21 tháng 5, 2010

Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?

Cũng như ở nhiều nền kinh tế đang phát triển nhanh, tham nhũng tồn tại ở tất cả các cấp quản lý nhà nước là một vấn đề tồn tại ở Việt Nam. Trên thực tế, cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã trở thành một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ Việt Nam kể từ giữa thập niên 90 vì nó đe dọa uy tín và sự sống còn của chế độ. Do vậy, việc bóc trần những hành vi tham nhũng được nhà nước chính thức khuyến khích, hoan nghênh. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát hiện, bóc trần tham nhũng dường như mới đang là một nỗ lực có tính dè chừng. "Bộ công cụ" được sử dụng trong cuộc đấu tranh này khá đa dạng, từ việc tự phê bình của những cán bộ bị phát hiện là có tham gia vào những hành vi tham nhũng, đến việc lập ra các cơ quan trung ương (như Thanh tra Chính phủ và Ban Chỉ đạo Chống tham nhũng) với nhiệm vụ phát hiện tình trạng ăn hối lộ và kỷ luật những người bị phát giác là có tội. Thông tin đại chúng cũng là một trong những công cụ này. Báo chí của Việt Nam do nhà nước quản lý toàn bộ hay một phần, song lại được giao nhiệm vụ phát hiện tham nhũng trong chính phủ - một nhiệm vụ đòi hỏi phải có sự độc lập đáng kể và ở các nước khác thường do báo chí ngoài quốc doanh đảm nhiệm. Hệ quả là, những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc mở rộng quyền tự do biên tập đang diễn ra theo một cách khá đặc biệt.

Trong suốt những năm 2000 tự do báo chí được nới rộng, song năm 2008 lại chứng kiến điều mà nhiều nhà quan sát gọi là “sự đảo ngược” trong tự do báo chí. Năm 2008, hai nhà báo đã đưa tin về một vụ tham nhũng cấp cao đã bị bắt, và ít nhất bảy nhà báo khác (phóng viên kỳ cựu và tổng biên tập) bị rút quyền hành nghề. Ngày 31.12, hai tổng biên tập báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, hai tờ báo đi đầu trong đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng phải rời khỏi chức vụ của mình. Các cuộc trao đổi với các nhà báo cho thấy phần lớn vẫn cảm thấy yên tâm trong khuôn khổ của nhà nước, và tiếp tục chỉ đưa tin về những câu chuyện mà họ hoặc tổng biên tập của họ đã được phép trước. Tuy nhiên, một số ít những người làm nghề báo hiện nay tin rằng nhiệm vụ của họ là phải vạch trần tham nhũng, và càng ngày họ càng muốn phớt lờ những “hướng dẫn” trong việc đưa tin mà nhà nước đề ra khi họ viết bài. Song do đưa tin điều tra là một lĩnh vực còn mới mẻ ở Việt Nam, nên những người hành nghề thường thiếu những kỹ năng cần thiết và nguồn lực để làm tốt việc phơi bày các vụ việc tham nhũng. Có thể nói mặc dù viết báo chống tham nhũng có tăng – và có lẽ tăng đáng kể - cả về phạm vi và số lượng, song chất lượng của bài viết thường còn rất kém. Quyền năng – báo chí có thể nêu tên và chỉ đích danh người bị liên quan mà ít khi có đính chính cho những người bị ảnh hưởng, và sự yếu kém của báo chí (trong đó nghiệp vụ báo chí yếu kém đồng nghĩa với khả năng báo chí có thể sử dụng quyền năng đó một cách không đúng đắn) làm dấy lên mối quan ngại của nhà nước – chủ thể quản lý báo chí hiện nay, và của cả những người mà giới báo chí tiếp xúc khi tìm hiểu về một vụ việc nào đó.

Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu năm cơ quan báo chí khác nhau, từ tổ chức có tính điều tra rất cao (theo chuẩn mực của Việt Nam) đến tổ chức hoàn toàn nằm trong sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã hoạt động như thế nào trong việc đưa tin chống tham nhũng trong hai năm 2006 và 2007. Nghiên cứu có sử dụng ba nguồn dữ liệu đó là tài liệu nghiên cứu, phỏng vấn và phân tích nội dung báo chí để phân tích việc đưa tin và tìm hiểu xem các nhà báo làm việc như thế nào trong lĩnh vực còn mới mẻ và rất nhạy cảm này. Nghiên cứu rút ra những phát hiện như sau: Hoạt động đưa tin bài về tham nhũng của báo chí trong giai đoạn nói trên khá mạnh và có tầm bao quát rộng. Báo chí Việt Nam hoạt động khá mạnh trong việc đưa tin chống tham nhũng, bao gồm phơi bày những vụ việc mới, theo dõi hành động của Chính phủ và dành chỗ cho công luận đưa ra ý kiến tranh luận về tham nhũng. Tuy nhiên, bất chấp kỳ vọng được tập trung vào khía cạnh đầu tiên nhắc tới ở trên là phơi bày tham nhũng, và mặc dù nhiều người tin rằng báo chí đang tích cực bóc trần tham nhũng, quá trình phân tích nội dung các tin bài được đưa cho thấy việc đưa tin phần lớn tập trung vào khía cạnh thứ hai là theo dõi.


Các bài báo tập trung vào vấn đề tham nhũng ở cấp tỉnh hoặc địa phương tỏ ra khá „an toàn‟, song những bài báo về vấn đề tham nhũng ở cấp cao thường bị kiểm duyệt kỹ hơn và/hoặc bị trả đũa. Viết bài chống tham nhũng, đặc biệt là các vụ tham nhũng cỡ trung hay cỡ lớn được thực hiện bởi một số ít các tờ báo ở các thành phố lớn, và trong những tờ báo đó, thường tập trung vào một nhóm nhỏ các nhà báo có uy tín. Công việc của họ rất phức tạp do có nhiều yếu tố khó khăn, ví dụ như thiếu khả năng tiếp cận với nguồn tin đáng tin cậy, nghiệp vụ báo chí kém (tuy ngày càng được cải thiện), và hiểu biết yếu kém về những vấn đề đạo đức nghề nghiệp xung quanh công việc viết báo chống tham nhũng.1 Những vấn đề liên quan đến tiếp cận thông tin làm cho các lợi ích chính trị và kinh doanh dễ dàng thao túng báo chí, vì việc tiết lộ thông tin của những giới này có thế là một sự dàn xếp kịch bản mà các nhà báo không biết tới. Bằng việc công bố những thông tin đó, các nhà báo vô tình trở thành „bia đỡ đạn‟, hoặc rơi vào cuộc chiến giành quyền lực, và tin bài của họ nhất định sẽ bị thiên vị. Mặc dù rõ ràng là nguy hiểm, song việc thao túng báo chí của những người có quyền thế ít nhất cũng sẽ đảm bảo rằng có ai đó luôn muốn hỗ trợ cho công việc của giới báo chí bằng cách cung cấp thông tin về tham nhũng. Những vấn đề khác cản trở việc thông tin trên báo chí bao gồm những hạn chế về chính trị, pháp luật và biên tập, những điều này hạn chế nội dung mà các nhà báo có thể viết và đe dọa trừng phạt nếu có nhà báo nào bước quá ranh giới biên tập vốn không rõ ràng. Những ranh giới này, và nguy cơ bị trừng phạt treo lơ lửng trên đó khá là mơ hồ, đủ để tạo ra nỗi e ngại trong giới báo chí, song cho đến gần đây những ranh giới đó cũng đủ mơ hồ để tạo điều kiện cho một số nhà báo quá năng nổ có hành vi thao túng. Những người được phỏng vấn trong nghiên cứu này cho rằng sự thao túng đó, đôi khi vượt ra ngoài giới hạn được phép đưa tin, sẽ trở lại một khi ảnh hưởng của sự trấn áp đối với báo chí trong năm 2008 đã lắng xuống. Nếu xem xét những thay đổi kể từ thập niên 1990, thì nghiệp vụ của các nhà báo đang ngày càng được nâng cao, nguồn lực dồi dào hơn, và tự do báo chí cũng được nới rộng hơn. Tuy nhiên, sự tiến bộ khiêm tốn đó bị cản trở bởi cách tiếp cận đối với tự do hóa báo chí lúc thế này, lúc thế khác. Dựa trên những phát hiện được nêu trên, báo cáo này đưa ra một số khuyến nghị như sau:

1/ Khung pháp lý phức tạp của Việt Nam cần phải được làm rõ để cho các nhà báo nhận thức được đầy đủ những giới hạn cho việc tác nghiệp của họ, và chế tài sẽ được áp dụng nếu những giới hạn đó bị vi phạm.

2/ Việc tiếp cận và sử dụng thông tin cần phải được cải thiện để các nhà báo bớt phụ thuộc vào những nguồn tin có thể làm cho họ bị lạc hướng hoặc có thông tin sai lệch một cách cố tình (hoặc theo một cách nào đó), để họ có thể nhận định một cách dễ dàng hơn về tính chính xác, tin cậy của thông tin do các nguồn đó cung cấp. Tiếp cận thông tin tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho những trách nhiệm thông tin báo chí cơ bản như kiểm chứng sự kiện, một việc mà hiện nay đã được chứng minh là hết sức khó khăn.

3/ Nghiệp vụ và tiêu chuẩn đạo đức nghề báo cần phải nâng cao để tạo điều kiện đưa tin chống tham nhũng nhiều hơn và có chất lượng cao hơn. Nếu chất lượng được cải thiện thì sẽ bớt đi những mối lo ngại về việc báo chí có thể ám chỉ sai hoặc làm tổn hại đến uy tín của những cán bộ, công chức chí công vô tư, đồng thời sự phản đối việc đưa tin về tham nhũng trên báo chí cũng sẽ giảm đi.

4/ Cần cải cách tiền lương và quản lý tài chính cũng như đào tạo để cho phép các cơ quan thông tấn báo chí có thể nâng lương và giảm xác suất tham nhũng ngay trong cơ quan báo chí. Tiền lương eo hẹp là một yếu tố có thể làm làm xói mòn những nỗ lực chống tham nhũng của báo chí chừng nào nó còn tồn tại.

5/ Tự do hóa công tác biên tập báo chí sẽ rất khó thực hiện được, song đây là điều kiện tiên quyết để báo chí có thể đưa tin về tham nhũng một cách hiệu quả. Việc này không nhất thiết phải đi đôi với sở hữu tư nhân. Trên thực tế, nhiều người trong giới báo chí Việt Nam và các nhà quan sát bên ngoài đã lập luận rằng sở hữu tư nhân không hẳn sẽ tạo điều kiện cải thiện việc đưa tin về tham nhũng trong bối cảnh Việt Nam.

(Trích "Tóm tắt tổng quan" nghiên cứu "Báo chí và tham nhũng: Báo chí Việt Nam đưa tin về tham nhũng như thế nào? Làm thế nào để nâng cao chất lượng đưa tin của báo chí?" của Catherine Mc Kinley tháng 1/2009 thuộc Loạt bài nghiên cứu chính sách Cải cách hành chính chống tham nhũng của UNDP tại Việt Nam. Xem toàn văn và chi tiết của nghiên cứu trên tại đây.)

3 nhận xét: