29 tháng 4, 2011

Giấc mơ tàu sân bay của Trung Quốc.






Website quốc phòng strategypage.com hôm thứ hai (18/4) cho biết tàu sân bay “Shi Lang” của Trung Quốc vừa được lắp đợt vũ khí đầu tiên gồm tên lửa chống tên lửa FL-3000N. Cùng lúc usnews.com loan tin tư lệnh quân lực Mỹ tại Thái Bình Dương Robert Willard, đã nhẹ nhàng nhận xét trước tiểu ban quân vụ Thượng viện Mỹ: “Hải quân Trung Quốc không tỏ ra hung hãn bằng năm ngoái tuy vẫn đeo bám tàu chúng ta như hình với bóng…”. Hiểu thế nào về sự xuất hiện của tàu sân bay “Shi Lang”trên Thái Bình Dương?

Việc hải quân Trung Quốc chọn việc lắp đặt hệ thống tên lửa FL-3000 để phô diễn “sức mạnh tác chiến tương lai” của tàu sân bay “Shi Lang” của mình không khó hiểu. Một tàu sân bay, trước khi có thể tung ra “quả đấm thép ” là các máy bay của mình “đánh đấm’ được ai, phải sống sót trước các cuộc đột kích của đối phương trước đã; và ở thời đại tên lửa này, muốn sống còn, phải trị được tên lửa. Trong cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 giữa Anh và Argentina, khu trục hạm “Sheffield” đã chìm sau khi trúng phải một tên lửa đối hạm Exocet của Argentina do Pháp sản xuất, bắn đi từ một chiến đấu cơ Etendard của không quân Argentina mua lại cũng của Pháp. 30 năm sau, khi chiếc “Shi Lang” sắp ra khơi, kỹ thuật tên lửa đối hạm đã tiến xa hơn quả Exocet nọ đến đâu!

Thế nhưng, stategypage. com lại không đánh giá cao tên lửa FL-3000 này của TQ, chê là không linh hoạt, chính xác và có tầm bắn không xa bằng tên lửa RAM của Mỹ. Nghĩa là chiếc “Shi Lang” có vẻ oai vệ đấy, song để sống còn, còn phải cố gắng nhiều, nhất là khi chiếc này cũng chỉ là một chiếc “Varyag” thời Liên Xô cũ, mới chỉ đóng xong cái xác, chưa lắp máy, hệ thống điện, điện tử gì cả, được Ukraine bán “sắt vụn’ cho một công ty khai là có trụ sở ở Ma cao tên Chong Lot năm 1992 với giá 20 triệu USD để cải tạo thành một sòng bạc nổi, và với cam kết là “không đưa vào sử dụng cho mục đích quân sự”. Sau khi Macao trở về với TQ, chiếc tàu sân bay “sắt vụn” cũng “sang tay” qua hải quân TQ, website chuyên theo dõi chiếc “Varyag” là varyagworld.com cho biết!


Từ 1999 đến nay, chiếc “Shi Lang” được cải tạo thành…tàu sân bay. Năm tới “Shi Lang” sẽ xuất hành với động cơ diesel “cổ điển” giữa thời đại hạt nhân mà chiếc tầu sân bay đầu tiên là chiếc “Enterprise” đã hạ thủy từ năm 1961, còn chiếc “Charles De Gaulle” của Pháp cũng đã hạ thủy cách đây 10 năm! Chiếc “Shi Lang” có “chạy hết tốc độ cũng chỉ “hít khói” tàu sân bay Mỹ (20 hải lý/giờ so với 30 hải lý), bất quá làm tàu huấn luyện là cùng . Thảo nào đô đốc Robert Willard chỉ huy bộ tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ gọi đây chỉ là một mối “đe dọa tượng trưng” !

GIẤC MƠ “BIỂN XANH”.

Thật ra Trung Quốc đâu phải là nước châu Á đầu tiên có tàu sân bay. Lác đác cũng đã có vài nước châu Á đang sử dụng tàu sân bay như Ấn Độ với chiếc “Viraat” từ năm 1987 (mua lại của Anh) hoặc đang tự đóng như chiếc ‘Vikrant”, sẽ đưa vào sử dụng năm tới cùng với chiếc “Vikramaditya” (mua lại của Ukraine), hay Thái Lan đang sử dụng chiếc “Chakri Naruebet” từ năm 1997 (mua lại của Tây Ban Nha) chuyên chở trực thăng và máy bay có cánh lên thẳng (VTOL). Cuộc chạy đua sắm tàu sân bay đã bắt đầu với việc Ấn Độ “tậu” tàu sân bay, khiến Thái Lan, vốn cùng ngó ra Ấn Độ Dương, cũng phải ráng đua theo. Thành ra, sự xuất hiện của chiếc “Shilang” năm tới cũng tạo ra một số “cảm nhận” khác nhau nơi các nước…


Thật ra, việc hải quân một nước vươn xa ra đại dương là môt tất yếu bắt buộc, nhất là khi đối diện với biển, chưa nói đến việc nước đó thiếu tài nguyên, phải thu gom nguyên, nhiên liệu từ xa về mà xài, hoặc có tham vọng bành trướng. Hải quân Mỹ giải thích lý do sử dụng tàu sân bay như sau: "Kinh tế và an ninh chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta bảo vệ các lợi ích của chúng ta ở hải ngoại cũng như hòa bình và ổn định trên thế giới. Cựu Bộ trưởng quốc phòng William Cohen thời Clinton đã từng nói: "Nếu không vươn ra xa được, sẽ ít có tiếng nói hơn, ít có ảnh hưởng hơn” . Đó là điều mà nước Nhật đã làm cách đây 81 năm khi đưa vào sử dụng chiếc tàu sân bay đầu tiên của cả thế giới, chứ không chỉ của Nhât, là chiếc “Hosho” (hạ thủy năm 1921), vào ngày 27/12/1922.

HẢI QUÂN NHẬT THẾ KỶ TRƯỚC.


Đóng tàu sân bay là một chuyện, sử dụng thành thạo như là một vũ khí chiến lược, tác chiến hữu hiệu trong đội hình một hải đội, và cất cánh bay đắnh trúng mục tiêu… lại là một chuyện khác. Người Nhật của những năm 1930 đã phát triển thật nhanh lực lượng tàu sân bay phục vụ chiến lược bành trướng của mình. Cuối tháng 1, đầu tháng 2/1932, cùng với việc thôn tính Mãn Châu, hải quân Nhật đưa hai chiếc tàu sân bay “Kaga” (có thể chở đến 80 máy bay) và “Hosho” (36 máy bay) đến tấn công Thượng Hải, bảo vệ 7.000 quân Nhật đang bị lộ quân 19 của Tưởng thống chế bao vây, trong khi chờ đợi lữ đoàn 24 và sư đoàn 9 bộ binh đến tiếp cứu vào giữa tháng 2 . Những chiếc máy bay Nhật cùng hai chiếc tàu sân bay “Kaga” và “Hosho” này sẽ hằn sâu vào trong “bộ nhớ phục thù” của người Trung Quốc.


Cứ thế, hải quân Nhật đã phát triển lực lượng tàu sân bay đến mức chín năm sau đã có thể vươn đến tận Hawai, đánh phủ đầu hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng. Vào ngày 7/12/1941 ấy, Nhật đã có đến sáu tàu sân bay hạng nặng cùng hàng chục tàu sân bay hạng nhẹ, thuộc các lớp Unryu, Taiyo, Shinano, Taiho, Hiyo, Shokaku, Soryu, Ryujo, Akagi và Kaga. Tạm lấy chiếc tàu sân bay đầu tiên, chiếc “Hosho”, tức còn chưa “hung thần”như các chiếc sau này, làm thí dụ: chiếc này chở theo 36 máy bay gồm 12 thám thính, 12 chiến đấu, 12 thả bom , đếm đầu máy bay còn nhiều hơn chiếc “Chakri Naruebet” hiện tại của hải quân hoàng gia Thái ! Trong suốt sáu tháng đầu tiên sau cuộc đột kích Trân Châu Cảng, tàu sân bay cùng hạm đội Nhật “ung dung” làm chủ Thái Bình Dương, thậm chí đến sát cảng Darwin của Úc.


HẢI CHIẾN TÀU SÂN BAY TRÊN THÁI BÌNH DƯƠNG.



Hôm 7/12/1941, tàu sân bay Nhât đã “làm mưa làm gió” tung máy bay ra đánh chìm gần hết hạm đội 7 của Mỹ ở Trân Châu Cảng. May mắn thay cho hải quân Mỹ là hôm đó, không một tàu sân bay nào của Mỹ neo ở Trân Châu cảng. Chiếc “Enterprise” hôm sau mới cặp bến, nên thoát nạn, để rồi trở thành cái sườn cho lực lượng tàu sân bay của Mỹ sẽ phục hận tàu sân bay Nhật chỉ năm tháng sau.

Bắt đầu là trận Biển San hô về phía đông Tân Guinea ngày 7-8/5/1942. Nhật lúc đó định chiếm cảng Moresby ở phía Nam Tân Guinea bằng hai hải đội trong đó có hai tàu sân bay hạng nặng Shokaku và Zuikaku cùng một tàu sân bay hạng nhẹ và nhiều tàu chiến khác. Hải quân Mỹ có hai tàu sân bay cùng khá nhiều máy bay từ đất liền cât cánh. Một tàu sân bay Mỹ chìm, chiếc kia hư hỏng nặng. Nhật chỉ mất một tàu sân bay hạng nhẹ, song cuộc đổ bộ chiếm cảng Moresby bất thành. Hai chiếc Shokaku và Zuikaku bị hư hỏng nặng đến nỗi phải vắng mặt ở trận Midway quyết định sau đó, bằng không cán cân lực lượng sẽ nghiêng hẳn về phía Nhật. Trận Midway bốn tuẩn sau đó, từ 4 đến 7/6/1942, Mỹ lừa đánh chìm được 4 tàu sân bay của Nhật khi các chiếc này đã gọi hết máy bay về, chỉ mất mỗi 1 chiếc “Yorktown”.

Sau trận Midway, lực lượng Nhật suy giảm sẽ không chịu nổi 4 trận đụng độ tàu sân bay khác, không còn làm chỗ dựa cho bộ binh Nhật phòng thủ nữa. Ngược lại, tàu sân bay Mỹ đóng vai trò làm bàn đạp cho thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ tái chiếm Thái Bình Dương. Chính vai trò này của tàu sân bay sẽ được các nhà binh pháp các nước ghi nhớ để biện luận cho mọi kế hoạch tàu sân bay hay ngược lại cảnh giác phòng ngừa hoặc khiếp vía không đánh đã buông súng.


TÀU SÂN BAY “SHI LANG”


80 năm sau ngày hai tàu sân bay “Kaga” và “Soho” của Nhật khơi khơi đánh phá Thượng Hải, nay mới đến lượt người Trung Quốc rờ vào chiếc tàu sân bay đầu tiên. Tàu sân bay không là một cái gì mới, song mỗi chiếc có những hoàn cảnh đặc thù của nó. Nội dung bất di, bất dịch của các cuốn phim võ thuật, hành động TQ, “ngộ sẽ báo thù”, sẽ có chỗ trong mối hận lòng Thượng Hải 80 năm trước bị bắn phá bởi tảu sân bay Nhật, tiếp theo mối hận thất thủ Bắc Kinh năm 1900 trước liên quân Âu-Mỹ sau vụ nổi loạn của giới võ lâm Trung Quốc (quyền phỉ) và hiêp ước Shimonoseki sau vụ bại trân năm 1895 buộc Trung Quốc phải nhượng các đảo Pescadorses, Đài Loan, cảng Arthur cho Nhật. Trăm năm sau, nay người TQ đã phục thù được trên mặt trận kinh tế - tài chính, thế còn trên các mặt trận khác?


Thêm vào đó là giấc mơ “đổi đời” lên hàng cường quốc quân sự, cộng với những nhu cầu duy trì sự phát triển kinh tế. Tất cả sẽ “đồng hành” với chiếc “Shi Lang”? Tên của tàu này rất ý nghĩa. Shi Lang là tên môt đô đốc Shi Lang đã có công thu hồi đảo Đài Loan vào Trung Quốc năm 1683.Tất nhiên, chiếc “Shi Lang’ mới chỉ là giấc mơ, phôi thai!

THIÊN TRIỀU

2 nhận xét: