầu tôi. Đó là làm giảm bớt ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Tôi có cảm tưởng rằng đã khá thành công. Qua các thảo luận chung, quý vị hẳn đã rõ nội dung các thỏa thuận đó rồi. Chắc quý vị thích biết được rằng người Ai Cập nay đang rất không hài lòng các quan hệ của họ với Liên xô, và rằng họ đang rất mong cải tiến quan hệ với Cộng hòa Nhân dân. Tôi đã mạnh mẽ khuyên họ điều đó. Họ muốn quý vị dựng một nhà máy sản xuất máy bay Mig-21 ở Ai Cập. Họ sẽ trả tiền cho quý vị, bao nhiêu tùy quý vị. Đó là để họ tách ra khỏi Iraq, như tôi đã mô tả với Thủ tướng quý vị. Thủ tướng quý vị yêu cầu tôi tích cực hoạt động ở Trung Đông. Giờ đây không biết Thủ tướng có nghĩ rằng chúng tôi có quá tích cực lắm hay không (cười nịnh).

Han
(lạnh lùng chối biến) : Chúng tôi không biết gì về nội dung quý vị thảo luân với Thủ tướng chúng tôi ở Bắc Kinh. Song có biết về cuộc nói chuyện giữa thứ trưởng Chiao với Ngoại trường và đại sứ Himmel tại New York.


Kissinger: thì cũng nội dung đó, Thủ tướng thì đi vào chi tiết hơn. Quý vị sắp nghỉ lễ phải không?

Han: Bắt đầu từ hôm nay, nghỉ Xuân ba ngày.

Kissinger (pha trò): Chúng tôi phải trả đũa thôi. Chúng tôi sẽ triệu hồi đại sứ Bruce vài tuần để tham khảo ý ông ấy về một số vấn đề, trong đó có vấn đề châu Âu. Có thể tôi sẽ phái ông ấy đi châu Âu ít tuần.

Han
: Tôi có nhớ rằng lần gặp trước Ngọai trưởng có đề cập đến vụ này rồi. Xong rồi phải không?


Kissinger
: Đúng vậy.


Han: Đa tạ đã đón tiếp chúng tôi.

Có thể thấy:

1/ cuộc gặp này chủ yếu là để hỏi han về người Mỹ bị Trung Quốc bắt kia, và để chối bỏ mọi cam kết, dính líu trước kia với miền Nam Việt Nam trong vấn đề Hoàng Sa.

2/ Phần sau của cuộc gặp thật ra để cho có. Ấy thế mà Kissinger vẫn cố kể công đã ly gián Ai Cập với Liên Xô. Đại diện lâm thời Han không “dính bẫy’: không hé răng hay hí hửng gì trước những khoe thành tích “chiều ý” Thủ tướng Chu Ân Lai, triệt hạ ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Tài liệu này nay có giải mật cũng không có bằng chứng từ phía người của Trung Quốc, để có thể qui chụp Trung Quốc đã câu kết với Mỹ hãm hại Liên Xô.


3/ Mỹ “bán rẻ” Đài Loan (tống ra khỏi LHQ), hất Liên Xô (ra khỏi Ai Cập) cho Trung Quốc vào thay còn được, huống hồ là Nam Việt Nam và Hoàng Sa.


Thiên Triều ©
2011
________________________________________
Nguồn : Foreign Relations of the United States, 1969–1976 Volume XVIII, China, 1973–1976, Document 66. Memorandum of Conversation 1 1. Source: National Archives, Nixon Presidential Materials, NSC Files, Kissinger Office Files, Box 96, Country Files, Far East, China Exchanges, November 1, 1973–March 31, 1974. Secret; Sensitive; Nodis. The meeting was held at Kissinger's office in the Department of State. ________________________________________

4 tháng 1, 2011

TẠI SAO ESTONIA LẠI GIA NHẬP KHỐI EURO?


Vào lúc mà tại một vài nước sử dụng đồng euro đang nổi lên ý định “bỏ đồng euro chạy lấy người”, thì hôm 1-1-2011, nước Cộng hòa Estonia lại bắt đầu sử dụng đồng tiền này thay cho đồng kroon của mình. Liệu Nhà nước Estonia có điên hay không mà lao đầu vào vùng giông bão?

Thật vậy, thách thức “chết chùm” với khối euro nay gồm 17 nước là có thực. Trước đó một ngày, theo CEBR ( một nhóm chuyên gia ngận hàng hàng đầu của Anh) được Reuters 31/12 trích lại, đồng euro chỉ 1/5 cơ may tồn tại trong thập niên tới! Theo CEBR, ngay mùa xuân tới đây, Tây Ban Nha và Ý sẽ phải đào đâu cho ra tiền để “bảo kê” cho số nợ bằng trái phiếu đáo hạn lên đến 400 tỷ euro (530 tỷ USD) của hai nước này. Điều đó có nghĩa là khủng hoảng tài chính tập 2 của khối euro đang đến gần, sau tập 1 với Hi Lạp và Ireland ! Bảo đảm duy nhất cho đồng euro hiện nay là nền kinh tế Đức và thông điệp năm mới của Thủ tướng Đức Angela Merkel: "Đức cầu có châu Âu và đồng tiền chung. Người Đức nhận trách nhiệm của mình, ngay cả đôi lúc tình thế có thật khó khăn”. Chừng nào Đức còn “ăn nên làm ra”, Đức còn phải “bảo kê” cho các nước kia. Wall Street Journal 17-12 cho biết Đức xuất siêu toàn cầu, trong đó với các nước châu Âu là chính, những 113,5 tỷ euro trong 9 tháng đầu năm 2010, tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái chỉ 97,9 tỷ euro.

Estonia cũng đang “khá giả” cho dù trong thời gian cuối có phần đuối hơn trước. Đất nước với chỉ 1,3 triệu dân này năm 2009 có GDP là 19,3 tỷ USD - GDP của VN năm 2010 là 104,6 tỷ. Theo World Factbook, Estonia có một nền kinh tế thị trường hiện đại và một trong những mức thu nhập đầu người cao nhất Trung Âu và khu vực Baltic” (USD 18,300 năm 2009, tính theo sức mua ). Các chính phủ lần lượt của Estonia không ngần ngừ trong thực hiện các cải cách theo hướng kinh tế tự do, duy kinh doanh. Chính phủ đương nhiệm còn tiến hành chính sách thuế vụ gắt gao, kết quả là ngân sách quân bình, ít nhất là cũng cho đến năm 2009, và ít nợ công (chỉ 7,1% GDP) , xuất siêu gần 1 tỷ USD năm 2009.

Nền kinh tế Estonia thuận lợi nhờ thế mạnh là công nghiệp điện tử và viễn thông cùng các quan hệ ngoại thương vững chắc với Phần Lan, Thuỵ Điển và Đức. Tính đến hết tháng 11/2010, sản lượng công nghiệp của Estonia tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể thấy, với các thế mạnh tự thân này, Estonia nay dứt khoát tham gia khối euro, sau khi đã gia nhập khối EU từ năm 2004, để không tiếp tục tự cô lập với đồng kroon của mình, để buôn có bạn, bán có phường, chứ không vì mộng mơ gia nhập để “tiêu xài bình đẳng ” như Hi Lap trước đó. Estonia không “tự vận” mà là biết người, biết ta, và nhất là biết thắt lưng buộc bụng quen rồi.

THIÊN TRIỀU




3 tháng 1, 2011

NGƯỜI TRUNG QUỐC Ở LÀO

Những thay đổi nhân sự cấp cao gần đây ở Lào có thể là những điều chỉnh cho những chính sách đã qua, có thể thấy như dưới đây.

Tân Hoa xã 22/12/2010 loan báo: “Đầu tư của Trung Quốc vào Lào đã gia tăng đáng kể trong hai năm qua, từ 247 triệu USD năm 2009 lên 556 triệu USD năm 2010”. Các số liệu này do Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Lào - Sinlavong Khouthphaythoune - công bố tại một hội thảo hôm thứ ba tuần trước do chính phủ Lào cùng sứ quán Trung Quốc cùng tổ chức ở thủ đô Vientiane. Tân Hoa xã cho biết chính phủ Lào thực hiện chính sách mở cửa tiếp nhận đầu tư trong hai thập niên qua vào 13 lĩnh vực đã thu hút 39 quốc gia,

Thật ra, cách đưa số liệu trên của Tân Hoa Xã không phản ánh chính xác tình hình là đang có một cuộc đua tay ba giữa Việt Nam, tạm đứng thứ nhất với 2,77 tỷ USD qua 252 dự án, sát sau đó là Trung Quốc với 2,71 tỷ USD qua 397 dự án, Thái Lan với 2,6 tỷ USD qua 269 dự án. Từ đó, có thể hiểu tai sao Tân Hoa Xã chua thêm rằng cuộc hội thảo này là “để tìm kiếm cùng với giới doanh nhân Trung Quốc các giải pháp cho môi trường đầu tư ở Lào”. Bộ trưởng Sinlavong cho biết chính phủ Lào sẽ quan tâm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư hơn nữa, cải thiện công cụ pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi”. Có thể thấy rõ vấn đề đặt ra ở hội thảo Lào-Trung này là: tạo điều kiện thuận lợi đến đâu hơn nữa cho nhà đầu tư TQ chứ không phải tạo điều kiện thuận lợi “chung chung cho mọi người”?

TIẾT LỘ TỪ NGƯỜI TRONG CUỘC.

Đây không phải là một giả đoán mà là một thực tế mà LU Guangsheng của đại hoc Vân Nam trong báo cáo tựa đề “Economic Relations between China and Laos” (Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Lào) ở một hội thảo khác trước đó đã mô tả không giấu giếm như sau: “Trong thực tế, có một số biện pháp biệt đãi không chính thức về thương lại và đầu tư, đặc biệt ở những vùng phía Bắc nươc Lào. Tỉ như, nay thật khó cho một công ty nước ngoài nộp đơn xin giấy phép mới khai thác mỏ, song các công ty TQ thì có các kênh riêng của mình” [1] .

Nhà nghiên cứu này còn cho thấy một qui luật khác: “Thương mại, đầu tư và viện trợ tăng mạnh. Thương mại năm 2008 là 420 triêu USD, năm 2009 có thể đạt 530 triệu USD. Một yếu tố then chốt đối với khối lương trao đổi thương mại là tùy thuộc nơi lượng đầu tư và viện trợ của Trung Quốc ở Lào”. Có thể diễn dịch “qui luật” trên của Lu Guangsheng như sau: càng viện trợ nhiều, càng đầu tư nhiều, càng buôn bán nhiều.

Lu Guangsheng cho biết nhu cầu cụ thể: “Các chính phủ Lào trông đợi nhiều đầu tư của Trung Quốc hơn nữa vào lĩnh vực “chế biến nông sản, lắp ráp máy, xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật cao”. Tuy nhiên, Lu Gaungsheng thừa nhận rằng “một số quan chức Lào cho rằng các công ty Trung Quốc không bán các kỹ thuật cập nhật mới cho Lào!”. Lu Guangsheng hạ quyết tâm: “Trung Quốc sẽ đóng một vai trò chủ Động hơn nữa trong phát triển kinh tế của Lào, đặc biệt ở khu vực phía bắc. Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ là đối tác kinh tế quan trọng nhất đối với Lào”.

DI DÂN DÔNG ĐẢO VÀ NỖI SỢ VỀ MỘT QUỐC GIA SONG HÀNH.

Ngày mai tươi đẹp ấy không xa. John Walsh nêu vấn đề sau trong bài viết mang tựa đề như trên (nguyên văn: “The Chinese in Laos:Thousands Migrate, Fears of a Parallel State”) cho rằng hiện tượng ‘đất lành chim đậu” như là hâu quả của các chính sách ưu tiên, đã và đang thu hút “vô vàn người di dân Trung Quốc đến những khu thưa thớt dân cư ở Bắc Lào. Tại sao điều này lại xảy ra và điều đó có ý nghĩa gì?”.

Đầu tiên John Wash cho rằng đây là một thói quen nghìn đời: “Người di dân Trung Quốc đã từng đi xuống Đông Nam Á từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm qua…”. Sau đó là những vận hội đến từ sự phát triển của Lào theo một xu hướng như đã từng thấy: “Không chỉ một dúm tiên phong đến kinh doanh hay làm dịch vụ trong các thành phố…Các nhóm người Trung Quốc đông đảo hơn nhiều đã vào đất nước này như là những công nhân xây dựng được thuê mướn…, qua một chương trình xây dừng đường sá mở rộng nối liền Côn Minh (Vân Nam, TQ) đến tận Singapore ở phía Nam, đến miền Trung Việt Nam ở phía Đông, và có thể môt ngày nào đó, đến Ấn độ ở phía Tây. Hàng ngàn người lao động Trung Quốc đã vào Lào giúp xây dựng các con đường này và đến khi hết hợp đồng thì nhiều người thích ở lại. Hàng chục ngàn người Trung Quốc nay đang sống rải rác ở miền Bắc Lào, con số chính xác không biết được, và chính phủ Lào đang rất quan ngại rằng do dân số của Lào thì ít và tỉ lệ dân số ở đấy càng ít, nên bày tỏ nỗi lo sợ rằng một quốc gia song hành sẽ được dựng nên ở biên giới phía Bắc. Điều này dường như mới xảy ra ở Myanmar”.

Tờ Courrier international số 992 đề ngày 5/11/2009, tóm tắt tình hình: “Năm ngoái chính quyền Vân nam đưa ra dự án “Kế hoạch khu vực phía Bắc” mà mục tiêu là phát triển các khu vực công nghiệp ở Bắc Lào từ nay đến 2020. Dự án này sẽ phải được đại hội 9 đảng CS Lào thông qua vào năm 2010. Các chiếc xe hai cầu sang trọng trông thấy ở biên giới Trung-Lào, là bằng chứng không chối cãi cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đã đem lại lợi ích cho một số người nào đó. Tuy nhiên, nhiều người Lào và các quan sát viên quốc tế đặc biệt lo ngại đường “xa lộ số 3”, bằng vốn Trung Quốc và Thái, nối liền Côn Minh với Bangkok chạy qua miền Bắc Lào. Thành phố Boten của Lào nằm ở biên giới Trung Quốc ngay sát đường số 3 này, từ năm 2002 hưởng qui chế “đặc khu kinh tế”, trong thực tế đã hội nhập vào Trung Quốc sau khi giấy phép nhượng cho các nhà đầu tư Trung Quốc một thời gian là 30 năm, có thể gia hạn đến 60 năm. Thành phố được giới thiệu là hiện đại và quốc tế nhất Lào này đã theo múi giờ của Bắc Kinh, sử dụng đồng tệ và tiếng Quan thoại, điện và điện thoại câu vào hệ thống của TQ…Thậm chí các cô gái điếm cũng người TQ![2]”.

THỦY ĐIỆN NHƯ LÀ MŨI NHỌN.

Nhật báo Vientiane Times 8/9/2010 cho biết: “Có đến 18 dự án phát triển thủy điện cho Trung Quốc tài trợ vốn đã được cấp phép ở Lào. Các công ty Trung Quốc cũng đã thực hiện các dự án khai mỏ và trong các lĩnh vực khác. Các công ty Trung Quốc được cấp hàng chục ngàn ha đất dành cho các hoạt đông nông nghiệp và lâm nghiệp.

Mới nhất hôm 23/12, Vietiane Times loan tin: “Một công ty Trung Quốc đã bắt đầu công trình xây dựng một tuyến truyền dẫn diện dài 160km cung cấp điện cho cố đô Luang Prabang vào năm 2014 từ đập thủy điện Hinheup trong tỉnh Vientiane. Công trình này, trị giá khoảng 129 triệu USD, trong đó 120 triệu sẽ được EXIM Bank của Trung Quốc cho vay với lãi suất thấp là 2%/ năm”. Tin trên cho thấy nguồn điện là đập Hinheup trên song Nam Ngum, nơi đang là chỗ dựa cho hàng loạt đập thủy điện khác.

********
Mỗi nước có mỗi nhu cầu phát triển. Có khi phát triển “trên đầu, trên cổ” người khác! Người Pháp có câu “Nỗi bất hạnh của người này lại là phúc cho người khác”.

THIÊN TRIỀU.
01/01/2011
------------------------------------------------------------------

[1] http://www.sea-user.org/download_pubdoc.php?doc=4713

[2]“ Renforcement spectaculaire de la présence chinoise”,

Courrier International, jeudi 5 novembre 2009