17 tháng 5, 2010

“Ô-LI-VOI” VÀ PLATON, SOCRATE


Trong những ngày này, khi mà đất nước Hi Lạp nay đang chiếm băn khoăn của giới hữu trách thế giới cùng vô vàn giấy mực của báo chí, không thể không nhớ lại 12 ngày đêm đã trải qua tại đất nước xinh đẹp này cách đây không lâu.

12 ngày ấy mới chỉ là cưỡi ngựa xem hoa trong thủ đô Athens và lên một tàu du lịch rong ruổi ba hòn đảo trên biển Egée của màu "xanh- turquoise". Song cũng kịp nhận ra rằng những trang lịch sử oai hùng, những cảnh quan vĩ đại, những triết gia thâm thúy nay đã trở thành những huyền thọai "chết". Thay vào đó là những thực tế trớ trêu !

Thủ đô Athens đẹp nhờ đó là cả khối kiến trúc màu trắng trên nền một bầu trời xanh vắt, điểm tô bởi những cây ôliu cùng những đường sá không kẹt xe cho lắm. Không có những ngôi nhà hộp quẹt so le chiều cao, cho dù nhà này chỉ hơn nhà bên cạnh một vài tấc, những mặt tiền hay mái tôn lố bịch với những mầu sắc "chửi bố nhau". Hầu như tất cả mọi ngôi nhà tư nhân đều một mầu trắng.
Athens chỉ là Athens với những đền đài cổ đại như Acropolis, với tam giác phố "xưa" Plaka thật diễm tình ; chứ Athens không thể so bì các công trình hiện đại hay các kiểu dáng kiến trúc, nghệ thuật nào khác. Cho dù đã tốn không biết bao nhiêu tiền của cho thế vận hội Athens trưóc đó bốn năm, thì Athens vẫn không thoát khỏi hình hài một của "tỉnh lẻ" châu Âu, nếu như phải so dáng với Paris, London, Genève...hay so tiện nghi và giải trí thậm chí với những thành phố cấp tỉnh như Lyon, Marseille, Liverpool... Vài tuyến metro vào giờ thứ 23 trước ngày khai mạc thế vận hội vẫn chưa là gì khi mà ở nhiều nước khác, xe điện ngầm đã là những "định chế" có tuổi đời hơn trăm tuổi. Dẫu sao, Athens vẫn tồn tại nhờ vẫn còn là một trong những "bến mơ" của thế giới, nhờ những di sản kiến trúc. Như khu tam giác phố "xưa" (đừng tùy tiện gọi là "phố cổ") Plaka diễm tình dưới chân đồi Acropolis.

Một tuần thăm quan các cơ sở công nghiệp có thể tóm gọn bằng ba chữ: các hãng dầu ôliu, hãng đóng tàu và hãng tàu du lịch. Chấm hết ! "Tiềm năng xuất khẩu chỉ chừng đó thôi sao ?", không lý hỏi ngược lại người công chức ngọai giao nhiêt tình hướng dẫn ! Chỉ là "ô-li-voi" (dầu ôliu , olive oil, theo cách đọc nối âm của người Hi Lạp) xuất hiện ở mỗi bữa ăn để thay bơ chấm bánh mì như ở các nước "bơ sữa" khác, trong cái chai dầu bên cạnh chai dấm luôn trên bàn ăn, muốn thêm dầu, thêm dấm bao nhiêu tùy ý... thôi sao? Đóng tàu, thì từ anh hùng cổ đại Ulysse cho đến tỷ phú Onassis, phu quân kế của Jacqueline Kennedy, Hi Lạp vẫn là một dân tộc của biển cả.

Quảng trường Syntagma trước trư sở quốc hội ngày ngày hai buổi đi họp, ngay từ tháng 8 / 2008 đã từng là chốn đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát Hi Lạp rồi. Quảng trường Omonia tối tối trên đường về khach sạn, vẫn thường là đấu trường giữa dùi cui và gạch đá hơn là nơi tụ tập nam thanh nữ tú. Bất ổn đã " sờ thấy", nhìn thấy, ngửi thấy từ dạo đó .

Tại Hội nghị chống tham nhũng IACC lần thứ 13 tháng 11 năm ấy tổ chức tại Athens, ông Georgios Papandreou, nhà lãnh đạo đảng Xã hội Hi Lạp (Pasok) và cũng là chủ tịch phong trào XHCN quốc tế, đã thừa biết trước rằng đảng của ông sẽ phải thay thế chính phủ cánh hữu của Thủ tướng Kostas Karamanlis trong cuộc bầu cử năm sau để "đổ vỏ" nợ nần cho những kẻ " xơi ốc". Đem điều này ra hỏi lão trượng Efstathiadis Stathis chủ tâp đòan báo chí To Vima (Diễn đàn), kèm thắc mắc "Hi Lạp là đất nước của những triết gia chủ xướng dân chủ đầu tiên trong lịch sử", chủ nhân của hơn 20 đầu báo phát hành tại Hi Lạp trả lời : "Triềt học, dân chủ gì thì cũng phải xuống đường mà thử thách". Ý nói, Platon, Socrate nay có sống lại cũng phải phẫn uất nhìn thiên hạ "đốt sách" của các vị. Khi những người cầm quyền không xem việc nước là việc chung, như định nghĩa của nền cộng hòa (res publica=> république, republic), thì sách vở thánh hiền đã bị đốt từ lâu rồi. Lão trượng của tập đoàn "To Vimar" không là một chính khách "sa-lông" để cả tin vào sách vở. Còn thanh niên đang xuốn đường ở quảng trường Omonia ? Họ mất phương hướng khi các nhà lãnh đạo đã "đốt sách thanh hiền". Bi kịch của nhân loại là đã có nhiều thánh (siêu ?) nhân với những pho kinh sách nhưng bị đốt bởi các hậu duệ của họ.

Hi Lạp ngày nay lại là một trang sử đã lật qua như đã từng bị đế quốc La Mã, rồi thì Thổ… "xé bỏ". Trang sử rách, cho dù có lúc đã là rất hào hùng, ấy làm sao có thể bảo chứng cho tưong lai? Rốt cuộc, chỉ còn lại mỗi « Ô-li-voi » là trường tồn trên bàn ăn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét