Tình hình Biển đông trong hai tháng qua cho thấy những kẻ tự nhận là chủ nhân của “đường lưỡi bò” đang ra sức “quấy rối” các nước khác với mục đích “nắn gân” xem phản ứng mỗi “khổ chủ” như thế nào.
Việc ba tàu gọi là “hải giám” của Trung quốc “quấy rối” tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam vào hạ tuần tháng 5/2011 này không khác gì vụ hai chiếc tàu “hải giám” cùng loại “quấy rối” một chiếc tàu khảo cứu của Philippines vào hạ tuần tháng trước. Chính phủ Philippines đã ra lệnh cho không quân nước này phái ngay hai máy bay đến khu vực xảy ra sự cố, hai chiếc “hải giám” nọ phải bỏ đi. Sau vụ đó, chính phủ Philippines còn đệ đơn kiện UNCLOS .
Một tháng rưỡi sau, kịch bản “quấy rối’ này lại được giở ra với những “miếng” tương tự, và lần này nhắm vào một tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam, với một lực lượng đông hơn.
Có thể thấy qua hai hành động liên tiếp một sự thăm dò phản ứng, từ đó sẽ biết có thể “chọc thủng” ở đâu, trong khoảng thời gian bao lâu, sẽ gặp hay không gặp phải phản ứng, và phản ứng, nếu có, sẽ từ đâu, như thế nào, nhanh hay chậm, dứt khoát hay chần chờ hoặc nửa vời, sẽ có phản ứng “dây chuyền” không hay chỉ độc một mình “khổ chủ”… Từ đó, sẽ nhanh chóng ra tay...
Cũng có thể, trong cảnh tranh tối, tranh sáng của một Lybia đang đi đến hồi cáo chung, “thoải mái” vượt xa khuôn khổ hai nghị quyết 1970 và 1973, chẳng bị “ai” khiếu nại cả, như các trường hợp Iran, CHDCND Triều Tiên, một hành động tiên hạ thủ vi cường sẽ được đưa ra trong sự thinh lặng đồng lõa.
Nay là lúc cảnh giác, dứt khoát, quyết liệt nhất bằng không sẽ là quá muộn, có ra bờ Biển Đông khóc cũng vô phương. Nghe chăng Trường Sa đang kêu gào:
It's now or never, (Bây giờ hoặc chẳng bao giờ)
come hold me tight (Hãy ghì chặt ta)
Kiss me my darling, (Hãy hôn ta, người yêu dấu hỡi,)
be mine tonight (Hãy là của ta đêm nay)
Tomorrow will be too late (Ngày mai sẽ là quá muộn màng).
THIÊN TRIỀU