1 tháng 12, 2010

KHỦNG HOẢNG TẬP TRẬN MỸ-HÀN: TẠI SAO BẮC KINH ĐẤU DỊU?


8g16 phút sáng thứ hai 29/11, Tân Hoa Xã đưa lên trên Nhân dân Nhật báo một bản tin cho biết “Hôm chủ nhật, Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc trong điện đàm với ngọai truởng Mỹ Hillary Clinton đã nói rằng TQ và Mỹ nên giúp làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và tạo thuận lợi cho đối thoại. Ông Đới cho biết TQ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến trong khu vực; rằng lập trường của Bắc Kinh là ưu tiên tìm cách làm dịu tình hình và bác bỏ mọi động thái có thể làm căng thẳng leo thang; rằng vào thời điểm gây cấn này, TQ và Mỹ nên chủ động đóng vai trò kiến tạo và cùng chung nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ tình hình càng nhanh càng sốt, để bảo vệ hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên”.

Thông điệp của ông Đới mà truyền thông chính thức của TQ truyền tải vào đầu tuần quả là một thông điệp “đấu dịu”, nhất là sau khi điều mà cho đến trước đó vẫn còn bị xem là nguyên cớ của cuộc khủng hỏang lần này, tức cuộc tập trận Mỹ- Hàn, đã diễn ra từ chiều hôm trước.

Thật ra, ngay 8g13 phút sáng thứ sáu tuần trước (26/11), tờ Global Times, một phụ bản của Nhân dân Nhật báo, đã khởi sự đấu dịu với việc tải lên mạng bài xã luận trong mục “TQ Ngoại giao” với tựa đề “ Một cuộc trắc nghiệm tính bao dung trên bán đảo Triều Tiên”. Tác giả bài xã luận (không nêu tên, có thể hiểu là chính Global Times) cho rằng :” Sau vụ đấu pháo, Bác Triều Tiên có vẻ như là nước duy nhất thủ lợi, song nay Bình Nhưỡng đang uống thuốc độc để làm dịu cơn khát, lao đầu xuống một con đường chẳng dẫn đi đến đâu”. Bình Nhưỡng đang “khát”, là “khát” gì? “Chén thuốc độc” đang uống này là gì? Ba thành tố đó trong câu văn trên là những “câu đố” mời gọi đủ mọi suy đoán, giả định. Riêng thành tố thứ tư, “con đường” mà “Bình Nhưỡng đang lao đầu vào”, thì tác giả xã luận khẳng định sẵn: "Chẳng dẫn đến đâu!".

Những nhận xét cay đắng như thế đối với nguời “anh em” Bình Nhuỡng từ báo chí TQ quả là xưa nay hiếm! Global Times còn múa bút thêm: "Ổn định là một mục tiêu chung mà mọi quốc gia đều can dự. Bắc Hàn thì muốn duy trì một chính phủ ổn định; Nam Hàn thì mong muốn môt khu vực biên giới ổn định. TQ thì muốn có một tình hình không có sự cố trên bán đảo Triều Tiên, còn Mỹ thì muốn thấy ảnh hưởng của mình tại Đông Bắc Á không bị thách đố. Nhật Bản và Nga có lập trường tuơng tự của TQ hoặc Mỹ”.


Ngôn ngữ vốn là cái luỡi, nên hai mặt. Khi viết câu trên, phải chăng tác giả ngụ ý:


1/ ở Bắc Hàn, chính phủ đang bất ổn định?

2/ khu vực biên giới không ổn định là do Bắc Hàn


3/ Cả TQ, Nhật, Nga cũng như Mỹ đều muốn không có sự cố trên bán đảo Trìều Tiên?


4/ Và quan trọng hơn nữa như là một nhắn nhủ : Mỹ không muốn thấy ảnh hưởng của mình ở khu vực này bị thách đố, được thôi!


Nếu Global Times dừng bài xã luận ở đó, thông điệp đấu dịu cũng đã là quá rõ, và thừa sức trấn an dư luận ngay từ sáng thứ sáu tuần trước rồi. Đàng này, tác giả còn “đóng đinh” thêm: "Mục tiêu chung này (ổn định) thường bị ngáng trở bởi các lợi ích khác: việc Bắc Triều Tiên đeo đuổi vũ khí hạt nhân cùng sự khiêu khích liên tục. Thêm vào đó, chính sách co giựt của Mỹ và Nam Hàn đối với Bình Nhưỡng còn khiến Bắc Triền Tiên quậy nữa, để rồi đi đến chỗ hành động quá trớn!". Nỡ lòng nào lại buộc tội “chú em” Bình Nhưỡng quá xá vậy?!

Chưa hết, Global Times còn đâm bồi vào cạnh sườn Bình Nhưỡng: "Cứ theo diễn biến tình hình này, Nam Hàn sẽ còn phải sống duới những khiêu khích không ngừng của Bắc Triều Tiên; trong khi Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục khổ trong cô lập và nghèo khó vốn càng tồi tệ hơn sau mỗi sự cố”! Luận điệu của Global Times còn hơn “đóng đinh” cả bất cứ tờ báo Hàn quốc nào!

Hai ngày sau nhắn nhủ này của Global Times, cuộc tập trận bị nguyền rủa trước đó mấy ngày được an toàn khởi động vào chiều chủ nhật 29/11. An toàn đến nỗi có thể kiểm chứng qua bức ảnh chụp tướng tư lênh quân đội Mỹ tại Hàn quốc đầu chỉ đội chiếc mũ bê-rê binh chủng thiết giáp của ông, trong khi các tướng Hàn quốc phải chụp nón sắt, khi thăm đảo Yeonpyeong vài ngày sau vụ đấu pháo binh. Chẳng phải tướng thiết giáp Mỹ gan dạ hơn tướng thuỷ quân lục chiến Hàn quốc hay ông mình đồng da sắt, mà là ông có thông tin sớm hơn về thái độ của TQ!


… Chính xác, chú em “Bình Nhưỡng” bị “buông” từ 8g13 phút sáng thứ sáu 26/11. Vấn đề là khi TQ “buông” Bình Nhưỡng, nhìn nhận ảnh hửong của Mỹ ở khu vực ấy, như qua “nhắn nhủ” của Global Times, Mỹ sẽ phải “buông” cái gì, ở đâu để trao đổi?


@Thiên Triều

22 tháng 11, 2010

HOÀNG SA 1956, KHI “ĐƯỜNG LUỠI BÒ” CHƯA RA ĐỜI!

(Chú thích ảnh: Lính thủy đánh bộ Trung Quốc tập đổ bộ lên đảo
Chigua Skerry trong dải Trường Sa ngày 24.4.2010)


Việc Cục Đo đạc bản đồ quốc gia Trung Quốc khơi khơi dựng bản đồ trực tuyến Map World thể hiện “đường luỡi bò” bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam, trong một góc nhìn nào đó, chẳng qua là “thuyền lên, nước lên” khi nay đã mạnh vì gạo , bạo vì tiền… Chứ nếu giở lại chuyện cũ năm 1956, khi các tác giả của “đường luỡi bò” còn chưa hoặc mới ra đời, sẽ thấy thế hệ cha chú họ lúc đó còn lén lút mò lên… khu vực Hoàng Sa như những đạo chích.

Cầu cứu từ đảo Pattle

03 giờ 15 phút chiều chủ nhật 10/6/1956, giờ Wagshinton D.C., trợ lý phụ tá ngoại trưởng đặc trách Viễn Đông - Howard P.Jones - đang nghỉ ngơi với gia đình, một cú điện thoại của trực ban Bộ ngoại giao báo tin có một bức điện khẩn cấp từ tòa đại sứ Mỹ tại Saigòn . Bức điện số 4798 đó báo cáo việc Bộ ngoại giao Saigòn mới chuyển qua một bức điện của trạm khí tượng của họ đặt trên đảo Pattle (tên tiếng Việt là đảo Hoàng Sa) trong quần đảo Paracels (Hoàng Sa). Bức điện vỏn vẹn mấy chữ:”Quân Trung Cộng đổ bộ lên đảo Robert (đảo Hữu Nhật). Sinh mạng tất cả chúng tôi bị đe dọa.Xin được di tản ngay”.


Trợ lý phụ tá ngoại trưởng Jones vô ngay văn phòng, liên lạc với phụ tá ngoại trưởng Hoover, và được lênh đến ngay nhà ông này. Một cuộc họp cấp tốc diễn ra vơi Paul Kattenburg của Vụ Đông Nam Á và McAuliffe, trực ban của Bộ, xoay quanh các chi tiết và bối cảnh tình hình. Phụ Tá ngoại trưởng Hoover cho biết rằng đô đốc Burke, tư lệnh hành quân của Hải quân vừa mới ra lênh cho máy bay của hạm đội 7 bay thám thính khu vực nói trên.
Sau cuộc họp bỏ túi này, tất cả cùng đến nhà Ngoại trưởng Dulles họp. Cố vấn pháp lý Phleger và cố vấn chính trị MacArthur được triệu tập. Mac Arthur qua năm sau sẽ sang Nhật làm đại sứ. Thành phần tham dự cuộc họp đủ cao cấp để tin rằng những ý kiến nêu ra hay đề xuất trong cuộc họp này là rất nghiêm túc Ngoại trưởng Dulles cho rằng đây là một sự kiện tối quan trọng buộc Hoa Kỳ phải hành động ngay và hiệu quả. Theo ông, “đây là một chiến dịch thăm dò của Trung Cộng, có quan hệ sinh tử với vấn đề các đảo Kim Môn và Mã Tổ, mà Hoa Kỳ có lợi ích gắn chặt”. Ông chỉ thị cho các cộng sự viên cao cấp tiếp xúc thêm với các lãnh tụ quốc hội (1).

“KỶ NIỆM” KIM MÔN- MÃ TỔ


Điều gì khiến ngoại trưởng Dulles “gắn chặt” vụ Trung quốc đổ bộ lên đảo Hoàng Sa (Pattle) với vụ Kim Môn-Mã Tổ và lợi ích của Hoa kỳ? Năm 1956 ấy, Trung Hoa lục địa và Đài Loan mới vừa ra khỏi cuộc khủng hoảng quân sự Kim Môn và Mã Tổ lần thứ nhất kéo dài từ 11/9/ 1954 đến 1/1955. Hai hòn đảo “quái ác” của Đài Loan chỉ cách bờ biển Đại lục có tám hải lý, tức hoàn toàn trong tầm bắn của pháo binh. Chính sách của Mỹ với Đài Loan những năm 1950 ấy khác hẳn ngày nay. Thoạt đầu, ngày 5/1/1950, Tổng thống Harry Truman loan báo “Hoa kỳ sẽ không can thiệp vào vụ tranh chấp ở eo biển Đài Loan”, tức sẽ không can thiệp khi hai bên đụng độ. Song, chỉ 6 tháng sau, khi chiến tranh Triều Tiên đã bùng nổ hôm 25/6/1950, Tổng thống Truman bèn nói lại: "Trung lập hóa eo biển Đài Loan”, trong thực tế là để bảo vệ Đài Loan. Không chỉ nói suông, Truman đưa hạm đội 7 đến đây án ngữ che chắn cho Đài Loan. Trong mấy năm trời núp bóng hạm đội 7, Tưởng Giới Thạch tập trung được 58.000 quân trên đảo Kim Môn và 15.000 quân trên đảo Mã Tổ trong ý đồ sử dụng hai hòn đảo cận bờ này thành hai pháo đài, đầu cầu đổ bộ cho một mai tái chiếm lục địa. Ngày 17/8/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố giải phóng Đài Loan. Hai ngày sau, Mỹ "cảnh cáo" “Chớ đụng đến Đài Loan”. Hai tuần sau, vào ngày 3/9/1954, Trung Hoa lục địa bắt đầu pháo kích Kim Môn. Đến tháng 11 thì sử dụng đến máy bay để thả bom. Vào thời đó, Trung Quốc đã có một lực lương không quân mạnh: trong chiến tranh Triều Tiên, có lúc đã huy động đến 1830 chiếc, trong đó có đến 1.000 chiến đấu cơ Mig-15 quần thảo ngày này qua ngày khác với các chiếc F-84 của Mỹ. Ngày 2/12, Mỹ và Đài Loan ký hiệp ước phòng thủ hỗ tương. Ngày 20/1/1955, quân đội Trung quóc chiếm hòn đảo nhỏ Yijiangshan sau khi loại khỏi vòng chiến toàn bộ 720 binh sĩ Đài Loan đòn trú ở đây. Ba ngày sau, quốc hội Mỹ thông qua “nghị quyết Đài Loan” cho phép tổng thống Mỹ sử dụng quân đội bảo vệ Đài Loan. Tháng 1 còn lại bẩy ngày, tháng 2 chóng vánh kết thúc, vừa vặn để Trung Quốc thôi pháo kích. Và đến ngày 1/5/1955, thì phía Trung Quốc đơn phương ngưng bắn (2). Mỹ phải vất vả bảo vệ phe Quốc Dân đảng Đài Loan trong cuộc xung đột Kim Môn- Mã Tử là do trong cái nhìn của Mỹ, đây sẽ là một đột phá khẩu vào “phòng tuyến chống cộng” kéo dài từ quần đảo Aleutians, Nhật Bản, Hàn quốc…xuống đến tận Úc, New Zealand (3) .
Vụ khủng hoảng trên giải thích tại sao ngoại trưởng Mỹ Dulles cho rằng việc Trung Quốc đổ bộ lên đảo Pattle (Hoàng Sa) có liên hệ sinh tử đến hai đảo này và lợi ích của Mỹ. Một khi đảo Pattle (Hoàng Sa) rơi vào tay Trung Quốc, pháo đài cực Nam của “Trung Hoa Cộng Sản” (Chicom) sẽ không còn là đảo Hải Nam, mà là Hoàng Sa.


HOÀNG SA, TRƯỜNG SA và HÒA ƯỚC SAN FRANCISCO 1951.


Trong cuộc họp khẩn chiều chủ nhật 10/6/1956 ấy, Ngoại trưởng Mỹ Dulles bảo các cộng sự của mình xem xét khả năng viện dẫn hiệp định kết thúc chiến tranh với Nhât Bản, theo đó Hoa Kỳ có quyền hạn và trách nhiệm kế thừa đối với tất cả các lãnh thổ của Nhật (chiếm đóng) trước đây (4) . Ông cũng chỉ thị các cộng sự của mình xem xét khả năng đơn phương ra tay hành động chiếu theo tinh thần điều 8 hiệp ước SEATO (Liên phòng Đông Nam Á, kiểu như NATO của Đông Nam Á).
Về vấn đề đầu tiên mà Ngoại trưởng Mỹ Dulles nêu, Mỹ kế thừa các lãnh thổ mà Nhật chiếm đóng trước kia, có thể thấy đây là một “thực tế hiển nhiên” như qua phần trả lời của Ngoại trưởng Úc Nigel Hubert Bowen cho câu hỏi của dân biểu Hạ viên Gough Whitlam (qua năm sau sẽ kế vị ngoại trưởng Bowen) trong phiên họp ngày 15/9/1971 (5):
-Dân biểu Whitlam: Nước nào giữ chủ quyền trên quần đảo Spratly (Trường Sa) và Paracels (Hoàng Sa) mà Nhật Bản từ bỏ mọi quyền lợi, chủ quyền cùng yêu sách trong hòa ước San Francisco ngày 8/9/ 1951?
-Ngoại trưởng Bowen: Câu trả lời cho ngài Dân biểu như sau:…Qua hòa ước 1951, Nhật Bản từ bỏ mọi quyền lợi, chủ quyền, yêu sách trên các quần đảo Spratly và Paracels cùng các lãnh thổ khác…Theo điều 3 hòa ước này, Nhật Bản đồng ý đặt các hòn đảo trên dưới sự quản lý của Mỹ.

Khẩn trương tiếp ứng


Trở lại với cuộc họp giải cứu đảo Pattle (Hoàng Sa). Có ý kiến nêu khả năng rủ Philippines tham gia hành động. Ngoại trưởng Dulles bác bỏ mọi đề xuất hãy tham khảo các chính phủ thuộc SEATO, do lẽ Hoa Kỳ phải ra tay nhanh và lãnh trách nhiệm ra tay. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp trên chỉ sau khi máy bay thám thính của hạm đội 7 xác nhận nguồn tin từ phía Saigòn và sau khi đã thăm dò đánh giá tính hiệu quả mọi khả năng đã nêu ra (6) . SEATO, tức Liên phòng Đông Nam Á, là một anh em sinh đôi với khối NATO, nhằm chung nhau phòng thủ giữa các nước Đông Nam Á. Điều 8 của hiệp ước Liên phòng Đông Nam Á mà ngoại trưởng Mỹ Dulles viện dẫn làm cơ sở cho một cuộc hành quân tái chiếm đảo Pattle ấn định khu vực phòng thủ như sau: "là khu vực Đông Nam Á nói chung, bao gồm toàn bộ lãnh thổ các nước này, và cả trên Thái bình dương ngoại trừ khu vực từ bắc vĩ tuyến 21o 30’ trở lên”. Với điều 8 này, Mỹ có nhiệm vụ phòng thủ khu vực chung nêu trên với các nước Đông Nam Á khác, thậm chí đơn phương ra tay. Kết thúc cuộc họp, Ngoại trưởng Dulles chỉ thị thảo ngay một công điện cho tòa đại sứ tại Saigòn yêu cầu luôn khẩn cấp cập nhật tình hình và thông báo rằng Hoa kỳ đang xem xét trục xuất bọn Cộng Sản (TQ) ra khỏi các hòn đảo ấy. Trợ lý phụ tá Jones Jones hoàn tất ngay bức điện mang mã số Deptel 4011, cụ thể như sau:
"Các cấp cao nhất của chính phủ đang xem xét khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm quét sạch Cộng Sản ra khỏi khu vực, cả trên đảo Woody lẫn trên đảo Pattle và đảo Robert, nếu đảo này sau này cũng bị tấn công. Mọi quyết định tự hậu sẽ tùy thuộc nơi kết quả các thông tin thám thính của không lực hải quân đã được phép cất cánh từ sáng sớm ngày 11/6” (giờ Saigon).

ĐÀI LOAN VÀ SÀIGÒN PHỐI HƠP TÁI CHIÉM HOÀNG SA?

Ngày hôm sau, thứ hai 11/6, bộ ngoại giao Mỹ gửi tiếp bức điện Deptel 4021 cho tòa đại sứ Mỹ tại Saigòn và tại Đài Loan, cho biết chi tiết hơn về “hai khả năng hành động khả dĩ đang được Washington xem xét trong mục đích tống khứ quân Cộng Sản Trung Hoa khỏi Hoàng Sa” như sau :

"1. Các lực lượng khả dụng của Mỹ trong khu vực sẽ đơn phương hành động buộc Cộng Sản Trung Hoa rút lui sau khi đã dành cho một thời gian cảnh cáo. Về mặt pháp lý, hiện chưa dứt khoát dựa trên điều 8 Hiến chương SEATO hay hiêp định (đầu hàng của) Nhật Bản.
2. Nỗ lực đạt đến môt thoả thuận giữa Trung Hoa Dân Quốc (cách gọi trước đây chỉ Đài Loan) và Saigòn về một hành động hỗn hợp của lực lượng của họ, lực lượng Hoa kỳ sẽ cung cấp tiếp liệu hậu cần khi cần thiết. Trong trường hợp thỏa thuận trên đạt được, hãy đảm bảo sẽ không nảy sinh vấn đề pháp lý nào.
Các tòa đại sứ Mỹ liên quan được yêu cầu đưa ra nhận xét về hai phương án trên, trong tinh thần là “khảo sát thái độ của các chính phủ liên hệ (tức Đài Loan và Saigòn) cùng các chính phủ khác ở châu Á, về tác động của việc sử dụng binh sĩ Mỹ thay vì binh sĩ châu Á, và về khả năng giải quyết vấn đề chủ quyền qua một thỏa hiệp dung hòa giữa Trung hoa Dân quốc (tức Đài Loan) và Việt Nam Cộng hòa”.
Đáp ứng yêu cầu của Bộ ngoại giao Saigòn, hạm đội 7 phái ngay hai tuần dương hạm và một số máy bay thám thính đến khu vực Hoàng Sa. Quân lực Mỹ đã thực hiện các cuộc thám thính trên biển, trên không và cả trên bộ ở đảo Robert trong hai ngày 12/6 và 13/6. Trong bức điện sau đó gửi CINCPAC, tổng tư lệnh quân lực Mỹ tại Thai bình dương, phó đô đốc Ingersoll, tư lệnh hạm đội 7 kiêm tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng Mỹ phòng vệ Đài Loan, loan báo các kết quả thám thính: "Thay đổi duy nhất ở Hoàng Sa trong mấy tháng qua chỉ là việc Trung Hoa Cộng Sản tăng nhân sự trên đảo Woody (đảo Phú Lâm)(7). Hoạt động hầu như chỉ là thu gom phân chim. Không thấy binh sĩ hay vũ khí”. Phó đô đốc Ingersoll kết luận: "Trong những điều kiện trên, hiện chưa đến lúc Mỹ phải quét sạch bọn Cộng Sản ra khỏi đảo Phú Lâm…Một nỗ lưc chung giữa Đài Loan và (Nam) Việt Nam cũng không tiện…”.
Bức điện này được sao gửi cho các tòa đại sứ Mỹ trong khu vực để cùng bàn bạc. Đại sứ Mỹ tại Đài Loan Rankin, trong bức điện số 1122, cho biết ông nhất trí vơi các kết luận của đô đốc Ingersoll. Ông cũng lưu ý thêm rằng nếu khuyến khích Đài Loan đơn thân ra tay dọn dẹp khu vực Hoàng Sa, điều đó sẽ có tác đông còn lớn hơn là Mỹ ra tuyên cáo sẽ chống lại sự bành trướng của Cộng Sản Đỏ ở khu vực này.

Về phần mình, đại sứ Mỹ tại Saigòn Reinhardt cũng đánh đi bức điện số 4897 nhấn mạnh rằng hành động đơn phương của Trung hoa Dân quốc (tức Đài Loan) nhằm dẹp Trung hoa Cộng Sản trên đảo Woody (Phú Lâm) sẽ gây tổn thương quan hệ giữa Đài Loan và Sàigòn”.
Đề xuất liên kết Đài Laon và Saigòn dẫn đến đâu? Bức điện của ngoại trưởng Dulles trả lời:
“Đoạn 4. Vấn đề Hoàng Sa- Trường Sa (trên) đối với Bộ dường như minh họa cho việc thiếu các tiếp xúc thích ứng giữa hai chính phủ Đài Loan và Saigòn. Yêu cầu (các tòa đại sứ Mỹ) tại Saigòn và Đài Bắc thông báo với cac chính phủ liên quan trên rằng Mỹ xem việc Đài Loan và Saigòn tăng cường quan hệ cấp cao nhất là một tối ưu tiên của mình”. Ký tên Dulles. (8)

RƯỢU MAO ĐÀI 1972 VÀ HOÀNG SA 1974.

Năm 1956 là năm mà Trung Quốc còn bị Mỹ và “Thế giới Tự do”, trong đó có Đài Loan và Saigon, xem là “Trung Cộng”`cần phải chế ngự tuyệt đối. Thế cho nên, chỉ cần Saigòn “ho” là Mỹ đáp ứng ngay
Với thời gian, các chính phủ Mỹ có những thay đổi chính sách, từ chiến tranh Việt Nam đến quan hệ với Trung Quốc. Chuyến công du Trung Quốc đầu tiên của một Tổng thống Mỹ, Richard Nixon từ 21 đến 28/2/1972, với hình ảnh Nixon nâng chén rượu Mao Đài, đã là một bước ngoặc lịch sử. Gần hai năm sau, Hoàng Sa rơi vào tay Trung quốc, cho dù Saigòn có yêu cầu hạm đội 7 cứu viện. Còn Đài Loan, mà vào năm 1956 ấy còn là đồng minh của Mỹ cùng với Sàigòn, đã phải nhận nghị quyết 2758 ngày 25/10/1971, theo đó CHND Trung Hoa mới là đại diện chính thức tại Lien hiệp quốc, để khăn gói rời khỏi đây, như là một trong những điều kiên tiên quyết cho chuyến công du Trung Quốc của Nixon, dưới sự dàn xếp của Cố vấn Kissinger.
Câu chuyện, mà trợ lý phụ tá ngoại trưởng đặc tránh Viễn Đông Howard P.Jones tường thuật lại trong các bao cáo của mình tháng 6/1956 nêu trên, là một bằng cớ của mọt giai đoạn mà Hoàng Sa còn do chính quyền Sàigòn trấn giữ, hạm đội 7 bảo vệ, và người Trung Quốc mới chỉ thấp thoáng như những kẻ trộm đêm…Các ‘tác giả” của “đường lưỡi bò” còn chưa hoặc mới chào đời.

THIÊN TRIỀU.

---------------------------
1./ Department of State, Central Files, 790.022/6–1056. Top Secret. (Foreign Relations of the United States, 1955–1957 - Volume III, China, Document 186.)
2./ The First Taiwan Straits Crisis
3./ The Taiwan Strait Crisis of 1954-55 – by HI MATSUMOTO -2010
4./Memorandum for the Files, by the Deputy Assistant Secretary of State for Far Eastern Economic Affairs (Jones) [Washington ,] June 10, 1956.
5./ ANSWERS TO QUESTIONS UPON NOTICE - Former Japanese Islands: Sovereignty (Question No. 3670) - House of Representatives Hansard - 15 September 1971.
6./ Source: Department of State, Central Files, 790.022/6–1056. Top Secret.
7./ TQ chiếm đảo Phú Lâm , vào cuối tháng 12/1955, đầu tháng 12/1956.

8./ Foreign Relations of the United States, 1955–1957 Volume III, China, Document 187

18 tháng 11, 2010

Điểm lại “Hội thảo Biển Đông” với tướng hồi hưu Pháp - Daniel Schaeffer.


Trong số các nhà nghiên cứu tham dự Hội thảo, có ông Daniel Schaeffer, nguyên tuỳ viên quân sự Pháp tại Thái Lan, Việt Nam và Trung quốc. nay thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á 21 cùa Pháp.

THIÊN TRIỀU- Tôi muốn nêu lại với ông câu hỏi đã đặt ra cho GS Trung quốc Su Hao. Những hội thảo như thế này là để làm gì? Tranh luận giữa các học giả? Gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách? Giải thích vấn đề, làm rõ lập trường cho công chúng? Làm cho bớt hiểu lầm và thêm hiểu biết lẫn nhau?


-Daniel Schaeffer: Tôi nghĩ rằng vì cả bốn mục đích đó. Song cơ bản vẫn là những trao đổi trong hội thảo sẽ là cơ sở làm việc cho các nhà hoạch định chính sách các nước, hoặc trong ASEAN hay các tổ chức khác, cho phép họ có thể có cả những ý kiến mới. Điều quan trọng khác là để thế giới biết có những vấn đề trên vùng Biển này và những vấn đề đó là gì, từ đó mới có thể đi đến một sự phân chia công bằng các tài nguyên.

THIÊN TRIỀU: Số khách mời tham dự có là cân bằng hay không? Không quá thiên vị điều này, không quá chống điều kia? Do lẽ, có một hội nghị sau đó có ý kiến cho rằng đó là một cuộc “phục kích”…


-Daniel Schaeffer:Tôi nhận thấy rằng các nhà tổ chức hội thảo đã mời khách tham dự một cách rất cân bằng. Tôi cũng nói thêm rằng VN đã không mượn hội thảo này để đưa tối đa số tham luận viên của mình lên diễn đàn. Có những ý kiến của phe này hay phe kia, điều đó là bình thường. Song phải nhìn nhận là có nhiều ý kiến không đồng tình với một bên này hơn là bên kia.


THIÊN TRIỀU: Tại sao thế?

-Daniel Schaeffer: Bởi vì TQ đang bắt đầu làm cho thiên hạ lo âu khi nhất định quả quyết rằng Biển Đông là của họ. Ngay cả khi TQ đề nghị hợp tác kinh tế, tức là đã có một ý muốn hoà bình rồi đấy, thì đó vẫn là trong sách lược “vận dụng những mâu thuẫn” của họ, giống như vận dụng hai mặt âm/dương. Một mặt là lá bài hoà bình, mặt kia là lá bài đe doạ. Cần phải nhớ rằng không thể nào sửa đổi luật Biển của LHQ để cho Biển Đông trở thành của họ.

THIÊN TRIỀU: Trong bài tham luận của ông, ông có nhắc rằng Địa Trung Hải đã luôn là Địa Trung Hải, không ai đòi biến thành của riêng…


-Daniel Schaeffer: Trừ Mussolini trong thế chiến thứ nhì muốn biến thành biển riêng của nước Ý.


-THIÊN TRIỀU: Trở về với cách đây hơn 2000 năm khi người La Mã gọi Địa Trung Hải là “mare nostrum” (Biển của ta). Liệu xu hướng “biển của ta” này có lâu lâu lại quay trở lại hay không?


-Daniel Schaeffer: Trừ phi có mục đích là chế ngự tất cả, là bảo vệ một cách cực độ các yêu sách của mình. Đang có xu hướng muốn tạo thành những “ngoại lệ” cho Biển Đông, như bào rằng “đường lưỡi bò là không thể tranh cãi” . Nếu điều đó xảy ra, Công ước về luật biển của LHQ sẽ không còn ý nghĩa, vì như thế sẽ là tiền lệ cho những ngoại lệ khác ở khắp nơi.

THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, ông có đưa ý kiến rằng mỗi bên, VN và TQ hãy đưa ra mọi bằng cớ lịch sử, pháp lý…ra so với nhau một lần cho xong.


-Daniel Schaeffer: Về mặt lịch sử, vẫn chưa có gì là chung cuộc cả do lẽ vẫn chưa có một nghiên cứu nghiêm túc, đào sâu nào, các tài liệu đưa ra cho thấy ai đã là những người đầu tiên có mặt trên quần đảo Hoàng Sa. Vấn đề Trường Sa cũng thế. Thành ra, một khi tập hợp tài liệu lại được, cho một uỷ ban chuyên môn nghiên cứu, TQ, VN và cả Pháp. Do lẽ người Pháp đã từng đô hộ ở đây…từ tay triều đình An Nam, mới có thể đem ra mà so.
Trước đây, khi VN thương thuyết với TQ về biên giới trên đất liền, VN có hỏi xin Pháp các bản đồ thời thuộc địa. Pháp đã cung cấp cho cả VN lẫn TQ. Nhắc lại như thế để cho thấy rằng chúng tôi rất sòng phẳng, công bằng. Chừng nào mà chưa có một nghiên cứu như thế, cái gọi là “đường 9 đoạn’ hoàn toàn không có chút giá trị gì. Phải là những chứng cứ được công pháp quốc tế thừa nhận. Dẫu sao cũng có một luật được chấp nhận từ sau khi chế độ thực dân kết thúc, đó là qui tắc “uti possedetis” tức là các đường biên giới, sau khi độc lập, sẽ vẫn là như được vạch ra trước đó từ chế độ thực dân.

-THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, có ý kiến cho rằng ở TQ đang có một nhóm thế lực nào đó nắm công việc. Ông nghĩ như thề nào?


-Daniel Schaeffer. Trong mọi chế độ, luôn có những người phát biểu trong những thái cực. Từ cực hữu đến đối lập cực kỳ. Ngay cả trong các phong trào nhân văn cũng có những tiếng nói cực đoan. TQ cũng thế. Từ khi TQ trở thành một thế lực, xuất hiện những ý kiến cực đoan. Tôi nghĩ mỗi quốc gia đều có quyền tồn tại, và các láng giềng cần phải chấp nhận điều đó.


THIÊN TRIỀU: Trong hội thảo, một giáo sư TQ đã hùng hồn giới thiệu thái đô đấy trách nhiệm của chính phủ TQ trong vấn đề Biển Đông. Bản thân ông hiểu thông điệp ấy ra sao?


-Daniel Schaeffer: Tôi có nghe ông ấy phát biểu. Cũng như các đồng nghiệp khác của ông ấy. Việc họ luận thuyết cho chính phủ của họ là bình thường. Phải suy nghĩ về vấn đề này dựa trên nền tảng văn hoá của họ. Lý thuyết âm/dương, tận dụng các mặt mâu thuẫn. Đừng xem cuộc tập trận ba ngày sau phát biểu ôn hoà của ông Ôn Gia Bảo là mâu thuẫn với nhau mà đó là hai mặt bổ sung. Hãy xem “kinh tế thị trường kiểu TQ ”. Tất cả các nhà kiunh tế học phương Tây đều không hiểu nổi điều đó, cho đó là mâu thuẫn, vì thị trường, TQ là TQ. Nhưng người TQ đã cho hai điều mâu thuẫn “kết hôn” được với nhau (marier les contrastes) và chinh phục thế giới với cuộc ‘hôn nhân” đó. Hãy xem Hồng Kong nay là TQ, song hai chế độ. Đó chính là “kết hôn hai mâu thuẫn” với nhau…


THIÊN TRIỀU: Với những người quen tinh thần duy lý, thì đó là sự phi lý. Tôi quen gọi đó là tính hữu lý từ sự phi lý (la logique de l’illogique).


Daniel Schaeffer: Phải hiểu văn hoá về sự kết hợp các mâu thuẫn của họ mới hiểu được họ.


THIÊN TRIỀU

17 tháng 11, 2010

ĐIỂM LẠI "HỘI THẢO BIỂN ĐÔNG” VỚI GS SU HAO (TRUNG QUỐC)

Sáng thứ bảy 13/11, THIÊN TRIỀU đã gặp riêng môt diễn giả khá nổi bật trong Hội thảo khoa học về Biển Đông là Giáo sư Su Hao (Trung Quốc) để điểm lại ý nghĩa và kết quả của cuộc hội thảo lần thứ nhì về Biển Đông tổ chức ở Việt Nam. Có phải VN mượn hội thảo này để đả kích Trung Quốc?

-THIÊN TRIỀU: Thưa giáo sư Su Hao, Hội thảo về Biển Đông này là một dịp cho các nhà nghiên cứu trao đổi ý kiến với nhau. Tôi nghĩ rằng các ý kiến đó cũng đến tai người khác nữa. Tỉ như những nhà hoạch định chính sách và cả công chúng để giúp hiểu vấn đề đúng hơn và hiểu biết nhau hơn.

-GS Su Hao: Ông nói đúng. Hội thảo này rất ý nghĩa. Biển Đông là một điểm nóng của khu vực, là một vấn đề cũ (lâu đời) của khu vực, không chỉ giữa Trung quốc và Việt Nam. Đã có những diễn đàn chính thức khác như Diễn đàn ARF, Diễn đàn hợp tác an ninh, Diễn đàn Đông Á, các diễn đàn ngọai giao “kênh 2” (2nd track Diplomacy, còn gọi là “ngoại giao công dân”, THIÊN TRIỀU) tổ chức từ lâu ở Malaysia, Indonesia…Các bàn tròn an ninh khu vực khác. Hội thảo này do nuớc ông tổ chức là một mặt bằng mới để các học giả trao đổi ý kiến. Đây không phải là “kênh 2 ngoại giao”, cũng không phải chỉ gồm những nước liên quan đến vấn đề Biển Đông, mà là một mặt bằng đối thọai khác, rộng rãi hơn với những nước khác…

MỘT HỘI THẢO HỮU ÍCH CHO CÁC HỌC GIẢ TRUNG QUỐC.

-THIÊN TRIỀU: Một diễn đàn có qui mô thế giới…

GS Su Hao: Đúng thế. Có cả đại diện những nước khác nữa chứ không chỉ những nước chung quanh Biển Đông hay quanh châu Á - Thái bình duơng TQ quan tâm đến hội thảo này và do đó chúng tôi có mặt ở đây. Tôi cũng muốn nói rằng Biển Đông từ một hai năm nay trở thành một vấn đề khu vực nóng; nên cần có cơ hội trao đổi cái nhìn giữa các nước. Các nhà nghiên cứu cần trao đổi ý kiến với nhau để hiểu biết lẫn nhau hơn, và từ sự hiểu biết lẫn nhau đó có thể xây dựng niềm tin với nhau. Tôi nghĩ rằng đây là một mặt bằng có chức năng làm tránh những hiểu lầm, giảm đi những cảm nhận sai.

Kế đến, do lẽ đây là một diễn đàn quốc tế, nên có những ý kiến khác từ phương Tây, Mỹ, châu Âu. Trong quá khứ đã có những ý kiến từ phưong Tây về cái gọi là “sự nổi lên của Trung Quốc”, về cái gọi là thách thức, đe dọa “lợi ích quốc gia” đối với Mỹ chẳng hạn... Một số sự việc trong Biển Đông đã trở thành những cái gọi là “bằng chứng” đối với một số học giả phương Tây để cho rằng “sự nổi lên của Trung Quốc là một thách thức”. Thành ra, tôi nghĩ rằng diễn đàn này chính là một cơ hội để các học giả Trung Quốc phát biểu, bày tỏ cho thế giới quan điểm của mình, chúng tôi hiểu đất nước chúng tôi như thế nào, để giúp thế giới bên ngòai nhận biết thế nào là Trung Quốc đích thực, thái độ của Trung Quốc như thế nào, Trung Quốc xử lý mọi việc ra sao, kể cả vấn đề Biển Đông ra sao. Đây là dịp để các học giả Trung Quốc cho xã hội bên ngoài hiểu rằng Trung Quốc có một thái độ rất trách nhiệm trong vấn đề Biển Đông.

-THIÊN TRIỀU: Đó chính là thông điệp mạnh mẽ của ông trong hội thảo: Chính phủ Trung Quốc có một thái độ rất trách nhiệm.

GS Su Hao: Đúng vậy. Chúng tôi biết rõ chính phủ chúng tôi nghĩ gì, làm gì, ứng xử giải quyết vấn đề với tất cả trách nhiêm của mình, chứ không như các ý kiến đổ tội chúng tôi của phưong Tây.Trong hội thảo này, các học giả Trung Quốc, qua các phát biểu của mình đã cho thấy Trung Quốc thực sự nghĩ gì, hành động ra sao, rằng Trung Quốc có khả năng có một thái độ rất trách nhiệm đối với khu vực, đối với Biển Đông. Chứ Trung Quốc không hề có thái độ bạo ngược, trái lại chỉ muốn giữ ổn định và hòa bình cả trong Thái Bình duơng lẫn trong Biển Đông. Đó chính là suy nghĩ đích thực của chúng tôi. Di sản (tinh thần) của chúng tôi là duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông và Thái bình duơng. Chúng tôi không hề có ý định gọi là « sử dụng phương thức quân sự » để xử lý vấn đề. Thành ra, ở hội thảo này chúng tôi đã làm rõ những vấn đề đó. Phuơng Tây cứ cho rằng Trung Quốc có « lợi ích » trên Biển Đông, trong khi đó Trung Quốc đã không hề có tuyên bố gì gọi là « lợi ích (cốt lõi) như thế cả! Thành ra, chúng tôi muốn truyền thông đại chúng VN và quốc tế nhận thức đúng về cái gọi là “lợi ích” (cốt lõi) này.

-THIÊN TRIỀU: Ông có nghĩ rằng thông điệp của ông đã được nghe và hiểu rõ ở hội thảo này?

GS Su Hao:Họ hiểu chứ. Thành ra, Trung Quốc tham dự hội thảo này là rất tốt để cho phưong Tây và thế giới bên ngòai có thêm thông tin và cảm nhận đúng về một Trung Quốc thực sự. Điều đó thật là tốt!

AI ĐANG LÀM GÌ Ở BẮC KINH ?

-THIÊN TRIỀU : Có ý kiến tham luận cho rằng ở Trung Quốc hiện đang có những dị biệt trong giới lãnh đạo. Tỉ như giới quân sự nay có thế lực hơn, họ có những quan tâm riêng của họ, có những lợi ích riêng của họ, họ đang diễu võ giương oai. Câu hỏi đặt ra là: ở Trung Quốc, ai đang « nắm công việc »? Ông còn nhớ ý kiến của nhà tham luận đó chứ ?

-GS Su Hao: Của một nhà nghiên cứu phương Tây[1]. Họ nói như thế để nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang xây dựng quân sự, để chỉ trích rằng Trung Quốc có một thái độ xâm luợc. Qua hội thảo này, các học giả chúng tôi cho thấy việc một cuờng quốc có những họat động quân sự là bình thuờng. Một hiện tượng rất bình thuờng. Trung Quốc đang hiện đại hóa, kể cả quân sự. Nước nào cũng thế, kể cả VN.

-THIÊN TRIỀU : Đúng thế, kể cả VN...

Nghe đến đây, Ren Yuanzhe ,một tiến sĩ, giảng viên đại học ngọai giao Trung Quốc, trợ lý của GS Su Hao vội ghi chép vào trong sổ tay.

-GS Su Hao lập lại: VN cũng thế phải không ? Đúng không ?

-THIÊN TRIỀU : Đúng vậy.

Ren Yuanzhe tiếp tục ghi chép trả lời của THIÊN TRIỀU.

-GS SU Hao : So với phát triển kinh tế của Trung Quốc, thì phát triển quân sự như thế là còn thấp, nên hiện đại hóa quân sự là bỉnh thuờng, rất bình thuờng thôi. Trung Quốc đang đối diện nhiều thách thức an ninh quốc gia. Như vấn đề Đài Loan. Đất nuớc Trung Quốc còn bị chia cắt, nhiệm vụ tái thống nhất vẫn còn đó. Đài Loan vẫn còn được trợ giúp từ bên ngoài, được Mỹ bán vũ khí. Mỹ bỏ qua một số cam kết vể vấn đề Đài Loan. Thành ra, Trung Quốc cần tăng cường khả năng quân sự.

THẾ NÀO LÀ HỮU NGHỊ ?

-THIÊN TRIỀU : Gần đây tôi đang viết một bài có liên quan đến hai sự kiện mà không biết kết luận ra sao. Sự kiện thứ nhất là hôm 29/10, Thủ tướng các ông, Ôn Gia Bảo, theo AFP tường thuật, đã tuyên bố Trung Quốc sẽ hòa bình hữu nghị trên Biển Đông với các nước.Ba ngày sau, hôm 2/11 Global Times, Xinhua net, loan tin Trung Quốc tập trận tấn công với 1800 lính thủy đánh bộ cùng 100 tàu chiến, tầu ngầm các lọai ở Biển Đông. Nhật báo Global Times các ông đăng lại phát biểu của một quan chức các ông cho rằng « tập trận đó là để cho thấy sức mạnh của lính thủy đánh bộ Trung Quốc », rằng « cuộc tập trận này là để cảnh cáo các nước nào muôn tập trận với nước khác ». Theo ông, cuộc tập trận đó chính xác nghĩa là gì ?

GS Su Hao : Ngày 2/11 à ? Tôi không biết tin này. Cho dù sao đi nữa, tôi cũng cho rằng đó là chuyện bình thuờng cả. Trước hết, môt cuờng quốc như Trung Quốc cần tập trận. Nước nào cũng thế,VN cũng thế phải không ? Kế đến, chúng tôi cần tập trận như thế để cho một số thế lực bên ngoài thấy sức lực của chúng tôi. Đây là liên quan đến an ninh quốc gia chúng tôi, đến eo biển Đài Loan.Tiếp nữa, năm nay, như ông biết, có nhiều vấn đề. Ở Đông Bắc Á chẳng hạn, Mỹ tập trận với đồng minh Nam Hàn, Nhật Bản.

THIÊN TRIỀU : Tôi muốn thu hút sự chú ý của ông đến một số chi tiết sau. Thứ nhất là vị trí của cuộc tập trận là trên Biển Đông gần Trường Sa. Thứ nhì là bản chất của cuộc tập trận. Đây là một cuộc tập đổ bộ tấn công chứ không phải tập phòng thủ. Tập trận cũng có dăm bẩy đường tập trận. Với 1800 lính thùy đánh bộ tập đổ bộ trên Biển Đông như thế, cuộc tập trận này chính là chuyện gây « hiểu lầm » đấy. Ông nói đến Mỹ, đến Nhật, nhưng láng giềng gần sát nhất cuộc tập trận đổ bộ này lại là Việt Nam!

GS Su Hao : Tôi nghĩ rằng, nếu quả thật là như thế, thì Trung Quốc cũng không muốn nhắm đến VN. VN không là mục tiêu của Trung Quốc. Hai nước chúng ta hữu nghị mà. Chúng tôi không nhắm VN như là một mục tiêu quân sự. Chúng tôi tập trận ở Nam Hải nhưng thật ra nhắm đến Biển Đông Bắc. Ở đó, tình hình không cân xứng. Mỹ và liên minh của họ rất mạnh...

THIÊN TRIỀU : GS Su Hao, tôi đọc rất nhiều bài xã luận của ông trên Global Times. Ông là nhà xã luận ôn hòa nhất.Tôi muốn nhờ ông giải thích giùm tôi bài báo này đăng trong mục « Diễn đàn » tờ Global Times ấy. Tựa đề bài báo là "Trung Quốc cần hủy họai nền kinh tế VN để tránh một cuộc chiến tranh thực sự” (China needs to destroy vietnam's economy to avoid real war). Bài này mới đăng hôm 8/10, cách đây không lâu, do Steven Guo biên tập. Bài này được trình bày rất đầy ý nghĩa với hai bức ảnh xe cộ như nêm ở Bắc Kinh tương phản với xe đạp ở Hà Nội.

GS Su Hao : Tờ báo này không phải là một tờ báo nghiêm túc. Họ thích câu khách.

THIÊN TRIỀU : Tôi vẫn tưởng đó là một tờ báo nghiêm túc vì ông, một học gỉa nghiêm túc, thường có bài trên đó. Ông có nghĩ rằng những bài báo như thế có ích gì cho điều gọi là tình hữu nghị hai nước ? Tôi có thể đoan chắc với ông rằng không thề thấy một bài báo nào như thế trên báo chí VN.

GS Su Hao : Đó là một tờ báo độc lập, họ muốn đăng gì thì đăng. Không cấm được.

THIÊN TRIỀU : Tôi ngạc nhiên khi hay biết ở Trung Quốc lại tự do báo chí đến thế. Nhờ ông nói lại với Global Times rằng những bài báo như thế không hữu nghị chút nào. Nói đến hữu nghị, ông có mở truyền hình trong phòng khách sạn của ông không? Ông đếm được bao nhiêu đài của Trung Quốc ?

GS Su Hao : Có kênh 4 (CCTV4).

THIÊN TRIỀU : Ông hãy đếm kỹ nữa đi, còn có ít nhất 4,5 đài nữa, Quảng Đông, Phượng Hoàng vân vân... Ông có biết chúng tôi có 64 tỉnh thành và mỗi tỉnh thành có ít nhất một đài truyền hình. Và đài nào cũng chiếu phim Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng không ở một nước nào khác trên thế giới này, lại có một môi trường hữu nghị với văn hóa Trung Quốc như ở VN. Thành ra, tôi nhắc lại, tôi không nghĩ rằng những bài báo như thế lại là có ích cho hai nước.

GS Su Hao : Tôi có thể giữ bài báo này ?

THIÊN TRIỀU : Xin mời ông. Tôi in ra để ông đọc vì quan tâm đến tình hữu nghị hai nước ấy mà.

-----------------------
[1] Leszek Buszynski của Đại học Quốc gia Úc. Xem “Hội thảo quốc tế về Biển Đông: Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế”, TUỔI TRẺ Thứ Sáu, 12/11/2010.

1 tháng 9, 2010

VEDAN “PHÂY PHÂY” TỪ HAI NĂM NAY RỒI!

Chiều thứ hai 9/8/2010, Tổng giám đốc Vedan Yang Kun Hsiang bất ngờ chấp nhận 100% yêu cầu bồi thường của mỗi địa phương. Có phải đây là bàn thắng vào “phút 89” của công lý và rằng Vedan phải “chịu phép”? Dẫu sao, thì Vedan đã được giải hạn, để từ nay yên ổn “phây phây” như từ 2 năm qua.

Trong buổi tọa đàm chiều thứ tư 4/8 về “những vấn đề pháp lý quanh vụ kiện Vedan”, hầu hết các ý kiến của các luật sư lá băn khoăn không rõ “Vedan sẽ chịu bồi thường bao nhiêu?”. Có ý kiến cho rằng nếu Vedan chịu bồi thường 80% so với yêu cầu, thì cũng được rồi, còn hơn là để vụ kiện kéo dài cù kưa, để lâu…hóa bùn. Riêng một ý kiến không phải của giới luật sư, của một người quen theo dõi, đọc báo nước ngoài, đoan chắc rằng số tiền mà các địa phuơng yêu cầu bồi thuờng…là “con số lẻ” so với tập đòan Vedan. “Số lẻ” ở chỗ điều mà Vedan lo sợ nhất là bị xử lý hình sự vụ gây ô nhiễm sông Thị Vải, song điều này đã không xảy ra, Vedan đã “tai qua nạn khỏi” từ lâu rồi. Còn chuyện Vedan-Việt Nam có giở trò cù cưa, thì do đó là bản chất “giang hồ quốc tế” của tập đòan Vedan này và rằng một xếp lớn của Vedan – Việt Nam đã từng có tiền án, tiền sự trong lĩnh vực này.

“VEDAN CHẲNG HỀ HẤN GÌ TỪ CÁC XỬ PHẠT CỦA VIỆT NAM ”!

Chiều 19/9/2008, Vedan –Việt Nam chính thức thừa nhận sai phạm và ký vào biên bản thừa nhận hành vi của mình. Bộ Tài nguyên môi trường khẳng định vi phạm của Vedan rơi vào khung hình phạt cao nhất. Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ ra quyết định đình chỉ giấy phép xả nước thải công nghiệp của Vedan. Đồng thời sẽ tiến hành xử phạt hành chính cơ quan này theo luật định, với mức phạt có thể lên tới 500 triệu đồng (mức cao nhất) và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.Về phần mình, Cục Cảnh sát Môi trường cho biêt cũng đang xem xét việc truy tố hình sự đối với vi phạm của Công ty Vedan. Cơ quan Công an sẽ xem xét trách nhiệm của những người liên quan trong vụ việc này.

Ai cũng ngỡ rằng chuyến nàyVedan sẽ “te tua” vì án phạt. Ít ai biết rằng chỉ ba tuần sau, hãng tin tài chính Bloomberg 10/10/2008 loan một “tin mừng” từ phía Vedan: ” Vedan International Holdings Ltd, một nhà sản xuất phụ gia thực phẩm có tên trên thị trường chứng khoán Hong Kong, cho biết (Vedan) không sợ rằng một lệnh buộc phải nộp phạt và phí tẩy rửa một con sông bị ô nhiễm từ phía Việt Nam sẽ có tác động cụ thể đến hoạt động của Vedan” . Hãng tin Bloomberg, khi loan tin này cho độc giả là các nhà đầu tư tòan thế giới, đã trích báo cáo của tâp đoàn Vedan International Holdings Ltd, tức Vedan “mẹ”, với cơ quan chứng khoán Hong Kong về vụ tai biến tại Việt Nam.

Giải thích này của Vedan “mẹ” là tối cần thiết do lẽ cổ phiếu Vedan được niêm yết trên thị trường chứng khóan Hong Kong, nhằm trấn an các nhà đầu tư ở sàn chứng khoán Hong Kong về mức độ tai biến của Vedan tại Việt Nam để họ quyết định giữ lại cổ phiếu Vedan thay vì “buông”. Mẩu tin của Bloomberg kết thúc bằng một kết cuộc rất có hậu:” Vedan International (tức Vedan “mẹ”) cho biết Vietnam-Việt Nam không bị truy tố gì (hình sự)”.

XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRÊN CẢ TUYỆT VỜI!

Có thể thấy, trong vụ này, đối với Vedan, có hai vấn đề phải giải quyết:
1/ vấn đề pháp lý với nhà chức trách Việt Nam sao cho hình phạt càng “nhẹ” càng tốt
2/ xử lý cuộc khủng hỏang dư luận trên sàn chứng khóan Hong Kong, làm sao trấn an tuyệt đối các nhà đầu tư chứng khóan đừng “bỏ của chạy lấy người” để cho cổ phiếu của Vedan đừng phải tuột giá hoặc biến thành tờ giấy lộn. Nếu các cổ đông rần rần “buông” cổ phiếu Vedan, thì Vedan sẽ phá sản ở Hồng Kông.

Mẩu tin trên của Bloombeg cho thấy Vedan đã xử lý khủng hỏang cả về mặt pháp lý (ở Việt Nam) lẫn dư luận quần chúng (ở sàn chứng khóan Hong Kong) một cách rất chuyên nghiệp đạt hiệu quả tối ưu.

Chỉ ba tuần sau khi bị bắt quả tang phải ký thừa nhận sai phạm, Vedan đã có thể an tòan ra khỏi khủng hỏang và “bình chân như vại”. Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ đề xuất xử phạt Vedan 216 triệu đồng và truy thu 127 tỷ đồng phí môi trường đã "trốn" nộp trong nhiều năm qua. Những biện pháp bắt buộc khác như phải cải tạo toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo quy định, hệ thống thu gom và cửa xả nước thải phải được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát…. chỉ thuộc lĩnh vực kỹ thuật mà thôi. Ngòai ra, Vedan không bị truy tố gì khác nữa cả về mặt hính sự. Đó là lý do khiến Vedan “mẹ” đã có thể ung dung bố cáo hôm 10/10/2008:” Vedan International (tức Vedan “mẹ”) cho biết Vietnam- không bị truy tố gì (hình sự)”. Và hãng tin Bloomberg chạy tít:” “Vedan chẳng hề hấn gì với các xử phạt của Việt Nam”!

Đứng trong góc độ quản lý doanh nghịệp và chuyên nghành PR, đây là một trường hợp xử lý khủng hoảng “chuyển bại thành thắng” đáng nể! Chỉ với một khoản đóng phạt, “truy nộp” phí môi trường còn “quỵt” là 127 tỷ đồng là có thể thoát khỏi nguy cơ của một vụ án huỷ hoại môi trường, để vẫn “phây phây” họat động, doanh thu tài chính 2009 thành đạt hơn năm trước. Trong thông báo gửi cho Ủy ban chứng khóan Hong Kong, Vedan không hề tự khoe mình đã hủy họai sông Thị Vải…Nên chẳng ai biết được thành tích bất hảo phá họai môi trường ở VN của Vedan. Uy tín của Vedan International vẹn tòan trên trường quốc tế vốn tối kỵ những vi phạm môi trường.

“GIANG HỒ QUỐC TẾ”.

Có lẽ ít ai, ngọai trừ các quan chức tiếp quản hồ sơ đăng ký kinh doanh, sản xuất của Vedan, biết được rằng Vedan “mẹ” là một “giang hồ quốc tế”. Khi nhiều luật sư cứ ngỡ rằng Vedan (mẹ” và”con”) là một công ty Đài Loan, thì trong thực tế Vedan “mẹ” lại là một công ty đăng ký họat động trên nhóm đảo Cayman với cái tên Vedan International (Holdings) Limited, song cổ phiếu thì niêm yết trên thị trường chứng khóan Hong Kong.
Tại sao Vedan “mẹ” lập công ty trên nhóm đảo Cayman? Lãnh thổ hải ngọai này của Vuong quốc Anh, khét tiếng là một “thiên đường” thuế khóa và rửa tiền với hơn 93.000 công ty, trong đó có 300 ngân hàng, 800 công ty bảo hiểm và 10.000 quỹ hưu bổng tuơng tế . Vedan còn là một “thiên đường” mở tài khoản tẩu tán tài sản trong các ngân hàng “mở”. Mở công ty, mở tài khoản tại “thiên đường” Cayman, làm ăn ở đâu trên thế giới, có trời mới biết thực hư tài chính ra sao!
Trong số các lãnh đạo Vedan- Vietnam vào năm 2006 , Chủ tịch Wang Joel J đã được hãng thông tin tài chính chứng khóan SFC Enforcment Reporter ghi nhận là đã bị tuyên là có tội và bị phạt 5000$ cùng nộp chi phí đìeu tra do vi phạm cả với SEHK (Cơ quan chứng khoan Hong Kong) lẫn tập đòan Vedan International (Holdings) về vấn đề chi trả cổ tức của tập đòan này.

Một khi đã biết Vedan “hình hài” thế đó, sẽ dễ hiểu Vedan là gì, làm gì, như thế nào ở VN từ muơi mất năm qua và từ đây cùng mãi mãi.

**************
Thay lời kết,

Tai đã qua nạn đã khỏi cho Vedan, một số nông dân sẽ được bồi thừong, Vedan-Vietnam nay sẽ yên ổn làm ăn, thời hiệu kiện tụng cũng hết rồi, và phát tài nhất so với các thị trường khác (biểu đồ). Báo cáo kết quả tài chính (tính đến hết ngày 31-12-2009) của Vedan với các cổ đông của mình nêu rõ: doanh thu năm 2009 của đơn vị này là 289 triệu USD, lãi trước thuế 71 triệu USD (làm tròn), tức lãi hơn năm 2008, lãi trước thuế chỉ 64,5 triệu USD(xem bảng biểu cuối bài), cho dù có bị sự cố.

Còn sông Thị Vải, hy vọng sẽ tự gột rửa được những ô nhiễm đã từng bóp nghẹt dòng sông này…chứ không đến nỗi phải cần đến cả một kế họach cải tạo mà các nhà khoa học đã vò đầu bứt tai bàn bạc trong một cuộc họp ít lâu sau vụ Vedan bị bắt quả tang. Tháng 4 năm ngoóai, BT Môi trường đã chẳng đến chứng giám các sửa sai của Vedan và sự “hồi sinh” của sông Thị Vải rồi hay sao? Khắp các bào đều loan tin hồ hởi phấn khởi này, đăng bức ảnh anh ngư dân ôm con cá to tổ chảng khoe:” Ngày hôm nay dzầy là kiếm được 500.000 đồng rồi”!
Lo làm chi khi mà sông Thị Vải đã hồi sinh nhanh đến chóng mặt! Mới 19/2/2009, còn “ngâm cứu”, hai tháng sau báo chí đã báo tin vui: "Sông Thị Vải đã hồi sinh"

@Thiên Triều
01.9.2010.

4 tháng 6, 2010

Hatoyama, vị thủ tướng trọng công luận

Công luận sẽ ghi nhớ vị thủ tướng Nhật Bản vừa từ chức như là một nhà lãnh đạo rất tôn trọng dân chúng và công luận và sống chết vì điều đó.

Hôm 4/5, sau khi đi thăm Okinawa về, Thủ tướng Hatoyama đã viết trong thư điện tử đề ngày 14/5 gửi cho các đôc giả của ông, trong và ngoài nước, thuật lại chuyến đi và tâm tư của ông như sau:

“Tôi đến trường tiểu học số 2 ở Futenma, ngay sát bên căn cứ, leo lên nóc, máy bay và trực thăng bay qua các ngôi nhà…Tôi đã gặp tỉnh trưởng Okanawa, Hirokazu Nakaima, và đã thành thật bảo với ông rằng để đảm bảo an ninh cho đất nước, nên khó mà tái bố trí căn cứ không quân Futenma ra khỏi nước Nhật hay Okinawa. Tôi vô cùng tiếc vì việc này và tôi xin ông chấp nhận việc tái bố trí căn cứ này tại Okinawa…Tôi cũng đã gặp hôm thứ sáu tuần trước, tỉnh trưởng tình Kagoshima cùng ba thị trưởng khác trong tỉnh Tokunoshima. Tôi thành thật xin lỗi họ vì đã gây ra cho họ nhiều quan ngại. và cũng đã hỏi xem liệu tỉnh Tokunoshima có thể chia sẻ gánh nặng của Okinawa hay không… Vấn đề các căn cứ quân sự là một trong những vấn đề mà toàn thể nhân dân Nhật phải nghĩ đến vì sự an toàn của đất nước này trong bối cảnh vẫn còn bất ổn của khu vực Đông Bắc Á. Tôi mong mỏi mỗi người hiểu điều này…để duy trì an ninh quốc gia Nhật Bản”.

An ninh quốc phòng là ưu tiên đầu tiên mà mọi chính phủ hay người dân đều phải nghiêng mình tuân thủ. Vụ nổ chìm tàu Choenan chỉ là một thí dụ của tính bất trắc khôn lường. Bất trắc có thể đến từ nhiều nguồn. Mới đây vào tháng 4, Bộ quốc phòng Nhật cho biết một trực thăng “lạ” đã bay hai vòng trên đầu tuần dương hạm Suzunami của Nhật ở khoảng cách 90m và ở chiều cao 50m tại một vị trí cách Okinawa khoảng 500km. Trước đó, lực lượng phòng vệ duyên hải Nhật cũng đã phát hiện hai tầu ngầm “lạ” cùng tám tuần dương hạm “lạ” trong vùng biển giữa Okinawa và Miyako. Thành ra, khi mà hiến pháp Nhật còn chưa cho phép tăng cường binh bị, thì việc còn liên minh phòng thủ với Mỹ là tất yếu. Và ông Hatoyama đã phải chọn ưu tiên tối thượng đó tuy ông vẫn tôn trọng công luận Nhật.

Quả thật, ông Hatoyama rất quan tâm thực hiện những lời hứa của mình trước bầu cử. Như lới hứa kích thích tăng sinh đẻ để trẻ hoá dân số Nhật. Ngày 1/6 vứa qua, khi ông sắp sửa từ chức, cũng là ngày mà chính sách hỗ trợ các gia đình có trẻ con do ông chủ xướng khởi sự. Từ nay mổi tháng, mỗi gia đình có trẻ con được trợ cấp 13.000 yen; sang năm sẽ tăng lên 23.000 yen (tương đương 250USD). Lịch trình trợ cấp gồm hai bước đó rất ý nghĩa. Mức trợ cấp từ 1/6 là để chứng tỏ Hatoyama hứa, thì Hatoyma làm; sang năm tăng gần gấp đôi, ý nói: đấy nhé, hãy có con đi là vừa! Tất nhiên ở xứ Nhật, số tiền đó chẳng thấm gì, song đó chính là lới hứa được giữ của ông Hatoyama, điều không hẳn ai, ở đâu cũng làm.

Không chỉ ông Hatoyama bức xức cùng công luận, mà ngay cả một số viên chức dưới quyền ông cũng thế. Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Mitsuo Sakaba, mới đây cũng thể hiện nết đó, qua phát biểu với báo chí: "Tôi biết Quốc hội VN đang thảo luận về vấn đề dự án xe lửa cao tốc. Chúng tôi muốn lắng nghe dư luận. Xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc vô cùng tốn kém, Nhật Bản cũng phải xây đoạn ngắn từ Tokyo - Osaka trước và phải mất 50 năm mới có tuyến shinkansen toàn quốc. Ngoài ra, để vận hành hệ thống này cần có đội ngũ nhân lực vận hành chính xác và hoàn hảo công nghệ tàu shinkansen"…

Ông Yatoyama có ra đi, cũng lưu danh muôn thuở.

21 tháng 5, 2010

Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?

Cũng như ở nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh, tham nhũng tồn tại ở tất cả các cấp quản lý nhà nước là một vấn đề tồn tại ở Việt Nam. Trên thực tế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ Việt Nam kể từ giữa thập niên 90 vì nó đe dọa uy tín và sự sống còn của chế độ. Do vậy, việc bóc trần những hành vi tham nhũng được nhà nước chính thức khuyến khích, hoan nghênh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện, bóc trần tham nhũng dường như mới đang là một nỗ lực có tính dè chừng. "Bộ công cụ" được sử dụng trong cuộc đấu tranh này khá đa dạng, từ việc tự phê bình của những cán bộ bị phát hiện là có tham gia vào những hành vi tham nhũng, đến việc lập ra các cơ quan trung ương (như Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng) với nhiệm vụ phát hiện tình trạng ăn hối lộ và kỷ luật những người bị phát giác là có tội. Thông tin đại chúng cũng là một trong những công cụ này. Báo chí của Việt Nam do nhà nước quản lý toàn bộ hay một phần, song lại được giao nhiệm vụ phát hiện tham nhũng trong chính phủ - một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự độc lập đáng kể và ở các nước khác thường do báo chí ngoài quốc doanh đảm nhiệm. Hệ quả là, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng quyền tự do biên tập đang diễn ra theo một cách khá đặc biệt.

Trong suốt những năm 2000 tự do báo chí được nới rộng, song năm 2008 lại chứng kiến điều mà nhiều nhà quan sát gọi là “sự đảo ngược” trong tự do báo chí. Năm 2008, hai nhà báo đã đưa tin về một vụ tham nhũng cấp cao đã bị bắt, và ít nhất bảy nhà báo khác (phóng viên kỳ cựu và tổng biên tập) bị rút quyền hành nghề. Ngày 31.12, hai tổng biên tập báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, hai tờ báo đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng phải rời khỏi chức vụ của mình. Các cuộc trao đổi với các nhà báo cho thấy phần lớn vẫn cảm thấy yên tâm trong khuôn khổ của nhà nước, và tiếp tục chỉ đưa tin về những câu chuyện mà họ hoặc tổng biên tập của họ đã được phép trước. Tuy nhiên, một số ít những người làm nghề báo hiện nay tin rằng nhiệm vụ của họ là phải vạch trần tham nhũng, và càng ngày họ càng muốn phớt lờ những “hướng dẫn” trong việc đưa tin mà nhà nước đề ra khi họ viết bài. Song do đưa tin điều tra là một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, nên những người hành nghề thường thiếu những kỹ năng cần thiết và nguồn lực để làm tốt việc phơi bày các vụ việc tham nhũng. Có thể nói mặc dù viết báo chống tham nhũng có tăng – và có lẽ tăng đáng kể - cả về phạm vi và số lượng, song chất lượng của bài viết thường còn rất kém. Quyền năng – báo chí có thể nêu tên và chỉ đích danh người bị liên quan mà ít khi có đính chính cho những người bị ảnh hưởng, và sự yếu kém của báo chí (trong đó nghiệp vụ báo chí yếu kém đồng nghĩa với khả năng báo chí có thể sử dụng quyền năng đó một cách không đúng đắn) làm dấy lên mối quan ngại của nhà nước – chủ thể quản lý báo chí hiện nay, và của cả những người mà giới báo chí tiếp xúc khi tìm hiểu về một vụ việc nào đó.

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu năm cơ quan báo chí khác nhau, từ tổ chức có tính điều tra rất cao (theo chuẩn mực của Việt Nam) đến tổ chức hoàn toàn nằm trong sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hoạt động như thế nào trong việc đưa tin chống tham nhũng trong hai năm 2006 và 2007. Nghiên cứu có sử dụng ba nguồn dữ liệu đó là tài liệu nghiên cứu, phỏng vấn và phân tích nội dung báo chí để phân tích việc đưa tin và tìm hiểu xem các nhà báo làm việc như thế nào trong lĩnh vực còn mới mẻ và rất nhạy cảm này. Nghiên cứu rút ra những phát hiện như sau: Hoạt động đưa tin bài về tham nhũng của báo chí trong giai đoạn nói trên khá mạnh và có tầm bao quát rộng. Báo chí Việt Nam hoạt động khá mạnh trong việc đưa tin chống tham nhũng, bao gồm phơi bày những vụ việc mới, theo dõi hành động của Chính phủ và dành chỗ cho công luận đưa ra ý kiến tranh luận về tham nhũng. Tuy nhiên, bất chấp kỳ vọng được tập trung vào khía cạnh đầu tiên nhắc tới ở trên là phơi bày tham nhũng, và mặc dù nhiều người tin rằng báo chí đang tích cực bóc trần tham nhũng, quá trình phân tích nội dung các tin bài được đưa cho thấy việc đưa tin phần lớn tập trung vào khía cạnh thứ hai là theo dõi.


Các bài báo tập trung vào vấn đề tham nhũng ở cấp tỉnh hoặc địa phương tỏ ra khá „an toàn‟, song những bài báo về vấn đề tham nhũng ở cấp cao thường bị kiểm duyệt kỹ hơn và/hoặc bị trả đũa. Viết bài chống tham nhũng, đặc biệt là các vụ tham nhũng cỡ trung hay cỡ lớn được thực hiện bởi một số ít các tờ báo ở các thành phố lớn, và trong những tờ báo đó, thường tập trung vào một nhóm nhỏ các nhà báo có uy tín. Công việc của họ rất phức tạp do có nhiều yếu tố khó khăn, ví dụ như thiếu khả năng tiếp cận với nguồn tin đáng tin cậy, nghiệp vụ báo chí kém (tuy ngày càng được cải thiện), và hiểu biết yếu kém về những vấn đề đạo đức nghề nghiệp xung quanh công việc viết báo chống tham nhũng.1 Những vấn đề liên quan đến tiếp cận thông tin làm cho các lợi ích chính trị và kinh doanh dễ dàng thao túng báo chí, vì việc tiết lộ thông tin của những giới này có thế là một sự dàn xếp kịch bản mà các nhà báo không biết tới. Bằng việc công bố những thông tin đó, các nhà báo vô tình trở thành „bia đỡ đạn‟, hoặc rơi vào cuộc chiến giành quyền lực, và tin bài của họ nhất định sẽ bị thiên vị. Mặc dù rõ ràng là nguy hiểm, song việc thao túng báo chí của những người có quyền thế ít nhất cũng sẽ đảm bảo rằng có ai đó luôn muốn hỗ trợ cho công việc của giới báo chí bằng cách cung cấp thông tin về tham nhũng. Những vấn đề khác cản trở việc thông tin trên báo chí bao gồm những hạn chế về chính trị, pháp luật và biên tập, những điều này hạn chế nội dung mà các nhà báo có thể viết và đe dọa trừng phạt nếu có nhà báo nào bước quá ranh giới biên tập vốn không rõ ràng. Những ranh giới này, và nguy cơ bị trừng phạt treo lơ lửng trên đó khá là mơ hồ, đủ để tạo ra nỗi e ngại trong giới báo chí, song cho đến gần đây những ranh giới đó cũng đủ mơ hồ để tạo điều kiện cho một số nhà báo quá năng nổ có hành vi thao túng. Những người được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng sự thao túng đó, đôi khi vượt ra ngoài giới hạn được phép đưa tin, sẽ trở lại một khi ảnh hưởng của sự trấn áp đối với báo chí trong năm 2008 đã lắng xuống. Nếu xem xét những thay đổi kể từ thập niên 1990, thì nghiệp vụ của các nhà báo đang ngày càng được nâng cao, nguồn lực dồi dào hơn, và tự do báo chí cũng được nới rộng hơn. Tuy nhiên, sự tiến bộ khiêm tốn đó bị cản trở bởi cách tiếp cận đối với tự do hóa báo chí lúc thế này, lúc thế khác. Dựa trên những phát hiện được nêu trên, báo cáo này đưa ra một số khuyến nghị như sau:

1/ Khung pháp lý phức tạp của Việt Nam cần phải được làm rõ để cho các nhà báo nhận thức được đầy đủ những giới hạn cho việc tác nghiệp của họ, và chế tài sẽ được áp dụng nếu những giới hạn đó bị vi phạm.

2/ Việc tiếp cận và sử dụng thông tin cần phải được cải thiện để các nhà báo bớt phụ thuộc vào những nguồn tin có thể làm cho họ bị lạc hướng hoặc có thông tin sai lệch một cách cố tình (hoặc theo một cách nào đó), để họ có thể nhận định một cách dễ dàng hơn về tính chính xác, tin cậy của thông tin do các nguồn đó cung cấp. Tiếp cận thông tin tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho những trách nhiệm thông tin báo chí cơ bản như kiểm chứng sự kiện, một việc mà hiện nay đã được chứng minh là hết sức khó khăn.

3/ Nghiệp vụ và tiêu chuẩn đạo đức nghề báo cần phải nâng cao để tạo điều kiện đưa tin chống tham nhũng nhiều hơn và có chất lượng cao hơn. Nếu chất lượng được cải thiện thì sẽ bớt đi những mối lo ngại về việc báo chí có thể ám chỉ sai hoặc làm tổn hại đến uy tín của những cán bộ, công chức chí công vô tư, đồng thời sự phản đối việc đưa tin về tham nhũng trên báo chí cũng sẽ giảm đi.

4/ Cần cải cách tiền lương và quản lý tài chính cũng như đào tạo để cho phép các cơ quan thông tấn báo chí có thể nâng lương và giảm xác suất tham nhũng ngay trong cơ quan báo chí. Tiền lương eo hẹp là một yếu tố có thể làm làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của báo chí chừng nào nó còn tồn tại.

5/ Tự do hóa công tác biên tập báo chí sẽ rất khó thực hiện được, song đây là điều kiện tiên quyết để báo chí có thể đưa tin về tham nhũng một cách hiệu quả. Việc này không nhất thiết phải đi đôi với sở hữu tư nhân. Trên thực tế, nhiều người trong giới báo chí Việt Nam và các nhà quan sát bên ngoài đã lập luận rằng sở hữu tư nhân không hẳn sẽ tạo điều kiện cải thiện việc đưa tin về tham nhũng trong bối cảnh Việt Nam.

(Trích "Tóm tắt tổng quan" nghiên cứu "Báo chí và tham nhũng: Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?" của Catherine Mc Kinley tháng 1/2009 thuộc Loạt bài nghiên cứu chính sách Cải cách hành chính chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam. Xem toàn văn và chi tiết của nghiên cứu trên tại đây.)

17 tháng 5, 2010

“Ô-LI-VOI” VÀ PLATON, SOCRATE


Trong những ngày này, khi mà đất nước Hi Lạp nay đang chiếm băn khoăn của giới hữu trách thế giới cùng vô vàn giấy mực của báo chí, không thể không nhớ lại 12 ngày đêm đã trải qua tại đất nước xinh đẹp này cách đây không lâu.

12 ngày ấy mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa trong thủ đô Athens và lên một tàu du lịch rong ruổi ba hòn đảo trên biển Egée của màu "xanh- turquoise". Song cũng kịp nhận ra rằng những trang lịch sử oai hùng, những cảnh quan vĩ đại, những triết gia thâm thúy nay đã trở thành những huyền thọai "chết". Thay vào đó là những thực tế trớ trêu !

Thủ đô Athens đẹp nhờ đó là cả khối kiến trúc màu trắng trên nền một bầu trời xanh vắt, điểm tô bởi những cây ôliu cùng những đường sá không kẹt xe cho lắm. Không có những ngôi nhà hộp quẹt so le chiều cao, cho dù nhà này chỉ hơn nhà bên cạnh một vài tấc, những mặt tiền hay mái tôn lố bịch với những mầu sắc "chửi bố nhau". Hầu như tất cả mọi ngôi nhà tư nhân đều một mầu trắng.
Athens chỉ là Athens với những đền đài cổ đại như Acropolis, với tam giác phố "xưa" Plaka thật diễm tình ; chứ Athens không thể so bì các công trình hiện đại hay các kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật nào khác. Cho dù đã tốn không biết bao nhiêu tiền của cho thế vận hội Athens trưóc đó bốn năm, thì Athens vẫn không thoát khỏi hình hài một của "tỉnh lẻ" châu Âu, nếu như phải so dáng với Paris, London, Genève...hay so tiện nghi và giải trí thậm chí với những thành phố cấp tỉnh như Lyon, Marseille, Liverpool... Vài tuyến metro vào giờ thứ 23 trước ngày khai mạc thế vận hội vẫn chưa là gì khi mà ở nhiều nước khác, xe điện ngầm đã là những "định chế" có tuổi đời hơn trăm tuổi. Dẫu sao, Athens vẫn tồn tại nhờ vẫn còn là một trong những "bến mơ" của thế giới, nhờ những di sản kiến trúc. Như khu tam giác phố "xưa" (đừng tùy tiện gọi là "phố cổ") Plaka diễm tình dưới chân đồi Acropolis.

Một tuần thăm quan các cơ sở công nghiệp có thể tóm gọn bằng ba chữ: các hãng dầu ôliu, hãng đóng tàu và hãng tàu du lịch. Chấm hết ! "Tiềm năng xuất khẩu chỉ chừng đó thôi sao ?", không lý hỏi ngược lại người công chức ngọai giao nhiêt tình hướng dẫn ! Chỉ là "ô-li-voi" (dầu ôliu , olive oil, theo cách đọc nối âm của người Hi Lạp) xuất hiện ở mỗi bữa ăn để thay bơ chấm bánh mì như ở các nước "bơ sữa" khác, trong cái chai dầu bên cạnh chai dấm luôn trên bàn ăn, muốn thêm dầu, thêm dấm bao nhiêu tùy ý... thôi sao? Đóng tàu, thì từ anh hùng cổ đại Ulysse cho đến tỷ phú Onassis, phu quân kế của Jacqueline Kennedy, Hi Lạp vẫn là một dân tộc của biển cả.

Quảng trường Syntagma trước trư sở quốc hội ngày ngày hai buổi đi họp, ngay từ tháng 8 / 2008 đã từng là chốn đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hi Lạp rồi. Quảng trường Omonia tối tối trên đường về khach sạn, vẫn thường là đấu trường giữa dùi cui và gạch đá hơn là nơi tụ tập nam thanh nữ tú. Bất ổn đã " sờ thấy", nhìn thấy, ngửi thấy từ dạo đó .

Tại Hội nghị chống tham nhũng IACC lần thứ 13 tháng 11 năm ấy tổ chức tại Athens, ông Georgios Papandreou, nhà lãnh đạo đảng Xã hội Hi Lạp (Pasok) và cũng là chủ tịch phong trào XHCN quốc tế, đã thừa biết trước rằng đảng của ông sẽ phải thay thế chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Kostas Karamanlis trong cuộc bầu cử năm sau để "đổ vỏ" nợ nần cho những kẻ " xơi ốc". Đem điều này ra hỏi lão trượng Efstathiadis Stathis chủ tâp đòan báo chí To Vima (Diễn đàn), kèm thắc mắc "Hi Lạp là đất nước của những triết gia chủ xướng dân chủ đầu tiên trong lịch sử", chủ nhân của hơn 20 đầu báo phát hành tại Hi Lạp trả lời : "Triềt học, dân chủ gì thì cũng phải xuống đường mà thử thách". Ý nói, Platon, Socrate nay có sống lại cũng phải phẫn uất nhìn thiên hạ "đốt sách" của các vị. Khi những người cầm quyền không xem việc nước là việc chung, như định nghĩa của nền cộng hòa (res publica=> république, republic), thì sách vở thánh hiền đã bị đốt từ lâu rồi. Lão trượng của tập đoàn "To Vimar" không là một chính khách "sa-lông" để cả tin vào sách vở. Còn thanh niên đang xuốn đường ở quảng trường Omonia ? Họ mất phương hướng khi các nhà lãnh đạo đã "đốt sách thanh hiền". Bi kịch của nhân loại là đã có nhiều thánh (siêu ?) nhân với những pho kinh sách nhưng bị đốt bởi các hậu duệ của họ.

Hi Lạp ngày nay lại là một trang sử đã lật qua như đã từng bị đế quốc La Mã, rồi thì Thổ… "xé bỏ". Trang sử rách, cho dù có lúc đã là rất hào hùng, ấy làm sao có thể bảo chứng cho tưong lai? Rốt cuộc, chỉ còn lại mỗi « Ô-li-voi » là trường tồn trên bàn ăn?

5 tháng 5, 2010

Ta là “da thịt” của ai?

Ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Ta là ”da thịt” giặc Tàu?
Trăm năm đô hộ giặc Tây.Ta là ”da thịt” giặc Tây?
Bốn muơi năm ”giặc Mỹ xâm lược”, là ”da thịt” giặc Mỹ?

Hi Lạp mấy trăm năm Thổ Nhĩ kỳ đô hộ, là ”da thịt” đằng Thổ?
Pháp mấy lần bị Phổ- Đức chiếm đóng, là da thịt Đức-Phổ?
Alsace-Lorraine là ”da thịt” Đức hay Pháp?
Hãy đi hỏi chú bé đánh trống của Anatole France !

Cứ thế, tới đây, ta là “da thịt” của ai?

4 tháng 5, 2010

Lại…BBC !

Thư của Bộ phận châu Á – Thái Bình Dương-BBC gửi ông Đinh Kim Phúc
(trích BA SÀM).
www.bbc.co.uk/worldservice

Ngày 29 tháng 04 năm 2010
Thưa ông,
Cảm ơn ông đã email về diễn đàn trực tuyến Ban Việt Ngữ BBC, đặc biệt bài về ý kiến của bà Đỗ Ngọc Bích, lần đầu tiên được đăng trên trang web ngày 17 tháng 4, và sau đó là bài trả lời của ngày 20 tháng 4 năm nay của bà Bích, cả hai đều đúng với bản chính.
Trước hết, tôi thành thật xin lỗi về việc của chúng tôi đưa tin sai về chức danh và xác định tư cách của tác giả, tuy nhiên tôi xin chỉ ra rằng, điều này đã được sửa ngay sau khi nhóm đã được thông báo. Chúng tôi vô cùng hối tiếc vì sự thiếu chính xác này và nhóm phụ trách chương trình tiếng Việt đã nghiêm túc thảo luận bài học này trong hai cuộc họp ban biên tập đặc biệt để nâng cao quá trình ủy nhiệm của họ trong phạm vi Diễn đàn chịu ảnh hưởng.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng quan điểm của tác giả không phải là quan điểm của BBC. Tương tự áp dụng cho ba bài “phản biện” mà sau đó được đăng trong mục. Đây là một nguyên tắc cơ bản của các Diễn đàn bình thường.
Tất cả những điều chúng tôi làm đã được hướng dẫn bởi tính công bằng và độc lập trong biên tập. Chúng tôi không thể, và không làm, đó là đứng về phía bên nào trong bất kỳ cuộc tranh luận, cho dù chủ đề tranh cãi có như thế nào đi nữa. Trên trang web của chúng tôi, Diễn đàn là một nền tảng cho các quan điểm trong phạm rộng nhất có thể được, cho dù là chính trị, văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của nó là để khuyến khích tranh luận trong một môi trường tự do và cởi mở. Vì lý do này, chắc chắn “User Generated Content”(nội dung phát sinh từ phía người sử dụng) trên trang web của BBC có thể gây ra sự bất mãn nhưng chúng tôi luôn luôn đón nhận những lời chỉ trích, phản hồi và quan điểm khác.
Chúng tôi cân nhắc các vấn đề về sự cân bằng trong biên tập rất nghiêm túc. Đây là lý do tại sao, sau khi tham vấn với các biên tập viên cao cấp ở BBC World Service, ông Giang Nguyễn, Trưởng ban Việt ngữ BBC, đã đưa vào blog trên bbcvietnamese.com, giải thích quá trình biên tập của chúng tôi liên quan đến trường hợp này. Đối với đài BBC, Blog của Biên tập là một nơi thích hợp để chia sẻ những suy nghĩ đằng sau quyết định biên tập một cách nghiêm túc nhưng thân thiện, và phương thức cho phép độc giả gửi các ý kiến trực tuyến, cho dù họ đồng ý hay không đồng ý với chúng tôi.
Chúng tôi không bao giờ có ý định làm tổn thương tình cảm của bất kỳ ai. Đồng thời, người sử dụng phải hiểu rằng chúng tôi đề cao tính đa dạng của các ý kiến, cũng như cách diễn tả nhằm tranh cãi hoặc phản đối nội dung hay sự kiện trong bài.
Tất cả các Ban BBC, kể cả Ban Việt ngữ BBC phải tuân theo Nguyên tắc Biên tập của BBC – một cuốn sổ tay toàn diện về đạo đức phát thanh mà chúng tôi nhằm mục đích phát huy mọi lúc. Tài liệu này được đưa ra cho công chúng giám sát để các độc giả của chúng tôi biết một cách chính xác những tiêu chuẩn cao mà chúng tôi mong muốn. Tôi đính kèm đường link cho ông, nếu quan tâm:
(http://www.bbc.co.uk/guidelines/editorialguidelines)
Nếu ông không hài lòng với phản hồi của tôi, ông có thể yêu cầu một phản hồi thứ hai, gửi vào Bộ phận Khiếu nại Biên tập của BBC tại:
http://www.bbc.co.uk/complaints/homepage/
Chân thành
(đã ký)
Neil Curry
Executive Editor
Head of Business Development,
Asia and Pacific, BBC World Service
------------
Hết trích dẫn.

Vài câu hỏi BBC “mẹ”:
1/ Liệu khi BBC Việt ngữ đăng những ý kiến như “Việt Nam là da thịt của Trung quốc”, thì điều đó có là lịch sự tối thiểu đối với một quốc gia-dân tộc đang tồn tại độc lập hay không?
Khi đăng ý kiến như thế, có khác gì bảo rằng “Hong Kong cũng là da thịt của UK”? Tôi không tin rằng BBC Hoa ngữ lại có thể tự cho phép mình đăng một ý kiến như thế. Phản ứng của Trung quốc sẽ như thế nào khi nghe BBC phát biểu như thế?
2/ Thiết nghĩ khi đăng những ý kiến kiểu “nước này là da thịt của nước kia”, thì người chủ trương cho đăng đã mạ lỵ quốc gia bi gán cho là “da thịt của một quốc gia khác”.
3/ Tôi không tin rằng BBC của thế kỷ 21 lại có thể cho rằng những ý kiến như thế là trong khuôn khổ của một tranh luận học thuật, như BBC “mẹ” đã trả lời.
4/ Nếu có ai đó bảo rằng “đảo Falklands là da thịt của Argentina” do còn có tên là Malvinas, liệu BBC sẽ đăng hoặc sẽ có tái diễn một trận đánh chiếm Malvinas nữa không để nhất định giữ cho “Falklands là da thịt của UK”?
5/ Nếu có ai đó bảo rằng “nguời Britons (Great Britain, người Anh) ngày nay là da thịt của người Bretons (người xứ Bretagne bên nước Pháp) xưa kia”, thì BBC cũng sẽ trân trọng gọi đó là ”tranh luận” !
***********
Khi đăng những tranh luận “da thịt” đó, BBC muốn gì?
Ít nhất, trong bang giao quốc tế, BBC “mẹ” và BBC “da thịt” cũng phải hiểu và biết thế nào là sự lễ độ cần phải có đối với một quốc gia-dân tộc khác. Đã qua rồi những thế kỷ của một đế quốc Ăng- lê !
Những tranh luận kiểu “nước này là da thịt của nước kia” có thực sự là “tranh luận khoa học” như biện bạch của BBC “mẹ”?
------------

[1] Năm 1982, hải quân Anh đã kéo xuống giành quần đảo ở ngòai khoi Argentina, tận cực nam Nam Mỹ, và chiếm được sau 74 ngày giao tranh đẫm máu.

[2] “da thịt của…” có thể dịch là “the bastarsds of…” (con hoang).

1 tháng 5, 2010

BBC VIỆT NGỮ: VÀI ẢO TUỞNG

Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc được 35 năm. Vai trò đưa tin về cuộc chiến tranh này của các hãng tin và ký giả ngọai quốc lẽ ra cũng đã chấm dứt. Thế nhưng, vì những lý do khách quan và chủ quan, những hãng tin này lại tiếp tục là những nguồn tin tham khảo tưởng chừng như là “trung lập”, khách quan. Tiếc thay, thực tế lại không như thế, và một số người lại ảo tưởng về “thân phận” của mình.

Ảo tưởng đầu tiên là là độc lập trong đưa tin bài. Khuôn khổ chung cho các đài quốc tế có ban Việt ngữ là chỉ đưa tin bài thời sự thế giới “ngoài luồng” tức những tin bài của “đài mẹ” (BBC World Service hay RFI Service Mondial). Chỉ có dịch và dịch. Từ chiến tranh Việt Nam ngày xưa, đến chiến tranh Iraq, Afghanistan, Pakistan sau này… đố một ban Việt ngữ nào được tự mình bình luận mà không dựa 100% lên nguyên văn “đài mẹ”. Nghĩa là đường lối chính phủ nước ‘chủ” như thế nào, thì phản ánh như thế ấy, theo “đài mẹ”.

“Lề phải” là “lề phải” , ở đâu cũng vậy.

Trước khi chiến tranh Iraq 2003 nổ ra, đài BBC “mẹ” (BBC World Service) và các “đài con” luôn bám sát ý của thủ tướng Anh Tony Blair lúc đó là sát cánh cùng tổng thống Mỹ George W. Bush , mà “đài mẹ” có nhiệm vụ truyền tải thông tin chiến sự Iraq theo “lề phải” .

Khi đó cả làng báo Mỹ được bộ quốc phòng Mỹ cho lên “lề phải” với cái cách gọi mỹ miều là “embedded journalists”, cùng ăn, cùng ngủ với các đơn vị quân đội Mỹ- Anh “Giải phóng Iraq”…Khi chiến tranh Iraq nổ ra, có đến từ 570 đến 750 ký giả Mỹ được BQP Mỹ mời “cùng ăn, cùng ngủ” và đương nhiên cùng “thấy” những gì được “cùng nhìn”.

Ngược lại, vào thời điểm đó, RFI (Việt ngữ) làm sao dám cùng ‘tham gia” lật đổ Saddam Hussein với BBC hay VOA, RFA (Việt ngữ) khi mà tổng thống Pháp Jacques Chirac lúc đó đang là lá cờ đầu chống chiến tranh đơn phưong của Mỹ-Anh. Còn sau này, khi ông Bush “về vuờn”, các đài kia có thi nhau tính sổ thành tích của ông Bush và phê phán cuộc chiến tranh sa lầy đó, lại là chuyện “thế gian thường tình”.

Nói đến “lề phải” của BBC Việt ngữ, có thể nêu vô số tin bài, như bài tường thuật ý kiến của đại sứ Anh tại Việt Nam, Mark Kent Anh quốc cảnh báo thực trạng tội phạm người Việt”.[1]

Tại buổi gặp mặt ở London ngày 05/03/2010 tại phía đông London, Đại sứ Mark Kent nói: “Thật không may là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh vào lúc này đang bị ảnh hưởng tiêu cực”. Trong cuộc trao đổi và bàn bạc với một số người Việt đã ở Anh lâu năm, Đại sứ Mark Kent nói: "Tôi không muốn thấy việc nhắc đến chữ Việt Nam là người ta liên tưởng tới trồng cần sa và nhập cư bất hợp pháp".

Cuộc họp diễn ra chỉ một ngày sau khi báo chí tại Anh đăng tải tin cảnh sát đột nhập vào một tòa biệt thự sang trọng ở miền trung nước Anh có vườn và phòng trong nhà bị dùng để trồng cần sa và một số người bị bắt là người Việt.

"Thực ra không chỉ là uy tín của cộng đồng người Việt tại Anh bị ảnh hưởng mà chúng ta cũng phải thấy rằng nhập cư bất hợp pháp và tội phạm là hai vấn đề có liên kết với nhau”.Chúng ta nói tới không chỉ hoạt động trồng cần sa mà cả các vụ bắt cóc hoặc thậm chí giết người”, Đại sứ Mark Kent nói…”.

BBC Việt ngữ đã có thể tự mình đào sâu vấn đề nguời Việt nhập cư lậu vào Anh này với đại sứ Mark Kent, nhân dịp ông này có mặt ở London để làm rõ vấn đề này một cách khách quan thực sự. Tiếc rằng BBC Việt ngữ đã không làm như thế. Do lẽ vấn đề bao trùm nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều cơ quan của Anh, như đường dây đưa người nhập cảnh vào Anh, qua nước Pháp, khu trú số người nhập cự lậu vào Anh, các nỗ lực ngăn chận của các cơ quan ấy, nỗ lực nào của sứ quán Anh ở Việt Nam trong việc thông tin bạch hóa ảo mộng sang Anh kiếm sống…?...Ít nhất, một mail với nội dung trên đã được gửi đến ông đại sứ Anh ở Hà nội từ tháng 1 năm nay song chưa được hồi âm.

Chẳng qua BBC Việt ngữ cũng chỉ là một ‘cái loa” cho chính phủ Anh, như có thể thấy qua đa số các tin bài “dịch và dịch”. Một ‘cái loa” có trả lương bên cạnh các “loa” không ăn luơng có thể đếm được trên blog của ông đại sứ Mark Kent.

LÀM CHÍNH TRỊ TỪ XA CHỤC NGÀN KM.

Thật ra, thế hệ BBC Việt ngữ ngày nay khác hẳn với thế hệ thứ nhất, trước 1975. Thời thế cũng khác. Trong nửa sau của cuộc chiến tranh VN, phong trào phản đối chiến tranh VN thời đó là xu hướng chính (major trend) trong giới truyền thông các xã hội Tây phương, nên báo chí phuơng Tây lúc đó (và thế giới) mới không chịu ở trong “lề phải” của các cuộc họp báo hàng ngày của JUSPAO vốn là những danh sách “đếm xác” (body counts) vô nghĩa và vô tận. Càng không “ái mộ” các cuộc họp báo của Bộ Thông Tin Sài Gòn ở Tổng Cục Thông tin quốc ngoại.

Nhờ dịch lại tin của báo chí “luồng chính”(major trend) tức độc lập đó, mà BBC Việt ngữ trong chiến tranh VN được hưởng hai chữ “thông tin khách quan”. Nhất là những tin nội bộ chính trường Sài Gòn. Khi mấy muơi tờ nhật báo ở Sài Gòn trưa trưa bị Chánh sở báo chí Việt ngữ đục bỏ nhiều quá, các trang báo trắng hếu vì các ô “tự ý đục bỏ”, thì sáng tối thiên hạ, có dò đài BBC mà nghe, cũng là chuyên dễ hiểu: lưỡi kéo kiểm duyệt của Bộ ‘Hốt Cắt Đục” đâu có làm rụng sợi lông nào các báo đài ngoại quốc. Chuyện dài này xưa nay đều thế.Và chính vì thế mà các báo đài ở bên ngoài bỗng dưng trở thành “báo chí chân chính” !


Sau 1975, khoảng cách thông tin cũng như trước 1975, vì cũng chừng đó lý do. Từ tin chính trị đến chiến tranh CPC, biên giới…, nên vô hình trung BBC Việt ngữ, khi dịch các bài viết của các ‘đài mẹ’, được hưởng “sái” khách quan, thông tin sớm.


Thế hệ ấy sau 1975 tất nhiên cùng chiều với làn sóng thuyền nhân. Lớp BBC đầu tiên ấy,vốn dân Tây học, thuộc lòng thế giới sử, nhớ việc tướng De Gaulle di tản qua Anh tháng 6 năm 1940, lên đài BBC đọc lời hiệu triệu dân Pháp kháng chiến chống Đức, rồi tưởng tượng ra mình cũng là De Gaulle, khi loan tin về thuyền nhân, về chiến tranh CPC, về khó khăn kinh tế của VN trong thập niên 1980, để có thể từ công việc dịch giả và phát thanh viên, khoác lấy vai trò ‘làm chính trị”…


Môt lần, năm 1996, trưởng ban VN BBC Chris Greene (cháu của nhà văn Graham Greene), được chia sẻ về số nhân viên của ông trong một bữa trưa ăn cơm Ấn Độ rằng:
Làm sao có thể làm chính trị từ cách xa 13.000km?! Có giỏi, họ hãy về nước mà làm chính trị”.

Sau khi Chris Greene lên làm giám đốc châu Á Thái bình duơng, tuyển một số nhân viên mới từ Úc qua, lấy một người làm trưởng ban. Đây là những người di dân sang Úc sau này. Một vài người gõ cửa BBC để kiếm một “cần câu cơm”, chứ không để làm chính trị. Có người, trưa trưa ra cửa sau nhai bánh mì sandwich cho tiết kiệm, vì thân ở London, vợ con ở Úc, một đồng luơng hai “bếp ăn”, sau đó nhanh chóng giã từ “Bush House” (tên gọi của BBC) về lại Úc.


Sau này, ê kíp mới gồm một số cựu “cán” hoặc “con cán” từ trong nước hoặc Đông Âu qua. Từ nguồn gốc “thành phần thứ tư” này , ảo tưởng càng nặng nề. Cuối chiến tranh VN, đã có ‘thành phần thứ ba”, tự cho mình là phi cộng hòa/ phi cộng sản, rốt cục chẳng bên nào tin. Cuối chiến tranh Lạnh, nổi lên “thành phần thứ tư” tưong tự. Chẳng qua nhờ đứng từ xa cả chục ngàn km, chẳng hề hấn gì, nên tự gán cho mình những tự hào vốn chẳng phải tự mình mà có, khi “từ trên trời nhảy qua” thừa hưởng những định chế có sẵn mà một đất nước như vuơng quốc Anh đã bắt đầu tập tành dân chủ từ thời Tể tướng Cromwell, cách đây ba thế kỷ rưỡi hơn.


Bài học từ mấy mươi năm trước: chính những “cái kéo kiểm duyệt” đã dựng nên những chính khách sa lông biết mình vô tội vạ nhờ từ xa chục ngàn km. Những con tắc kè thuờng hay đổi màu theo thân cây nó bám. Nay không lẽ phủ nhận dòng máu Lạc Rồng, ôm lấy hình hài da thịt “dị nhân” để đón gió? Hay để thả bóng cho ai?


[1] BBC Việt ngữ, thứ hai, 8 tháng 3, 2010.