18 tháng 8, 2011

LỜI NGUYỆN CẦU NÀO CHO BIỂN ĐÔNG?

Bài “Buổi sáng thanh bình trên Thái Bình Dương” trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 14/08/2011, kết bằng câu:”Chưa bao giờ Thái Bình Dương lại êm ả, trong xanh như hôm nay. Nguyện cầu cho cứ thái bình như thế”. Trước đó hai ngày, tờ Inquirer Global Nation,12/8 đăng một bài mang tựa đề “Cầu cho hòa bình nào trong biển Đông?” của Rodel Rodis.

Tác giả kể vừa chia tay thủy thủ đoàn chiến hạm BRP Gregorio del Pilar trực chỉ biển Đông và chua chát kết luận: “Nếu họ phải đối diện một cuộc xung đột quân sự với các tàu chiến và tàu ngầm TQ, chúng ta chắc chắn rằng họ sẽ chẳng kịp đọc kinh”. Tại sao lại yếm thế như thế? Chẳng qua tác giả nhớ lại câu chuyện sau mà tác giả kể thật chi tiết: ”Nhiều người trong chúng ta còn nhớ điều gì đã xảy ra khi môt quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã cố bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa. Ngày 14/3/1988, ba chiếc tàu của Việt Nam cặp bờ đá Gạc Ma mà Việt Nam quả quyết là trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, khi thấy một lá cờ của TQ cắm ở đó, họ nhổ. Tàu chiến TQ nhanh chóng nổ súng, và khi khói súng tan, ba chiếc tàu của Việt Nam bị chìm và 66 thủy thủ Việt Nam chết. Vụ thảm sát ngày 14/3/1988 đó được phía TQ ghi hình từ tàu của họ và nay đưa lên You Tube như là một tấm gương cho bất cứ ai dám thách đố TQ”.
Kể đến đó, tác giả Rodel Rodis trở lại với tinh thần bất khuất cố cựu: ”Tôi hỏi các sĩ quan và thủy thủ họ từ đâu đến, họ trả lời từ tỉnh này, thành phố nọ. Đa số bảo rằng họ ước mơ nhập ngũ, phục vụ trong hải quân Philippines, bảo bệ tổ quốc, và nay ước mơ của họ đã thành sự thật. Trong số họ, có cả ba phụ nữ nữa…”.

Đến đây, tác giả nêu ra một đề xuất: ”Trong một trận đánh không cân sức với TQ, tổn thất về phía Philippines sẽ là cao, liệu các nam thanh nữ tú đó của của hải quân Philippines sẽ kịp đọc lời cầu nguyện cuối cùng? Đó chính là nguyên ủy của ý kiến tổ chức Ngày nguyện cầu cho hòa bình trên Trường Sa vào ngày 21/8 tới. Các thủy thủ tàu USP4GG đã nhất trí đáp ứng đề nghị này và có kế hoạch tổ chức cầu nguyện cho hòa bình tại 100 thành phố trên khắp nước Mỹ”.

Song, tác giả cũng không khỏi đắn đo: ”Hòa bình nào chúng ta sẽ cầu xin đây? Đó sẽ là ngày cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình cho Trường Sa, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện cho dân chúng TQ nữa, cho họ được cơm no áo ấm và yên bình hạnh phúc. Họ đâu phải là kẻ thù của chúng ta. Điều chúng ta lên án là các phương thức hiếp đáp, lấm chiếm, giành giật của chính quyền TQ, y hệt như chúng ta lên án một vài chính khách của chúng ta chỉ chực bán rẻ tổ quốc vì lợi ích cá nhân”.
************
Có thể kể thêm vài ngày tháng bất ổn trên Thái bình dương mới đây. Sáng 26/5, tàu TQ cắt cáp của tàu thăm đò địa chấn của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sáng 9/6, tàu TQ lại cắt cáp của một tàu thăm dò khác của Việt Nam. Và một mưu toan tương tự hôm 1/7….Chính vì thế, có thể hiểu tại sao bài “Buổi sáng thanh bình trên Thái Bình dương” lại kết bằng câu:” Chưa bao giờ Thái Bình Dương lại êm ả, trong xanh như hôm nay. Nguyện cầu cho cứ thái bình như thế”. Chẳng phải vì hay nhờ chiếc tàu sân bay của Mỹ mà vì thái độ của nó. Khi phóng viên AP (Mỹ) hỏi hạm trưởng tàu sân bay USS George Washington về sự xuất hiện trước đó mấy ngày của chiếc Thi Lang, hạm trưởng David Lausman bình thản trả lời: “Biển cả là của chung cho mọi người. Chúng tôi muốn cộng tác với họ. Có thiếu gì chuyện để làm chung: hải tặc, sóng thần, thiên tai... Càng cộng tác, đối thoại, càng có cơ hội hiểu nhau hơn, càng bớt hiểu lầm...”.

THIÊN TRIỀU