13 tháng 7, 2011

Đúng 40 năm trước, Kissinger sang Tàu: NGÀY NÀY NĂM XƯA.




Bắt tay với Trung Quốc trong một phân chia thế giới mới song song với "Hòa bình trong danh dự” ở VN, đó chính là mục tiêu của chuyến du hành bí mật sang Trung Quốc hôm 9/7/1971 mà nay Trung Quốc và ông Kissinger cùng long trọng kỷ niệm.

Trong quyển hồi ký xuất bản năm 1979, tựa đề "Những năm tháng trong Nhà trắng” (White House Years), TS Kissinger thuật lại cuộc gặp đầu tiên hôm thứ sáu 9/7/1971 với Thủ tướng TQ Chu Ân Lai như sau: "Chu Ân Lai và tôi bắt đầu nói chuyện vào chiều ngày 9/7 tại nhà khách chính phủ khoảng bốn tiếng sau khi tôi đến Bắc Kinh.... Ngày đầu tiên nói chuyện của chúng tôi kết thúc lúc 11g20 tối. Chu và tôi cả hai cùng đạt đến kết luận rằng kết quả quan trong nhất của cuộc gặp đâu tiên này là việc mỗi bên hiểu các mục đích yêu cầu cơ bản của bên kia...Chu dành thời giờ trong cuộc gặp kéo dài gần bẩy giờ với tôi (tính luôn bữa tối) để bày tỏ sự nhất trí tổng thể của mình với các nguyên tắc mà Tổng thống Nixon đã đề ra trong bài diễn văn ngày 6/7 trước đó tại TP Kansas. Tôi hơi bị thất thế do không hay biết gì mấy về nội dung bài diễn văn này...Tổng Thống Nixon dự kiến một thế giới gồm "năm siêu cường" là Mỹ, Tây Âu, Nhật, Liên Xô và TQ, mà mối quan hệ giữa năm siêu cường đó sẽ sẽ ấn định cấu trúc hòa bình trong thời đại này. Chu bác bỏ từ ngữ "siêu cường": TQ không muốn chơi trò chơi đó. Đó là một (thái độ) thành thật và thận trọng; TQ lúc đó cần đến nước Mỹ chúng ta do không có đủ sức để tự đối trọng với LX”.


Số học mà nói, thử giở webiste Indexmundi chuyên ghi chép GDP các nước, sẽ thấy TQ năm 1971 ấy, với GDP/đầu người là 117,18 USD , so với Malaysia cùng năm ấy đã là 405,67USD , xem ra cũng khó nhận lời rủ rê nhảy ngay vào hàng ngũ siêu cường! Trường kỳ mai phục vậy. Kissinger kể tiếp: "Đài Loan chỉ được nêu ra thật ngắn ngủi trong cuộc gặp đầu tiên này. Thời giờ được dành nhiều hơn cho tôi giải thích chính sách của chúng tôi ở Đông Dương, đặc biệt nhấn mạnh đến các cuộc hội đàm bí mật với Lê Đức Thọ".


Sáng hôm sau, Kissinger cùng phái đoàn bỏ túi gồm sáu người của ông, ngoài ba viên chức ngoại giao còn có hai nhân viên mật vụ Mỹ là Ready và McLeod, được xả súp-páp đi thăm Tử Cấm Thành. Đến chiều mới họp lại với Thủ tướng Chu Ân Lai, lần này tại Đại sảnh đường nhân dân ở bên kia đường, chính xác là trong phòng họp mang tên "Phúc Kiến", tên của một tỉnh đối diện với đảo Đài Loan.


Kissinger thuật lại như sau: "Chẳng mất công mầu mè khách sáo, Chu huỵch toẹt giới thiệu quan điểm của TQ...Rằng Đài Loan là một phần của TQ...; Rằng các cường quốc đang câu kết với nhau chống TQ (không chỉ Mỹ với LX, mà cả Nhật Bản quân phiệt); rằng Ấn Độ thì xâm lấn; rằng LX thì tham lam và đe dọa thế giới; Rằng TQ trong quá khứ và tương lai không bao giờ muốn là một siêu cường giống Mỹ và LX; Rằng Mỹ đang gặp khó khăn vì giang tay ra quá xa. Chu hào hứng thuyết giảng rồi kết thúc bằng một câu hỏi đánh đố: Xét dị biệt hai bên quá lớn như thế, một chuyến viếng thăm của Tổng thống sẽ có ý nghĩa gì không? ”.


SẤM ĐỘNG TOÀN CẦU.




Kissinger sẽ còn hop tiếp với Chu Ân Lai, lưu lại Bắc Kinh đến chủ nhật 11/7, tổng cộng hai ngày hai đêm, ra về với một bản loan báo chung dự trù sẽ công bố vào ngày thứ năm 15/7 sau đó. Tối hôm đó, Tổng Thống Nixon xuất hiện trên truyền hình NBC cho môt bài diễn văn kéo dài bẩy phút: "Chào buổi tối... Như tôi đã nhiều lần chỉ ra trong hơn ba năm qua, không thể có hòa bình ổn định và lâu dài mà không có sự tham gia của TQ cùng 750 triệu dân nước này. Đó là lý do tôi đã tiến hành một số sáng kiến trong nhiều lĩnh vực để mở cửa cho những quan hệ bình thường hơn nữa giữa hai nước. Nhằm đeo đuổi mục đích đó, tôi đã phái TS Kissinger, phụ tá an ninh quốc gia của tôi, sang Bắc Kinh nhân chuyến công du thế giới của ông, nhằm hội đàm với Thủ tướng Chu Ân Lai....Biết mong muốn của Tổng thống Nixon là thăm viếng nước CHNDTQ, Thủ tướng Chu Ân Lai đã ngỏ lời mời Tổng thống Nixon sang thăm TQ vào môt thời điểm thích hợp trước tháng 5/1972. Tổng Thống Nixon đã hoan hỉ nhận lời mời. Các nhà lãnh đạo TQ và Mỹ là nhằm tìm cách bình thường hóa quan hệ giữa hai nước... Việc chúng ta tìm kiếm một mối quan hệ mới với CHNDTH sẽ không gây thiệt hại cho các bạn bè cũ của chúng ta. Chúng ta làm bạn với mọi nước. Bất cứ nước nào cũng có thể là bạn của chúng ta mà không trở thành kẻ thù của bất cứ nước nào khác...Tôi tin chắc rằng mọi nước sẽ đều hưởng lợi từ việc giảm căng thẳng và quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và CHNDTH...".

Trong hồi ký "Những năm tháng ở Nhà trắng" của mình, Kissinger hai lần gọi bài diễn văn ngày 15/7 đó của Tổng thống Nixon là "sự loan báo làm chấn động thế giới" (tr.755). Kissinger thuât lại làn sóng chấn động đó như sau: "...Những ngày kế tiếp đó là những ngày phấn kích đến tận phi lý. Khen ngợi từ khắp thế giới đổ về. Báo chí đồng thanh ca ngợi...

Chua chát lớn nhất đến từ Nhật Bản, Thủ tướng Esaku Sato đã từng là bạn trung thành của nước Mỹ. Quả là đau khổ khi phải làm buồn phiền một người đã từng ra sức kết gắn tình hữu nghị giữa hai nước. Việc loan báo này được biết đến ở Nhật như là ”cú sốc Nixon”. Armin Meyer, Đại sứ của chúng tôi tại Nhật Bản vào lúc đó, là một trong những người bối rối nhất. Ông ta nghe loan báo qua đài phát thanh của quân lực Mỹ khi đang ngồi hớt tóc. Căn cứ hồi ký của ông ấy, phản ứng đầu tiên của ông chính là cay đắng, một phản ứng mà, theo ông, được nhiều người Mỹ và Nhật khác ở Tokyo chia sẻ...”.


Trong quyển hồi ký, TS Kissinger khá vắn tắt khi thuật lại những "ngang trái" ông đã gây ra. Thế nhưng, đó lại không phải là điều mà một số người khác cùng cảm nhận. Joel Skousen của World Affairs, trong bài viết mang tựa đề “Sự gian trá của Kissinger ở Trung quốc” (Kissinger Treachery In China) đã viết rằng 28.000 trang tài liệu mới giải mật về những tiếp xúc giữa ông Kissinger và ông Chu Ân Lai cho thấy "Henry Kissinger đã phản bội lợi ích của nước Mỹ. Ma đạo Machiavel đã dâng hiến các lý tưởng Mỹ trên bàn thờ của chủ nghĩa thực dụng và thực tế trong chính trị (realpolitik)”.


THIÊN TRIỀU

3 nhận xét: