16 tháng 6, 2011

TÀU TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VIÊT NAM: CẦN LÀM GÌ? TƯ VẤN CỦA GS CARL THAYER.

Kiên trì theo dõi xuyên mọi động thái của Trung Quốc là Giáo sư Carlyle A. Thayer. Ngày 29/5/2011, sau vụ tàu “Bình Minh 2”, ông đã đưa ra nhiều phân tích cùng khuyến cáo. Trong các ngày 1/6, 2/6, 4/6, 7/6, 9/6, 10/6 sau đó, ông còn liên tiếp đưa ra các khuyến cáo mới.

HỎI: Ông bình luận gì về việc TQ mới xâm phạm chủ quyền của VN?

GS Thayer: Sự cố này… tiếp sau sự cố vào tháng 3 với tàu khảo sát của Philippines, dường như TQ đang tăng tốc nhấn mạnh rằng biển Đông là trong thẩm quyền pháp lý của họ và rằng TQ đang “quản lý” biển Đông. Các hành động này của TQ đi ngược với tinh thần Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) và cho thấy TQ sẽ chẳng tiến đến một thỏa thuận thực thi DOC, chớ đừng nói là thương thuyết một Qui tắc ứng xử (COC).

HỎI: Đã từng có nhiều xung đột trong vùng biển tranh chấp. Phản ứng thích hợp của VN là gì để duy trì chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của mình?

GS Thayer: Hành động của TQ lần này là chưa có tiền lệ. VN cần thận trọng hành động và tránh khiêu khích TQ. Tuy nhiên, trong trường hợp này VN nênquay phim lại các sự cố rồi chiếu lên truyền hình, cung cấp các bản sao cho báo chí và ngoại giao đoàn. VN cần chuẩn bị một sách lược thông tin thật tốt. Vụ việc này đòi hỏi VN nỗ lực hơn nữa trong việc theo dõi vùng đặc quyền kinh tế của mình và hộ tống các tàu khảo sát nghĩa là gia tăng tuần tra bằng không quân. Về lâu dài, Việt Nam cần mua tàu thủy và máy bay tuần thám để theo dõi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

HỎI: Trong mọi cuộc họp với ASEAN, TQ đã hứa không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, song TQ đã cho thấy không thực hiện đều đó. Ông giải thích sao về những hành động mới đây của TQ?

GS Thayer: Tôi được biết rằng vào tháng 8 năm ngoái (2010), Bắc Kinh đã xem xét lại vấn đề Biển Đông và đã đề ra một chính sách mới. TQ nay sẽ liên tục khẳng định chủ quyền của họ một cách đều đặn cứ như thể đó là một điều hiển nhiên…TQ hành động cứ như thể TQ thực sự có thảm quyền pháp lý trên biển Đông, rằng luật pháp quốc tế là về phía họ…. Sách lược đó sẽ khiến bên khiếu nại phải gia tăng phản kháng và thu hút sự chú ý về phía họ. TQ tính toán rằng làm như thế họ sẽ tỏ ra là một nhân tố ôn hòa, trái ngược với hình ảnh gây rối của các nước phản kháng. TQ cũng mong sẽ phá vỡ sự gắn bó của các nước ASEAN bên bờ biển Đông bằng cách chia rẽ các nước này…. với một lập trường xác quyết lãnh thổ như thế, như thể đây là “vấn đề của VN”. Một số nước có thể sẽ cảm thấy tốt hơn là không đối đầu với TQ, một số khác cảm thấy nhượng bộ thì tốt hơn. VN thì trông mong nơi một Indonesia còn đang giữ chức chủ tịch ASEAN trong sáu tháng tới, TQ thì muốn câu giờ đơi cho đến khi Campuchia rồi thì Brunei và Myanmar đảm mhậm chức vụ này

HỎI: TQ đã tăng cường hạm đội tuần tiễu, tiếp tục tấn công ngư dân VN, gây tổn thất cho một tàu thăm dò của PetroVietnam. Liệu TQ sẽ còn có thêm những hành động nhằm gia tăng yêu sách Biển Đông của họ?

GS Thayer: Đúng thế. TQ đã nhất quyết xây dựng không đắn đo một hạm đội hiện đại kèm trực thăng. Càng xây dựng như thế, càng quá sức chịu đựng của các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines, nhằm khiến cho các nước Đông Nam Á này phải tháo lui để tránh đối đầu.

HỎI: TQ có thể tung một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm chiếm một số đảo VN hay Philippines đang trấn giữ không? Lúc đó, Mỹ sẽ làm gì?

GS Thayer: Trong lúc này, không thể tin được rằng TQ sẽ tấn chiếm như thế, do lẽ đó sẽ là một hành vi xâm lược quả tang, sẽ khiến các nước ASEAN cùng những nước ủng hộ, Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Úc, Ấn Độ đoàn kết lại chống lại TQ. Các hành động xâm lược của TQ sẽ chỉ khiến cho nội vụ được quốc tế hóa trong mọi diễn đàn an ninh đa phương ở châu Á Thái Bình dương. Điều đó sẽ là một bước lùi to lớn cho khẩu hiệu TQ hài hòa với thế giới. Mỹ không có nghĩa vụ hiệp ước với VN nên sẽ không trực tiếp can dự bảo vệ VN. Song Mỹ sẽ sử dụng các phuơng tiện ngoại giao để đối phó với TQ. Mỹ và Philippines là đồng minh qua hiệp ước an ninh hỗ tương. Chính phủ mới ở Philippines tỏ ra muốn đảm đương trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ và hợp tác với Mỹ. Chính sách của Mỹ dường như nhằm xây dựng năng lực cho quân đội Philippines hơn là đóng một vai trò trực tiếp. Thành ra các nghĩa vụ hiệp định ấy sẽ bị thử thách nếu như TQ tấn công quân sự tàu chiến hay máy bay quân sự của Philippines.

HỎI: VN có thể làm gì để tự bảo vệ nếu như TQ cứ tiếp tục dấn thêm gây hấn?

GS Thayer: VN nên triển khai chiến thuật đan xen tàu của mình giữa các tàu cá của TQ với các tàu khảo sát của mình. VN nên nghĩ đến việc gia tăng khả năng tuần tra để có thể tiên liệu được tàu TQ sắp làm gì để đáp ứng thích nghi. Song, VN cần tự kiềm chế không nổ súng trước. Điều đó sẽ làm phân tán những chú ý quan tâm của công luận vào việc TQ (tự ý) khẳng định chủ quyền của họ. Thực tế là VN đang hành động trong “vùng nội thủy thông thương” của mình, còn TQ thì ở bên ngoài “vùng nội thủy thông thương” của họ. VN có thể phái một lực lượng tàu thủy, tàu bay lớn hơn để bảo vệ tàu của mình. Có thể đặt hỏa tiễn đối hạm trên các đảo của mình để ngăn ngừa tàu TQ.

HỎI: VN nên làm gì để đối đầu với cuộc xâm lược của TQ?

GS Thayer: VN nên liên tục phán kháng ngoại giao với chính phủ TQ. Điều đó sẽ không làm thay đổi hành vi của TQ song là một biện pháp trả đũa cần thiết đối với các hành động của TQ. Nếu VN không làm gì cả trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, mọi vệc sẽ bị xem như “đã xong rồi”. VN nên nêu vấn đề này ở mọi cấp thích hợp với chính phủ TQ, kể các các nhóm công tác hỗn hợp và cấp nguyên thủ nhà nước hay lãnh đạo đảng. VN phải tiến hành một sách lược thông tin công và tư nhằm giúp các nước trong khu vực cùng các nước thân hữu được thông tin đầy đủ. Ưu tiên là tranh thủ được hậu thuẫn của mọi nước ASEAN. VN cần vạch kế hoạch theo dõi tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của mình, cải thiện liên lạc giữa tàu thăm dò trên biển và các cơ quan thẩm quyền trên bờ. Nhằm tránh leo thang xung đột, VN cần phát triển một lực lượng dân sự hay bán quân sự có chức trách chấp pháp chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế.VN nên thông báo cho TQ hay rằng tàu thăm dò của mình luôn được hộ tống. Khi xảy ra sự cố, hay có thể xảy ra, VN nên tung máy bay tuần tiễu ra biển. Mọi sự cố đều phải đuợc ghi hình và phổ biến rộng rãi.

HỎI (sau vụ “Viking2”): Phản ứng của ông trước việc TQ liên tiếp quấy phá, đặc biệt chỉ ít ngày sau khi BTQP TQ hô hào duy trì hòa bình trên biển Đông tại đối thoại Shangri-La?

GS Thayer: Một lần mà thôi thì gọi là “sự cố”, hai lần thì gọi là “vấn đề”. Vụ việc thứ nhì này cho thấy rõ rằng đang nổi lên một vấn đề thật rõ rệt là TQ đã quyêt định manh động xác lập chủ quyền của mình trên biển Đông. Đó là một hành động khiêu khích dứt khoát nhằm cô lập và làm VN run sợ, nhắm đến một sự xa cách giữa VN và các nước ASEAN khác. Nếu VN phản ứng quá liều, thì sẽ bị xem như là “vấn đề” chứ không phải là nạn nhân.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng chiến thuật này của TQ sẽ thành công hay sẽ không đem lại kết quả mong đợi?

GS THAYER: TQ chẳng có cơ sở nào trong pháp lý quốc tế để đòi thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế vốn chỉ có thể được phép đòi từ đất liền mà thôi. TQ lấn chiếm một sồ mỏm đá trên biển Đông, và đó chẳng hề là cơ sở gì chiếu theo UNCLOS về việc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Trong thực tế, Trung quốc đang đòi chủ quyền trên mọi mỏm đá trên biển Đông cùng biển lân cận. TQ còn cho rằng luật pháp TQ cho mình quyền tài phán trên suốt biển Đông. Chiến thuật này của TQ sẽ chẳng đạt kết quả mong muốn, do lẽ, nếu được để yên muốn làm gì thì làm, TQ sẽ bành bá trên toàn biển Đông, sẽ kiển soát mọi tuyến hàng hải hoặc giao thương. Thế nhưng một khi TQ hành động xác quyết chủ quyền như thế, các hành động đó cxủa TQ sẽ khiến cho vấn đề biển Đông chắc chắn được nẹu ra tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn an ninh ARF tháng 7 tới.

Hỏi: Làm thế nào để một chính sách ngoại giao hòa bình sẽ hiệu quả?

GS Thayer: Vào lúc này TQ sử dụng tàu dân sự chớ không sử dụng tàu quân sự. Điều đó gây khó cho VN trong việc bảo vệ các tàu dân sự thăm dò của mình. VN cần dốc hết các nỗ lực hòa bình bằng không TQ sẽ đổ thừa rằng VN mới chính là vấn đề. Song, ngoại giao cần được kèm theo bởi quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. VN cần phải hộ tống các tàu thăm dò của mình để bảo vệ an toàn cho chúng. Đó là một ván bài cân não.

THIÊN TRIỀU
(trích lược từ Thayer Consultancy 29/5 và 9/6/2011)


14 tháng 6, 2011

MẸC, BM, KEN…SẼ KHÔNG CÒN NẾU MẤT BIỂN KHƠI!

Trong những ngày này, có thể thấy rõ lực lượng xâm lấn, quấy phá vùng biển và đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng. Không cần đợi có những khuyến cáo như của GS Carl Thayer về việc mua sắm tàu bè, tàu bay tuần thám trên biển để dự liệu trước đối phương sẽ giở trò ở đâu mà chuẩn bị lực lượng ứng phó, bất cứ ai cũng cảm thấy đang thiếu gì và cần gì.

Trong khi đó, có khá nhiều thứ dư thừa như xe hơi, rượu, bia… xa xỉ phẩm, dư đến thừa mứa làm lệch hẳn cán cân xuất nhập khẩu. Thừa đến nỗi đường sá chật những chiếc xe bẩy chỗ to đùng, gọi là mua để cho gia đình nội ngoại cùng đi…, song thực tế chỉ một hai người trên xe, để rồi đường sá vốn đã chật chội càng thêm hẹp, càng nhiều “chấm” , uống xăng như rồng hút nước, càng bảnh. Nghịch cảnh so với ở Pháp khi xe chỉ bốn chỗ, dung tích máy nhỏ để còn có chỗ đậu cho dù người ta thu nhập hơn gấp 40 lần! Một nước còn nghèo rớt mùng tơi, GDP/đầu người năm 2010, theo IMF, chỉ được 1.174USD, đứng vào hàng thứ 142, mà lại đi nhập khẩu đến 200 triệu lít bia “ken”, chỉ sau Mỹ, Pháp là hai nước có GDP/đầu người nhiều hơn gấp 40 lần hơn! Trên các trang web nghe nhìn, những cặp loa “khủng” giá năm, sáu trăm triệu không phải là hiếm…!Thậm chí có một “đấng” nổi danh chơi hàng “hi-end”, loa, ampli cỡ nào cũng có…Loa Lowther toàn dải mua về vất đó!

Chưa rõ có bao nhiêu người chính đáng kiếm ra tiền, tạo công ăn việc làm cho người khác, thu ngoại tệ về cho đất nước được bao nhiêu, song có thể ngờ rằng có khá nhiều kẻ hái ra tiền chẳng từ sản xuất, buôn bán, kinh doanh…, đích thực mà từ “nước bọt”, và hậu quả là nhập siêu hàng xa xỉ từ đầu năm đến giờ cũng trên tỷ đôla!

Có người tự cho là khôn ngoan bảo “Trứng chọi đá! Để tan nát cả à? Tôi chẳng dây vào làm gì!”.Than ôi, nếu lỡ dại có mệnh hệ gì, biển đảo mất, liệu có còn dầu hoả, cá mú để xuất khẩu mà nhập siêu hay không? Lúc đó, Mẹc, BM, Ken có còn hay không?

THIÊN TRIỀU


12 tháng 6, 2011

TỰ LỘT MẶT NẠ!


Hai vụ xâm phạm liên tiếp trong vòng một tuần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tấn công cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam cho thấy đây không chỉ là những va chạm “dân sự” với lớp vỏ tàu “hải giám" như có thể nghĩ hoặc những hành động thăm dò “nắn gân”, mà là những hành động “càn quét” trên biển Đông, những thao tác “lùng và hủy phá” để thực thi cái mà Trung quốc tự gọi là chủ quyền trong “vùng lưỡi bò” trên biển Đông, theo một kế hoạch, một mệnh lệnh rõ rệt.

Những hành đông đó hoàn toàn chà đạp công ước UNCLOS 1982 mà Trung quốc đã ký kết. Qua các hành động này, Trung quốc cho thấy đã xem việc Trung quốc cũng như Việt Nam và mọi nước khác như Phippines, Malaysia nôp khai báo về các giới hạn bên ngoài thềm lục địa mỗi nước, chiếu điều 76, chương 8 UNCLOS, vào tháng 5/2009, là vô nghĩa! Trong khi Liên hiệp quốc mới chỉ nhận hồ sơ, đâu đã phán quyết gì, mà Trung quốc đã “tự cấp” cho mình thẩm quyền độc nhất trong và bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế mới chỉ khai báo đăng ký, thì đó chính là một sự chà đạp công pháp quốc tế vô cùng! Có thể thấy Trung quốc tự đặt mình lên trên tất cả, cả Liện hiệp quốc lẫn luật biển cùng các nước ASEAN liên quan.

Các vụ vi phạm UNCLOS bạo ngược và bạo hành xâm phạm chủ quyền đó cũng cho thấy thế nào là giá trị của các tuyên bố của các quan chức cùng các ký kết của nhà đương cục Trung quốc. Tuyên bố của BTQP Trung quốc hôm chủ nhật 5/6 mới đây ở Đối thoại Shangri-La như “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông…, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương pháp hòa bình, qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các nước có chủ quyền liên can trực tiếp”. Chẳng qua, BTQP Trung quốc đã chỉ “nói để mà nói’, bằng cớ là ông đã vờ vịt cho rằng “biển Đông đang là ổn định” và ông đã là diễn giả sử dụng từ ngữ “hòa bình” nhiểu nhất: 35 lần trong bài diễn văn của ông! Những hành động lấn phá liên tiếp của Trung quốc cho thấy Việt Nam cùng các nước ASEAN liên quan đang đứng trước một “đối tác đối thoại” mà lời nói, chữ ký cùng cam kết bị vô hiệu hóa bởi chính chủ nhân của chúng, thay vào đó là một thế lực đang giở mọi thủ đoạn để tiên hạ thủ vi cường, bất chấp dư luận quốc tế từ mọi phía trong những ngày qua có vạch rõ các âm mưu đó.

Đây là giờ phút của sự thật, các “mặt nạ” đang tự rơi ra. Dân gian vẫn nói “bất quá tam”.Không thể không dứt khoát nhận ra rằng “nói chuyện” như đã từng “nói chuyện” bao lần trước chỉ là “nước đổ lá môn” và hậu quả sẽ là khôn lường! Đây cũng là giờ phút của những trái tim nóng bơm máu tiếp tế cho những cái đầu lạnh đang cần tỉnh táo nhận chân từng biện pháp, từng bước, từng hành động “trả lời” đúng liều lượng, đúng nơi, đúng lúc. Bảo vệ chủ quyến với những kẻ trí trá không thể đơn giản bằng cảm tính cùng những hò hét cũng không phải là những “trò chơi chính chị, chính em” vô bổ, vô ích và “đâm sau lưng chiến sĩ”!

THIÊN TRIỀU