15 tháng 7, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu: CÁI TÔI TỰ HÀO và CÁI TÔI LỢI ÍCH.


Có thể thấy trong các quyển hồi ký của mình, khi nhìn lại chuyến đi ấy, TS Kissinger vẫn còn nguyên cảm giác tự hào. Tự hào vì thành đạt. Trong một xã hội như xã hội Mỹ, vốn phân rạch ròi kẻ thắng/người thua trong cuộc đời bằng từ ngữ chê bai bậc nhất là từ "a loser" (kẻ thua cuộc), thành đạt càng được xem như là giá trị nền tảng. Từ niềm tự hào thành đạt ấy, người ta có thể tự đồng hóa bản thân với chính cái vật tạo nên sự thành đạt của mình.

Tân Hoa Xã, nhân dịp kỷ niệm 40 năm chuyến đi bí mật của Kissinger, luận như sau về niềm tự hào này của ông: "40 năm sau, sau khi đã thăm TQ hơn 50 lần và quen biết những bốn thế hệ lãnh đạo TQ, Kissinger phát biểu trong một phỏng vấn của Tân Hoa Xã: "TQ là nước mà tôi làm việc lâu dài nhất và sâu sắc nhất. Thành ra, TQ trở nên một phần rất quan trọng của cuộc đời tôi; và các bạn hữu TQ đối với tôi là vô cùng to lớn.... Điều còn tồn đọng từ kinh nghiệm của tôi là tình hữu nghị và sự trung tín mà người TQ tỏ ra với bạn bè của họ. Thành ra, tôi nhìn lại 40 năm với niềm tự hào đáng kể".


NGƯỜI VỚI TA TUY HAI LÀ MỘT

Kissinger của hôm 29/6/ 2011 tại hội thảo về toàn cầu hóa tại Bắc Kinh đã tỏ rõ ông với Bắc Kinh "tuy hai mà một" như thế nào. Nathan Gardels của tờ Los Angeles Tines đã thuật lại như sau bài phát biểu mở màn của ông Kissinger: "Khi ông Henry Kissinger nay 88 tuổi nguồi xuống cùng Chủ tịch Mao bàn bạc về việc mở cửa TQ vào đầu những năm 1970, nước Mỹ đang ở trên đỉnh thế lực của mình. Lúc đó, trong đầu ông Kissinger nhất định không hề có chút ý nghĩa nào về việc non nửa thế kỷ sau, khi đảng CSTQ kín đáo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của mình, ông lại sẽ quay lại Bắc Kinh để trao cây gậy lãnh đạo thế giới cho chủ nhà. Mở đầu cuộc hội thảo của nhóm nghiên cứu quan trọng nhất TQ về toàn cầu hóa, nhà chính khách vĩ đại này đã so sánh TQ ngày nay với nước Mỹ năm 1947. Năm 1947 ấy, ngoại trưởng Ernest Bevin của những ngày tàn của đế chế Anh, cảm thấy bị thôi thúc phải bảo với đồng sự người Mỹ của mình rằng” là nước chủ nợ lớn nhất thế giới, nước Mỹ nay phải nhận quyền lãnh đạo để định hình trật tự mới". Kế hoạch Marshall tái thiết hậu chiến đã tung lên vai trò thống trị của đồng dollar và con đường thăng hoa của Mỹ trong phần còn lại của thế kỷ 20. Nay là chủ nợ lớn nhất thế giới, TQ đang ở tại vị trí mà nước Mỹ đã ở vào năm 1947. Hệ thống thế giới đã thoát ra khỏi cái cực Bắc Đại Tây Dương của nó rồi mà hướng về TQ cùng các nền kinh tế đang nổi lên. Giai đoạn chuyển tiếp từ một hệ thống này sang một hệ thống khác có thể sẽ mất 30 năm”.


Những phát hiện của TS Kissinger không mới cũng chẳng thậm xưng. Đó là một thực tế mà bất cứ ai cũng đều cảm nhận hàng ngày từ ít nhất 10 năm qua từ sau vụ 11/9 ở Mỹ và hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan mà Tổng thống Bush đã bày ra. Chi phí cho cuộc chiến tranh kép 1,217 ngàn tỷ ấy cũng vừa bằng số trái phiếu ngân khố Mỹ mà TQ hiện nắm trong tay 1,144 ngàn tỷ .
Cái vực sâu thâm thủng ngân sách liên bang mà nay ông Obama đang gánh cũng bắt đầu với ông Bush sau khi ông này nhận bàn giao một ngân sách liên bang thặng dư trở lại từ tay ông Clinton. Vụ đổ nợ hiện nay ở Mỹ cũng đã xuất phát từ chính sách lãi suất gần bằng không của ông Alan Greenspan, tạo điều kiện cho ”bong bóng” nhà đất được bơm căng và nổ tan xác... Người Pháp có câu "Người ta không chết một cách tự nhiên mà vì... tự tử"!


ĐỊNH NGHĨA MỚI VỀ THẾ LỰC CỦA MỸ VÀ TRUNG QUỐC.


