18 tháng 8, 2011

LỜI NGUYỆN CẦU NÀO CHO BIỂN ĐÔNG?

Bài “Buổi sáng thanh bình trên Thái Bình Dương” trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật 14/08/2011, kết bằng câu:”Chưa bao giờ Thái Bình Dương lại êm ả, trong xanh như hôm nay. Nguyện cầu cho cứ thái bình như thế”. Trước đó hai ngày, tờ Inquirer Global Nation,12/8 đăng một bài mang tựa đề “Cầu cho hòa bình nào trong biển Đông?” của Rodel Rodis.

Tác giả kể vừa chia tay thủy thủ đoàn chiến hạm BRP Gregorio del Pilar trực chỉ biển Đông và chua chát kết luận: “Nếu họ phải đối diện một cuộc xung đột quân sự với các tàu chiến và tàu ngầm TQ, chúng ta chắc chắn rằng họ sẽ chẳng kịp đọc kinh”. Tại sao lại yếm thế như thế? Chẳng qua tác giả nhớ lại câu chuyện sau mà tác giả kể thật chi tiết: ”Nhiều người trong chúng ta còn nhớ điều gì đã xảy ra khi môt quốc gia Đông Nam Á khác cũng đã cố bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa. Ngày 14/3/1988, ba chiếc tàu của Việt Nam cặp bờ đá Gạc Ma mà Việt Nam quả quyết là trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, khi thấy một lá cờ của TQ cắm ở đó, họ nhổ. Tàu chiến TQ nhanh chóng nổ súng, và khi khói súng tan, ba chiếc tàu của Việt Nam bị chìm và 66 thủy thủ Việt Nam chết. Vụ thảm sát ngày 14/3/1988 đó được phía TQ ghi hình từ tàu của họ và nay đưa lên You Tube như là một tấm gương cho bất cứ ai dám thách đố TQ”.
Kể đến đó, tác giả Rodel Rodis trở lại với tinh thần bất khuất cố cựu: ”Tôi hỏi các sĩ quan và thủy thủ họ từ đâu đến, họ trả lời từ tỉnh này, thành phố nọ. Đa số bảo rằng họ ước mơ nhập ngũ, phục vụ trong hải quân Philippines, bảo bệ tổ quốc, và nay ước mơ của họ đã thành sự thật. Trong số họ, có cả ba phụ nữ nữa…”.

Đến đây, tác giả nêu ra một đề xuất: ”Trong một trận đánh không cân sức với TQ, tổn thất về phía Philippines sẽ là cao, liệu các nam thanh nữ tú đó của của hải quân Philippines sẽ kịp đọc lời cầu nguyện cuối cùng? Đó chính là nguyên ủy của ý kiến tổ chức Ngày nguyện cầu cho hòa bình trên Trường Sa vào ngày 21/8 tới. Các thủy thủ tàu USP4GG đã nhất trí đáp ứng đề nghị này và có kế hoạch tổ chức cầu nguyện cho hòa bình tại 100 thành phố trên khắp nước Mỹ”.

Song, tác giả cũng không khỏi đắn đo: ”Hòa bình nào chúng ta sẽ cầu xin đây? Đó sẽ là ngày cầu nguyện cho một giải pháp hòa bình cho Trường Sa, chúng ta cũng sẽ cầu nguyện cho dân chúng TQ nữa, cho họ được cơm no áo ấm và yên bình hạnh phúc. Họ đâu phải là kẻ thù của chúng ta. Điều chúng ta lên án là các phương thức hiếp đáp, lấm chiếm, giành giật của chính quyền TQ, y hệt như chúng ta lên án một vài chính khách của chúng ta chỉ chực bán rẻ tổ quốc vì lợi ích cá nhân”.
************
Có thể kể thêm vài ngày tháng bất ổn trên Thái bình dương mới đây. Sáng 26/5, tàu TQ cắt cáp của tàu thăm đò địa chấn của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sáng 9/6, tàu TQ lại cắt cáp của một tàu thăm dò khác của Việt Nam. Và một mưu toan tương tự hôm 1/7….Chính vì thế, có thể hiểu tại sao bài “Buổi sáng thanh bình trên Thái Bình dương” lại kết bằng câu:” Chưa bao giờ Thái Bình Dương lại êm ả, trong xanh như hôm nay. Nguyện cầu cho cứ thái bình như thế”. Chẳng phải vì hay nhờ chiếc tàu sân bay của Mỹ mà vì thái độ của nó. Khi phóng viên AP (Mỹ) hỏi hạm trưởng tàu sân bay USS George Washington về sự xuất hiện trước đó mấy ngày của chiếc Thi Lang, hạm trưởng David Lausman bình thản trả lời: “Biển cả là của chung cho mọi người. Chúng tôi muốn cộng tác với họ. Có thiếu gì chuyện để làm chung: hải tặc, sóng thần, thiên tai... Càng cộng tác, đối thoại, càng có cơ hội hiểu nhau hơn, càng bớt hiểu lầm...”.

THIÊN TRIỀU

15 tháng 7, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu: CÁI TÔI TỰ HÀO và CÁI TÔI LỢI ÍCH.


Có thể thấy trong các quyển hồi ký của mình, khi nhìn lại chuyến đi ấy, TS Kissinger vẫn còn nguyên cảm giác tự hào. Tự hào vì thành đạt. Trong một xã hội như xã hội Mỹ, vốn phân rạch ròi kẻ thắng/người thua trong cuộc đời bằng từ ngữ chê bai bậc nhất là từ "a loser" (kẻ thua cuộc), thành đạt càng được xem như là giá trị nền tảng. Từ niềm tự hào thành đạt ấy, người ta có thể tự đồng hóa bản thân với chính cái vật tạo nên sự thành đạt của mình.

Tân Hoa Xã, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chuyến đi bí mật của Kissinger, luận như sau về niềm tự hào này của ông: "40 năm sau, sau khi đã thăm TQ hơn 50 lần và quen biết những bốn thế hệ lãnh đạo TQ, Kissinger phát biểu trong một phỏng vấn của Tân Hoa Xã: "TQ là nước mà tôi làm việc lâu dài nhất và sâu sắc nhất. Thành ra, TQ trở nên một phần rất quan trọng của cuộc đời tôi; và các bạn hữu TQ đối với tôi là vô cùng to lớn.... Điều còn tồn đọng từ kinh nghiệm của tôi là tình hữu nghị và sự trung tín mà người TQ tỏ ra với bạn bè của họ. Thành ra, tôi nhìn lại 40 năm với niềm tự hào đáng kể".


NGƯỜI VỚI TA TUY HAI LÀ MỘT

Kissinger của hôm 29/6/ 2011 tại hội thảo về toàn cầu hóa tại Bắc Kinh đã tỏ rõ ông với Bắc Kinh "tuy hai mà một" như thế nào. Nathan Gardels của tờ Los Angeles Tines đã thuật lại như sau bài phát biểu mở màn của ông Kissinger: "Khi ông Henry Kissinger nay 88 tuổi nguồi xuống cùng Chủ tịch Mao bàn bạc về việc mở cửa TQ vào đầu những năm 1970, nước Mỹ đang ở trên đỉnh thế lực của mình. Lúc đó, trong đầu ông Kissinger nhất định không hề có chút ý nghĩa nào về việc non nửa thế kỷ sau, khi đảng CSTQ kín đáo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của mình, ông lại sẽ quay lại Bắc Kinh để trao cây gậy lãnh đạo thế giới cho chủ nhà. Mở đầu cuộc hội thảo của nhóm nghiên cứu quan trọng nhất TQ về toàn cầu hóa, nhà chính khách vĩ đại này đã so sánh TQ ngày nay với nước Mỹ năm 1947. Năm 1947 ấy, ngoại trưởng Ernest Bevin của những ngày tàn của đế chế Anh, cảm thấy bị thôi thúc phải bảo với đồng sự người Mỹ của mình rằng” là nước chủ nợ lớn nhất thế giới, nước Mỹ nay phải nhận quyền lãnh đạo để định hình trật tự mới". Kế hoạch Marshall tái thiết hậu chiến đã tung lên vai trò thống trị của đồng dollar và con đường thăng hoa của Mỹ trong phần còn lại của thế kỷ 20. Nay là chủ nợ lớn nhất thế giới, TQ đang ở tại vị trí mà nước Mỹ đã ở vào năm 1947. Hệ thống thế giới đã thoát ra khỏi cái cực Bắc Đại Tây Dương của nó rồi mà hướng về TQ cùng các nền kinh tế đang nổi lên. Giai đoạn chuyển tiếp từ một hệ thống này sang một hệ thống khác có thể sẽ mất 30 năm”.


Những phát hiện của TS Kissinger không mới cũng chẳng thậm xưng. Đó là một thực tế mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận hàng ngày từ ít nhất 10 năm qua từ sau vụ 11/9 ở Mỹ và hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan mà Tổng thống Bush đã bày ra. Chi phí cho cuộc chiến tranh kép 1,217 ngàn tỷ ấy cũng vừa bằng số trái phiếu ngân khố Mỹ mà TQ hiện nắm trong tay 1,144 ngàn tỷ .
Cái vực sâu thâm thủng ngân sách liên bang mà nay ông Obama đang gánh cũng bắt đầu với ông Bush sau khi ông này nhận bàn giao một ngân sách liên bang thặng dư trở lại từ tay ông Clinton. Vụ đổ nợ hiện nay ở Mỹ cũng đã xuất phát từ chính sách lãi suất gần bằng không của ông Alan Greenspan, tạo điều kiện cho ”bong bóng” nhà đất được bơm căng và nổ tan xác... Người Pháp có câu "Người ta không chết một cách tự nhiên mà vì... tự tử"!


ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ THẾ LỰC CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC.


40 năm làm bạn với TQ đã giúp TS Kissinger đề ra những định nghĩa sau trong quyển “On China” mới nhất của ông. Theo ông” đặc trưng của Mỹ mang tính khai phóng. Nghĩa là nước Mỹ có nhiệm vụ gieo rắc các giá trị của mình đến mọi nơi trên thế giới. Còn đặc trưng của TQ mang tính văn hóa. Đây là một truyền thống từ lịch sử TQ, TQ không đi “cải đạo”, các nước khác chỉ đồng hóa ít hay nhiều các hình thái văn hóa, chính trị của TQ thôi (tr xvi)”.

Quá trình đồng hóa ấy, trong suốt luận thuyết “On China” của Kissinger là hiền hòa. Kissinger viết: "Từ khi TQ nổi lên như là một nhà nước thống nhất vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên cho đến khi triều Thanh sụp đổ vào năm 1912, TQ đứng ở vị trí trung tâm của một hệ thống Đông Á bền vững đáng kể. Vị hoàng đế TQ được xem và công nhận bởi đa số các nước láng giềng như là đỉnh cao chót vót của một hệ thống tôn ti trật tự chung, các thủ lĩnh các nước khác phục vụ như là chư hầu…”.

Không thấy TS Kissinger, trong luận thuyết cuối đời của mình về TQ, dấu vết của sự đối kháng các nước “chư hầu” mà nhờ đó các nước ấy vẫn giữ được nét đặc trưng của mình và tồn tại cho đến ngày nay. Đọc “On China”, sẽ thấy một Trung Quốc toàn bích, không khác gì đi thăm Bắc Kinh bằng tour du lịch, được hướng dẫn viên dắt đến Tử Cấm Thành, Di Hòa viên, đại lộ Tràng An… để không bao giờ biết rằng chỉ cách Tử Cấm Thành không đầy 4km, qua khỏi vườn ngự uyển một chút đã đến những khu phố lụp xụp hình như của một dân tộc ít người nào đấy thì phải, căn cứ theo tô mì họ bán…



LỢI ÍCH KEO SƠN.

Tân Hoa Xã khi thuật lại việc Kissinger quay lại TQ nhân kỷ niệm 40 năm, có trích lời ông này khoe rằng “mối quan hệ của ông với TQ đã len vào trong gia đình ông. Cháu gái ông sau này sang TQ học hành’.


Gắn bó keo sơn giữa ông Kissinger với TQ còn thể hiện qua việc ông đã từng là nhà lobbyist thượng thặng vận động cho lợi ích TQ trong lòng Washington. Tháng 7/2005, khi nước Mỹ xôn xao vì việc tập đoàn dầu khí TQ CNOOC đòi mua lại tập đoàn dầu hỏa Unocal của Mỹ đang khánh tận ngay trước mũi tập đoàn Chevron của Mỹ bằng sức mạnh kim tiền. CNOOC bỏ giá thầu là 18,5 tỷ USD để mua lại Unocal là chuyện thường tình trong thương trường, song việc CNOOC đòi rút lại 16,6 tỷ USD đã góp vốn cho Chevron trước đó, để Chevron đùng một cái đứt vốn, quả là “lấy thịt đè người”. Sự viêc càng gây xôn xao khi bàn dân thiên hạ hay biết rằng Ngài Kissinger, người đã từng giữ chức vụ phụ tá an ninh quốc gia Mỹ từ 20/1/1969 đến 3/11/1979, vị ngoại trưởng Mỹ từ 22/9/ 1973 đến 20/1 1977, vào lúc mà tập đoàn CNOOC của TQ đang sắp sửa nuốt ngành dàu hỏa Mỹ, thì ông Kissinger lại đang nằm trong ban cố vấn của tập đoàn này của TQ. Càng đáng ngại hơn nữa khi ông Kissinger lúc đó cũng đang là cố vấn của tập đoàn Unocal mà tập đoàn UNOOC đang muốn tung tiền ra nuốt. Lần đó, toàn thể hệ thống chính trị Mỹ, đặc biêt là lập pháp, đã phải nhảy vào cuộc, để chặn đứng âm mưu thôn tính này. Cố vấn cho chính phủ nước này, cố vấn cho chính phủ nước kia, tư vấn cho tập đoàn nước này, tư vấn cho tập đoàn nước kia, có lẽ trên thế gian mới chỉ có một ông Cố vấn Kissinger, người khai sáng ra chủ nghĩa thực dụng và thực tế (Realpolitik) trong ngoại giao. Cố vấn Kissinger đã không chỉ tư vấn và lobby cho CNOOC trong mỗi vụ Unocal mà hầu như trong các kế hoạch thôn tính khác của CNOOC.


Việc “phân thân” đó của ông Kissinger không có gì khó hiểu. Ông Kissinger đã từng để đời với phát biểu sau (vào lúc mà ở Liên Xô người gốc Do Thái nhao nhao đòi xuất cảnh về lại Israel): "Nếu họ (tức LX) nay có đưa người Do Thái vô phòng hơi ngạt đi nữa, thì Mỹ cũng chẳng quan tâm”! Ian Fletcher, khi nhắc lại câu này của Kissinger, còn nhắc rằng ông này không chỉ gốc Do Thái mà còn đã chạy trốn Hitler sang Mỹ năm 1939!


THIÊN TRIỀU

13 tháng 7, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu: NGÀY NÀY NĂM XƯA.




Bắt tay với Trung Quốc trong một phân chia thế giới mới song song với "Hòa bình trong danh dự” ở VN, đó chính là mục tiêu của chuyến du hành bí mật sang Trung Quốc hôm 9/7/1971 mà nay Trung Quốc và ông Kissinger cùng long trọng kỷ niệm.

Trong quyển hồi ký xuất bản năm 1979, tựa đề "Những năm tháng trong Nhà trắng” (White House Years), TS Kissinger thuật lại cuộc gặp đầu tiên hôm thứ sáu 9/7/1971 với Thủ tướng TQ Chu Ân Lai như sau: "Chu Ân Lai và tôi bắt đầu nói chuyện vào chiều ngày 9/7 tại nhà khách chính phủ khoảng bốn tiếng sau khi tôi đến Bắc Kinh.... Ngày đầu tiên nói chuyện của chúng tôi kết thúc lúc 11g20 tối. Chu và tôi cả hai cùng đạt đến kết luận rằng kết quả quan trong nhất của cuộc gặp đâu tiên này là việc mỗi bên hiểu các mục đích yêu cầu cơ bản của bên kia...Chu dành thời giờ trong cuộc gặp kéo dài gần bẩy giờ với tôi (tính luôn bữa tối) để bày tỏ sự nhất trí tổng thể của mình với các nguyên tắc mà Tổng thống Nixon đã đề ra trong bài diễn văn ngày 6/7 trước đó tại TP Kansas. Tôi hơi bị thất thế do không hay biết gì mấy về nội dung bài diễn văn này...Tổng Thống Nixon dự kiến một thế giới gồm "năm siêu cường" là Mỹ, Tây Âu, Nhật, Liên Xô và TQ, mà mối quan hệ giữa năm siêu cường đó sẽ sẽ ấn định cấu trúc hòa bình trong thời đại này. Chu bác bỏ từ ngữ "siêu cường": TQ không muốn chơi trò chơi đó. Đó là một (thái độ) thành thật và thận trọng; TQ lúc đó cần đến nước Mỹ chúng ta do không có đủ sức để tự đối trọng với LX”.


Số học mà nói, thử giở webiste Indexmundi chuyên ghi chép GDP các nước, sẽ thấy TQ năm 1971 ấy, với GDP/đầu người là 117,18 USD , so với Malaysia cùng năm ấy đã là 405,67USD , xem ra cũng khó nhận lời rủ rê nhảy ngay vào hàng ngũ siêu cường! Trường kỳ mai phục vậy. Kissinger kể tiếp: "Đài Loan chỉ được nêu ra thật ngắn ngủi trong cuộc gặp đầu tiên này. Thời giờ được dành nhiều hơn cho tôi giải thích chính sách của chúng tôi ở Đông Dương, đặc biệt nhấn mạnh đến các cuộc hội đàm bí mật với Lê Đức Thọ".


Sáng hôm sau, Kissinger cùng phái đoàn bỏ túi gồm sáu người của ông, ngoài ba viên chức ngoại giao còn có hai nhân viên mật vụ Mỹ là Ready và McLeod, được xả súp-páp đi thăm Tử Cấm Thành. Đến chiều mới họp lại với Thủ tướng Chu Ân Lai, lần này tại Đại sảnh đường nhân dân ở bên kia đường, chính xác là trong phòng họp mang tên "Phúc Kiến", tên của một tỉnh đối diện với đảo Đài Loan.


Kissinger thuật lại như sau: "Chẳng mất công mầu mè khách sáo, Chu huỵch toẹt giới thiệu quan điểm của TQ...Rằng Đài Loan là một phần của TQ...; Rằng các cường quốc đang câu kết với nhau chống TQ (không chỉ Mỹ với LX, mà cả Nhật Bản quân phiệt); rằng Ấn Độ thì xâm lấn; rằng LX thì tham lam và đe dọa thế giới; Rằng TQ trong quá khứ và tương lai không bao giờ muốn là một siêu cường giống Mỹ và LX; Rằng Mỹ đang gặp khó khăn vì giang tay ra quá xa. Chu hào hứng thuyết giảng rồi kết thúc bằng một câu hỏi đánh đố: Xét dị biệt hai bên quá lớn như thế, một chuyến viếng thăm của Tổng thống sẽ có ý nghĩa gì không? ”.


SẤM ĐỘNG TOÀN CẦU.




Kissinger sẽ còn hop tiếp với Chu Ân Lai, lưu lại Bắc Kinh đến chủ nhật 11/7, tổng cộng hai ngày hai đêm, ra về với một bản loan báo chung dự trù sẽ công bố vào ngày thứ năm 15/7 sau đó. Tối hôm đó, Tổng Thống Nixon xuất hiện trên truyền hình NBC cho môt bài diễn văn kéo dài bẩy phút: "Chào buổi tối... Như tôi đã nhiều lần chỉ ra trong hơn ba năm qua, không thể có hòa bình ổn định và lâu dài mà không có sự tham gia của TQ cùng 750 triệu dân nước này. Đó là lý do tôi đã tiến hành một số sáng kiến trong nhiều lĩnh vực để mở cửa cho những quan hệ bình thường hơn nữa giữa hai nước. Nhằm đeo đuổi mục đích đó, tôi đã phái TS Kissinger, phụ tá an ninh quốc gia của tôi, sang Bắc Kinh nhân chuyến công du thế giới của ông, nhằm hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai....Biết mong muốn của Tổng thống Nixon là thăm viếng nước CHNDTQ, Thủ tướng Chu Ân Lai đã ngỏ lời mời Tổng thống Nixon sang thăm TQ vào môt thời điểm thích hợp trước tháng 5/1972. Tổng Thống Nixon đã hoan hỉ nhận lời mời. Các nhà lãnh đạo TQ và Mỹ là nhằm tìm cách bình thường hóa quan hệ giữa hai nước... Việc chúng ta tìm kiếm một mối quan hệ mới với CHNDTH sẽ không gây thiệt hại cho các bạn bè cũ của chúng ta. Chúng ta làm bạn với mọi nước. Bất cứ nước nào cũng có thể là bạn của chúng ta mà không trở thành kẻ thù của bất cứ nước nào khác...Tôi tin chắc rằng mọi nước sẽ đều hưởng lợi từ việc giảm căng thẳng và quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và CHNDTH...".

Trong hồi ký "Những năm tháng ở Nhà trắng" của mình, Kissinger hai lần gọi bài diễn văn ngày 15/7 đó của Tổng thống Nixon là "sự loan báo làm chấn động thế giới" (tr.755). Kissinger thuât lại làn sóng chấn động đó như sau: "...Những ngày kế tiếp đó là những ngày phấn kích đến tận phi lý. Khen ngợi từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đồng thanh ca ngợi...

Chua chát lớn nhất đến từ Nhật Bản, Thủ tướng Esaku Sato đã từng là bạn trung thành của nước Mỹ. Quả là đau khổ khi phải làm buồn phiền một người đã từng ra sức kết gắn tình hữu nghị giữa hai nước. Việc loan báo này được biết đến ở Nhật như là ”cú sốc Nixon”. Armin Meyer, Đại sứ của chúng tôi tại Nhật Bản vào lúc đó, là một trong những người bối rối nhất. Ông ta nghe loan báo qua đài phát thanh của quân lực Mỹ khi đang ngồi hớt tóc. Căn cứ hồi ký của ông ấy, phản ứng đầu tiên của ông chính là cay đắng, một phản ứng mà, theo ông, được nhiều người Mỹ và Nhật khác ở Tokyo chia sẻ...”.


Trong quyển hồi ký, TS Kissinger khá vắn tắt khi thuật lại những "ngang trái" ông đã gây ra. Thế nhưng, đó lại không phải là điều mà một số người khác cùng cảm nhận. Joel Skousen của World Affairs, trong bài viết mang tựa đề “Sự gian trá của Kissinger ở Trung quốc” (Kissinger Treachery In China) đã viết rằng 28.000 trang tài liệu mới giải mật về những tiếp xúc giữa ông Kissinger và ông Chu Ân Lai cho thấy "Henry Kissinger đã phản bội lợi ích của nước Mỹ. Ma đạo Machiavel đã dâng hiến các lý tưởng Mỹ trên bàn thờ của chủ nghĩa thực dụng và thực tế trong chính trị (realpolitik)”.


THIÊN TRIỀU

10 tháng 7, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu: Cảnh cũ, người xưa.


Cách đây đúng 40 năm, hôm thứ sáu 9/7/1971, tiến sĩ Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Richard Nixon, đã lần đầu tiên đặt chân đến Bắc Kinh. Chuyến đi bí mật này đã mở cửa Trung Quốc và là bệ phóng đưa Trung Quốc trở thành đại cường. "Henry Kissinger là môt nhân vật gây tranh cãi", trang tiểu sử về ông của Wikipedia nhận xét.

Cảnh cũ, người xưa.

Tháng 6 vừa qua, sự kiện "Kissinger sang Tàu" (mượn cách nói của báo chí Sài Gòn xưa) đã hai lần được đánh dấu. Trước hết bởi chính bản thân tiến sĩ Kissinger với quyển biên khảo kiêm hồi ký ”Về Trung quốc” (On China) của ông vừa được xuất bản. Kế đến bởi Nhà nước Trung Quốc với một hội thảo hôm thứ hai 27/6, long trọng "kỷ niệm 40 năm chuyến viếng thăm Trung Quốc đầu tiên" của ông này.

Tân Hoa Xã (1) cho biết trước hơn 100 nhà ngoại giao và học giả đã dự hội thảo kỷ niệm sứ mạng đã dọn đường cho những quan hệ làm mới giữa TQ và Mỹ, TS Kissinger phát biểu: "Thật là xúc động đối với tôi khi lại ở trong tòa nhà này, ngôi nhà TQ đầu tiên của tôi". Tòa nhà đó chính là nhà khách chính phủ Điếu ngư đài, một trong 10 dinh thự vĩ đại được xây dựng năm 1959 tại Bắc Kinh nhằm đánh dấu 10 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong số các công trình kiến trúc để đời khác, phải kể đến những địa chỉ quen thuộc như Đại sảnh đường nhân dân TQ, Cung văn hóa các dân tộc, Viện bảo tàng quốc gia, Viện bảo tàng quân sự cách mạng, sân vận động Công nhân, nhà ga xe lửa Bắc Kinh..., thảy do Viện thiết kế kiến trúc Bắc Kinh tạo dáng.

Tất nhiên, TS Kissinger đã không bồi hồi xúc động vì cái dinh thự với khuôn viên giả cổ ấy, mà vì nhớ lại mình đã “tái lập tiếp xúc với một đất nước nằm ở trung tâm lịch sử châu Á mà nước Mỹ đã không có quan hệ cấp cao trong suốt 20 năm trước đó”. Những hoài niệm đầy tự hào của TS Kissinger thật dễ hiểu: Là một chính khách chuyên nghiệp khởi đầu cho trường phái Realpoltik bất cần những khuôn sáo trói buộc mang tính chất lý tưởng, ý thức hệ, đạo đức..., chỉ cần đạt đến kết quả mong muốn, thành hay bại cũng đều thiết thân, huống hồ là thành đạt ngoài sức tưởng tượng.

40 NĂM SAU

Thật vậy, người đồng cấp với cố vấn Kissinger ngày nay là Ủy viên Quốc vụ Đới Bỉnh Quốc nhắc lại: "40 năm trước, các nhà lãnh đạo TQ Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã nắm tay các ông Nixon và Kissinger mở cánh cửa quan hệ Trung-Mỹ. Điều đó đã đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới trong việc cải thiện và phát triển quan hệ Trung-Mỹ, và đã có tác động vô cùng tích cực và lớn lao đến quan hệ hai nước".

Không dừng ở hoài niệm, người giữ vai trò cố vấn ngoại giao hiện nay của Nhà nước TQ, khi nhắc lại công lao của TS Kissinger 40 năm trước, đã nhắc nhở những người kế vị ông Kissinger ngày nay ở Washington về nhiệm vụ 40 năm sau: "Cả hai nước nên ghi nhớ các nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhà ngoại giao để mà giải quyết quan hệ Trung-Mỹ từ nhãn quan chiến lược và dài hạn”.

Thế hệ lãnh đạo đầu tiên ấy, ông Nixon thì đã ra người thiên cổ rồi, còn mỗi ông Kissinger; may chăng ở cấp dưới hơn, còn ông Winston Lord, khi xưa là trợ lý của ông Kissinger. Thôi thì noi gương TS Kissinger đây vậy!

NHỮNG KHUYÊN BẢO CUỐI ĐỜI CỦA TS KISSINGER!

Gương gì? Gương trung kiên với quan hệ Trung-Mỹ. Ở tuổi 88 sắp cưỡi hạc, TS Kissinger vẫn còn trịnh trọng khuyến cáo: "Ngay cả khi có khó khăn trong quan hệ của chúng ta, cái tinh thần, vốn đã đưa chúng ta đến cùng nhau, sẽ dẫn đường cho hành động của chúng ta trong tương lai. TQ và Mỹ đã hợp tác với nhau trong 40 năm qua. Tôi hy vọng rằng đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một sự hợp tác lớn hơn nữa”. Ít ai trân trọng quan hệ với Trung Quốc cho bằng TS Kissinger!

Sau bản tin đầu tiên hôm thứ hai 27/6 của Tân Hoa Xã, sang đến thứ ba 28/6, Kenneth Rapoza của tờ Forbes của Mỹ viết: "Mỹ và TQ không tranh nhau thống trị thế giới. Cạnh tranh kiểu đó chẳng có ý nghĩa gì cả”, tuyên bố của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger được tờ China Daily hôm nay thứ ba trích lại. Về vấn đề biển Nam Hải (tức biển Đông của VN), ông Kissinger tuyên bố tự do hàng hải trong khu vực này, mà Mỹ cho là có lợi ích quốc gia trong đó, là một vấn đề riêng rẽ tách biệt hoàn toàn với các tranh cãi lãnh thổ giữa các nước trong khu vực. Ông
Kissinger nhắc nhở: "Lợi ích tiên quyết của Mỹ là quan hệ tốt với TQ chớ không phải là gây khó khăn với TQ, và rằng Mỹ đừng kích động Philippines và Viet Nam". (2)

CON CHÁU CHẲNG NGHE.

Cùng thời khắc đó, ở Washington, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết của hai nghị sĩ Jim Webb (đảng Dân chủ) và James Inhofe (đảng Cộng hòa) đưa ra, được các nghị sĩ Joseph Lieberman và Daniel Inouye đồng bảo trợ.Nghị quyết này:

1- Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp chủ quyền vùng biển tại Biển Đông. Cam kết tiếp tục những nỗ lực nhằm tạo thuận lợi cho quá trình đa phương, hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp này.

2- Phê phán việc sử dụng vũ lực bởi tàu hải quân và hải giám Trung Quốc tại Biển Đông.

3- Kêu gọi tất cả các bên liên quan đến tranh chấp lãnh thổ kiềm chế việc đe dọa sử dụng vũ lực nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của mình.

4- Ủng hộ việc tiếp tục hoạt động của lực lượng vũ trang Mỹ nhằm hỗ trợ quyền tự do hàng hải trong vùng biển và không phận quốc tế tại Biển Đông.

Nghị sĩ Jim Webb còn nhấn mạnh rằng nghị quyết này là “bước phát triển quan trọng nhằm thúc đẩy giải pháp đa phương cho các tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình, tôn trọng chủ quyền của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền”.

Rõ ràng, Thượng nghị viện Mỹ của năm 2011 không chịu nghe lời dặn dò của vị cố vấn an ninh và ngoại trưởng Mỹ năm 1971. Họ có cái lý của họ, những người phải chịu trách nhiệm về sự sống còn của nước Mỹ năm 2011. Sự sống còn đó khác của nước Mỹ năm 2011 khác với sự sống còn của nước Mỹ năm 1971 là làm sao ra khỏi cuộc chiến tranh VN "trong danh dự", tức là làm sao đường hoàng đưa binh sĩ Mỹ ra khỏi VN, kết thúc cuộc chiến tranh của nước Mỹ....mà không phải kéo cờ trắng đầu hàng.

Thật ra, TS Kissinger cũng không "một trăm phần trăm" tán dương TQ. Trước khi lên đường sang Bắc Kinh dự kỷ niệm 40 năm chuyến thăm TQ lần đầu, trong môt hội thảo tai Canada, ông Kissinger cũng đã không thể không buông một khuyến cáo thẳng thắn: "TQ cần học tự kềm chế đôi chút trong cách thức yêu sách các lợi ích của mình trên thế giới" (3) - Nhân dân nhật báo Anh ngữ 24/6/2011 trích đăng.

THIÊN TRIỀU

(1) Seminar in Beijing marks 40th anniversary of Kissinger's first China visit, English.news.cn 2011-06-27
(2) Kissinger: US-China Not Competing for World Domination, By KENNETH RAPOZA Jun. 28 2011
(3) Henry Kissinger: China won't be next 'superpower' , By People's Daily June 24, 2011

16 tháng 6, 2011

TÀU TRUNG QUỐC XÂM PHẠM VIÊT NAM: CẦN LÀM GÌ? TƯ VẤN CỦA GS CARL THAYER.

Kiên trì theo dõi xuyên mọi động thái của Trung Quốc là Giáo sư Carlyle A. Thayer. Ngày 29/5/2011, sau vụ tàu “Bình Minh 2”, ông đã đưa ra nhiều phân tích cùng khuyến cáo. Trong các ngày 1/6, 2/6, 4/6, 7/6, 9/6, 10/6 sau đó, ông còn liên tiếp đưa ra các khuyến cáo mới.

HỎI: Ông bình luận gì về việc TQ mới xâm phạm chủ quyền của VN?

GS Thayer: Sự cố này… tiếp sau sự cố vào tháng 3 với tàu khảo sát của Philippines, dường như TQ đang tăng tốc nhấn mạnh rằng biển Đông là trong thẩm quyền pháp lý của họ và rằng TQ đang “quản lý” biển Đông. Các hành động này của TQ đi ngược với tinh thần Tuyên bố ứng xử trên biển Đông (DOC) và cho thấy TQ sẽ chẳng tiến đến một thỏa thuận thực thi DOC, chớ đừng nói là thương thuyết một Qui tắc ứng xử (COC).

HỎI: Đã từng có nhiều xung đột trong vùng biển tranh chấp. Phản ứng thích hợp của VN là gì để duy trì chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của mình?

GS Thayer: Hành động của TQ lần này là chưa có tiền lệ. VN cần thận trọng hành động và tránh khiêu khích TQ. Tuy nhiên, trong trường hợp này VN nênquay phim lại các sự cố rồi chiếu lên truyền hình, cung cấp các bản sao cho báo chí và ngoại giao đoàn. VN cần chuẩn bị một sách lược thông tin thật tốt. Vụ việc này đòi hỏi VN nỗ lực hơn nữa trong việc theo dõi vùng đặc quyền kinh tế của mình và hộ tống các tàu khảo sát nghĩa là gia tăng tuần tra bằng không quân. Về lâu dài, Việt Nam cần mua tàu thủy và máy bay tuần thám để theo dõi vùng đặc quyền kinh tế của mình.

HỎI: Trong mọi cuộc họp với ASEAN, TQ đã hứa không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, song TQ đã cho thấy không thực hiện đều đó. Ông giải thích sao về những hành động mới đây của TQ?

GS Thayer: Tôi được biết rằng vào tháng 8 năm ngoái (2010), Bắc Kinh đã xem xét lại vấn đề Biển Đông và đã đề ra một chính sách mới. TQ nay sẽ liên tục khẳng định chủ quyền của họ một cách đều đặn cứ như thể đó là một điều hiển nhiên…TQ hành động cứ như thể TQ thực sự có thảm quyền pháp lý trên biển Đông, rằng luật pháp quốc tế là về phía họ…. Sách lược đó sẽ khiến bên khiếu nại phải gia tăng phản kháng và thu hút sự chú ý về phía họ. TQ tính toán rằng làm như thế họ sẽ tỏ ra là một nhân tố ôn hòa, trái ngược với hình ảnh gây rối của các nước phản kháng. TQ cũng mong sẽ phá vỡ sự gắn bó của các nước ASEAN bên bờ biển Đông bằng cách chia rẽ các nước này…. với một lập trường xác quyết lãnh thổ như thế, như thể đây là “vấn đề của VN”. Một số nước có thể sẽ cảm thấy tốt hơn là không đối đầu với TQ, một số khác cảm thấy nhượng bộ thì tốt hơn. VN thì trông mong nơi một Indonesia còn đang giữ chức chủ tịch ASEAN trong sáu tháng tới, TQ thì muốn câu giờ đơi cho đến khi Campuchia rồi thì Brunei và Myanmar đảm mhậm chức vụ này

HỎI: TQ đã tăng cường hạm đội tuần tiễu, tiếp tục tấn công ngư dân VN, gây tổn thất cho một tàu thăm dò của PetroVietnam. Liệu TQ sẽ còn có thêm những hành động nhằm gia tăng yêu sách Biển Đông của họ?

GS Thayer: Đúng thế. TQ đã nhất quyết xây dựng không đắn đo một hạm đội hiện đại kèm trực thăng. Càng xây dựng như thế, càng quá sức chịu đựng của các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines, nhằm khiến cho các nước Đông Nam Á này phải tháo lui để tránh đối đầu.

HỎI: TQ có thể tung một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm chiếm một số đảo VN hay Philippines đang trấn giữ không? Lúc đó, Mỹ sẽ làm gì?

GS Thayer: Trong lúc này, không thể tin được rằng TQ sẽ tấn chiếm như thế, do lẽ đó sẽ là một hành vi xâm lược quả tang, sẽ khiến các nước ASEAN cùng những nước ủng hộ, Mỹ, Nhật, Hàn quốc, Úc, Ấn Độ đoàn kết lại chống lại TQ. Các hành động xâm lược của TQ sẽ chỉ khiến cho nội vụ được quốc tế hóa trong mọi diễn đàn an ninh đa phương ở châu Á Thái Bình dương. Điều đó sẽ là một bước lùi to lớn cho khẩu hiệu TQ hài hòa với thế giới. Mỹ không có nghĩa vụ hiệp ước với VN nên sẽ không trực tiếp can dự bảo vệ VN. Song Mỹ sẽ sử dụng các phuơng tiện ngoại giao để đối phó với TQ. Mỹ và Philippines là đồng minh qua hiệp ước an ninh hỗ tương. Chính phủ mới ở Philippines tỏ ra muốn đảm đương trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ và hợp tác với Mỹ. Chính sách của Mỹ dường như nhằm xây dựng năng lực cho quân đội Philippines hơn là đóng một vai trò trực tiếp. Thành ra các nghĩa vụ hiệp định ấy sẽ bị thử thách nếu như TQ tấn công quân sự tàu chiến hay máy bay quân sự của Philippines.

HỎI: VN có thể làm gì để tự bảo vệ nếu như TQ cứ tiếp tục dấn thêm gây hấn?

GS Thayer: VN nên triển khai chiến thuật đan xen tàu của mình giữa các tàu cá của TQ với các tàu khảo sát của mình. VN nên nghĩ đến việc gia tăng khả năng tuần tra để có thể tiên liệu được tàu TQ sắp làm gì để đáp ứng thích nghi. Song, VN cần tự kiềm chế không nổ súng trước. Điều đó sẽ làm phân tán những chú ý quan tâm của công luận vào việc TQ (tự ý) khẳng định chủ quyền của họ. Thực tế là VN đang hành động trong “vùng nội thủy thông thương” của mình, còn TQ thì ở bên ngoài “vùng nội thủy thông thương” của họ. VN có thể phái một lực lượng tàu thủy, tàu bay lớn hơn để bảo vệ tàu của mình. Có thể đặt hỏa tiễn đối hạm trên các đảo của mình để ngăn ngừa tàu TQ.

HỎI: VN nên làm gì để đối đầu với cuộc xâm lược của TQ?

GS Thayer: VN nên liên tục phán kháng ngoại giao với chính phủ TQ. Điều đó sẽ không làm thay đổi hành vi của TQ song là một biện pháp trả đũa cần thiết đối với các hành động của TQ. Nếu VN không làm gì cả trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, mọi vệc sẽ bị xem như “đã xong rồi”. VN nên nêu vấn đề này ở mọi cấp thích hợp với chính phủ TQ, kể các các nhóm công tác hỗn hợp và cấp nguyên thủ nhà nước hay lãnh đạo đảng. VN phải tiến hành một sách lược thông tin công và tư nhằm giúp các nước trong khu vực cùng các nước thân hữu được thông tin đầy đủ. Ưu tiên là tranh thủ được hậu thuẫn của mọi nước ASEAN. VN cần vạch kế hoạch theo dõi tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của mình, cải thiện liên lạc giữa tàu thăm dò trên biển và các cơ quan thẩm quyền trên bờ. Nhằm tránh leo thang xung đột, VN cần phát triển một lực lượng dân sự hay bán quân sự có chức trách chấp pháp chủ quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế.VN nên thông báo cho TQ hay rằng tàu thăm dò của mình luôn được hộ tống. Khi xảy ra sự cố, hay có thể xảy ra, VN nên tung máy bay tuần tiễu ra biển. Mọi sự cố đều phải đuợc ghi hình và phổ biến rộng rãi.

HỎI (sau vụ “Viking2”): Phản ứng của ông trước việc TQ liên tiếp quấy phá, đặc biệt chỉ ít ngày sau khi BTQP TQ hô hào duy trì hòa bình trên biển Đông tại đối thoại Shangri-La?

GS Thayer: Một lần mà thôi thì gọi là “sự cố”, hai lần thì gọi là “vấn đề”. Vụ việc thứ nhì này cho thấy rõ rằng đang nổi lên một vấn đề thật rõ rệt là TQ đã quyêt định manh động xác lập chủ quyền của mình trên biển Đông. Đó là một hành động khiêu khích dứt khoát nhằm cô lập và làm VN run sợ, nhắm đến một sự xa cách giữa VN và các nước ASEAN khác. Nếu VN phản ứng quá liều, thì sẽ bị xem như là “vấn đề” chứ không phải là nạn nhân.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng chiến thuật này của TQ sẽ thành công hay sẽ không đem lại kết quả mong đợi?

GS THAYER: TQ chẳng có cơ sở nào trong pháp lý quốc tế để đòi thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế vốn chỉ có thể được phép đòi từ đất liền mà thôi. TQ lấn chiếm một sồ mỏm đá trên biển Đông, và đó chẳng hề là cơ sở gì chiếu theo UNCLOS về việc yêu sách vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Trong thực tế, Trung quốc đang đòi chủ quyền trên mọi mỏm đá trên biển Đông cùng biển lân cận. TQ còn cho rằng luật pháp TQ cho mình quyền tài phán trên suốt biển Đông. Chiến thuật này của TQ sẽ chẳng đạt kết quả mong muốn, do lẽ, nếu được để yên muốn làm gì thì làm, TQ sẽ bành bá trên toàn biển Đông, sẽ kiển soát mọi tuyến hàng hải hoặc giao thương. Thế nhưng một khi TQ hành động xác quyết chủ quyền như thế, các hành động đó cxủa TQ sẽ khiến cho vấn đề biển Đông chắc chắn được nẹu ra tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN và Diễn đàn an ninh ARF tháng 7 tới.

Hỏi: Làm thế nào để một chính sách ngoại giao hòa bình sẽ hiệu quả?

GS Thayer: Vào lúc này TQ sử dụng tàu dân sự chớ không sử dụng tàu quân sự. Điều đó gây khó cho VN trong việc bảo vệ các tàu dân sự thăm dò của mình. VN cần dốc hết các nỗ lực hòa bình bằng không TQ sẽ đổ thừa rằng VN mới chính là vấn đề. Song, ngoại giao cần được kèm theo bởi quyết tâm bảo vệ chủ quyền của mình. VN cần phải hộ tống các tàu thăm dò của mình để bảo vệ an toàn cho chúng. Đó là một ván bài cân não.

THIÊN TRIỀU
(trích lược từ Thayer Consultancy 29/5 và 9/6/2011)


14 tháng 6, 2011

MẸC, BM, KEN…SẼ KHÔNG CÒN NẾU MẤT BIỂN KHƠI!

Trong những ngày này, có thể thấy rõ lực lượng xâm lấn, quấy phá vùng biển và đặc quyền kinh tế của Việt Nam có ưu thế cả về số lượng lẫn chất lượng. Không cần đợi có những khuyến cáo như của GS Carl Thayer về việc mua sắm tàu bè, tàu bay tuần thám trên biển để dự liệu trước đối phương sẽ giở trò ở đâu mà chuẩn bị lực lượng ứng phó, bất cứ ai cũng cảm thấy đang thiếu gì và cần gì.

Trong khi đó, có khá nhiều thứ dư thừa như xe hơi, rượu, bia… xa xỉ phẩm, dư đến thừa mứa làm lệch hẳn cán cân xuất nhập khẩu. Thừa đến nỗi đường sá chật những chiếc xe bẩy chỗ to đùng, gọi là mua để cho gia đình nội ngoại cùng đi…, song thực tế chỉ một hai người trên xe, để rồi đường sá vốn đã chật chội càng thêm hẹp, càng nhiều “chấm” , uống xăng như rồng hút nước, càng bảnh. Nghịch cảnh so với ở Pháp khi xe chỉ bốn chỗ, dung tích máy nhỏ để còn có chỗ đậu cho dù người ta thu nhập hơn gấp 40 lần! Một nước còn nghèo rớt mùng tơi, GDP/đầu người năm 2010, theo IMF, chỉ được 1.174USD, đứng vào hàng thứ 142, mà lại đi nhập khẩu đến 200 triệu lít bia “ken”, chỉ sau Mỹ, Pháp là hai nước có GDP/đầu người nhiều hơn gấp 40 lần hơn! Trên các trang web nghe nhìn, những cặp loa “khủng” giá năm, sáu trăm triệu không phải là hiếm…!Thậm chí có một “đấng” nổi danh chơi hàng “hi-end”, loa, ampli cỡ nào cũng có…Loa Lowther toàn dải mua về vất đó!

Chưa rõ có bao nhiêu người chính đáng kiếm ra tiền, tạo công ăn việc làm cho người khác, thu ngoại tệ về cho đất nước được bao nhiêu, song có thể ngờ rằng có khá nhiều kẻ hái ra tiền chẳng từ sản xuất, buôn bán, kinh doanh…, đích thực mà từ “nước bọt”, và hậu quả là nhập siêu hàng xa xỉ từ đầu năm đến giờ cũng trên tỷ đôla!

Có người tự cho là khôn ngoan bảo “Trứng chọi đá! Để tan nát cả à? Tôi chẳng dây vào làm gì!”.Than ôi, nếu lỡ dại có mệnh hệ gì, biển đảo mất, liệu có còn dầu hoả, cá mú để xuất khẩu mà nhập siêu hay không? Lúc đó, Mẹc, BM, Ken có còn hay không?

THIÊN TRIỀU


12 tháng 6, 2011

TỰ LỘT MẶT NẠ!


Hai vụ xâm phạm liên tiếp trong vòng một tuần vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và tấn công cắt cáp tàu khảo sát của Việt Nam cho thấy đây không chỉ là những va chạm “dân sự” với lớp vỏ tàu “hải giám" như có thể nghĩ hoặc những hành động thăm dò “nắn gân”, mà là những hành động “càn quét” trên biển Đông, những thao tác “lùng và hủy phá” để thực thi cái mà Trung quốc tự gọi là chủ quyền trong “vùng lưỡi bò” trên biển Đông, theo một kế hoạch, một mệnh lệnh rõ rệt.

Những hành đông đó hoàn toàn chà đạp công ước UNCLOS 1982 mà Trung quốc đã ký kết. Qua các hành động này, Trung quốc cho thấy đã xem việc Trung quốc cũng như Việt Nam và mọi nước khác như Phippines, Malaysia nôp khai báo về các giới hạn bên ngoài thềm lục địa mỗi nước, chiếu điều 76, chương 8 UNCLOS, vào tháng 5/2009, là vô nghĩa! Trong khi Liên hiệp quốc mới chỉ nhận hồ sơ, đâu đã phán quyết gì, mà Trung quốc đã “tự cấp” cho mình thẩm quyền độc nhất trong và bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế mới chỉ khai báo đăng ký, thì đó chính là một sự chà đạp công pháp quốc tế vô cùng! Có thể thấy Trung quốc tự đặt mình lên trên tất cả, cả Liện hiệp quốc lẫn luật biển cùng các nước ASEAN liên quan.

Các vụ vi phạm UNCLOS bạo ngược và bạo hành xâm phạm chủ quyền đó cũng cho thấy thế nào là giá trị của các tuyên bố của các quan chức cùng các ký kết của nhà đương cục Trung quốc. Tuyên bố của BTQP Trung quốc hôm chủ nhật 5/6 mới đây ở Đối thoại Shangri-La như “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định trên biển Đông…, giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và pháp lý bằng các phương pháp hòa bình, qua tham khảo và đàm phán hữu nghị giữa các nước có chủ quyền liên can trực tiếp”. Chẳng qua, BTQP Trung quốc đã chỉ “nói để mà nói’, bằng cớ là ông đã vờ vịt cho rằng “biển Đông đang là ổn định” và ông đã là diễn giả sử dụng từ ngữ “hòa bình” nhiểu nhất: 35 lần trong bài diễn văn của ông! Những hành động lấn phá liên tiếp của Trung quốc cho thấy Việt Nam cùng các nước ASEAN liên quan đang đứng trước một “đối tác đối thoại” mà lời nói, chữ ký cùng cam kết bị vô hiệu hóa bởi chính chủ nhân của chúng, thay vào đó là một thế lực đang giở mọi thủ đoạn để tiên hạ thủ vi cường, bất chấp dư luận quốc tế từ mọi phía trong những ngày qua có vạch rõ các âm mưu đó.

Đây là giờ phút của sự thật, các “mặt nạ” đang tự rơi ra. Dân gian vẫn nói “bất quá tam”.Không thể không dứt khoát nhận ra rằng “nói chuyện” như đã từng “nói chuyện” bao lần trước chỉ là “nước đổ lá môn” và hậu quả sẽ là khôn lường! Đây cũng là giờ phút của những trái tim nóng bơm máu tiếp tế cho những cái đầu lạnh đang cần tỉnh táo nhận chân từng biện pháp, từng bước, từng hành động “trả lời” đúng liều lượng, đúng nơi, đúng lúc. Bảo vệ chủ quyến với những kẻ trí trá không thể đơn giản bằng cảm tính cùng những hò hét cũng không phải là những “trò chơi chính chị, chính em” vô bổ, vô ích và “đâm sau lưng chiến sĩ”!

THIÊN TRIỀU


28 tháng 5, 2011

TRƯỜNG SA, BÂY GIỜ HOẶC MÃI MÃI CHẲNG BAO GIỜ NỮA.




Tình hình Biển đông trong hai tháng qua cho thấy những kẻ tự nhận là chủ nhân của “đường lưỡi bò” đang ra sức “quấy rối” các nước khác với mục đích “nắn gân” xem phản ứng mỗi “khổ chủ” như thế nào.

Việc ba tàu gọi là “hải giám” của Trung quốc “quấy rối” tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam vào hạ tuần tháng 5/2011 này không khác gì vụ hai chiếc tàu “hải giám” cùng loại “quấy rối” một chiếc tàu khảo cứu của Philippines vào hạ tuần tháng trước. Chính phủ Philippines đã ra lệnh cho không quân nước này phái ngay hai máy bay đến khu vực xảy ra sự cố, hai chiếc “hải giám” nọ phải bỏ đi. Sau vụ đó, chính phủ Philippines còn đệ đơn kiện UNCLOS .

Một tháng rưỡi sau, kịch bản “quấy rối’ này lại được giở ra với những “miếng” tương tự, và lần này nhắm vào một tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam, với một lực lượng đông hơn.

Có thể thấy qua hai hành động liên tiếp một sự thăm dò phản ứng, từ đó sẽ biết có thể “chọc thủng” ở đâu, trong khoảng thời gian bao lâu, sẽ gặp hay không gặp phải phản ứng, và phản ứng, nếu có, sẽ từ đâu, như thế nào, nhanh hay chậm, dứt khoát hay chần chờ hoặc nửa vời, sẽ có phản ứng “dây chuyền” không hay chỉ độc một mình “khổ chủ”… Từ đó, sẽ nhanh chóng ra tay...

Cũng có thể, trong cảnh tranh tối, tranh sáng của một Lybia đang đi đến hồi cáo chung, “thoải mái” vượt xa khuôn khổ hai nghị quyết 1970 và 1973, chẳng bị “ai” khiếu nại cả, như các trường hợp Iran, CHDCND Triều Tiên, một hành động tiên hạ thủ vi cường sẽ được đưa ra trong sự thinh lặng đồng lõa.

Nay là lúc cảnh giác, dứt khoát, quyết liệt nhất bằng không sẽ là quá muộn, có ra bờ Biển Đông khóc cũng vô phương. Nghe chăng Trường Sa đang kêu gào:

It's now or never, (Bây giờ hoặc chẳng bao giờ)
come hold me tight (Hãy ghì chặt ta)
Kiss me my darling, (Hãy hôn ta, người yêu dấu hỡi,)
be mine tonight (Hãy là của ta đêm nay)
Tomorrow will be too late (Ngày mai sẽ là quá muộn màng).

THIÊN TRIỀU

29 tháng 4, 2011

Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc.






Website quốc phòng strategypage.com hôm thứ hai (18/4) cho biết tàu sân bay “Shi Lang” của Trung Quốc vừa được lắp đợt vũ khí đầu tiên gồm tên lửa chống tên lửa FL-3000N. Cùng lúc usnews.com loan tin tư lệnh quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương Robert Willard, đã nhẹ nhàng nhận xét trước tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ: “Hải quân Trung Quốc không tỏ ra hung hãn bằng năm ngoái tuy vẫn đeo bám tàu chúng ta như hình với bóng…”. Hiểu thế nào về sự xuất hiện của tàu sân bay “Shi Lang”trên Thái Bình Dương?

Việc hải quân Trung Quốc chọn việc lắp đặt hệ thống tên lửa FL-3000 để phô diễn “sức mạnh tác chiến tương lai” của tàu sân bay “Shi Lang” của mình không khó hiểu. Một tàu sân bay, trước khi có thể tung ra “quả đấm thép ” là các máy bay của mình “đánh đấm’ được ai, phải sống sót trước các cuộc đột kích của đối phương trước đã; và ở thời đại tên lửa này, muốn sống còn, phải trị được tên lửa. Trong cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 giữa Anh và Argentina, khu trục hạm “Sheffield” đã chìm sau khi trúng phải một tên lửa đối hạm Exocet của Argentina do Pháp sản xuất, bắn đi từ một chiến đấu cơ Etendard của không quân Argentina mua lại cũng của Pháp. 30 năm sau, khi chiếc “Shi Lang” sắp ra khơi, kỹ thuật tên lửa đối hạm đã tiến xa hơn quả Exocet nọ đến đâu!

Thế nhưng, stategypage. com lại không đánh giá cao tên lửa FL-3000 này của TQ, chê là không linh hoạt, chính xác và có tầm bắn không xa bằng tên lửa RAM của Mỹ. Nghĩa là chiếc “Shi Lang” có vẻ oai vệ đấy, song để sống còn, còn phải cố gắng nhiều, nhất là khi chiếc này cũng chỉ là một chiếc “Varyag” thời Liên Xô cũ, mới chỉ đóng xong cái xác, chưa lắp máy, hệ thống điện, điện tử gì cả, được Ukraine bán “sắt vụn’ cho một công ty khai là có trụ sở ở Ma cao tên Chong Lot năm 1992 với giá 20 triệu USD để cải tạo thành một sòng bạc nổi, và với cam kết là “không đưa vào sử dụng cho mục đích quân sự”. Sau khi Macao trở về với TQ, chiếc tàu sân bay “sắt vụn” cũng “sang tay” qua hải quân TQ, website chuyên theo dõi chiếc “Varyag” là varyagworld.com cho biết!


Từ 1999 đến nay, chiếc “Shi Lang” được cải tạo thành…tàu sân bay. Năm tới “Shi Lang” sẽ xuất hành với động cơ diesel “cổ điển” giữa thời đại hạt nhân mà chiếc tầu sân bay đầu tiên là chiếc “Enterprise” đã hạ thủy từ năm 1961, còn chiếc “Charles De Gaulle” của Pháp cũng đã hạ thủy cách đây 10 năm! Chiếc “Shi Lang” có “chạy hết tốc độ cũng chỉ “hít khói” tàu sân bay Mỹ (20 hải lý/giờ so với 30 hải lý), bất quá làm tàu huấn luyện là cùng . Thảo nào đô đốc Robert Willard chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ gọi đây chỉ là một mối “đe dọa tượng trưng” !

GIẤC MƠ “BIỂN XANH”.

Thật ra Trung Quốc đâu phải là nước châu Á đầu tiên có tàu sân bay. Lác đác cũng đã có vài nước châu Á đang sử dụng tàu sân bay như Ấn Độ với chiếc “Viraat” từ năm 1987 (mua lại của Anh) hoặc đang tự đóng như chiếc ‘Vikrant”, sẽ đưa vào sử dụng năm tới cùng với chiếc “Vikramaditya” (mua lại của Ukraine), hay Thái Lan đang sử dụng chiếc “Chakri Naruebet” từ năm 1997 (mua lại của Tây Ban Nha) chuyên chở trực thăng và máy bay có cánh lên thẳng (VTOL). Cuộc chạy đua sắm tàu sân bay đã bắt đầu với việc Ấn Độ “tậu” tàu sân bay, khiến Thái Lan, vốn cùng ngó ra Ấn Độ Dương, cũng phải ráng đua theo. Thành ra, sự xuất hiện của chiếc “Shilang” năm tới cũng tạo ra một số “cảm nhận” khác nhau nơi các nước…


Thật ra, việc hải quân một nước vươn xa ra đại dương là môt tất yếu bắt buộc, nhất là khi đối diện với biển, chưa nói đến việc nước đó thiếu tài nguyên, phải thu gom nguyên, nhiên liệu từ xa về mà xài, hoặc có tham vọng bành trướng. Hải quân Mỹ giải thích lý do sử dụng tàu sân bay như sau: "Kinh tế và an ninh chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta bảo vệ các lợi ích của chúng ta ở hải ngoại cũng như hòa bình và ổn định trên thế giới. Cựu Bộ trưởng quốc phòng William Cohen thời Clinton đã từng nói: "Nếu không vươn ra xa được, sẽ ít có tiếng nói hơn, ít có ảnh hưởng hơn” . Đó là điều mà nước Nhật đã làm cách đây 81 năm khi đưa vào sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên của cả thế giới, chứ không chỉ của Nhât, là chiếc “Hosho” (hạ thủy năm 1921), vào ngày 27/12/1922.

HẢI QUÂN NHẬT THẾ KỶ TRƯỚC.


Đóng tàu sân bay là một chuyện, sử dụng thành thạo như là một vũ khí chiến lược, tác chiến hữu hiệu trong đội hình một hải đội, và cất cánh bay đắnh trúng mục tiêu… lại là một chuyện khác. Người Nhật của những năm 1930 đã phát triển thật nhanh lực lượng tàu sân bay phục vụ chiến lược bành trướng của mình. Cuối tháng 1, đầu tháng 2/1932, cùng với việc thôn tính Mãn Châu, hải quân Nhật đưa hai chiếc tàu sân bay “Kaga” (có thể chở đến 80 máy bay) và “Hosho” (36 máy bay) đến tấn công Thượng Hải, bảo vệ 7.000 quân Nhật đang bị lộ quân 19 của Tưởng thống chế bao vây, trong khi chờ đợi lữ đoàn 24 và sư đoàn 9 bộ binh đến tiếp cứu vào giữa tháng 2 . Những chiếc máy bay Nhật cùng hai chiếc tàu sân bay “Kaga” và “Hosho” này sẽ hằn sâu vào trong “bộ nhớ phục thù” của người Trung Quốc.


Cứ thế, hải quân Nhật đã phát triển lực lượng tàu sân bay đến mức chín năm sau đã có thể vươn đến tận Hawai, đánh phủ đầu hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng. Vào ngày 7/12/1941 ấy, Nhật đã có đến sáu tàu sân bay hạng nặng cùng hàng chục tàu sân bay hạng nhẹ, thuộc các lớp Unryu, Taiyo, Shinano, Taiho, Hiyo, Shokaku, Soryu, Ryujo, Akagi và Kaga. Tạm lấy chiếc tàu sân bay đầu tiên, chiếc “Hosho”, tức còn chưa “hung thần”như các chiếc sau này, làm thí dụ: chiếc này chở theo 36 máy bay gồm 12 thám thính, 12 chiến đấu, 12 thả bom , đếm đầu máy bay còn nhiều hơn chiếc “Chakri Naruebet” hiện tại của hải quân hoàng gia Thái ! Trong suốt sáu tháng đầu tiên sau cuộc đột kích Trân Châu Cảng, tàu sân bay cùng hạm đội Nhật “ung dung” làm chủ Thái Bình Dương, thậm chí đến sát cảng Darwin của Úc.


HẢI CHIẾN TÀU SÂN BAY TRÊN THÁI BÌNH DƯƠNG.



Hôm 7/12/1941, tàu sân bay Nhât đã “làm mưa làm gió” tung máy bay ra đánh chìm gần hết hạm đội 7 của Mỹ ở Trân Châu Cảng. May mắn thay cho hải quân Mỹ là hôm đó, không một tàu sân bay nào của Mỹ neo ở Trân Châu cảng. Chiếc “Enterprise” hôm sau mới cặp bến, nên thoát nạn, để rồi trở thành cái sườn cho lực lượng tàu sân bay của Mỹ sẽ phục hận tàu sân bay Nhật chỉ năm tháng sau.

Bắt đầu là trận Biển San hô về phía đông Tân Guinea ngày 7-8/5/1942. Nhật lúc đó định chiếm cảng Moresby ở phía Nam Tân Guinea bằng hai hải đội trong đó có hai tàu sân bay hạng nặng Shokaku và Zuikaku cùng một tàu sân bay hạng nhẹ và nhiều tàu chiến khác. Hải quân Mỹ có hai tàu sân bay cùng khá nhiều máy bay từ đất liền cât cánh. Một tàu sân bay Mỹ chìm, chiếc kia hư hỏng nặng. Nhật chỉ mất một tàu sân bay hạng nhẹ, song cuộc đổ bộ chiếm cảng Moresby bất thành. Hai chiếc Shokaku và Zuikaku bị hư hỏng nặng đến nỗi phải vắng mặt ở trận Midway quyết định sau đó, bằng không cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về phía Nhật. Trận Midway bốn tuẩn sau đó, từ 4 đến 7/6/1942, Mỹ lừa đánh chìm được 4 tàu sân bay của Nhật khi các chiếc này đã gọi hết máy bay về, chỉ mất mỗi 1 chiếc “Yorktown”.

Sau trận Midway, lực lượng Nhật suy giảm sẽ không chịu nổi 4 trận đụng độ tàu sân bay khác, không còn làm chỗ dựa cho bộ binh Nhật phòng thủ nữa. Ngược lại, tàu sân bay Mỹ đóng vai trò làm bàn đạp cho thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ tái chiếm Thái Bình Dương. Chính vai trò này của tàu sân bay sẽ được các nhà binh pháp các nước ghi nhớ để biện luận cho mọi kế hoạch tàu sân bay hay ngược lại cảnh giác phòng ngừa hoặc khiếp vía không đánh đã buông súng.


TÀU SÂN BAY “SHI LANG”


80 năm sau ngày hai tàu sân bay “Kaga” và “Soho” của Nhật khơi khơi đánh phá Thượng Hải, nay mới đến lượt người Trung Quốc rờ vào chiếc tàu sân bay đầu tiên. Tàu sân bay không là một cái gì mới, song mỗi chiếc có những hoàn cảnh đặc thù của nó. Nội dung bất di, bất dịch của các cuốn phim võ thuật, hành động TQ, “ngộ sẽ báo thù”, sẽ có chỗ trong mối hận lòng Thượng Hải 80 năm trước bị bắn phá bởi tảu sân bay Nhật, tiếp theo mối hận thất thủ Bắc Kinh năm 1900 trước liên quân Âu-Mỹ sau vụ nổi loạn của giới võ lâm Trung Quốc (quyền phỉ) và hiêp ước Shimonoseki sau vụ bại trân năm 1895 buộc Trung Quốc phải nhượng các đảo Pescadorses, Đài Loan, cảng Arthur cho Nhật. Trăm năm sau, nay người TQ đã phục thù được trên mặt trận kinh tế - tài chính, thế còn trên các mặt trận khác?


Thêm vào đó là giấc mơ “đổi đời” lên hàng cường quốc quân sự, cộng với những nhu cầu duy trì sự phát triển kinh tế. Tất cả sẽ “đồng hành” với chiếc “Shi Lang”? Tên của tàu này rất ý nghĩa. Shi Lang là tên môt đô đốc Shi Lang đã có công thu hồi đảo Đài Loan vào Trung Quốc năm 1683.Tất nhiên, chiếc “Shi Lang’ mới chỉ là giấc mơ, phôi thai!

THIÊN TRIỀU

25 tháng 4, 2011

CẬN CẢNH ĐẠI HỘI VI ĐẢNG CỘNG SẢN CUBA

Báo cáo Chính trị trước Đại hội VI đảng CS Cuba của Chủ tịch Raul Castro đã cho thấy cơ chế làm việc của Đảng CS Cuba như thế nào, Đại hội đã được tổ chức ra sao và kết quả là gì. Đại hôi bế mạc, song các đại biểu đã quyết định tổ chức Hội nghị Đảng toàn quốc vào cuối tháng 1 năm 2012 để giải quyết việc xây dựng Đảng.

Báo cáo cũng bắt đầu bằng những số liệu: "Đại hội … thực ra đã bắt đầu hôm 9/12 năm ngoái khi Báo cáo Chính trị và Văn kiện Dự thảo Đường lối chính sách kinh tế và xã hội được giới thiệu. Trong suốt ba tháng, từ ngày 1/12/2010 đến ngày 28/2 năm nay, 8.013.838 người đã thảo luận trong hơn 163.000 cuộc họp trong các tổ chức khác nhau, với hơn 3 triệu ý kiến đóng góp”. Liệu đây có phải là trò chơi của những con số thống kê cùng những câu chữ ngoạn mục ?

THAM KHẢO Ý DÂN:ĐỂ LÀM GÌ? NHƯ THẾ NÀO?

Không, theo Raul Castro, việc hỏi ý kiến người dân đã dẫn đến việc “văn kiện gốc có 291 mục, thì 16 mục được sáp nhập vào các mục khác, 94 mục được duy trì, 181 mục được sửa đổi, 36 mục mới được thêm vào. Số học mà nói, các con số đó cho thấy chất lượng của sự tham khảo ý dân: 68% số mục đã được sửa đổi”.

Và Raul Castro đánh giá trong chiều sâu: "Tiến trình đó đã cho thấy rõ Đảng có khả năng đối thoại nghiêm chỉnh và công khai với dân chúng về mọi vấn đề, cho dù nhạy cảm đến đâu, nhất là khi cần hun đúc ra một sự nhất trí toàn dân về những đặc điểm của mô hình kinh tế xã hội của đất nước. …Một kiểu trưng cầu ý dân về chiều sâu, tầm xa và tốc độ của những thay đổi mà chúng ta phải đưa ra. Nhân dân đã tự do phát biểu ý kiến của mình, tỏ rõ các nghi ngại của mình, để xuất những điều chỉnh, bày tỏ những gì không hài lòng cùng những bất đồng, gợi ý các vấn đề khác cần giải quyết mà Văn kiện không nêu”.

Trong thực tế thảo luận, người tham gia cuộc tham khảo đã quan tâm đến những vấn đề gì? Raoul Castro cho biết: "Có 33 mục đã nhận đến 67% số ý kiến góp ý. Các mục được góp ý nhiều nhất là mục số 162 về việc hủy bỏ sổ lương thực, mục số 61 và 62 về chính sách giá cả, mục 262 về vận chuyển hành khách, mục 133 về giáo dục, mục 54 về việc hơp nhất tiền tệ, và mục 142 liên quan đến y tế”. Ở cuộc tham khảo này, số đông không hẳn đã là có lý cũng như không phải lúc nào cũng phải nhất trí 100%. Raoul Castro giải thích: “Nhiều mục đã được sửa đổi hoặc bị bỏ đi chỉ từ ý kiến của một người hay một số ít người. Thành ra, không nhất thiết phải có nhất trí (tuyêt đối), và đó chính là điều mà chúng ta cần, nếu như chúng ta thực sự muốn tham khảo dân chúng một cách dân chủ và nghiêm chỉnh”.

NÓI THẲNG, NÓI THẬT.

Dễ hiểu tại sao mục 162 về việc hủy bỏ sổ lương thực và nhu yếu phẩm lại được góp ý nhiều nhất, vẫn theo Raoul Castro: "Hai thế hệ người dân Cuba đã sống đời mình với hệ thống phân phối khẩu phần mang tính cào bằng có vẻ như vô hại…được thiết lập trong những năm 60 trong giai đoạn khan hiếm…song theo thời gian đã biến thành một gánh nặng không chịu đựng nổi cho nền kinh tế, làm cho chán ngán lao động, đẻ ra vô số bất công trong xã hội…Phi lý đến mức cà phê cũng được chia cho trẻ sơ sinh, đến tháng 9 năm ngoái thuốc lá còn được chia cho người hút thuốc lẫn không hút thuốc…Liên quan đến vấn đề nhạy cảm này, ý kiến rất đa dạng; có người đòi bỏ ngay và có người kịch liệt chống lại, đòi cứ chia khẩu phần mọi thứ, kể cả hàng công nghiệp. Có người muốn chống lại nạn thu gom vơ vét, đảm bảo phân phối cho mọi người các thực phẩm thiết yếu, duy trì trong bước đầu khẩu phần, cho dù có thôi trợ giá. Có người gợi ý cắt sổ đối với những ai thôi đi học hay đi làm (Nhà nước), hoặc khuyên các công dân có thu nhập lớn tự nguyện thôi sử dụng sổ tiếp tế…”.

CẢI CÁCH VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở CUBA.

Có những ý kiến cho rằng tốc độ cải cách ở Cuba còn chậm. Âu cũng là để tránh các vết xe đổ mà không ít người sống trong các xã hội tư bản chủ nghĩa phải gọi những sự vơ vét vào lúc “tranh tối,tranh sáng” đã thấy là “tư bản chủ nghĩa man khai’. Raoul Castro đoan chắc: "Sự tăng trưởng khu vực phi-nhà nước, không có nghĩa là tư nhân hóa tài sản xã hội...mà là để góp phần xây dựng chủ nghĩa Xã hội ở Cuba, bằng cách cho phép Nhà nước tách ra khỏi việc quản lý các hoạt động không mang tính chiến lược, tập trung vào việc gia tăng hiệu quả của các phương tiện sản xuất cơ bản, tài sản của cả nhân dân”. Ông cam đoan: "Nhà nước tiếp tục đảm bảo các dịch vụ y tế và giáo dục y hệt nhau và miễn phí cho toàn thể dân chúng”.

Ông giải thích: “Vấn đề mà chúng ta phải đương đầu không phải là một vấn đề khái niệm; mà là ở chỗ chúng ta sẽ cải cách như thế nào, khi nào, với nhịp độ nào. Hủy bỏ tem phiếu không là một mục đích tự thân…Ở Cuba, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa...sẽ không bao giờ có chỗ cho các “liệu pháp cú xốc”. Tiến trình (cải cách) sẽ tiếp tục đi tới, không vội vã mà cũng không tạm dừng”. Ông long trọng cam kết: "Cách mạng sẽ không để môt người dân Cuba nào bị bỏ rơi… Nhà nước XHCN đến lúc đó sẽ có nhiểu khả năng hơn để biến thành thực tế tư tưởng của José Martí vốn là chủ đạo bản hiến pháp của chúng ta: "Tôi muốn rằng đạo luật đầu tiên này của Cộng hòa chúng ta là để tôn thờ người dân Cuba đúng với phẩm giá con người”.

XÂY DỰNG LẠI ĐẢNG.

Nếu dân đã nói thẳng, nói thật, thì ông Raoul Castro cũng thế trong nhận xét của mình về Đại hội Đảng: "Những gì chúng ta sẽ thông qua trong Đại hội này không thể chịu cùng số phận như những gì đã nhất trí ở các Đại hội trước, hầu hết đã bị quên lãng mà không được hoàn thành. Thành ra cần phải làm rõ rằng, hầu tránh những diễn dịch sai lầm, những nhất trí ở các đại hội cùng ở các cơ quan lãnh đạo khác của Đảng đừng trở thành luật pháp, mà chỉ là những định hướng mang tính chất chính trị vào đạo đức…Cuộc sống đã dạy chúng ta rằng ban hành một khuôn khổ luật pháp tốt, gọi là luật hay nghị quyết cũng được, là chưa đủ đâu, chuẩn bị sẵn sàng nhân sự chịu trách nhiệm thực thi, giám sát, kiểm tra trong thực tế, cần thiết hơn nhiều. Hãy nhắc nhở nhau rằng không có một đạo luật nào tồi cho bằng một đạo luật không được thực thi ”.

Người lãnh đạo đảng CS Cuba kiêm Quyền Chủ tịch nước Raul Castro đề cập thẳng vào quan hệ Đảng và Nhà nước: “…Ngày 18/12 năm ngoái, tôi đã giải thích trước Quốc hội rằng… trong những năm qua Đảng đã tự gắn mình vào những công việc không thuộc thẩm quyền của mình…Thiệt hại gây ra từ sự lẫn lộn các khái niệm này thể hiện…, bởi lẽ người công chức thôi cảm thấy có trách nhiệm đối với các quyết định của mình. Các thiếu sót trong chính sách cán bộ của Đảng là do gắn quá chặt với các quan niệm sai lầm trên. Điều này sẽ phải được phân tích bởi Hội nghị Đảng toàn quốc…Do thiếu nghiêm khắc và tầm nhìn, mà đã mở ra những khe hở cho sự thăng chức nhanh vọt của các cán bộ thiếu kinh nghiệm, thiếu trưởng thành, chỉ khéo đóng kịch và cơ hội… Mặc cho đã thử nghiệm đủ cả trong việc đưa lớp trẻ vào các chức vụ chủ chốt, cuộc sống đã cho thấy rằng sự lựa chọn đã không phải là tốt nhất. Ngày nay chúng ta đối diện các hậu quả là không có đủ dự trữ người thay thế được chuẩn bị đúng mức, có đủ kinh nghiệm và độ chín để đảm nhiệm các công việc mới và phức tạp lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng chính phủ….Hãy bắt đầu bước đầu tiên là giảm bớt đáng kể các danh sách cơ cấu vào các chức vụ lãnh đạo”.

Và bí thư thứ nhất Raul Castro hẹn: "Hội nghị Đảng toàn quốc sẽ còn phải xem xét quan hệ giữa Đảng và Đoàn TNCS cùng các tổ chức quần chúng để bóc ra khỏi chủ nghĩa hình thức và lề thói, để các tổ chức này khôi phục được lý lẽ tồn tại của mình, đáp ứng với điệu kiện hiện tại”.

THIÊN TRIỀU
NGUỒN: Rapport Central au VIème Congrès du Parti Communiste de Cuba, La Havane. 16 Avril 2011

13 tháng 4, 2011

CHIẾN DỊCH “RẠNG ĐÔNG CỦA CUỘC HÀNH TRÌNH”

Chiến dịch “Rạng đông của cuộc hành trình”(operation Odyssey Dawn), mượn ý câu chuyện phiêu lưu thần kỳ của Ulysse (còn gọi là Odysseus) trong tác phẩm của thi hào Homer, để sánh với cuộc phiêu lưu dân chủ trước mắt ở Libya.

Trong văn chương Phap từng có bài thơ "Heureux qui comme Ulysse a fait un beau voyage " (Phước cho ai được như Ulysse đã làm một cuộc hành trình tuyệt vời của Joachim Du Bellay (1522-1560).

“Hành trình tuyệt vời” (Odissey) ấy là “hành trình đi đến dân chủ”, mà bước đầu là…ra khỏi chế độ Gaddafi. Để hình tượng hóa ước muốn hay ý đồ của mình, người Mỹ, đã đặt tên cho chiến dịch là ““Rạng đông của cuộc hành trình” (Operation Odyssey Dawn).

NGHỊ QUYẾT 1970.


Muốn hay không muốn, cũng phải nhìn nhận rằng HĐBA LHQ, qua phiên họp hôm thứ bẩy 26/2/2011, cũng đã nhất trí tuyệt đối 15/15 thông qua nghị quyết 1970 theo đó HĐBA:


- quở trách việc vi phạm nhân quyền mạnh mẽ và có tính hệ thống của chính phủ Libya, kể cả đàn áp những người phản kháng ôn hòa, bày tỏ quan tâm sâu sắc trước sự chết chóc của thường dân, vả bác bỏ một cách không úp mở việc chính phủ Libya cấp cao nhất kích động đối nghịch và bạo lực chống lại thường dân.

- nhận xét rằng các cuộc tấn công vào dân thường một cách có hệ thống và cùng khắp Libya có thể tích tụ lại thành tội ác chống lại nhân loại…

- một lần nữa nhắc nhở nhà chức trách Libya về trách nhiệm bảo vệ dân chúng của mình.

- nhấn mạnh nhu cầu qui trách nhiệm những ai chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công đó vào dân thường, kể cả việc sử dụng võ lực trong tay….

- tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của mình đối với việc duy trỉ chủ quyền, độc lập, vẹn toàn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Dân quốc Ả rập Libya…

…Căn cứ chươngVII hiến chương LHQ,cùng điều 41, HĐBA nay:

1. Yêu cầu chấm dứt ngay bạo lực và kêu gọi các bước thỏa mãn các yêu cầu chính đáng của dân chúng;

2. Buộc nhà chức trach Libya: (a) Hành động một cách tự chế tối đa, đảm bảo nhân quyền…
.....

4. Quyết định đưa tình hình tại Dân quốc Ả rập Libya từ ngày 15/2/2011 ra trước công tố trưởng tòa án hình sự quốc tế.

Cấm vũ khí…

9. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên (LHQ) phải ngay lập tức tiến hành các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa việc cung cấp, bán hay chuyển nhượng vũ khí hay vật liệu liên quan các loại cho Dân quốc Libya Ả rạp, từ hoặc qua lãnh thổ của mình, hay bởi các công dân của mình, hoặc sử dụng tàu hay máy bay treo cờ nước mình.

Cấm di chuyển...

15. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên sẽ tiến hành các biện pháp cần thiết ngăn không cho đi vào hay đi qua lãnh thổ nước mình các cá nhân có tên trong danh sách ở Phụ lực I nghị quyết này…

…17. Quyết định rằng mọi quốc gia thành viên sẽ phong tỏa không trễ nải các tài sản kinh tế tài chính trên lãnh thổ các nước, do các cá nhân trong danh sách ở Phụ lục II làm chủ hay kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp…


Sau khi cùng toàn thể HĐBA bỏ phiếu nghị quyết 1970, Đại sứ Trung Quốc Li Baodong đã tuyên bố: "Trung Quốc quan ngại sâu sắc trươc tình hình hiện nay ở Libya. Trong mắt chúng tôi, thật khẩn thiết đảm bảo ngưng bắn tức khắc, tránh đổ máu thêm nữa và tổn thất nơi thường dân, khôi phục ổn định và trật tự bình thường càng sớm càng tốt, và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay bằng các phương tiện hòa bình, tỉ như đối thoại. An toàn và lợi ích của người nước ngoài tại Libya phải được đảm bảo qua tiến trình này. Căn cứ trên tình hình đặc biệt tại Libya vào lúc này, cùng các mối quan tâm và quan điểm của các nước Ả rập và châu Phi, phái đoàn Trung Quốc nay bỏ phiếu thuận nghị quyết 1870 (2011) mà HĐBA vừa thông qua”.

NGHỊ QUYẾT 1973


Qua ngày 17/3/2011, HĐBA HQ thông qua nghị quyết 1973, do 10 nước bỏ phiếu thuận và 5 nước bỏ phiếu trắng (chữ đỏ) gồm:


Nước Tên người đại diện

Trung Quốc (chủ tịch luân phiên tháng 3/2011 ) Mr. Li Baodong

Bosnia và Herzegovina . . . . . . . . . . . . . . . . .Ms. Barbalić


Brazil . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mrs. Viotti


Colombia . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. . .Mr. Osorio


Pháp . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .. .Mr. Juppé


Gabon . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Messone


Đức . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Wittig


Ấn Độ . . . . . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . . .Mr. Manjeev Singh Puri


Liban. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .Mr. Salam


Nigeria . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mrs. Ogwu


Portugal . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mr. Moraes Cabral


Nga. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ...Mr. Churkin


Nam Phi . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Mr. Sangqu


Anh và Bắc Ireland . . ..............................Sir Mark Lyall Grant


Mỹ.......................................................... Ms. Rice


Dựa trên Chương VII hiến chương LHQ, HĐBA nay:


1. Yêu cầu ngưng bắn ngay và chấm dứt toàn diện bạo lực cùng mọi cuộc tấn công chống lại thường dân;

2. Nhấn mạnh yêu cầu gia tăng các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng đáp ứng các nhu cầu chính đáng của dân chúng Libya, và ghi nhận quyết định của TTK LHQ phái đăc phái viên của mình đến Libya và quyết định của Hội đồng hòa bình và an ninh của Liên hiệp châu Phi cử ủy ban lâm thời cấp cao đến Libya nhẳm tạo thuận lợi cho việc đôi thoại hướng đến các cải cách chính trị cần thiết cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài…;


3. Yêu cầu nhà chức trách Libya tuân thủ các nghĩa vụ quôc tế của mình…và tiến hành mọi biện pháp để bảo vệ thường dân, đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ…


4. Cho phép các quốc gia thành viên nảo đã báo với TTK LHQ, riêng rẽ nước đó hay qua các tổ chức khu vực hay qua các thỏa thuận, hành động phối hợp với TTK LHQ, tiến hành mọi biện pháp cần thiết…,nhằm bảo vệ thường dân cùng các khu vực dân thường sinh sống đang bị đe dọa tấn công…, kể cả ở Benghazi, trong khi đó loại trừ mọi lực lượng chiếm đóng ngoại quốc dưới mọi hình thức tại bất cứ phần lãnh thổ nào của Libya.


5. Nhìn nhận vai trò quan trọng của Liên đoàn A Rập trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong khu vực... Yêu cầu các nước thành viên LĐAR hợp tác với các nước thành viên khác trong việc thực thi đoạn 4 .


Vùng cấm bay


6. Quyết định thiết lập lệnh cấm mọi chuyến bay trên không phận Dân quốc Arâp Libya nhằm giúp bảo vệ thường dân


...8. Cho phép các quốc gia thành viên nào đã báo với TTK LHQ, riêng rẽ nước đó hay qua các tổ chức khu vực hay qua các thỏa thuận, hành động phối hợp với TTK LHQ, tiến hành mọi biện pháp cần thiết nhằm thực thi lệnh cấm các chuyến bay ấn định ở đoạn 6 nêu trên, và yêu cầu các nước liên quan công tác với LĐAR một cách chặt chẽ...

Trung Quốc, tuy bỏ phiếu trắng, song cũng đã không bỏ phiếu phủ quyết, cũng không ngáng trở gì, nhất là trong vai trò chủ tịch luân phiên của HĐBA tháng 3/2011. Nhờ đó, hai ngày sau khi nghị quyết 1973 được thông qua (17/3/2011), chiến dịch “Rạng đông của cuộc hành trình” mới được khởi động (hôm 19/3/2011) với đầy đủ tính pháp lý .

Tin tức trên về vụ Libya không có gì đáng lưu ý nếu như “đứng riêng một mình”. Song nếu, ráp lại với những tin tức khác (dưới đây) về một vấn đề khác, sẽ không thể không đặt câu hỏi: Có quan hệ qua/lại gì hay không giữa hai vụ này?


ĐẠI SỨ MỸ YÊU CẦU TỰ KIỀM CHẾ VỀ VẤN ĐỀ SPRATLY

Trên đây là tựa đề của bài báo do ABS-CBN NEWS của Philippines phát đi hôm 7/3/2011,theo đó, đại sứ Mỹ tại Philippines Harry Thomas hôm thứ hai trước đó đã yêu cầu Philippines, TQ cùng các nước khác liên quan đến cuộc tranh chấp quần đảo Spratly tự kiềm chế. Đại sứ Thomas đưa ra phát biểu nay sau khi hai tàu tuần tiễu TQ gây hấn một tàu dân sự của Philippines tại dải Cỏ Rong (Reed Bank), một phần của quân đảo Trường Sa: "Chúng tôi yêu cầu mọi bên tự kiềm chế, vấn đề Biển Nam Hải (Biển Đông) nên được giải quyết trên bàn đàm phán. Chúng tôi tin rằng các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ ngồi xuống theo tinh thần qui ước ứng xử 2002. Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong vụ này”.

Nghe qua, có vẻ như Mỹ đang tích cực “chữa cháy” ở Biển Đông. Song, phần tiếp theo của tuyên bố của đại sứ Thomas, “Đây là một vụ việc giữa TQ và Philippines. Chúng tôi không thể bình luận gì về những phản kháng của Philippines đối với một chính phủ khác ”, lại được ABS-CBN NEWS tức người Philippines cảm nhận như là một sự bỏ rơi: "Quan chức Mỹ (tức đại sứ Thomas) giữ khoảng cách với việc Philippines đâm đơn phản đối TQ vụ việc này”. ABS-CBN ai điếu nhắc lại:” Philippines và Mỹ có một hiệp ước phòng thủ hỗ tương, qua đó hai nước cam kết hành động khi có một cuộc tấn công từ một phe thứ ba”.

Tám ngày sau, tức hôm 15/3/2011, lại có tin ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi điện thoại cho ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm chủ nhật trước đó (tức 13/3/2011) để nhắc lại điều này. Tin này do đại sứ Mỹ tại Philippines Thomas đưa ra, và truyền hình gmanews.tv của Philippines hôm 15/3/2011 loan đi. Nguồn tin này cũng thuật lại rằng đại sứ Thomas đã nhắc rằng “70% người Philippines có dòng máu Trung Quốc…Người Trung Quốc, người Philippines, người Mỹ, người các nước khác nước cùng chung một di sản, mà đôi khi lại quên đi điều đó. Thành ra. mọi chuyện nên được giải quyết hòa bình” (“So we both share, China, Philippines, US, other countries, we have a shared heritage sometimes we don’t realize, so all these things should be resolved peacefully"). Cao quý quá việc đại sứ Mỹ nhắc mọi người về mối quan hệ “bà con” với Trung Quốc!

*********************

Ngày 26/2/2011, Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế thông qua nghị quyết 1970 lên án chính phủ Gaddafi. Ngày 13/3 ngoại trưởng Clinton gọi điện cho ngoại trưởng Phi Thomas khuyên “nhịn”. Bốn ngày sau, đại sứ Trung Quốc tại LHQ Li Baodong “nhịn” không phủ quyết nghị quyết 1973 cho phép “thiết lập vùng cấm bay” ở Libya. Bánh ít đi, bánh qui lại?

THIÊN TRIỀU

17 tháng 3, 2011

LIBYA KHÔNG PHẢI LÀ IRAQ, ÔNG OBAMA KHÔNG PHẢI LÀ ÔNG BUSH.

2g48 phút chiều thứ năm 10/3, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Tom Donilon họp báo về kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng Liby. Phát biểu mở màn của Cố vấn Donilon phản ánh sự lúng túng của chính phủ Obama: “ …Trong tình hình hiện tại, vẫn có những cơ hội to lớn…Phải tránh những kết cục bất lợi trong mỗi tình huống đó…Đừng để bị tê liệt bằng bất cứ hình thức nào trong những lúc bất lợi có thể có, đồng thời sẵn sàng thực sự nắm lấy thời cơ”.

Thời cơ bất lợi mà cố vấn ANQG Donilon nói đến chính là đà thắng của ông Gaddafi và quân chính phủ Libya hiện nay. Thời cơ thuận lợi mà Cố vấn Donilon tiếc nuối là đà thắng mà quân nổi dậy ở Libya đã tạo ra được vào đầu tháng 3 khi mà ông Gaddafi còn chưa rõ Mỹ sẽ làm gì sau khi bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates điều động tàu sân bay đến gần Libya. Sau đó, do thấy Mỹ bất động đứng ngoài vòng chiến, nên sang tuần này, ông Gaddafi đã ra lệnh phản công. Nay trước đà thua tới nơi của quân nổi dậy, Nhà trắng tìm đủ cách để lật ngược tình hình.

“TÀU CHIẾN MỸ ÁP SÁT LIBYA”!

Thật vậy, chiều tối 1/3 (sáng 2/3 giờ VN), khi không ít báo chí chạy tít "Mỹ đưa tàu chiến áp sát Libya”, cứ như thể chiến tranh Libya sắp xảy ra tới nơi, thì bất cứ ai theo dõi cuộc họp báo trưa hôm đó cũng đều phải thở hắt ra "Mỹ có đánh đấm gì đâu”! Thật vậy khi một nhà báo hỏi Bộ trưởng quốc phòng Robert Gates tại cuộc họp báo trưa hôm đó ở Washington: "Đô đốc Mullen (tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ) vừa nhấn mạnh rằng ở Libya ông Moammar Gadhafi đang giao chiến với chính dân chúng nước ông ta…Vậy chọn lựa cụ thể của Mỹ là gì? Có lập vùng cấm bay không?”, câu trả lời của BTQP Gates nhẹ hều hiếm thấy nơi một BTQP Mỹ, tính từ thời BTQP Rumfeld của trào TT Bush: "Tôi đã điều động nhiều tài chiến hải quân đến Địa Trung hải. Chỉ trong ít lâu nữa, các chiến hạm USS Kearsarge và USS Ponce sẽ vô Địa Trung hải và sẽ cung cấp cho chúng ta khả năng sơ tán khẩn cấp cùng cứu trợ nhân đạo. Trên chiếc Kearsarge có khoảng 1400 binh sĩ thủy quân lúc chiến vốn đang phục vụ tại Afghanistan. Và chúng ta cũng đang gửi thêm 400 TQLC khác từ Mỹ sang hậu thuẫn sứ mệnh của chiếc Keararge. Đó là những hành động mà chúng tôi tiến hành vào thời điểm này. Chúng tôi đang cân nhắc đến cả một lô những chọn lựa khả dĩ song chưa quyết định gì hay có những hành động nào khác hơn”.

BTQP MỸ ROBERT GATES CẢNH CÁO BÁO CHÍ CHỚ “NỔ” HƠN CẢ ÔNG!

Thoạt đầu, khi nghe BTQP Mỹ trả lời, đã có thể tưởng như Mỹ sắp “giải cứu nhân đạo” tới nơi rồi, để rồi hối hả thổi kèn chiến tranh với những tựa trên trang nhất báo chí: "Tàu chiến Mỹ áp sát!”. Song khi nghe tiếp đoạn sau của câu trả lời của BT Gates, sẽ không khỏi ngạc nhiên: "Tôi muốn, tôi muốn (BT Gates “cà lăm” lập lại hai lần) nhấn mạnh rằng nghị quyết của HĐBA LHQ không chứa một sự cho phép sử dụng võ lực nào. Không có sự đồng thuận trong nội bộ NATO về việc sử dụng võ lực”. Vậy mà báo chí vẫn cứ chạy tít kiểu Mỹ sắp đánh Libya” không ngớt bất chấp việc BTQP Gates , ngay trong câu trả lời đó đã cảnh cáo báo chí: "Những giải pháp mà báo chí đã đề cập đến…đều tạo ra hậu quả cùng những tác động phụ sau đó. Thành ra, các loại thông tin đó cần được xem xét thận trọng”.

“Hậu quả và tác dụng phụ sau đó” mà BTQP Gates cảnh cao chính là đà xông lên của phe nổi dậy ở Libya trong những ngày sau đó. Khỏi cần nói cũng biết rằng ở thủ đô Tripoli, ê kíp của đại tá Gaddafi cũng theo dõi cuộc họp báo này của BTQP Mỹ Gates để dò xét xem Mỹ định làm gì ở Libya. Ít giờ sau khi cuộc họp báo kết thúc, bản chép tốc ký cuộc họp báo đã đươc BQP Mỹ công bố trên mạng, đúng theo tinh thần “công khai thông tin” của Mỹ. Ban đầu, có thể ê kíp của ông Gaddafi còn thận trọng tối đa trước câu trả lời trên của BTQP Gates, không rõ những phát biểu “nhẹ hều” của ông này có phải là nghi binh hay không khi so với trước kia BTQP Rumsfeld đã cùng TT Bush “hét ra lửa” như thế nào trước ông Saddam Hussein, nên đã phản ứng yếu ớt trước những cuộc tấn công cua phe nổi dậy. Quả thực là trong thời điểm đó ông Gaddafi có khá nhiều chuyện để lo sợ. Trước hết là nghị quyết 1970 trừng phạt của HĐBA ( cấm ê kíp lãnh đạo Libya di chuyển…) với đầy đủ 15 lá phiếu, không một siêu cường nào phủ quyết! Ở Washington hết ngoại trường Clinton, thì đến TT Obama hô “Ông Gaddadi phải ra đi!”…Nghe qua, thấy giống như tối hậu thư của ông Bush gửi cho ông Saddam trước chiến tranh:” Ông Saddam có 48 tiếng để ra đi!”. Sau những lo sợ ban đầu, thủ đô Tripoli đã có thể hoàn hồn bám vào vế sau trong phát biểu của BTQP Gates: "HĐBA không cho phép sử dụng võ lực. NATO không nhất trí…” để rồi sau đó phản công và cứ thế mà thừa thắng xông lên tái chiếm lãnh thổ và chủ quyền.

Càng đáng tin hơn nữa khi nghe BTQP hỏi Tổng tham mưu trưởng Muller: "Không rõ đô đốc có bổ sung gì không?” và nghe ông này trả lòi:” Không, thưa ngài!”.

CẤM BAY, GIẢI CỨU NHÂN ĐẠO…CÓ ĐIỀU KIỆN.

10 ngày sau, đến phiên cố vấn an ninh quốc gia Donilon “hâm nóng” tình hình với những công bố có vẻ như Mỹ sẽ “dấn thân” hơn. Nào là ngoại trưởng Mỹ Clinton sẽ sang Bắc Phi bàn bạc với các ê kíp lãnh đạo mới ở Tunisia và Ai Cập, hai láng giềng bên phải, bên trái của Libya. Cố vấn Donilon cho biết ông mới nói chuyện với thống chế Tantawi, người đang lãnh đạo Ai Cập hiện nay. Có vẻ như một chiến dịch “giải cứu’ là sắp đến nơi rồi, nhất là khi mường tượng ra rằng Ai Cập, nằm sát bên thành phố cảng Benghzia của Libya, sẽ đóng một vai trò chiến lược một khi cảng Benghazi trở thành đầu cầu “cứu trợ nhân đạo”. Rồi từ đó hình dung ra rằng cảng Benghazi sẽ trở thành thủ đô lâm thời của phe bổi dậy nay đã có tên chính thức là “Hội đồng Dân tộc Libya”, mà Pháp đã mở màn công nhận, và Mỹ cũng sắp sửa. Những loan báo của Cố vấn Donilon khá hấp dẫn: "Chúng tôi sẽ cử các nhà ngoại giao đến Benghazi…Chúng tôi ngưng hoạt động của sứ quán Libya tại Washingotn. Chúng tôi không chấp nhận đại sứ mới của Gaddafi…Chúng tôi đang liên lạc trực tiếp với phe đối lập ngay trong Libya qua nhiều kênh khác nhau một cách khẩn trương… Hiện có một bộ phận đầu não ngay trong Nhà Trắng đang điều phối các tiếp xúc đó, đang điều phối công tác hỗ trợ… Máy bay viễn thám tầm AWAC của NATO đã bay 24/24 trên Địa Trung Hải rồi!


Nghe qua, có vẻ như “giải cứu nhân đạo” tói nơi rồi. Song, vẫn còn y nguyên câu hỏi: ai sẽ thực hiện cuộc “giải cứu” và dưới vỏ bọc pháp lý nào? Theo cố vấn Doniulon, điều này sẽ do NATO thực hiện. Song, đây là điều mà các bộ trưởng EU cũng như của NATO vẫn chưa nhất trí. Cố vấn Donilon thừa nhận đang tìm kiếm “cái dù” pháp lý đó: "Chúng tôi đang tìm kiếm hậu thuẫn khu vực, Liên đoàn Ả rập, Liên hiệp châu Phi, Hội đồng hợp tác các nước Ả rập củng các nước châu Phi tham gia…Chúng tôi đang thăm dò các biện pháp trừng phạt bổ sung của HĐBA LHQ … Cộng đồng quốc tế sẽ phải cùng chung một tiếng nói”.

Chính quyền Obama không muốn một mình, một ngựa như chính quyền Bush nhảy vào Iraq năm 2003 để rồi một mình sa lầy ở đó. Ngon xơi, thì đã xơi rồi! Kelly McParland trên National Post 11/3/2011 đã nổi đóa rủa: "Chính quyền Obama đang làm đủ mọi cách để tránh dẫn đầu cuộc hỗ trợ các lực lượng đang chống lại ông Gaddafi. Nước Mỹ sợ bị cho là lại lật đổ một thế lực Ả rập khác nữa. Sợ bị mang tiếng là Mỹ chỉ vì dầu hỏa. Ông Obama sợ bị xem là quá giống ông Bush.”

THIÊN TRIỀU

28 tháng 2, 2011

NỔI DẬY Ở BẮC PHI: ĐỒNG TIỀN LIỀN KHÚC RUỘT!

Cuộc nổi dậy của dân chúng Bắc Phi, bắt đầu từ Tunisie, đã kéo dài hơn hai tháng, với vụ tự thiêu của người thanh niên 26 tuổi tên Mohammed Bouazizi, do bị cảnh sát hốt gánh rau của anh, nay đã lan sang tận vùng Vịnh. Các vấn đề kinh tế, xã hội đã đóng vai trò gì trong các cuộc nổi dậy này?

Trước hết, đó là những nước có thu nhập trung bình. Để tiện hình dung, tạm lấy số liệu của Ai Cập, Tunisie và Việt Nam cho đến hết năm 2009, tức thời điểm mà VN được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình. So với VN, Ai Câp có GDP/đầu người cao gấp 2,2 lần, Tunisie cao gấp 3,5 lần (làm tròn số). “Con rùa hành chính” khi xin cấp giấy phép mở doanh nghiệp “nhẹ nhàng” hơn ở VN những 7 lần (Ai Cập), hơn 4 lần (Tunisie), tức dễ mở cửa hiệu, công ty để kinh doanh hơn.

Ai Cập

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

99.84

89.69

162.84

188.41

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

5.4

4.5

7.2

4.6

Lạm phát (hàng năm %)

4.9

6.2

12.2

10.8

Nông nghiệp, (% GDP)

17

15

13

14

Công nghiệp (% of GDP)

33

36

38

37

Dịch vụ (% of GDP)

50

49

49

49

Xuất khẩu (% of GDP)

16

30

33

25

Nhập khẩu (% of GDP)

23

33

39

32

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

22

7

7

Dân số (triệu)

70.17

77.15

81.53

83.00

Tăng dân số (hằng năm %)

1.9

1.9

1.8

1.8

Diện tích (ngàn km2 )

1001.5

GDP/ đầu người (USD)

2270

Tunisie

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

19.44

28.97

40.84

39.56

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

4.7

4.0

4.6

3.1

Lạm phát (hàng năm %)

3.2

3.1

5.4

2.9

Nông nghiệp, (% GDP)

12

11

10

8

Công nghiệp (% of GDP)

29

29

32

30

Dịch vụ (% of GDP)

59

60

58

62

Xuất khẩu (% of GDP)

45

50

60

52

Nhập khẩu (% of GDP)

48

50

64

55

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

11

11

11

Dân số (triệu)

9.56

10.03

10.33

10.43

Tăng dân số (hằng năm %)

1.1

1.0

1.0

1.0

Diện tích (ngàn km2 )

163.6

GDP/ đầu người (USD)

3596

Vietnam

2000

2005

2008

2009

GDP (US$ tỷ)

31.17

52.43

81.27

90.09

GDP tăng trưởng (hàng năm %)

6.8

8.4

6.3

5.3

Lạm phát (hàng năm %)

3.4

8.2

22.1

6.0

Nông nghiệp, (% GDP)

25

21

22

21

Công nghiệp (% of GDP)

37

41

40

40

Dịch vụ (% of GDP)

39

38

38

39

Xuất khẩu (% of GDP)

55

69

78

68

Nhập khẩu (% of GDP)

57

74

93

79

Số ngày mất để khởi động doanh nghiệp

50

Dân số (triệu)

77.64

83.11

86.21

87.28

Tăng dân số (hằng năm %)

0.2

1.3

1.2

1.2

Diện tích (ngàn km2 )

329.2

331.2

331.2

..

GDP/ đầu người (USD)

1032

Nguồn:http://web.worldbank.org/WBSITE/EXTERNAL/COUNTRIES/0,,pagePK:180619~theSitePK:136917,00.html


Báo tài chính Capital của Pháp nhận xét như sau về kinh tế các nước Bắc Phi này như sau : "Năm 2010, tỉ lệ tăng trưởng ở Tunisie và Tunisie là gần 4%, ở Ai Cập là 5,2 %, ở Libye là 10% . Các nước này hưởng lợi từ toàn cầu hóa và không ngừng giàu có, song sự giàu có chỉ mỗi tầng lớp ăn trên ngồi tróc được hưởng” .

Theo dự báo của IMF trước khi các cuộc khủng hoàng chính trị bùng nổ, tỉ lệ tăng trưởng GDP năm 2011 này sẽ là 10,6% ở Libye, 3,8% ở Tunisie và Tunisie, 4,6% tại Maroc, 5,8% ở Ai Cập,. Cũng theo IMF, GDP/đầu người cũng kha khá:, 12062$ tại Libya, 4477$ tại Algérie, 3790$ tại Tunisie, 2868$ tại Maroc và 2771$ tại Ai Cập.

Nhà báo kiêm nhà nghiên cứu hàng đầu người Tunisie, Khaled Elraz, cũng viết rằng thật ra, các nước Bắc Phi không hẳn đã gặp khủng hoảng kinh tế sâu sắc mà vấn đề ở chỗ, theo BIT (Cơ quan lao động quốc tế), tỉ lệ thất nghiệp nơi giới trẻ quá cao so với tỉ lệ này nơi tổng dân số: 23,6% cho toàn khu vực Bắc Phi, trong đó tại Ai cập là 16,7% (so với tổng dân số chỉ 9,2%) , tại Tunisie là 31,2% (13,2%) , tại Tunisie 21,5% (10% ), tại Maroc 17,6% (9,5%). Trong những xã hội mà tỉ lệ giới trẻ dưới 24 tuổi chiếm hơn phân nửa tổng dân số như Tunisie (56%), Maroc (51`%), thì tỉ lệ thất nghiêp nơi giới trẻ xấp xỉ 20% hoặc hơn, quả là những “quả bom nổ chậm” hay những “lò” bất mãn. Nhất là khi tình trạng tham nhũng lại là khá nặng nề: Ai Cập hạng 98, Tunisie hạng 105, Maroc hạng 85 trên bảng xếp hạng của Tổ chức minh bạch quốc tế. Tự thân tham nhũng đã là một vấn đề, song do tham nhũng gắn chặt với nạn thân bằng, quyến thuôc và bè phái “độc quyền cơ hội”, nên cảm nhận bất công xã hội càng “đậm đặc” hơn.

Khaled Elraz nhấn mạnh: "Bức tranh (kinh tế xã hội) trên, đầu tiên tại Tunisie kế đến tại Ai Cập, nằm trong một bối cảnh tăng trưởng kinh tế mà các thành quả không được chia sẻ, một xã hôi bị “tắc nghẽn” trong đó của cải có được từ sự tăng trưởng bị tầng lớp lãnh đạo “tich biên” mất. Ngày càng có nhiều tầng lớp xã hội có cảm giác rằng tương lai con em họ không được đảm bảo, điều kiên sống con em họ không được thuận lợi bằng họ. Cuộc nổi dậy hiện ra như là một lời giải cho nỗi tuyệt vọng tập thể với các thí dụ Tunisie và Ai Cập. Sự mất kiên nhẫn của quần chúng từ đó có thể mang những hình thái chính trị khác hẳn nhằm giải quyết mối mâu thuẫn giữa tăng trưởng song lại không thấy chân trời tương lai” .

Báo tài chính Capital cùng một kết luận tương tự: “Giới trẻ thất nghiệp của, bất bình đẳng trong xã hội, thêm vào đó là nạn lạm phát phi mã (mà ở Ai Cập lên đến 10% năm 2010), đặc biệt là giá lương thực thực phẩm, đã trở nên không chịu đựng được, khi mà hơn 40% dân số ngấp nghé ngưỡng nghèo khó”.

BIẾN DI SẢN VĂN HÓA THẾ GIỚI THÀNH DỰ ÁN BIỆT THỰ.

Điều mà tàc giả Khaled Elraz gọi là “của cải có được từ sự tăng trưởng bị tầng lớp lãnh đạo “tich biên” mất” trong thực tế các nước ấy hữu hình nhức nhối hơn là những số tiền bạc tỷ USD tài sản tích tụ của các cựu Tổng thống Ben Ali hay Mubarak gửi ở nước ngoài mà báo chí sau này loan tin. Tờ Jeune Afrique , một tờ báo mấy mươi năm qua đứng đầu phong trào độc lập dân tộc ở chậu Phi, đã thuật lại việc phu nhân tổng thống Tunisie bị lật đổ là bà Leila Ben Ali,dã biến các di sản văn hóa thế giới từng được UNESCO công nhận năm 1997 thành dự án địa ốc của mình như thế nào:” Trong hai năm 2006 và 2007, Leila Ben Ali, vợ nhà độc tài Tunisie bị lật đổ, đã cho “gỡ hạng” hai địa điểm di sản cổ xưa ở Carthage, để xây dự án chung cư cao cấp và biệt thự. Thậm chí, ngay cả công viên Belvédère, khoảng xanh lớn độc nhất của thủ đô Tunis, cũng đã suýt biến mất. Lẽ ra, hôm 15/1 vừa qua, tức hôm sau ngày TT Ben Ali tháo chạy, hội đồng thành phố đã họp để nhượng công viên này cho gia đình bà Leila Ben Ali, chia thành ba lô đất có tổng diện tích lên đến 110 ha! May mà cuộc họp này cuồi cùng đã bị hủy bỏ! Công viên này, được xây dựng từ năm 1892 trên một ngọn đồi ngữ trên cả thành phố Tunis, gồm hơn 50.000 loài thực vật và cả một sở thú” .

Thí dụ trên của đệ nhất phu nhân Leila chỉ là một chi tiết nhỏ của bức tranh tham ô ở các nước này!

“THUYỀN NHÂN” ĐỊA TRUNG HẢI.

Khi mà tham ô “quá cỡ thợ mộc”, thì dẫn đến điều mà tác giả Khaled Elraz mô tả là” không thấy chân trời tương lai”. Trong thực tế, các nước Bắc Phi từ bao năm qua đã nổi lên làn sóng “thuyền nhân tỵ nạn kinh tế”. Càng thôi thúc khi chỉ bên kia bờ Địa Trung Hải là một EU với GDP/ đầu người 10, 20, 30 lần nhiều hơn, như một thiên đường hạ giới chỉ một ngày ngồi thuyền là cặp bến ! Người Tunisie cứ việc xuống thuyền, trực chỉ hướng bắc là đến Ý, còn người Ai Cập thì đến Hi Lạp….

Thậm chí ngày nay, sau khi chế độ cũ đã sụp đổ, dân Tunisie, Ai Cập… vẫn cứ ra đi. Éo le ở chỗ, nếu như trước kia, khi các chính quyền Bel Ali, Mubark còn, đi vượt biên như thế, bị bắt sẽ bị tù; nay do “khoảng trống chính quyền”, họ cứ thoải mái đi ! Chỉ trong năm ngày, tình đến thứ tư tuần trước, tức 1 tháng sau khi nhà độc tài Ben Ali bị truất phế, vẫn có đến 5.278 “thuyền nhân” người Tunisie cập bến hòn đảo Lampedusa ở cực nam nước Ý, cách Tunisie chỉ 125 km. Ngưởi Ai Cập, bị chính phủ Hi Lạp chặn đứng từ xa, cũng chuyển hướng sang Ý. Bộ trưởng ngoại giao Hi Lạp Droutsas phát biểu trên BBC hôm 17/2 vừa qua:” Do vị trí địa lý của mình, nên Hi Lạp gành chịu gắnh nặng lớn nhất trong khối EU về số người nhập cư bất hợp pháp. Khoảng 90% tổng số nhập cư lậu vào châu Âu đi qua Hi Lạp từ ngã Thổ Nhĩ Kỳ”.

Để giúp các nươc “khổ chủ” Hi Lạp, Ý nhẹ bớt gánh nặng này, hôm thứ hai tuần trước, EU loan báo sẽ giúp Tunisie từ nay đến 2013 một số tiền lên đến 258 triệu euro (347 triệu USD) . Số tiền này không thấm vào đâu so với số tiền 1 tỷ USD mà chính phủ Libye năm 2009 đã yêu cầu EU cung cấp để Libya giúp chặn đứng làn sóng “thuyền nhân’ châu Phi vào đảo Malte từ cảng Al Zuwarah của Libya. Từ năm 2002, đã có đến hơn 15.000 người nhập cảnh lậu vào Malta từ Libye.

******************
Những nhà cầm quyền cũ ở Tunisie, Ai Cập nay đang hôn mê thập tử nhất sinh trong bệnh viện, và cả những nhà cầm quyền đương thời đang “thoi thóp” ở các thủ đô lân cận đã không ý thức được rằng: khi 40% dân số được xem là nghèo trong khi sự giàu có lại tập trung nơi một giai tầng xã hội, điều đó có nghĩa là sự bất mãn tối thiểu cũng âm ỉ trong bụng phân nửa dân số, như một thùng xăng, chỉ cần một tia lửa là đủ để biến thành bão lửa, nhất là khi các chính quyền ấy không kềm nổi lạm phát cùng những khó khăn từ đó! Tiếc thay, trong giờ phút khốn cùng của chính họ, những thiểu số làm giàu từ quyền hành ấy vẫn chưa ngộ ra. Như cựu đệ nhất phu nhân Leila Ben Ali khi lên máy bay tháo chạy, vẫn còn ngổ ngáo:” Ta sẽ thiêu sạch Tunisie này cùng bọn dân chúng, nếu chúng không thả anh trai ta ra” !

Đồng tiền liền khúc ruột, người giàu hay người nghèo ai cũng thế. Có điều, người nghèo lại là số đông trong khi người nghèo chỉ là thiểu số. Một chính phủ chỉ tồn tại khi cân bằng được lợi ích của đa số với thiểu số. Khi những người thanh niên buôn gánh bán bưng như Mohammed Bouazizi không còn cơ hội mưu sinh, thậm chí bị tịch thu đôi quang gánh kiếm sống, thì đó cũng là thời khắc báo hiệu sự cáo chung của chế độ. Cuộc khủng hoàng Bắc Phi cần được chiêm nghiệm trong bình tĩnh và với số liệu cùng dữ kiện trong tay.

THIÊN TRIỀU