29 tháng 4, 2011

Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc.






Website quốc phòng strategypage.com hôm thứ hai (18/4) cho biết tàu sân bay “Shi Lang” của Trung Quốc vừa được lắp đợt vũ khí đầu tiên gồm tên lửa chống tên lửa FL-3000N. Cùng lúc usnews.com loan tin tư lệnh quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương Robert Willard, đã nhẹ nhàng nhận xét trước tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ: “Hải quân Trung Quốc không tỏ ra hung hãn bằng năm ngoái tuy vẫn đeo bám tàu chúng ta như hình với bóng…”. Hiểu thế nào về sự xuất hiện của tàu sân bay “Shi Lang”trên Thái Bình Dương?

Việc hải quân Trung Quốc chọn việc lắp đặt hệ thống tên lửa FL-3000 để phô diễn “sức mạnh tác chiến tương lai” của tàu sân bay “Shi Lang” của mình không khó hiểu. Một tàu sân bay, trước khi có thể tung ra “quả đấm thép ” là các máy bay của mình “đánh đấm’ được ai, phải sống sót trước các cuộc đột kích của đối phương trước đã; và ở thời đại tên lửa này, muốn sống còn, phải trị được tên lửa. Trong cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 giữa Anh và Argentina, khu trục hạm “Sheffield” đã chìm sau khi trúng phải một tên lửa đối hạm Exocet của Argentina do Pháp sản xuất, bắn đi từ một chiến đấu cơ Etendard của không quân Argentina mua lại cũng của Pháp. 30 năm sau, khi chiếc “Shi Lang” sắp ra khơi, kỹ thuật tên lửa đối hạm đã tiến xa hơn quả Exocet nọ đến đâu!

Thế nhưng, stategypage. com lại không đánh giá cao tên lửa FL-3000 này của TQ, chê là không linh hoạt, chính xác và có tầm bắn không xa bằng tên lửa RAM của Mỹ. Nghĩa là chiếc “Shi Lang” có vẻ oai vệ đấy, song để sống còn, còn phải cố gắng nhiều, nhất là khi chiếc này cũng chỉ là một chiếc “Varyag” thời Liên Xô cũ, mới chỉ đóng xong cái xác, chưa lắp máy, hệ thống điện, điện tử gì cả, được Ukraine bán “sắt vụn’ cho một công ty khai là có trụ sở ở Ma cao tên Chong Lot năm 1992 với giá 20 triệu USD để cải tạo thành một sòng bạc nổi, và với cam kết là “không đưa vào sử dụng cho mục đích quân sự”. Sau khi Macao trở về với TQ, chiếc tàu sân bay “sắt vụn” cũng “sang tay” qua hải quân TQ, website chuyên theo dõi chiếc “Varyag” là varyagworld.com cho biết!


Từ 1999 đến nay, chiếc “Shi Lang” được cải tạo thành…tàu sân bay. Năm tới “Shi Lang” sẽ xuất hành với động cơ diesel “cổ điển” giữa thời đại hạt nhân mà chiếc tầu sân bay đầu tiên là chiếc “Enterprise” đã hạ thủy từ năm 1961, còn chiếc “Charles De Gaulle” của Pháp cũng đã hạ thủy cách đây 10 năm! Chiếc “Shi Lang” có “chạy hết tốc độ cũng chỉ “hít khói” tàu sân bay Mỹ (20 hải lý/giờ so với 30 hải lý), bất quá làm tàu huấn luyện là cùng . Thảo nào đô đốc Robert Willard chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ gọi đây chỉ là một mối “đe dọa tượng trưng” !

GIẤC MƠ “BIỂN XANH”.

Thật ra Trung Quốc đâu phải là nước châu Á đầu tiên có tàu sân bay. Lác đác cũng đã có vài nước châu Á đang sử dụng tàu sân bay như Ấn Độ với chiếc “Viraat” từ năm 1987 (mua lại của Anh) hoặc đang tự đóng như chiếc ‘Vikrant”, sẽ đưa vào sử dụng năm tới cùng với chiếc “Vikramaditya” (mua lại của Ukraine), hay Thái Lan đang sử dụng chiếc “Chakri Naruebet” từ năm 1997 (mua lại của Tây Ban Nha) chuyên chở trực thăng và máy bay có cánh lên thẳng (VTOL). Cuộc chạy đua sắm tàu sân bay đã bắt đầu với việc Ấn Độ “tậu” tàu sân bay, khiến Thái Lan, vốn cùng ngó ra Ấn Độ Dương, cũng phải ráng đua theo. Thành ra, sự xuất hiện của chiếc “Shilang” năm tới cũng tạo ra một số “cảm nhận” khác nhau nơi các nước…


Thật ra, việc hải quân một nước vươn xa ra đại dương là môt tất yếu bắt buộc, nhất là khi đối diện với biển, chưa nói đến việc nước đó thiếu tài nguyên, phải thu gom nguyên, nhiên liệu từ xa về mà xài, hoặc có tham vọng bành trướng. Hải quân Mỹ giải thích lý do sử dụng tàu sân bay như sau: "Kinh tế và an ninh chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta bảo vệ các lợi ích của chúng ta ở hải ngoại cũng như hòa bình và ổn định trên thế giới. Cựu Bộ trưởng quốc phòng William Cohen thời Clinton đã từng nói: "Nếu không vươn ra xa được, sẽ ít có tiếng nói hơn, ít có ảnh hưởng hơn” . Đó là điều mà nước Nhật đã làm cách đây 81 năm khi đưa vào sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên của cả thế giới, chứ không chỉ của Nhât, là chiếc “Hosho” (hạ thủy năm 1921), vào ngày 27/12/1922.

HẢI QUÂN NHẬT THẾ KỶ TRƯỚC.


Đóng tàu sân bay là một chuyện, sử dụng thành thạo như là một vũ khí chiến lược, tác chiến hữu hiệu trong đội hình một hải đội, và cất cánh bay đắnh trúng mục tiêu… lại là một chuyện khác. Người Nhật của những năm 1930 đã phát triển thật nhanh lực lượng tàu sân bay phục vụ chiến lược bành trướng của mình. Cuối tháng 1, đầu tháng 2/1932, cùng với việc thôn tính Mãn Châu, hải quân Nhật đưa hai chiếc tàu sân bay “Kaga” (có thể chở đến 80 máy bay) và “Hosho” (36 máy bay) đến tấn công Thượng Hải, bảo vệ 7.000 quân Nhật đang bị lộ quân 19 của Tưởng thống chế bao vây, trong khi chờ đợi lữ đoàn 24 và sư đoàn 9 bộ binh đến tiếp cứu vào giữa tháng 2 . Những chiếc máy bay Nhật cùng hai chiếc tàu sân bay “Kaga” và “Hosho” này sẽ hằn sâu vào trong “bộ nhớ phục thù” của người Trung Quốc.


Cứ thế, hải quân Nhật đã phát triển lực lượng tàu sân bay đến mức chín năm sau đã có thể vươn đến tận Hawai, đánh phủ đầu hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng. Vào ngày 7/12/1941 ấy, Nhật đã có đến sáu tàu sân bay hạng nặng cùng hàng chục tàu sân bay hạng nhẹ, thuộc các lớp Unryu, Taiyo, Shinano, Taiho, Hiyo, Shokaku, Soryu, Ryujo, Akagi và Kaga. Tạm lấy chiếc tàu sân bay đầu tiên, chiếc “Hosho”, tức còn chưa “hung thần”như các chiếc sau này, làm thí dụ: chiếc này chở theo 36 máy bay gồm 12 thám thính, 12 chiến đấu, 12 thả bom , đếm đầu máy bay còn nhiều hơn chiếc “Chakri Naruebet” hiện tại của hải quân hoàng gia Thái ! Trong suốt sáu tháng đầu tiên sau cuộc đột kích Trân Châu Cảng, tàu sân bay cùng hạm đội Nhật “ung dung” làm chủ Thái Bình Dương, thậm chí đến sát cảng Darwin của Úc.


HẢI CHIẾN TÀU SÂN BAY TRÊN THÁI BÌNH DƯƠNG.



Hôm 7/12/1941, tàu sân bay Nhât đã “làm mưa làm gió” tung máy bay ra đánh chìm gần hết hạm đội 7 của Mỹ ở Trân Châu Cảng. May mắn thay cho hải quân Mỹ là hôm đó, không một tàu sân bay nào của Mỹ neo ở Trân Châu cảng. Chiếc “Enterprise” hôm sau mới cặp bến, nên thoát nạn, để rồi trở thành cái sườn cho lực lượng tàu sân bay của Mỹ sẽ phục hận tàu sân bay Nhật chỉ năm tháng sau.

Bắt đầu là trận Biển San hô về phía đông Tân Guinea ngày 7-8/5/1942. Nhật lúc đó định chiếm cảng Moresby ở phía Nam Tân Guinea bằng hai hải đội trong đó có hai tàu sân bay hạng nặng Shokaku và Zuikaku cùng một tàu sân bay hạng nhẹ và nhiều tàu chiến khác. Hải quân Mỹ có hai tàu sân bay cùng khá nhiều máy bay từ đất liền cât cánh. Một tàu sân bay Mỹ chìm, chiếc kia hư hỏng nặng. Nhật chỉ mất một tàu sân bay hạng nhẹ, song cuộc đổ bộ chiếm cảng Moresby bất thành. Hai chiếc Shokaku và Zuikaku bị hư hỏng nặng đến nỗi phải vắng mặt ở trận Midway quyết định sau đó, bằng không cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về phía Nhật. Trận Midway bốn tuẩn sau đó, từ 4 đến 7/6/1942, Mỹ lừa đánh chìm được 4 tàu sân bay của Nhật khi các chiếc này đã gọi hết máy bay về, chỉ mất mỗi 1 chiếc “Yorktown”.

Sau trận Midway, lực lượng Nhật suy giảm sẽ không chịu nổi 4 trận đụng độ tàu sân bay khác, không còn làm chỗ dựa cho bộ binh Nhật phòng thủ nữa. Ngược lại, tàu sân bay Mỹ đóng vai trò làm bàn đạp cho thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ tái chiếm Thái Bình Dương. Chính vai trò này của tàu sân bay sẽ được các nhà binh pháp các nước ghi nhớ để biện luận cho mọi kế hoạch tàu sân bay hay ngược lại cảnh giác phòng ngừa hoặc khiếp vía không đánh đã buông súng.


TÀU SÂN BAY “SHI LANG”


80 năm sau ngày hai tàu sân bay “Kaga” và “Soho” của Nhật khơi khơi đánh phá Thượng Hải, nay mới đến lượt người Trung Quốc rờ vào chiếc tàu sân bay đầu tiên. Tàu sân bay không là một cái gì mới, song mỗi chiếc có những hoàn cảnh đặc thù của nó. Nội dung bất di, bất dịch của các cuốn phim võ thuật, hành động TQ, “ngộ sẽ báo thù”, sẽ có chỗ trong mối hận lòng Thượng Hải 80 năm trước bị bắn phá bởi tảu sân bay Nhật, tiếp theo mối hận thất thủ Bắc Kinh năm 1900 trước liên quân Âu-Mỹ sau vụ nổi loạn của giới võ lâm Trung Quốc (quyền phỉ) và hiêp ước Shimonoseki sau vụ bại trân năm 1895 buộc Trung Quốc phải nhượng các đảo Pescadorses, Đài Loan, cảng Arthur cho Nhật. Trăm năm sau, nay người TQ đã phục thù được trên mặt trận kinh tế - tài chính, thế còn trên các mặt trận khác?


Thêm vào đó là giấc mơ “đổi đời” lên hàng cường quốc quân sự, cộng với những nhu cầu duy trì sự phát triển kinh tế. Tất cả sẽ “đồng hành” với chiếc “Shi Lang”? Tên của tàu này rất ý nghĩa. Shi Lang là tên môt đô đốc Shi Lang đã có công thu hồi đảo Đài Loan vào Trung Quốc năm 1683.Tất nhiên, chiếc “Shi Lang’ mới chỉ là giấc mơ, phôi thai!

THIÊN TRIỀU

25 tháng 4, 2011

CẬN CẢNH ĐẠI HỘI VI ĐẢNG CỘNG SẢN CUBA

Báo cáo Chính trị trước Đại hội VI đảng CS Cuba của Chủ tịch Raul Castro đã cho thấy cơ chế làm việc của Đảng CS Cuba như thế nào, Đại hội đã được tổ chức ra sao và kết quả là gì. Đại hôi bế mạc, song các đại biểu đã quyết định tổ chức Hội nghị Đảng toàn quốc vào cuối tháng 1 năm 2012 để giải quyết việc xây dựng Đảng.

Báo cáo cũng bắt đầu bằng những số liệu: "Đại hội … thực ra đã bắt đầu hôm 9/12 năm ngoái khi Báo cáo Chính trị và Văn kiện Dự thảo Đường lối chính sách kinh tế và xã hội được giới thiệu. Trong suốt ba tháng, từ ngày 1/12/2010 đến ngày 28/2 năm nay, 8.013.838 người đã thảo luận trong hơn 163.000 cuộc họp trong các tổ chức khác nhau, với hơn 3 triệu ý kiến đóng góp”. Liệu đây có phải là trò chơi của những con số thống kê cùng những câu chữ ngoạn mục ?

THAM KHẢO Ý DÂN:ĐỂ LÀM GÌ? NHƯ THẾ NÀO?

Không, theo Raul Castro, việc hỏi ý kiến người dân đã dẫn đến việc “văn kiện gốc có 291 mục, thì 16 mục được sáp nhập vào các mục khác, 94 mục được duy trì, 181 mục được sửa đổi, 36 mục mới được thêm vào. Số học mà nói, các con số đó cho thấy chất lượng của sự tham khảo ý dân: 68% số mục đã được sửa đổi”.

Và Raul Castro đánh giá trong chiều sâu: "Tiến trình đó đã cho thấy rõ Đảng có khả năng đối thoại nghiêm chỉnh và công khai với dân chúng về mọi vấn đề, cho dù nhạy cảm đến đâu, nhất là khi cần hun đúc ra một sự nhất trí toàn dân về những đặc điểm của mô hình kinh tế xã hội của đất nước. …Một kiểu trưng cầu ý dân về chiều sâu, tầm xa và tốc độ của những thay đổi mà chúng ta phải đưa ra. Nhân dân đã tự do phát biểu ý kiến của mình, tỏ rõ các nghi ngại của mình, để xuất những điều chỉnh, bày tỏ những gì không hài lòng cùng những bất đồng, gợi ý các vấn đề khác cần giải quyết mà Văn kiện không nêu”.

Trong thực tế thảo luận, người tham gia cuộc tham khảo đã quan tâm đến những vấn đề gì? Raoul Castro cho biết: "Có 33 mục đã nhận đến 67% số ý kiến góp ý. Các mục được góp ý nhiều nhất là mục số 162 về việc hủy bỏ sổ lương thực, mục số 61 và 62 về chính sách giá cả, mục 262 về vận chuyển hành khách, mục 133 về giáo dục, mục 54 về việc hơp nhất tiền tệ, và mục 142 liên quan đến y tế”. Ở cuộc tham khảo này, số đông không hẳn đã là có lý cũng như không phải lúc nào cũng phải nhất trí 100%. Raoul Castro giải thích: “Nhiều mục đã được sửa đổi hoặc bị bỏ đi chỉ từ ý kiến của một người hay một số ít người. Thành ra, không nhất thiết phải có nhất trí (tuyêt đối), và đó chính là điều mà chúng ta cần, nếu như chúng ta thực sự muốn tham khảo dân chúng một cách dân chủ và nghiêm chỉnh”.

NÓI THẲNG, NÓI THẬT.

Dễ hiểu tại sao mục 162 về việc hủy bỏ sổ lương thực và nhu yếu phẩm lại được góp ý nhiều nhất, vẫn theo Raoul Castro: "Hai thế hệ người dân Cuba đã sống đời mình với hệ thống phân phối khẩu phần mang tính cào bằng có vẻ như vô hại…được thiết lập trong những năm 60 trong giai đoạn khan hiếm…song theo thời gian đã biến thành một gánh nặng không chịu đựng nổi cho nền kinh tế, làm cho chán ngán lao động, đẻ ra vô số bất công trong xã hội…Phi lý đến mức cà phê cũng được chia cho trẻ sơ sinh, đến tháng 9 năm ngoái thuốc lá còn được chia cho người hút thuốc lẫn không hút thuốc…Liên quan đến vấn đề nhạy cảm này, ý kiến rất đa dạng; có người đòi bỏ ngay và có người kịch liệt chống lại, đòi cứ chia khẩu phần mọi thứ, kể cả hàng công nghiệp. Có người muốn chống lại nạn thu gom vơ vét, đảm bảo phân phối cho mọi người các thực phẩm thiết yếu, duy trì trong bước đầu khẩu phần, cho dù có thôi trợ giá. Có người gợi ý cắt sổ đối với những ai thôi đi học hay đi làm (Nhà nước), hoặc khuyên các công dân có thu nhập lớn tự nguyện thôi sử dụng sổ tiếp tế…”.

CẢI CÁCH VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở CUBA.

Có những ý kiến cho rằng tốc độ cải cách ở Cuba còn chậm. Âu cũng là để tránh các vết xe đổ mà không ít người sống trong các xã hội tư bản chủ nghĩa phải gọi những sự vơ vét vào lúc “tranh tối,tranh sáng” đã thấy là “tư bản chủ nghĩa man khai’. Raoul Castro đoan chắc: "Sự tăng trưởng khu vực phi-nhà nước, không có nghĩa là tư nhân hóa tài sản xã hội...mà là để góp phần xây dựng chủ nghĩa Xã hội ở Cuba, bằng cách cho phép Nhà nước tách ra khỏi việc quản lý các hoạt động không mang tính chiến lược, tập trung vào việc gia tăng hiệu quả của các phương tiện sản xuất cơ bản, tài sản của cả nhân dân”. Ông cam đoan: "Nhà nước tiếp tục đảm bảo các dịch vụ y tế và giáo dục y hệt nhau và miễn phí cho toàn thể dân chúng”.

Ông giải thích: “Vấn đề mà chúng ta phải đương đầu không phải là một vấn đề khái niệm; mà là ở chỗ chúng ta sẽ cải cách như thế nào, khi nào, với nhịp độ nào. Hủy bỏ tem phiếu không là một mục đích tự thân…Ở Cuba, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa...sẽ không bao giờ có chỗ cho các “liệu pháp cú xốc”. Tiến trình (cải cách) sẽ tiếp tục đi tới, không vội vã mà cũng không tạm dừng”. Ông long trọng cam kết: "Cách mạng sẽ không để môt người dân Cuba nào bị bỏ rơi… Nhà nước XHCN đến lúc đó sẽ có nhiểu khả năng hơn để biến thành thực tế tư tưởng của José Martí vốn là chủ đạo bản hiến pháp của chúng ta: "Tôi muốn rằng đạo luật đầu tiên này của Cộng hòa chúng ta là để tôn thờ người dân Cuba đúng với phẩm giá con người”.

XÂY DỰNG LẠI ĐẢNG.

Nếu dân đã nói thẳng, nói thật, thì ông Raoul Castro cũng thế trong nhận xét của mình về Đại hội Đảng: "Những gì chúng ta sẽ thông qua trong Đại hội này không thể chịu cùng số phận như những gì đã nhất trí ở các Đại hội trước, hầu hết đã bị quên lãng mà không được hoàn thành. Thành ra cần phải làm rõ rằng, hầu tránh những diễn dịch sai lầm, những nhất trí ở các đại hội cùng ở các cơ quan lãnh đạo khác của Đảng đừng trở thành luật pháp, mà chỉ là những định hướng mang tính chất chính trị vào đạo đức…Cuộc sống đã dạy chúng ta rằng ban hành một khuôn khổ luật pháp tốt, gọi là luật hay nghị quyết cũng được, là chưa đủ đâu, chuẩn bị sẵn sàng nhân sự chịu trách nhiệm thực thi, giám sát, kiểm tra trong thực tế, cần thiết hơn nhiều. Hãy nhắc nhở nhau rằng không có một đạo luật nào tồi cho bằng một đạo luật không được thực thi ”.

Người lãnh đạo đảng CS Cuba kiêm Quyền Chủ tịch nước Raul Castro đề cập thẳng vào quan hệ Đảng và Nhà nước: “…Ngày 18/12 năm ngoái, tôi đã giải thích trước Quốc hội rằng… trong những năm qua Đảng đã tự gắn mình vào những công việc không thuộc thẩm quyền của mình…Thiệt hại gây ra từ sự lẫn lộn các khái niệm này thể hiện…, bởi lẽ người công chức thôi cảm thấy có trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Các thiếu sót trong chính sách cán bộ của Đảng là do gắn quá chặt với các quan niệm sai lầm trên. Điều này sẽ phải được phân tích bởi Hội nghị Đảng toàn quốc…Do thiếu nghiêm khắc và tầm nhìn, mà đã mở ra những khe hở cho sự thăng chức nhanh vọt của các cán bộ thiếu kinh nghiệm, thiếu trưởng thành, chỉ khéo đóng kịch và cơ hội… Mặc cho đã thử nghiệm đủ cả trong việc đưa lớp trẻ vào các chức vụ chủ chốt, cuộc sống đã cho thấy rằng sự lựa chọn đã không phải là tốt nhất. Ngày nay chúng ta đối diện các hậu quả là không có đủ dự trữ người thay thế được chuẩn bị đúng mức, có đủ kinh nghiệm và độ chín để đảm nhiệm các công việc mới và phức tạp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chính phủ….Hãy bắt đầu bước đầu tiên là giảm bớt đáng kể các danh sách cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo”.

Và bí thư thứ nhất Raul Castro hẹn: "Hội nghị Đảng toàn quốc sẽ còn phải xem xét quan hệ giữa Đảng và Đoàn TNCS cùng các tổ chức quần chúng để bóc ra khỏi chủ nghĩa hình thức và lề thói, để các tổ chức này khôi phục được lý lẽ tồn tại của mình, đáp ứng với điệu kiện hiện tại”.

THIÊN TRIỀU
NGUỒN: Rapport Central au VIème Congrès du Parti Communiste de Cuba, La Havane. 16 Avril 2011

13 tháng 4, 2011

CHIẾN DỊCH “RẠNG ĐÔNG CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH”

Chiến dịch “Rạng đông của cuộc hành trình”(operation Odyssey Dawn), mượn ý câu chuyện phiêu lưu thần kỳ của Ulysse (còn gọi là Odysseus) trong tác phẩm của thi hào Homer, để sánh với cuộc phiêu lưu dân chủ trước mắt ở Libya.

Trong văn chương Phap từng có bài thơ "Heureux qui comme Ulysse a fait un beau voyage " (Phước cho ai được như Ulysse đã làm một cuộc hành trình tuyệt vời của Joachim Du Bellay (1522-1560).

“Hành trình tuyệt vời” (Odissey) ấy là “hành trình đi đến dân chủ”, mà bước đầu là…ra khỏi chế độ Gaddafi. Để hình tượng hóa ước muốn hay ý đồ của mình, người Mỹ, đã đặt tên cho chiến dịch là ““Rạng đông của cuộc hành trình” (Operation Odyssey Dawn).

NGHỊ QUYẾT 1970.


Muốn hay không muốn, cũng phải nhìn nhận rằng HĐBA LHQ, qua phiên họp hôm thứ bẩy 26/2/2011, cũng đã nhất trí tuyệt đối 15/15 thông qua nghị quyết 1970 theo đó HĐBA:


- quở trách việc vi phạm nhân quyền mạnh mẽ và có tính hệ thống của chính phủ Libya, kể cả đàn áp những người phản kháng ôn hòa, bày tỏ quan tâm sâu sắc trước sự chết chóc của thường dân, vả bác bỏ một cách không úp mở việc chính phủ Libya cấp cao nhất kích động đối nghịch và bạo lực chống lại thường dân.

- nhận xét rằng các cuộc tấn công vào dân thường một cách có hệ thống và cùng khắp Libya có thể tích tụ lại thành tội ác chống lại nhân loại…

- một lần nữa nhắc nhở nhà chức trách Libya về trách nhiệm bảo vệ dân chúng của mình.

- nhấn mạnh nhu cầu qui trách nhiệm những ai chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công đó vào dân thường, kể cả việc sử dụng võ lực trong tay….

- tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình đối với việc duy trỉ chủ quyền, độc lập, vẹn toàn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Dân quốc Ả rập Libya…

…Căn cứ chươngVII hiến chương LHQ,cùng điều 41, HĐBA nay:

1. Yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực và kêu gọi các bước thỏa mãn các yêu cầu chính đáng của dân chúng;

2. Buộc nhà chức trach Libya: (a) Hành động một cách tự chế tối đa, đảm bảo nhân quyền…
.....

4. Quyết định đưa tình hình tại Dân quốc Ả rập Libya từ ngày 15/2/2011 ra trước công tố trưởng tòa án hình sự quốc tế.

Cấm vũ khí…

9. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên (LHQ) phải ngay lập tức tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc cung cấp, bán hay chuyển nhượng vũ khí hay vật liệu liên quan các loại cho Dân quốc Libya Ả rạp, từ hoặc qua lãnh thổ của mình, hay bởi các công dân của mình, hoặc sử dụng tàu hay máy bay treo cờ nước mình.

Cấm di chuyển...

15. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết ngăn không cho đi vào hay đi qua lãnh thổ nước mình các cá nhân có tên trong danh sách ở Phụ lực I nghị quyết này…

…17. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên sẽ phong tỏa không trễ nải các tài sản kinh tế tài chính trên lãnh thổ các nước, do các cá nhân trong danh sách ở Phụ lục II làm chủ hay kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp…


Sau khi cùng toàn thể HĐBA bỏ phiếu nghị quyết 1970, Đại sứ Trung Quốc Li Baodong đã tuyên bố: "Trung Quốc quan ngại sâu sắc trươc tình hình hiện nay ở Libya. Trong mắt chúng tôi, thật khẩn thiết đảm bảo ngưng bắn tức khắc, tránh đổ máu thêm nữa và tổn thất nơi thường dân, khôi phục ổn định và trật tự bình thường càng sớm càng tốt, và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng các phương tiện hòa bình, tỉ như đối thoại. An toàn và lợi ích của người nước ngoài tại Libya phải được đảm bảo qua tiến trình này. Căn cứ trên tình hình đặc biệt tại Libya vào lúc này, cùng các mối quan tâm và quan điểm của các nước Ả rập và châu Phi, phái đoàn Trung Quốc nay bỏ phiếu thuận nghị quyết 1870 (2011) mà HĐBA vừa thông qua”.

NGHỊ QUYẾT 1973


Qua ngày 17/3/2011, HĐBA HQ thông qua nghị quyết 1973, do 10 nước bỏ phiếu thuận và 5 nước bỏ phiếu trắng (chữ đỏ) gồm:


Nước Tên người đại diện

Trung Quốc (chủ tịch luân phiên tháng 3/2011 ) Mr. Li Baodong

Bosnia và Herzegovina . . . . . . . . . . . . . . . . .Ms. Barbalić


Brazil . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mrs. Viotti


Colombia . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . .Mr. Osorio


Pháp . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. .Mr. Juppé


Gabon . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Messone


Đức . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Wittig


Ấn Độ . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .Mr. Manjeev Singh Puri


Liban. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Salam


Nigeria . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mrs. Ogwu


Portugal . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mr. Moraes Cabral


Nga. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ...Mr. Churkin


Nam Phi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mr. Sangqu


Anh và Bắc Ireland . . ..............................Sir Mark Lyall Grant


Mỹ.......................................................... Ms. Rice


Dựa trên Chương VII hiến chương LHQ, HĐBA nay:


1. Yêu cầu ngưng bắn ngay và chấm dứt toàn diện bạo lực cùng mọi cuộc tấn công chống lại thường dân;

2. Nhấn mạnh yêu cầu gia tăng các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của dân chúng Libya, và ghi nhận quyết định của TTK LHQ phái đăc phái viên của mình đến Libya và quyết định của Hội đồng hòa bình và an ninh của Liên hiệp châu Phi cử ủy ban lâm thời cấp cao đến Libya nhẳm tạo thuận lợi cho việc đôi thoại hướng đến các cải cách chính trị cần thiết cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài…;


3. Yêu cầu nhà chức trách Libya tuân thủ các nghĩa vụ quôc tế của mình…và tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ thường dân, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ…


4. Cho phép các quốc gia thành viên nảo đã báo với TTK LHQ, riêng rẽ nước đó hay qua các tổ chức khu vực hay qua các thỏa thuận, hành động phối hợp với TTK LHQ, tiến hành mọi biện pháp cần thiết…,nhằm bảo vệ thường dân cùng các khu vực dân thường sinh sống đang bị đe dọa tấn công…, kể cả ở Benghazi, trong khi đó loại trừ mọi lực lượng chiếm đóng ngoại quốc dưới mọi hình thức tại bất cứ phần lãnh thổ nào của Libya.


5. Nhìn nhận vai trò quan trọng của Liên đoàn A Rập trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực... Yêu cầu các nước thành viên LĐAR hợp tác với các nước thành viên khác trong việc thực thi đoạn 4 .


Vùng cấm bay


6. Quyết định thiết lập lệnh cấm mọi chuyến bay trên không phận Dân quốc Arâp Libya nhằm giúp bảo vệ thường dân


...8. Cho phép các quốc gia thành viên nào đã báo với TTK LHQ, riêng rẽ nước đó hay qua các tổ chức khu vực hay qua các thỏa thuận, hành động phối hợp với TTK LHQ, tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm thực thi lệnh cấm các chuyến bay ấn định ở đoạn 6 nêu trên, và yêu cầu các nước liên quan công tác với LĐAR một cách chặt chẽ...

Trung Quốc, tuy bỏ phiếu trắng, song cũng đã không bỏ phiếu phủ quyết, cũng không ngáng trở gì, nhất là trong vai trò chủ tịch luân phiên của HĐBA tháng 3/2011. Nhờ đó, hai ngày sau khi nghị quyết 1973 được thông qua (17/3/2011), chiến dịch “Rạng đông của cuộc hành trình” mới được khởi động (hôm 19/3/2011) với đầy đủ tính pháp lý .

Tin tức trên về vụ Libya không có gì đáng lưu ý nếu như “đứng riêng một mình”. Song nếu, ráp lại với những tin tức khác (dưới đây) về một vấn đề khác, sẽ không thể không đặt câu hỏi: Có quan hệ qua/lại gì hay không giữa hai vụ này?


ĐẠI SỨ MỸ YÊU CẦU TỰ KIỀM CHẾ VỀ VẤN ĐỀ SPRATLY

Trên đây là tựa đề của bài báo do ABS-CBN NEWS của Philippines phát đi hôm 7/3/2011,theo đó, đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas hôm thứ hai trước đó đã yêu cầu Philippines, TQ cùng các nước khác liên quan đến cuộc tranh chấp quần đảo Spratly tự kiềm chế. Đại sứ Thomas đưa ra phát biểu nay sau khi hai tàu tuần tiễu TQ gây hấn một tàu dân sự của Philippines tại dải Cỏ Rong (Reed Bank), một phần của quân đảo Trường Sa: "Chúng tôi yêu cầu mọi bên tự kiềm chế, vấn đề Biển Nam Hải (Biển Đông) nên được giải quyết trên bàn đàm phán. Chúng tôi tin rằng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ ngồi xuống theo tinh thần qui ước ứng xử 2002. Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong vụ này”.

Nghe qua, có vẻ như Mỹ đang tích cực “chữa cháy” ở Biển Đông. Song, phần tiếp theo của tuyên bố của đại sứ Thomas, “Đây là một vụ việc giữa TQ và Philippines. Chúng tôi không thể bình luận gì về những phản kháng của Philippines đối với một chính phủ khác ”, lại được ABS-CBN NEWS tức người Philippines cảm nhận như là một sự bỏ rơi: "Quan chức Mỹ (tức đại sứ Thomas) giữ khoảng cách với việc Philippines đâm đơn phản đối TQ vụ việc này”. ABS-CBN ai điếu nhắc lại:” Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ hỗ tương, qua đó hai nước cam kết hành động khi có một cuộc tấn công từ một phe thứ ba”.

Tám ngày sau, tức hôm 15/3/2011, lại có tin ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi điện thoại cho ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm chủ nhật trước đó (tức 13/3/2011) để nhắc lại điều này. Tin này do đại sứ Mỹ tại Philippines Thomas đưa ra, và truyền hình gmanews.tv của Philippines hôm 15/3/2011 loan đi. Nguồn tin này cũng thuật lại rằng đại sứ Thomas đã nhắc rằng “70% người Philippines có dòng máu Trung Quốc…Người Trung Quốc, người Philippines, người Mỹ, người các nước khác nước cùng chung một di sản, mà đôi khi lại quên đi điều đó. Thành ra. mọi chuyện nên được giải quyết hòa bình” (“So we both share, China, Philippines, US, other countries, we have a shared heritage sometimes we don’t realize, so all these things should be resolved peacefully"). Cao quý quá việc đại sứ Mỹ nhắc mọi người về mối quan hệ “bà con” với Trung Quốc!

*********************

Ngày 26/2/2011, Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế thông qua nghị quyết 1970 lên án chính phủ Gaddafi. Ngày 13/3 ngoại trưởng Clinton gọi điện cho ngoại trưởng Phi Thomas khuyên “nhịn”. Bốn ngày sau, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Li Baodong “nhịn” không phủ quyết nghị quyết 1973 cho phép “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya. Bánh ít đi, bánh qui lại?

THIÊN TRIỀU