40 năm làm bạn với TQ đã giúp TS Kissinger đề ra những định nghĩa sau trong quyển “On China” mới nhất của ông. Theo ông” đặc trưng của Mỹ mang tính khai phóng. Nghĩa là nước Mỹ có nhiệm vụ gieo rắc các giá trị của mình đến mọi nơi trên thế giới. Còn đặc trưng của TQ mang tính văn hóa. Đây là một truyền thống từ lịch sử TQ, TQ không đi “cải đạo”, các nước khác chỉ đồng hóa ít hay nhiều các hình thái văn hóa, chính trị của TQ thôi (tr xvi)”.

Quá trình đồng hóa ấy, trong suốt luận thuyết “On China” của Kissinger là hiền hòa. Kissinger viết: "Từ khi TQ nổi lên như là một nhà nước thống nhất vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên cho đến khi triều Thanh sụp đổ vào năm 1912, TQ đứng ở vị trí trung tâm của một hệ thống Đông Á bền vững đáng kể. Vị hoàng đế TQ được xem và công nhận bởi đa số các nước láng giềng như là đỉnh cao chót vót của một hệ thống tôn ti trật tự chung, các thủ lĩnh các nước khác phục vụ như là chư hầu…”.

Không thấy TS Kissinger, trong luận thuyết cuối đời của mình về TQ, dấu vết của sự đối kháng các nước “chư hầu” mà nhờ đó các nước ấy vẫn giữ được nét đặc trưng của mình và tồn tại cho đến ngày nay. Đọc “On China”, sẽ thấy một Trung Quốc toàn bích, không khác gì đi thăm Bắc Kinh bằng tour du lịch, được hướng dẫn viên dắt đến Tử Cấm Thành, Di Hòa viên, đại lộ Tràng An… để không bao giờ biết rằng chỉ cách Tử Cấm Thành không đầy 4km, qua khỏi vườn ngự uyển một chút đã đến những khu phố lụp xụp hình như của một dân tộc ít người nào đấy thì phải, căn cứ theo tô mì họ bán…



LỢI ÍCH KEO SƠN.

Tân Hoa Xã khi thuật lại việc Kissinger quay lại TQ nhân kỷ niệm 40 năm, có trích lời ông này khoe rằng “mối quan hệ của ông với TQ đã len vào trong gia đình ông. Cháu gái ông sau này sang TQ học hành’.


Gắn bó keo sơn giữa ông Kissinger với TQ còn thể hiện qua việc ông đã từng là nhà lobbyist thượng thặng vận động cho lợi ích TQ trong lòng Washington. Tháng 7/2005, khi nước Mỹ xôn xao vì việc tập đoàn dầu khí TQ CNOOC đòi mua lại tập đoàn dầu hỏa Unocal của Mỹ đang khánh tận ngay trước mũi tập đoàn Chevron của Mỹ bằng sức mạnh kim tiền. CNOOC bỏ giá thầu là 18,5 tỷ USD để mua lại Unocal là chuyện thường tình trong thương trường, song việc CNOOC đòi rút lại 16,6 tỷ USD đã góp vốn cho Chevron trước đó, để Chevron đùng một cái đứt vốn, quả là “lấy thịt đè người”. Sự viêc càng gây xôn xao khi bàn dân thiên hạ hay biết rằng Ngài Kissinger, người đã từng giữ chức vụ phụ tá an ninh quốc gia Mỹ từ 20/1/1969 đến 3/11/1979, vị ngoại trưởng Mỹ từ 22/9/ 1973 đến 20/1 1977, vào lúc mà tập đoàn CNOOC của TQ đang sắp sửa nuốt ngành dàu hỏa Mỹ, thì ông Kissinger lại đang nằm trong ban cố vấn của tập đoàn này của TQ. Càng đáng ngại hơn nữa khi ông Kissinger lúc đó cũng đang là cố vấn của tập đoàn Unocal mà tập đoàn UNOOC đang muốn tung tiền ra nuốt. Lần đó, toàn thể hệ thống chính trị Mỹ, đặc biêt là lập pháp, đã phải nhảy vào cuộc, để chặn đứng âm mưu thôn tính này. Cố vấn cho chính phủ nước này, cố vấn cho chính phủ nước kia, tư vấn cho tập đoàn nước này, tư vấn cho tập đoàn nước kia, có lẽ trên thế gian mới chỉ có một ông Cố vấn Kissinger, người khai sáng ra chủ nghĩa thực dụng và thực tế (Realpolitik) trong ngoại giao. Cố vấn Kissinger đã không chỉ tư vấn và lobby cho CNOOC trong mỗi vụ Unocal mà hầu như trong các kế hoạch thôn tính khác của CNOOC.


Việc “phân thân” đó của ông Kissinger không có gì khó hiểu. Ông Kissinger đã từng để đời với phát biểu sau (vào lúc mà ở Liên Xô người gốc Do Thái nhao nhao đòi xuất cảnh về lại Israel): "Nếu họ (tức LX) nay có đưa người Do Thái vô phòng hơi ngạt đi nữa, thì Mỹ cũng chẳng quan tâm”! Ian Fletcher, khi nhắc lại câu này của Kissinger, còn nhắc rằng ông này không chỉ gốc Do Thái mà còn đã chạy trốn Hitler sang Mỹ năm 1939!


THIÊN TRIỀU

2 nhận xét: