1 tháng 9, 2010

VEDAN “PHÂY PHÂY” TỪ HAI NĂM NAY RỒI!

Chiều thứ hai 9/8/2010, Tổng giám đốc Vedan Yang Kun Hsiang bất ngờ chấp nhận 100% yêu cầu bồi thường của mỗi địa phương. Có phải đây là bàn thắng vào “phút 89” của công lý và rằng Vedan phải “chịu phép”? Dẫu sao, thì Vedan đã được giải hạn, để từ nay yên ổn “phây phây” như từ 2 năm qua.

Trong buổi tọa đàm chiều thứ tư 4/8 về “những vấn đề pháp lý quanh vụ kiện Vedan”, hầu hết các ý kiến của các luật sư lá băn khoăn không rõ “Vedan sẽ chịu bồi thường bao nhiêu?”. Có ý kiến cho rằng nếu Vedan chịu bồi thường 80% so với yêu cầu, thì cũng được rồi, còn hơn là để vụ kiện kéo dài cù kưa, để lâu…hóa bùn. Riêng một ý kiến không phải của giới luật sư, của một người quen theo dõi, đọc báo nước ngoài, đoan chắc rằng số tiền mà các địa phuơng yêu cầu bồi thuờng…là “con số lẻ” so với tập đòan Vedan. “Số lẻ” ở chỗ điều mà Vedan lo sợ nhất là bị xử lý hình sự vụ gây ô nhiễm sông Thị Vải, song điều này đã không xảy ra, Vedan đã “tai qua nạn khỏi” từ lâu rồi. Còn chuyện Vedan-Việt Nam có giở trò cù cưa, thì do đó là bản chất “giang hồ quốc tế” của tập đòan Vedan này và rằng một xếp lớn của Vedan – Việt Nam đã từng có tiền án, tiền sự trong lĩnh vực này.

“VEDAN CHẲNG HỀ HẤN GÌ TỪ CÁC XỬ PHẠT CỦA VIỆT NAM ”!

Chiều 19/9/2008, Vedan –Việt Nam chính thức thừa nhận sai phạm và ký vào biên bản thừa nhận hành vi của mình. Bộ Tài nguyên môi trường khẳng định vi phạm của Vedan rơi vào khung hình phạt cao nhất. Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ ra quyết định đình chỉ giấy phép xả nước thải công nghiệp của Vedan. Đồng thời sẽ tiến hành xử phạt hành chính cơ quan này theo luật định, với mức phạt có thể lên tới 500 triệu đồng (mức cao nhất) và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.Về phần mình, Cục Cảnh sát Môi trường cho biêt cũng đang xem xét việc truy tố hình sự đối với vi phạm của Công ty Vedan. Cơ quan Công an sẽ xem xét trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc này.

Ai cũng ngỡ rằng chuyến nàyVedan sẽ “te tua” vì án phạt. Ít ai biết rằng chỉ ba tuần sau, hãng tin tài chính Bloomberg 10/10/2008 loan một “tin mừng” từ phía Vedan: ” Vedan International Holdings Ltd, một nhà sản xuất phụ gia thực phẩm có tên trên thị trường chứng khoán Hong Kong, cho biết (Vedan) không sợ rằng một lệnh buộc phải nộp phạt và phí tẩy rửa một con sông bị ô nhiễm từ phía Việt Nam sẽ có tác động cụ thể đến hoạt động của Vedan” . Hãng tin Bloomberg, khi loan tin này cho độc giả là các nhà đầu tư tòan thế giới, đã trích báo cáo của tâp đoàn Vedan International Holdings Ltd, tức Vedan “mẹ”, với cơ quan chứng khoán Hong Kong về vụ tai biến tại Việt Nam.

Giải thích này của Vedan “mẹ” là tối cần thiết do lẽ cổ phiếu Vedan được niêm yết trên thị trường chứng khóan Hong Kong, nhằm trấn an các nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Hong Kong về mức độ tai biến của Vedan tại Việt Nam để họ quyết định giữ lại cổ phiếu Vedan thay vì “buông”. Mẩu tin của Bloomberg kết thúc bằng một kết cuộc rất có hậu:” Vedan International (tức Vedan “mẹ”) cho biết Vietnam-Việt Nam không bị truy tố gì (hình sự)”.

XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRÊN CẢ TUYỆT VỜI!

Có thể thấy, trong vụ này, đối với Vedan, có hai vấn đề phải giải quyết:
1/ vấn đề pháp lý với nhà chức trách Việt Nam sao cho hình phạt càng “nhẹ” càng tốt
2/ xử lý cuộc khủng hỏang dư luận trên sàn chứng khóan Hong Kong, làm sao trấn an tuyệt đối các nhà đầu tư chứng khóan đừng “bỏ của chạy lấy người” để cho cổ phiếu của Vedan đừng phải tuột giá hoặc biến thành tờ giấy lộn. Nếu các cổ đông rần rần “buông” cổ phiếu Vedan, thì Vedan sẽ phá sản ở Hồng Kông.

Mẩu tin trên của Bloombeg cho thấy Vedan đã xử lý khủng hỏang cả về mặt pháp lý (ở Việt Nam) lẫn dư luận quần chúng (ở sàn chứng khóan Hong Kong) một cách rất chuyên nghiệp đạt hiệu quả tối ưu.

Chỉ ba tuần sau khi bị bắt quả tang phải ký thừa nhận sai phạm, Vedan đã có thể an tòan ra khỏi khủng hỏang và “bình chân như vại”. Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đề xuất xử phạt Vedan 216 triệu đồng và truy thu 127 tỷ đồng phí môi trường đã "trốn" nộp trong nhiều năm qua. Những biện pháp bắt buộc khác như phải cải tạo toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định, hệ thống thu gom và cửa xả nước thải phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát…. chỉ thuộc lĩnh vực kỹ thuật mà thôi. Ngòai ra, Vedan không bị truy tố gì khác nữa cả về mặt hính sự. Đó là lý do khiến Vedan “mẹ” đã có thể ung dung bố cáo hôm 10/10/2008:” Vedan International (tức Vedan “mẹ”) cho biết Vietnam- không bị truy tố gì (hình sự)”. Và hãng tin Bloomberg chạy tít:” “Vedan chẳng hề hấn gì với các xử phạt của Việt Nam”!

Đứng trong góc độ quản lý doanh nghịệp và chuyên nghành PR, đây là một trường hợp xử lý khủng hoảng “chuyển bại thành thắng” đáng nể! Chỉ với một khoản đóng phạt, “truy nộp” phí môi trường còn “quỵt” là 127 tỷ đồng là có thể thoát khỏi nguy cơ của một vụ án huỷ hoại môi trường, để vẫn “phây phây” họat động, doanh thu tài chính 2009 thành đạt hơn năm trước. Trong thông báo gửi cho Ủy ban chứng khóan Hong Kong, Vedan không hề tự khoe mình đã hủy họai sông Thị Vải…Nên chẳng ai biết được thành tích bất hảo phá họai môi trường ở VN của Vedan. Uy tín của Vedan International vẹn tòan trên trường quốc tế vốn tối kỵ những vi phạm môi trường.

“GIANG HỒ QUỐC TẾ”.

Có lẽ ít ai, ngọai trừ các quan chức tiếp quản hồ sơ đăng ký kinh doanh, sản xuất của Vedan, biết được rằng Vedan “mẹ” là một “giang hồ quốc tế”. Khi nhiều luật sư cứ ngỡ rằng Vedan (mẹ” và”con”) là một công ty Đài Loan, thì trong thực tế Vedan “mẹ” lại là một công ty đăng ký họat động trên nhóm đảo Cayman với cái tên Vedan International (Holdings) Limited, song cổ phiếu thì niêm yết trên thị trường chứng khóan Hong Kong.
Tại sao Vedan “mẹ” lập công ty trên nhóm đảo Cayman? Lãnh thổ hải ngọai này của Vuong quốc Anh, khét tiếng là một “thiên đường” thuế khóa và rửa tiền với hơn 93.000 công ty, trong đó có 300 ngân hàng, 800 công ty bảo hiểm và 10.000 quỹ hưu bổng tuơng tế . Vedan còn là một “thiên đường” mở tài khoản tẩu tán tài sản trong các ngân hàng “mở”. Mở công ty, mở tài khoản tại “thiên đường” Cayman, làm ăn ở đâu trên thế giới, có trời mới biết thực hư tài chính ra sao!
Trong số các lãnh đạo Vedan- Vietnam vào năm 2006 , Chủ tịch Wang Joel J đã được hãng thông tin tài chính chứng khóan SFC Enforcment Reporter ghi nhận là đã bị tuyên là có tội và bị phạt 5000$ cùng nộp chi phí đìeu tra do vi phạm cả với SEHK (Cơ quan chứng khoan Hong Kong) lẫn tập đòan Vedan International (Holdings) về vấn đề chi trả cổ tức của tập đòan này.

Một khi đã biết Vedan “hình hài” thế đó, sẽ dễ hiểu Vedan là gì, làm gì, như thế nào ở VN từ muơi mất năm qua và từ đây cùng mãi mãi.

**************
Thay lời kết,

Tai đã qua nạn đã khỏi cho Vedan, một số nông dân sẽ được bồi thừong, Vedan-Vietnam nay sẽ yên ổn làm ăn, thời hiệu kiện tụng cũng hết rồi, và phát tài nhất so với các thị trường khác (biểu đồ). Báo cáo kết quả tài chính (tính đến hết ngày 31-12-2009) của Vedan với các cổ đông của mình nêu rõ: doanh thu năm 2009 của đơn vị này là 289 triệu USD, lãi trước thuế 71 triệu USD (làm tròn), tức lãi hơn năm 2008, lãi trước thuế chỉ 64,5 triệu USD(xem bảng biểu cuối bài), cho dù có bị sự cố.

Còn sông Thị Vải, hy vọng sẽ tự gột rửa được những ô nhiễm đã từng bóp nghẹt dòng sông này…chứ không đến nỗi phải cần đến cả một kế họach cải tạo mà các nhà khoa học đã vò đầu bứt tai bàn bạc trong một cuộc họp ít lâu sau vụ Vedan bị bắt quả tang. Tháng 4 năm ngoóai, BT Môi trường đã chẳng đến chứng giám các sửa sai của Vedan và sự “hồi sinh” của sông Thị Vải rồi hay sao? Khắp các bào đều loan tin hồ hởi phấn khởi này, đăng bức ảnh anh ngư dân ôm con cá to tổ chảng khoe:” Ngày hôm nay dzầy là kiếm được 500.000 đồng rồi”!
Lo làm chi khi mà sông Thị Vải đã hồi sinh nhanh đến chóng mặt! Mới 19/2/2009, còn “ngâm cứu”, hai tháng sau báo chí đã báo tin vui: "Sông Thị Vải đã hồi sinh"

@Thiên Triều
01.9.2010.