1 tháng 11, 2014

Từ metro Suối Tiên đến sân bay Long Thành

Đúng là TP HCM sẽ không thể kham nổi sức ép giao thông trong trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất nâng công suất tối đa từ 20 triệu khách/năm hiện nay lên 25 triệu khách/năm và rằng xây ngay sân bay Long Thành là bức bách và rằng để đáp ứng nâng công suất tối đa thêm 5 triệu khách cho Tân Sơn Nhất … Thế nhưng, các con số viện dẫn cũng như nội dung tư vấn dự án của Công ty Tư vấn Nhật Bản , mà các quan chức đang trích dẫn để xúc tiến dự án, lại là một điều cần phải xem lại một cách thấu đáo.

Tháng 6 năm nay, một Phó chủ nhiệm môt tiểu ban trong Quốc hội đã đưa ra những số liệu hoàn toàn khác:  hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm có 76.800 chuyến, trong khi số liệu để làm sân bay Long Thành hoặc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là 120.000 chuyến/năm, gấp 1,5 lần. Như vậy đến năm 2020 sân bay Tân Sơn Nhất chưa hề quá tải. Số liệu nào là chính xác? Nên chăng kiểm toán lại các số liệu này trước khi biểu quyết thuận hay không thuận ? Tin rằng với những nguồn số liệu khác nhau từ các đơn vị liên quan đến số hành khách đi và đến, sẽ không khó tìm ra được số liệu thật!

Thật ra, vẫn có thể căn cứ theo các số liệu của ACI tính từ tháng 1/2014 đến tháng 6/2014 để suy ra con số hành khách thực của Tân Sơn Nhất. Bận rộn như các sân bay- trạm trung chuyển (hub) như  Suvarnabhumi (Thái) hay Incheon (Hàn quốc) bất quá cả năm cũng chỉ hơn 40 triệu lượt hành khác, cho dù số cổng (gates) nhiều gấp 10 Tân Sơn Nhất vốn chỉ là “ga xép”, muốn đi đâu sang châu Âu hay Băc Mỹ đều phải qua Bangkok, Seoul hay Tokyo! 

Không thể biểu quyết “không” nếu như quả thật đó là nhu cầu thật song cũng không thể biểu   quyết thật cho một nhu cầu ảo khi mà đồng vốn vay và sử dụng, chỉ riêng trong giai đoạn 1 đã là khoảng 7,8 tỉ USD (tương đương hơn 164.000 tỉ đồng), trong đó chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng hơn 5,618 tỉ USD ! Không thể “mù mờ” biểu quyết “không” để cản đà phát triển hoặc ném hàng núi tiền cho một nhu cầu ảo, mà bắt đầu là hơn 5,618 tỉ USD cho việc giải phóng mặt bằng. Kinh nghiệm của những khu công nghiệp đang bị ế không chỉ là sự bỏ phí các cơ sở đó mà còn là các ngọn núi chi phí đền bù giải tỏa cho những bãi cỏ hoang đó- khoan nói đến ai hưởng lợi từ sự đền bù giải tỏa đó, những chủ đất nguyên thủy hay chủ sở hữu F1, F2…đang sốt suột đời dự án hơn ai hết?

Một câu hỏi khác cũng cần nêu ra là tính hiệu quả của các dự án. Mới đây, lần đầu tiên môt Phó chủ tịch UBND TPHCM, là ông Tất Thành Cang, đã chia sẻ những băn khoăn của ông, nhân dịp khởi công xây nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên): e rằng tiền vé thu từ hành khách đi tàu để bù đắp vốn xây dựng đang là một bài toán khó với TPHCM [1] trong khi đó vốn để xây dựng các tuyến metro là rất lớn, lên đến 2,07 tỉ đô la.

Băn khoăn của người nay chịu trách nhiệm về toàn bộ vấn đề hạ tầng cơ sở TP HCM là rất tương đồng với một số người dân không xem metro như là một món đồ chơi hiện đại nhất thiết phải có cho bằng được, và cho rằng muốn có phải trên cơ sở đáp số cho bài toán cơ bản là chi phí/ hiệu quả . Thành thật mà nói, ai buổi sáng thức dậy đi làm sẽ đáp metro Bến Thành- Suối Tiên rồi sau đó quay lại Bến Thành để đáp một chuyến xe nào khác đi làm? Một tuyến metro chỉ đi qua các khu dân cư cao cấp làm sao đủ sở hụi! Ấy thế mà sáng thứ hai 6/10/2014 đọc trên TT tin mới: “Dự án đường sắt Bến Thành- Suối Tiên: Tăng tổng mức đầu tư lên 54.000 tỷ đồng”!

Từ băn khoăn “giờ thứ 25” này, không thể không nêu câu hỏi từ “thượng nguồn” của câu chuyện này: Tư vấn Nhật Bản cho dự án metro này có chính xác hay không để mà nay TP HCM phải lo thất thu? Cũng thế, ý kiến cho để đáp ứng nâng công suất cho Tân Sơn Nhất cho dù tối đa cũng chỉ thêm được 5 triệu khách, thì TP.HCM phải đầu tư ít nhất 4-5 tỉ USD cho hệ thống giao thông kết nối như đường sắt đô thị, đường bộ trên cao, cũng cần phải xem lại. Tại sao khi quyết định làm tuyến đường bộ Bình Lợi- Tân Sơn Nhất mà lại không quyết định làm luôn tuyến metro Bến Thành- Tân Sơn Nhất trước tuyến Bến Thành- Suối Tiên? Tư vấn nước nào chỉ tư vấn những dự án do nước đó chi ODA là chuyện đáng phàn nàn, thế nhưng vai trò của chủ nhà nhận ODA như thế nào?  

Từ câu chuyện metro Bến Thành- Suối Tiên đến câu chuyện “sân bay Tân Sơn Nhất quá tải”, e rằng cũng cần xem lại độ chính xác của tư vấn Nhật cả trong những con số đưa ra và những khuyến cáo từ đó. Dường như tư vấn Nhật, với hàng loạt các dự án bắc qua sông Saigon (cầu Thủ Thiêm 1, hầm Thủ thiêm , cầu Thủ Thiêm 2) đã nhìn về tương lai xa vời hơn là nhìn vào hiện tại và tương lai gần khi đề ra những tư vấn đó, để rồi nay không rõ bao lâu nữa các dự án bắc qua sông Saigon này sẽ được sử dụng và thu phí cho đủ ( metro không thu phí đủ chi đã rõ, hầm Thủ Thiêm chưa thu phí  mà có thu cũng không bõ công trả lương )! Bài toán giao thông ở TPHCM sẽ còn là intra muros ( trong nội thành) chừng nào chưa có được những khu giãn dân có liên thông đến các khu công nghiệp,  đến lúc đó các giải pháp extra muros (ngoại thành) hiệu quả.

E rằng khi mà tại Hội nghị ngành kế hoạch đầu tư tổ chức tại Đà Nẵng ngày 7/8/2014 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phải chỉ đạo “Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ, phải bố trí đủ để trả nợ, chủ yếu là trả nợ phần đầu tư xây dựng trước”,  không còn là thời điểm thích hợp để nói đến những dự án bạc tỷ USD vẫn còn là ít đó…!

----------------
[1] http://www.thesaigontimes.vn/118307/Vi-sao-dau-tu-metro-o-Viet-Nam-dat

16 tháng 4, 2014

Để xác định Asiad 2019 khả thi hay không




Bản tin “Hà Nội thắng cuộc tranh đăng cai Asian Games 2019” của OCA (Uy ban Olympic châu Á) đề ngày 8/11/2012 nêu rõ: "Ha Nội, một thành phố vơi dân số 7 triệu người, lên kế hoạch thi đấu 36 môn, bao gồm 28 môn Olympic”. Thành ra, đáp án cho câu hỏi “Asiad Hà nội 2019 có khả thi hay không?” nằm ở câu hỏi: trong số 28 môn thi đấu Olympic bắt buộc phải tổ chức đó, có bao nhiêu môn mới hoàn toàn với ta, ta chưa có sẵn sân, sẽ phải xây mới hoàn toàn, không thể không xây, để có thể hoàn thành cam kết khi nộp đơn và nhận đăng cai Asiad 2019? Trong số 28 môn thi đấu Olympic bắt buộc phải tổ chức, không miễn trừ, có những môn lạ chưa từng thấy ở Việt Nam như bóng chày, kỵ mã (quần ngựa), hockey trên cỏ, đua xe đạp nước rút vòng chảo... 

Những môn ấy là xa lạ ở Việt Nam song lại là những “môn ruột” của một sô nước, tỉ như môn bóng chày các nước Đông Á rât chuộng; môn hockey trên cỏ mà các nước Liên hiệp Anh rất chuộng; môn kỵ mã quần ngựa (mà người Viêt ta không buồn coi trên truyền hình vào dịp TVH) song lại là một trong những môn Olympic “đẳng cấp xã hội” nhất! Tháng 11 năm ngoái, một lãnh đạo Sở VH TT DL Hà nội đã từng giới thiệu: “…sẽ xây mới khu thi đấu thể thao cho một số môn thể thao mới như đua ngựa, bóng chày, hockey trên cỏ, sân quần vợt có mái che dự kiến ở Xuân Canh, Xuân Trạch (huyện Đông Anh)”. 

Vấn đề phát sinh từ một số môn Olympic băt buộc đó chính là không những phải xây các sân đó (cả sân thi đấu và sân tập), bao gồm cả khán đài và phương tiện phục vụ, mà còn phải đúng và đủ chuẩn Asiad vốn là một sự kiện thể thao có số đoàn tham gia đông gấp bốn lần Sea Games, tức có nhu cầu xem & ủng hộ thi đấu nhiều hơn, cũng như có nhu cầu tiện nghi cao hơn. Những nhiêu khê trong viêc đón một đội bóng Anh năm ngoái sang đá môt trận giao hữu là một thí dụ cho thấy sự nhiêu khê trong việc tổ chức Asiad. Không thể nói Việt Nam chúng tôi không chơi, thôi xây khán đài nho nhỏ thôi, không đón khán giả các nước chuộng môn ấy đâu, cho đỡ tốn. Có thể hình dung những nhiêu khê tốn kém này qua thí dụ trong thực tế qua thí dụ một môn nhỏ nằm trong một bộ môn thí đấu Olympic là bộ môn đua xe đạp, tức trường hợp môn đua xe đạp nước rút trên vòng chảo. Một doanh nghiệp Hàn quốc đã hăm hở muốn đầu tư nửa tỷ USD cho dự án tổng hợp này gồm các môn thi đấu trong nhà khác nằm dưới vòng chảo đua xe đạp cùng các khai thác khách sạn, đại thương xá kèm theo. Nay doanh nghiệp này đang rụt rè vì không thấy hiệu quả kinh tế đủ cho họ trong bối cảnh kinh tế chung của Việt Nam đang gặp khó hơn khi họ mới bắt đầu ngắm nghía dự án này. Tỉ như xây thêm đại thương xá (như Vincom, Crescent, Parkon…đang ế) nữa cho chết à! Nếu không kiếm được đối tác đầu tư, không lẽ sẽ dặm vá, sơn sửa lại vòng chảo sân vận động Tự Do ở Huế rồi đưa về đấy thí đấu cho đỡ hao? Thành ra những hy vọng “xã hội hóa” môn này vẫn chỉ là ước mơ trên giấy với một dự án đầu tư chưa ký kết xong do chưa thống nhất được các lợi ích kinh tế của nhà đầu tư đang băn khoăn không lẽ bỏ ra nửa tỷ USD mà nay toàn thấy lỗ sao. Thành ra, để trả lời bài toán tính khả thi mà Thủ tướng nêu ra, nhất thiết phải công bố sẽ phải xây thêm những sân gì cho các môn nào (trong số 28 môn Olympic bắt buộc đó), cho đúng chuẩn và tầm cỡ Asiad (khán đài bao nhiêu chỗ, sân tập và tiện nghi kèm theo, không thể xây, trang bị qua quít cho có), nếu thực sự muốn đạt mục tiêu đăng cai tổ chức Asiad thành công, tăng uy tín cho đất nước, thu hút khách du lịch từ các nước chuộng các môn đó đến xem và ủng hộ đội tuyển họ tranh huy chương. 

Một chi tiết nhỏ khác: làng Olympic còn có thể thay bằng các cao ốc “ế”, song liệu đã dự trù một “bênh viện quốc tế” cho một sự kiện 15.000 khách tham dự và một lượng khách du lịch hàng mấy trăm ngàn người tập trung trong vòng hai tuần, khi mà nói xin lỗi, các ngoại kiều ở Việt Nam đang mua bảo hiểm y tế nước ngoài, và khi cấp cứu chở thẳng ra nước ngoài cho “đúng chuẩn bảo hiểm” của khách. Trả lời bài toán tính khả thi chính là trả lời câu hỏi: tổng kinh phí xây dựng và trang bị CÁC SÂN MỚI đó là bao nhiêu? Nguồn vốn từ đâu? Có ý kiến cho rằng sẽ “xã hội hóa” tức lên doanh với nước ngoài, thiên hạ góp 70% vốn, ta góp 30% vốn bằng vốn tự có là quyền sử dụng đất. 

Liệu ước mơ “xã hội hóa” các sân đó liệu có thành sự thực không khi mà Asiad bế mạc, khách về nước, chỉ còn người Việt với người Việt ở lại với các sân bóng chày, khúc côn cầu, quần ngựa xa lạ ấy? Nếu không đủ số đối tác nước ngoài tham gia “xã hội hóa”, vốn có sẽ từ ngân sách mà ra? Xin nhắc lại dự án sân xe đạp vòng chảo phức hợp ấy đã là nửa tỷ USD rồi. Vinh hạnh và cũng là trách nhiệm của nước tổ chức tùy thuộc vào việc có đáp ứng tốt các sân, nhà thi đấu bắt buộc phải có này hay không? 

14 tháng 4, 2014

ASIAD 2019: “XÃ HỘI HÓA” NHƯ THẾ NÀO?





Trả lời bài toán tính khả thi của Asiad chính là trả lời câu hỏi tổng kinh phí xây dựng và trang bị các sân MỚI đó là bao nhiêu? Nguồn vốn ấy đến từ đâu? Có ý kiến cho rằng sẽ “xã hội hóa” các sân đó… Thế nhưng, ước mơ “xã hội hóa” các sân đó liệu có thành sự thực không  khi mà Asiad bế mạc, khách về nước, chỉ còn người Việt với người Việt ở lại với các sân xa lạ ấy?

Asiad sẽ được tổ chức một phần theo phương thức “xã hội hóa”. Tính khả thi của “khả năng” này trong thực tế ra sao? Câu chuyện cái dự án vòng chảo xe đạp trị giá 500 triệu USD  là câu trả lời. Thật ra, phức hợp “vòng chảo xe đạp” không chỉ là cái sân đua vòng chảo. Dưới cái vòng chảo-sân thượng đó, là cả một phức hợp sân thi đấu trong nhà các môn cầu lông, quyền anh, võ vật, bóng bàn, khiêu vũ thể thao, đấu kiếm judo, Taekwondo….kèm theo là một đại thương xá (mall), khách sạn, trung tâm hội nghị quốc tế, nhà hát, hòa nhạc, khu ăn uống… 

TÍNH TOÁN LÚC TÍNH TOÁN. 

Đây là một dự án với các đối tác chính là KSPO (Tổ chức phát triển thể thao Hàn Quốc) là chủ đầu tư và công ty VSP (Vietnam Sports Platform) là đơn vị được giao quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này, liên doanh với khu Liên hợp thể thao quốc gia theo mô hình hợp tác công - tư . Khu Liên hợp thể thao quốc gia đóng góp bằng quyền sử dụng đất tương đương với mức 30%. Trong khi đó, VSP sẽ chịu trách nhiệm về tài chính, kỹ thuật và hoạt động của dự án, tương đương với 70% cổ phần còn lại (số tài chính này do KSPO cấp mà  VSP được giao trách nhẹm quản lý. Khi dự án đi vào hoạt động bình thường và có lãi, VSP sẽ bắt đầu chuyển cho khu Liên hợp thể thao quốc gia 1% cổ phần mỗi năm.

Theo VSP, dự án này chia thành 2 giai đoạn.  Giai đoạn 1: phát triển tổ hợp sân đua Xe đạp lòng chảo trong nhà  và khu thương mại 6 tầng bao gồm khu mua sắm, khu giải trí và chủ yếu là khu ẩm thực. Giai đoạn 2: xây dựng tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ dịch vụ nhằm phục vụ và hỗ trợ khách và vận động viên tới sân. Có thể thấy: các chủ đầu tư rất thực tế trong hạch toán kinh tế: 1/ dự án này đã được xây dựng với những chiến lược tài chính cụ thể giúp VSP chủ động trong điều hành dự án -2/ Một số hạng mục của giai đoạn 1 là “lấy ngăn nuôi dài” rất thực tế tỉ như chi tiết “chủ yếu là khu ẩm thực”- 3/ Sau khi Asiad 18 kết thúc, VSP sẽ vẫn duy trì hoạt động bình thường nhờ váo dịch vụ thăm quan. Khách du lịch hoặc các cuộc sự kiện thể thao khác diễn ra tại đây sẽ phải chịu phí, nhưng mức phí dành cho khách nội địa chắc chắn sẽ không quá cao so với thu nhập bình quân của người dân Việt Nam.

LẤN CẤN TRƯỚC THỰC TẠI

Nay, trước tình hình kinh doanh của các đại thương xá đã  hoạt động tại Việt Nam, từ Vincom đến Crescent Mall, Parkson…, không thể không lo ngại cho tính hiệu quả kinh tế của khu phức hợp này. Mặt khác, thị trường bất động sản đóng băng trong mưa gió ngày này qua ngày khác, cũng như tình hình nợ xấu chưa giải quyết xong, góp phần đe dọa tính khả thi của dự án này cho dù các nhà đầu tư đã tỏ ra tất thực tế và am hiểu thực tế Việt Nam, “chủ yếu là khu ẩm thực. 

Nếu như dự án này không thành, sẽ kéo theo một loạt bế tắc thi đấu Asiad. Dưới cái vòng chảo-sân thượng đó là cả một phức hợp sân thi đấu trong nhà các môn cầu lông, quyền anh, võ vật, bóng bàn, khiêu vũ thể thao, đấu kiếm, judo, taekwondo….Nếu không xây phức hợp này, chừng đó môn thi đấu Olympic và không Olympic sẽ không biết tổ chức ở đâu cùng với môn đua xe đạp nước rút! 

Nếu dự an này vẫn phải tiếp tục để có chỗ tổ chức thi đấu chừng đó môn, đâu sẽ là nguồn vốn nếu KSPO rút hay giảm vốn đầu tư? Bản tin  “Vietnam: Asiad 2019; Các cơ hội cho giới kinh doanh Anhđề ngày 22/1/2014c của UK Trade & Investment cho biết :” Chúng tôi đã thiết lập quan hệ  với liên doanh Hàn-Việt đang triển khai dự án sân đua xe đạp vòng chảo trị giá 500 triệu USD; một số công ty Anh vừa liên hệ”. Liệu các nhà doanh nghiệp Anh sẽ mạnh dạn thay thế các nhà đầu tư Hàn quôc? Câu trả lời từ bản tin:” :” Kế hoạch tổng thể vẫn chưa được phê duyệtcòn nhiều vấn đề cần làm rõ về vấn đề góp vốn”. Nghĩa là còn rất đắn đo đúng với tinh thần “kinh doanh là kinh doanh”, cho dù rằng đã thấy những lợi ich rành rành “ Chúng ta đang làm sao để đảm bảo cho các công ty Anh có lợi thế cạnh tranh các hợp đồng”. 

Còn nếu nghĩ rằng thôi ta lam theo kiểu ta, 2000 chỗ ngồi thôi thay vì 10.000 chỗ, e rằng đó không phải là “vấn đề”  khi mà cái khán đài 2.000 chỗ hayy 10.000 chỗ đó chỉ là cái “sân thượng ” của khu phức hợp đó, mà vấn đề là tiền đâu để xây cho đúng cái họa đồ xây dựng cả chục môn thi đấu trong đó? Làm tiết kiệm nhất không đồng nghĩa với làm nho nhỏ lại hay bớt tiện nghi bắt buộc! 

Người Hàn, ngươi Anh khi định đầu tư vào dự án này đều cho thấy họ rất biết đắn đo tính toán “hiệu quả’ chi phí”, rất biến quản lý rủi ro, và rất không duy ý chí. “Xã hội hóa” cái phức hợp vòng chảo này chưa xong, thế còn “xã hôi hóa” các sân khác nhu sân quần ngựa (equestrian), bóng chày (base ball), khúc côn cầu (cricket) …mà ta chưa có song nhất định phải có vì là trong số 28 môn thi đấu Olympic bắt buộc để đươc gọi là Asiad, thì gọi ai góp 70% vốn, để ta góp 30% vốn bằng đất? Không lẽ sẽ tự bỏ vốn và xây nho nhỏ?  Xác định tính khả thi của Asiad hay bất cứ gì, cũng phải trên nguyên tắc “kinh doanh là kinh doanh”.

10 tháng 4, 2014

NHỮNG MÔN “LẠ” Ở ASIAD 2019





Chẳng có dịp biết luận chứng kinh tế, xã hội về việc tổ chức Asiad 2019 như dân chúng Hong Kong được thông báo và hỏi ý “Hong Kong có nên đăng cai hay không?” , song những  “dấu đầu hở đuôi” vẫn đủ để cho phép THẤY Asiad 2019 sẽ như thế nào! 

CRICEKT, ĐUA NGỰA LÀ CÁI CHI CHI? 

Như mọi Asiad khác, Asiad 2019 Hà nội cũng phải bao gồm bắt buộc 28 môn thi đấu Olympic. Vấn đề là có một số môn thi đấu Olympic đó ta lại chưa biết “trái banh có mấy múi”, huống hồ là có sẵn sân thi đấu cùng sân tập…! Không cam kết tổ chức cho đủ 28 môn Olympic, làm sao giành được đăng cai ? Song, chả nhẽ đã cam kết rồi mà không xây sân, không sắm trang thiết bị, không tổ chức thi đấu sao? 

Chẳng sao cả! Mới 7/1/2014,Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn và Quốc vụ khanh Vương quốc Anh Grant Shapps đã ký kết biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác trong công tác chuẩn bị cho Asiad 2019… Thông qua Cơ quan Xuất khẩu Vương quốc Anh, Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam khoản tín dụng trị giá 250 triệu USD để chuẩn bị tổ chức Á vận hội. Khoản hỗ trợ này là khoản bảo lãnh tín dụng của Chính phủ Anh cho các doanh nghiệp Anh tham gia đầu tư xây dựng đường giao thông, sân vận động, cơ sở thi đấu thể dục thể thao, trang thiết bị thi đấu cũng như các lớp tập huấn … phục vụ cho Asiad 2019” (nguồn: .tdtt.gov.vn/.).Các doanh nghiêp Anh vay đâu thì vay, được chính phủ Anh bảo lãnh, vay để xây sân thi đấu phục vụ Asiad, còn ta nhận sân thi đấu họ xây xong, thanh toán cho các công ty này bằng gì, xin hỏi ông Trời xem họ xây biếu không hay sẽ đòi Bộ Tài chính trả!

Một bản tin của tổ chức UK Trade & Investment đề ngày 22/1/2014 trên website đại sứ quán Anh, dưới tựa đề: “Vietnam: Asiad 2019; Các cơ hội cho giới kinh doanh Anh”, gián tiếp giải thích Anh tại sao lại hỗ trợ vay 250 triệu USD:” Kế hoạch tổng thể vẫn chưa được phê duyệtcòn nhiều vấn đề cần làm rõ về vấn đề góp vốn…Chúng ta đang làm sao để đảm bảo cho các công ty Anh có lợi thế cạnh tranh các hợp đồng”.  Nghĩa là “kì kèo thêm bớt một hai” cái chuyện vốn vẫn chưa xong, song việc các công ty Anh sẽ hầu như độc chiếm các gói thầu xây cất, trang bị này là đương nhiên rồi, y hệt các công ty Nhật với đồng vốn của Nhật. 

Các sân mà các doanh nghiệp Anh sẽ “tham gia xây dựng” đó là sân gì?  Phát biểu sau của một lãnh đạo Sở VH-TT& DL Hà Nội mới cuối tháng 11 năm ngoái trả lời tất cả:” Hà Nội dự tính xây mới khu thi đấu thể thao cho một số môn thể thao mới như đua ngựa, bóng chày, hockey trên cỏ, sân quần vợt có mái che dự kiến ở Xuân Canh, Xuân Trạch (huyện Đông Anh) với mục tiêu phục vụ Asiad 18” (TT 25/11/2013). Các môn nêu trên, xa lạ đối với ta vốn là thuộc địa Pháp, ta không biết, không chơi, không có sân, song lại là món “ruột” của các nước có gốc gác thuộc địa Anh ở châu Á nay thuộc Liên hiệp Anh, và nằm trong số 28 môn Olympic. Chả nhẽ “xù” không xây, không tổ chức để bị thiên hạ cự sao? 

… Vòng chảo cùng các sân “lạ” khác.

Thậm chí nay khi một vài quan chức “ngoại đạo” lo ngại việc nhà đầu tư Hàn quốc định bỏ dự án đầu tư 500 triệu USD cho cái sân đua xe đạp tốc độ vòng chảo cùng các tiện ích kèm theo, không biết phải xoay sở thế nào, thì bản tin của UK Trade & Investment trả lời luôn:” Chúng tôi đã thiết lập quan hệ  với liên doanh Hàn-Việt đang triển khai dự án sân đua xe đạp vòng chảo trị giá 500 triệu USD, và một số công ty Anh vừa liên hệ”. Nghĩa là nếu anh Đại Hàn đó bỏ, thì cánh Ăng lê chúng tôi sẽ nhào vô. 

Còn những môn “lạ” như môn bóng chày mà quan chức TTVHDL Hà Nội giới thiệu sẽ xây ở huyện Đông Anh, cũng trong số 28 môn Olympic phải thi đấu, ta xa lạ, chỉ thấy trên truyền hình Fox Sports, song rất phổ biến ở Đông Á như ở Đài Loan, Nhật, Hàn quốc. Chả nhẽ xây sân cricket  môn“ruột” của các nước Nam Á thi đấu tranh huy chương được, mà không xây sân bóng chày cho các nước Đông Á giành huy chương cũng đâu có được!  Bởi thế Hàn quốc, Nhật Bản mới đầu tháng 3 này đã lần lượt “cam kết hỗ trợ Việt Nam tổ chức Asiad” y hệt phía Anh đã bảo lãnh tín dụng hồi tháng 1! 

Ta muốn có huy chương vàng với môn “ruột” của ta tỉ như môn wushu “đi tắt đón đầu” (còn môn nào khác nhỉ? Kỳ trước ở Quảng Châu chỉ được 1 huy chương vàng!), họ cũng muốn có huy chương vàng với các môn “ruột” của họ. Thành ra, phe nào cũng “hỗ trợ” ta tổ chức Asiad để ta xây sân, sắm trang thiết bị mà tổ chức… đúng chuẩn Asiad. “Động thổ” thủ tục tài chính hầu như xong, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt khởi công xây các sân thi đấu Olympic “lạ” đó thôi! Tạm tính 250 triệu USD từ phia Anh, 500 triệu USD cho khu phức hợp vòng chảo đua tốc độ, là 750 triệu USD. Nếu tính thêm các nguồn vốn Nhật Bản và Hàn quốc cho những môn như bóng chày…vâ n vân, có thể nghĩ đến 1 tỷ USD. Còn 150 triêu USD kia bất quá là số lẻ chi phí tổ chức vân hành hai tuần thi đấu, tập huấn…

“Vấn đề của mọi vấn đề” không phải là chi bao nhiêu, mà là nhẽ ra cũng nên như ở Hồng Kông, giao việc này cho Bộ nội vụ chủ sự và hỏi ý dân! Còn việc nghành thể thao  chủ sự  tất cả,“vừa đi chợ, vừa nấu bếp, vừa dọn bàn, vừa tính tiền”, chưa “dân vận” lắm! Thôi thì cứ xây sân “lạ”, cứ tổ chức các môn Olympic “lạ”, mời đồng bào, nhất là những ai kém thể lực, vùng sâu, vùng xa, đến xem miễn phí bóng chày, cricket, quần ngựa… Biết đâu các bạn trẻ ấy sẽ say mê tập các môn đó mà nâng cao thể chất, đến Sea Games 31 ở Việt Nam năm 2021 tận dụng các sân “lạ” đó, thi đấu các môn “lạ” đó mang về một mớ huy chương vàng ở chính các môn Olympic “lạ” mới “đi tắt đón đầu” học tập, thay vì cả rổ môn “ao làng Sea Games” như võ gậy của Philippines, võ gì gì đó của Indonesia., võ gì gì đó của ta…Lúc đó thể lực, vị thế cũng sẽ tăng hẳn như hứa hẹn! Xin bắt nhịp hô:” Ráng lên! Cố lên!”.


P/S:  Môn “đua ngựa” mà quan chức TTVHDL Hà nội cho biết sẽ xây sân, thật ra là môn thể thao kỵ mã (equestrian), thời Tây ở Bắc gọi là “quần ngựa”, tức cưỡi ngựa vượt chướng ngại, chứ không phải môn đua ngựa mà đấng quan chức TTVHDL nói, như đã thấy ở  trường đua Phú Thọ ở TPHCM đã bị xóa sổ..